Tìm
English
Thứ tư, 14/12/2016 - 9:38

Tọa đàm: “Cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên chuyên ngành Tài chính quốc tế”
Thực hiện kế hoạch công tác năm học 2016 – 2017, dưới sự đồng ý của Ban giám đốc Học viện Tài chính, vào chiều thứ 6, ngày 9 tháng 12 vừa qua, tại hội trường 700 HVTC, Ban chủ nhiệm khoa Tài chính quốc tế tổ chức buổi tọa đàm định hướng nghề nghiệp với chủ đề ““Cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên chuyên ngành Tài chính quốc tế”.
 >> Tọa đàm: “Kinh nghiệm quốc tế đối với vấn đề kiểm soát chất lượng kiểm toán”

Chương trình được tổ chức với mục đích giúp sinh viên hiểu rõ về chuyên ngành đào tạo và cơ hội làm việc của mình sau khi ra trường, đặc biệt là tạo cơ hội cho các bạn sinh viên năm cuối  tích lũy những kinh nghiệm để bước vào giai đoạn thực tập và tuyển dụng sắp tới. Diễn giả tham gia chương trình là các những chuyên gia đã và đang công tác trong lĩnh vực tuyển dụng và có nhiều kinh nghiệm đến từ các ngân hàng, các doanh nghiệp, các tổ chức lớn, bao gồm: Ông Lê Đức Đạo – kế toán trưởng Công ty TNHH MTV Nhiên liệu xăng dầu hàng không Việt Nam Skypec; Bà Trần Thị Phương Mai, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam chi nhánh Long Biên; Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Đống Đa; Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Thanh Xuân; Ông Nguyễn Thế Thịnh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần thiết bị văn phòng Siêu Thanh; Đại diện Công ty Luật Tuệ Anh; Đại diện Công ty 319 Bộ Quốc Phòng; Ông Mai Văn Phong, Giám đốc Công ty đầu tư và phát triển Nông nghiệp Hà Nội; Đại diện Trung tâm tiếng Anh SLINK; Đại diện CPA Australia tại Việt Nam; Đại diện KPMG tại Việt Nam; Ông Phan Vương Cường, Phó trưởng phòng Kế toán, tập đoàn Foxcon tại Việt Nam – đại diện sinh viên CQ43/08; PGS.,TS Nhữ Trọng Bách, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và Tư vấn tài chính kế toán, Học viện Tài chính; TS. Trịnh Thanh Huyền, Đại diện Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Học viện Tài chính.

Trong chương trình, các bạn sinh viên đã được lắng nghe những chia sẻ, kinh nghiệm hết sức bổ ích qua nhiều năm làm việc và trực tiếp tuyển dụng hàng nghìn sinh viên từ các nhà lãnh đạo các đơn vị. Ông Lê Đăng Đạo – với kinh nghiệm từ nguyên một người thầy của Đại học Tài chính kế toán Hà Nội, với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tài chính cho rằng, sinh viên Học viện Tài chính nói chung và sinh viên chuyên ngành Tài chính quốc tế nói riêng đã, đang và sẽ còn có rất nhiều cơ hội việc làm, cơ hội thăng tiến trong công việc tại các tập đoàn, các tổng công ty lớn của cả trong và ngoài nước. Đồng tình với quan điểm đó, bà Trần Thị Phương Mai Phó Giám đốc Eximbank Long Biên; ông Nguyễn Thanh Tùng Phó Giám đốc Vietinbank Đống Đa cũng khẳng định, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, sinh viên chuyên ngành Tài chính quốc tế có rất nhiều lợi thế trong cạnh tranh, trong tìm kiếm cơ hội việc làm.

Đại diện cho khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Thế Thịnh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần thiết bị văn phòng Siêu Thanh và ông Mai Văn Phong, Giám đốc Công ty đầu tư và phát triển Nông nghiệp Hà Nội hướng dẫn các em sinh viên về chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển, từ cách gọi “Đơn ứng tuyển” hay vì “Đơn xin việc”; từ cách chuẩn bị CV, cách viết về kinh nghiệm bản thân cho ứng viên vừa rời ghế đại học… Tất cả, tất cả những điều bổ ích ấy nhận được sự chú ý, quan tâm cao của các em sinh viên trong Khoa Tài chính quốc tế, từ năm nhất đến năm cuối. Chia sẻ một cách thẳng thắn, ông Nguyễn Thế Thịnh và ông Mai Văn Phong cho rằng, sinh viên mới rời ghế nhà trường cần không ngại khó, ngại khổ ngại vất vả, không để vấn đề lương thưởng trở thành vấn đề chi phối cho quyết định nghề nghiệp. Các em sinh viên cần đi từ điểm thấp nhất, dần trải qua các nấc thang trên con đường thành công để từ đó tích lũy dần những kinh nghiệm quý báu. Những chia sẻ từ hai cựu sinh viên khóa 36 và 37 của Khoa được rất nhiều sinh viên tâm đắc và hưởng ứng.

Cũng trong chương trình, rất nhiều câu hỏi liên quan đến kinh nghiệm ứng tuyển đã được các bạn sinh viên trực tiếp đưa ra để cùng lắng nghe chia sẻ, phân tích từ các diễn giả khách mời. Hầu hết các ý kiến xoay quanh vấn đề chọn ngành, chọn nghề, chọn nơi làm việc tương lại; cách xin số liệu, hoàn thành luận văn tốt nghiệp với sinh viên CQ51. Các câu hỏi liên quan đến chương trình và lộ trình để trở thành thành viên của CPA Australia cũng được các bạn sinh viên khá quan tâm và nhận được sự giải đáp từ đại diện CPA Australia tại buổi tọa đàm. Cùng với đó, chương trình đào tạo ở các cấp độ, từ đại học đến sau đại học của Viện Đào tạo quốc tế cũng nhận được sự đón nhận từ các em sinh viên.

Tại chương trình, các em sinh viên của Khoa Tài chính quốc tế đã nhận được thêm nhiều kinh nghiệm vươn lên trong công việc của anh Phan Vương Cường – Phó trưởng phòng Kế toán, tập đoàn Fecon – cựu sinh viên CQ43/08. Sự thành công của bản thân anh chính là sự động viên lớn cho các em sinh viên của Khoa vươn lên trong học tập, nghiên cứu khoa học và lập nghiệp.

Tại buổi tọa đàm, rất nhiều các phần quà từ các diễn giả, từ trung tâm tiếng Anh SLINK, CPA Australia… đã được dành cho thầy và trò Khoa Tài chính quốc tế. Đó là tình cảm, là sự trân trọng đến từ các diễn giả, các nhà tài trợ, các cựu sinh viên; cũng là sự động viên khích lệ tới các thế hệ sinh viên hiện nay của Khoa.

Chắc chắn rằng với những kiến thức và kinh nghiệm lĩnh hội được sau buổi tọa đàm, các bạn sinh viên khoa Tài chính quốc tế nói chung, đặc biệt là các bạn sinh viên khóa 51 nói riêng đã rút ra nhiều bài học bổ ích, lý thú, và tự tin hơn trên con đường sự nghiệp sắp tới.

Một số hình ảnh đẹp từ buổi tọa đàm:

Các thầy cô và các em sinh viên Khoa Tài chính quốc tế đón tiếp đại biểu khách mời

Sinh viên Tài chính quốc tế hồ hởi, phấn khởi tham gia Tọa đàm

Khoa Tài chính quốc tế nhận Học bổng từ trung tâm Anh ngữ SLINK

PGS.,TS Nguyễn Tiến Thuận thay mặt thầy trò Khoa Tài chính quốc tế cảm ơn tới các diễn giả, các nhà tài trợ

                            

 

Khoa Tài chính quốc tế
Số lần đọc: 3

Danh sách liên kết