Tìm
English
Thứ hai, 25/09/2017 - 15:32

Hội thảo tham vấn “Chính sách tài chính khuyến khích phát triển chuỗi liên kết thủy sản trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do”
Sáng ngày 22/9/2017, tại TP.Cần Thơ, Học viện Tài chính phối hợp cùng Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và khai thác Thủy sản bền vững tại Việt Nam (ICAFIS) và Oxfam tổ chức Hội thảo tham vấn “Chính sách tài chính khuyến khích phát triển chuỗi liên kết thủy sản trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do”.

Tham dự hội thảo là các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà quản lý đến từ các viện, trường, Sở ban ngành và đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

PGS.TS Đỗ Thị Phi Hoài - Chủ nhiệm đề tài, Học Viện Tài chính - Bộ Tài chính báo cáo đề dẫn mục tiêu chương trình hội thảo

Ông Vũ Khắc Liêm - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính phát biểu khai mạc hội thảo

Ban Điều hành Hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Mục tiêu Hội thảo nhằm lấy ý kiến để xây dựng chính sách tài chính nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho người nuôi trồng và doanh nghiệp ngành thủy sản tiếp cận nguồn vốn tái cơ cấu nông nghiệp và đảm bảo liên kết bền vững. Tại hội thảo đại biểu đã nghe phát biểu của lãnh đạo Bộ Tài chính; Báo cáo sơ bộ kết quả nghiên cứu “Chính sách tài chính khuyến khích phát triển chuỗi liên kết thủy sản trong bối cảnh Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)” do TS. Trần Ngọc Hùng, đại diện nhóm nghiên cứu trình bày; Tham luận “Phát triển chuỗi liên kết thủy sản thực trạng và giải pháp” do đại diện Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản trình bày; Tham luận “Cho vay theo chuỗi giá trị thủy sản: thực trạng và giải pháp cải thiện” do Viện Chiến lược Ngân hàng trình bày. Ngoài ra, đại biểu tham dự hội thảo và ban diễn giả (bao gồm: lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hội nghề cá tra Việt Nam, Hiệp hội cá tra, đại diện nhóm nghiên cứu chính sách) đã cùng đội thoại về chính sách tài tài chính khuyến khích phát triển chuỗi liên kết thủy sản trong bối cảnh Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

TS. Trần Ngọc Hùng, thành viên nhóm nghiên cứu – Trường CBQL Nông nghiệp và PTNT I – Bộ NN&PTNT trình bày tham luận

Thành viên nhóm nghiên cứu cùng Ban tổ chức Hội thảo

Qua kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đề xuất các gói giải pháp về mặt hành lang pháp lý, định chế tài chính, vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp và các bên liên quan bao gồm các viện nghiên cứu, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và cơ quan quản lý địa phương nhằm thúc đẩy phát triển ngành thủy sản Việt Nam. Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí cho vay theo chuỗi giá trị tôm và tổ chức tham vấn để thống nhất ý kiến nhằm hiện thực hóa việc triển khai.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi cho vay trong lĩnh vực thủy sản nhưng trên thực tế người dân vẫn khó tiếp cận nguồn vốn. Nguyên nhân một phần do người dân chưa nắm được thông tin, còn lại là gặp rắc rối trong thủ tục vay vốn. Vì vậy, phía ngân hàng cần hướng dẫn cụ thể cho nông dân nắm rõ về quy trình, thủ tục, cách chứng minh phương án kinh doanh… Xác định liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là hướng đi phù hợp, tất yếu đối với sự phát triển bền vững ngành thủy sản, nhiều ý kiến khuyến khích liên kết trực tiếp của doanh nghiệp và nông dân để nguồn vốn vay được sử dụng hiệu quả. Nhà nước cũng cần hoàn thiện khung pháp lý quy định và chế tài đủ mạnh trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ, mua bán giữa doanh nghiệp và nông dân, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng…

Ban HTQT
Số lần đọc: 3

Danh sách liên kết