Tìm
English
Thứ hai, 14/05/2018 - 6:49

Sinh viên chương trình Đào tạo chất lượng cao học tập thực tế nghiệp vụ kế toán tại tập đoàn An Phát
Sáng 10/5, 70 sinh viên chương trình Đào tạo chất lượng cao năm thứ 2, chuyên ngành Kế toán đã có buổi tham quan học tập tại tập đoàn An Phát (Cụm CN An Đồng, Nam Sách, Hải Dương). PGS.,TS. Trương Thị Thủy - Phó Giám đốc Học viện – Trưởng ban Điều hành chương trình Đào tạo chất lượng cao làm trưởng đoàn.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Tham gia buổi học tập thực tế có PGS.,TS., Ngô Thị Thu Hồng - Phó Trưởng khoa Kế toán - Trưởng bộ môn Kế toán Tài chính - Phó đoàn; PGS.,TS.,Nguyễn Xuân Thạch - Trưởng ban Công tác chính trị và sinh viên; các thầy cô giáo lãnh đạo và giảng viên bộ môn Kế toán Tài chính cùng các thầy cô có vấn học tập, các thành viên Ban Điều hành chất lượng cao và sinh viên lớp CQ 54/21.CLC01 và CQ 54/21.CLC02.

Tại tập đoàn An Phát, sinh viên trong đoàn đã có buổi tọa đàm “Nghiệp vụ kế toán với sinh viên chương trình chất lượng cao Học viện Tài chính tại tập đoàn An Phát”.

PGS.,TS. Trương Thị Thủy phát biểu tại buổi tọa đàm

Tham dự buổi tọa đàm này về phía tập đoàn An Phát có ông Nguyễn Lê Trung - Phó tổng giám đốc tập đoàn An Phát - Tổng Giám đốc CTCP Nhựa và Môi trường Xanh; bà Hoà Thị Thu Hà, Phó tổng giám đốc phụ trách kế toán - tài chính; bà Nguyễn Thị Thùy Vân – Kế toán trưởng.

Trong chào mừng mở đầu buổi tọa đàm, doanh nhân Nguyễn Lê Trung đã nhiệt liệt chào đón các Quý thầy cô và các sinh viên Học viện Tài chính đến tham quan, học tập tại tập đoàn An Phát.

Doanh nhân Nguyễn Lê Trung chia sẻ vài giải đáp những câu hỏi của sinh viên trong buổi tọa đàm

Doanh nhân Nguyễn Lê Trung chia sẻ: “Là một cựu sinh viên Học viện Tài chính, khoa Tài chính Kế toán, tôi đã và đang ứng dụng những kỹ năng, kiến thức đã được trau dồi khi còn ngồi trên ghế nhà trường vào thực tiễn hoạt động quản lý kinh doanh tại Tập đoàn. Đối với An Phát, tài chính – kế toán là một bộ phận không thể thiếu, đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra mục tiêu và chiến lược hoạt động, giúp Ban lãnh đạo Công ty quản trị tốt và đưa ra các quyết định tài chính tối ưu nhất. Hiện nay, ở An Phát mỗi công ty đều có hệ thống kế toán – tài chính chuyên trách riêng biệt của từng công ty nhưng tất cả hoạt động theo thể thống nhất, tất cả vì mục tiêu tối đa doanh thu, giảm tối thiểu chi phí và tăng tối đa lợi nhuận...An Phát sẵn sàng chào đón các sinh viên Học viện Tài chính đến thực tập và trở thành những thành viên cốt cán của tập đoàn trong tương lai”.

 Phát biểu trong buổi tọa đàm, PGS.,TS. Trương Thị Thủy đã đánh giá cao những thành quả và sự phát triển của tập đoàn An Phát với vai trò dẫn dắt của lãnh đạo, trong đó có cá nhân Tổng Giám đốc CTCP Nhựa và Môi trường Xanh Nguyễn Lê Trung – người đồng sáng lập và là thành viên Hội đồng quản trị tập đoàn An Phát – cựu sinh viên Học viện Tài chính - Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017, giải thưởng top 10 Doanh nhân Sao Đỏ tiêu biểu.

 Sinh viên Nguyễn Tiến Dũng lớp CQ54/21 CLC.01 đặt câu hỏi trong buổi tọa đàm

PGS.,TS. Trương Thị Thủy nêu tầm quan trọng của buổi tham quan, học tập của sinh viên tại tập đoàn An Phát. Đây là trải nghiệm vô cùng quý báu để bổ sung, củng cố những kiến thức sinh viên vừa được học tập trong học phần Kế toán tài chính 1, 2 và Tài chính doanh nghiệp 1, chuẩn bị cho phần học về  kế toán tập đoàn. Buổi học tập còn là những kỷ niệm sâu sắc trong quá trình học tập của các em, được học tập về kiến thức chuyên ngành trong thực tiễn tại 1 tập đoàn lớn mà còn được quan sát phong cách làm việc chuyên nghiệp của lãnh đạo, nhân viên của tập đoàn. PGS.,TS. Trương Thị Thủy bày tỏ mong muốn được sự hỗ trợ và hợp tác lâu dài của tập đoàn với Học viện trong đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.

PGS.,TS. Trương Thị Thủy chỉ rõ: “Sinh viên sẽ được học hỏi năng lực, tinh thần, văn hóa và phương châm của lãnh đạo, nhân viên tập đoàn. Đây là sự khởi đầu về viêc học tập, nghiên cứu về hoạt động tài chính - kế  toán với mô hình tập đoàn của sinh viên Học viện Tài chính.”

PGS.,TS. Trương Thị Thủy thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện cũng như thầy cô giáo và sinh viên gửi lời cảm ơn trân trọng đối với tập đoàn và nhắc nhở mỗi sinh viên phải luôn tự rèn luyện, phấn đấu theo các lớp đàn anh chị đi trước, đóng góp cho gia đình và xã hội bằng những kiến thức, kỹ năng đã được đào tạo tại ngôi trường có 55 năm truyền thống xây dựng và phát triển và là đầu ngành về của cả nước về đào tạo tài chính – kế toán.

 Phó tổng giám đốc phụ trách kế toán - tài chính Hoà Thị Thu Hà giải đáp những thắc mắc của sinh viên

Trước khi bước vào phần chính của tọa đàm, đoàn đã được nghe giới thiệu về quá trình thành lập, quy mô, cơ cấu tổ chức bộ máy, các bước phát triển và những thành quả mà An Phát đã đạt được. Theo đó, An Phát đã trải qua 15 năm xây dựng và phát triển. Tập đoàn hiện có 12 công ty thành viên và gần 3.000 cán bộ nhân viên.

Tại buổi tọa đàm, sinh viên đã được giải đáp nhiều câu hỏi và vấn đề liên quan đến nghiệp vụ và thực tiễn hoạt động kế toán - tài chính, những vướng mắc trong quá trình học bởi lãnh đạo và những người đứng đầu chuyên môn về kế toán – tài chính của tập đoàn. Đó là hàng loạt các câu hỏi như: Vì sao tập đoàn chọn phát hành trái phiếu trong huy động vốn; giao dịch quy đổi ngoại tệ trong xuất nhập khẩu;  những loại và mức thuế trong xuất nhập khẩu; quy trình xuất kho, bộ chứng từ liên quan đến xuất kho; phương pháp lựa chọn trong xuất hàng tồn kho và phương pháp tính giá thành; quy trình lập bộ chứng từ xuất nhập khẩu; giao dịch tài chính trong nội bộ…

 Sinh viên ghi chép lại những điều học hỏi được trong buổi tọa đàm

Đại diện tập đoàn An Phát không chỉ giải đáp tận tình mà còn chia sẻ những kinh nghiệmquý báu, những kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm trong quản lý hoạt động tài chính – kế toán của tập đoàn.

Ngay sau buổi tọa đàm, Đoàn đã được tham quan nhà máy số 6 của CTCP Nhựa và Môi trường Xanh, tiếp cận với quy trình sản xuất hiện đại trong môi trường chuyên môn hóa cao.

Tham quan CTCP Nhựa và Môi trường Xanh

Theo sinh viên Bùi Thị Yến Minh (CQ 54/21.CLC.01): “Thông qua buổi tọa đàm và thực tế với doanh nghiệp An Phát em biết thêm được nhiều điều bổ ích bổ sung kiến thức về chính chuyên ngành kế toán doanh nghiệp mà em đang theo học và những khó khăn kế toán viên hay gặp phải khi hạch toán các nghiệp vụ phát sinh, những khó khăn trong việc hạch toán và lập báo cáo tài chính. Chúng em còn được giải đáp thắc mắc về các quyết định quản lý của doanh nghiệp trong quá khứ, củng cố thêm kiến thức đã học trong giảng đường.

Không những thế em còn được tham quan nhà xưởng số 6 nơi sản xuất túi nilon xuất khẩu. Em cảm thấy rất ấn tượng về cách làm việc chuyên nghiệp, dây truyền sản xuất và mức độ an toàn vệ sinh của sản phẩm do công ty sản xuất.

Em mong muốn rằng nhà trường và thầy cô giáo sẽ cho phép chúng em đi thực tế nhiều hơn nữa để có thể thu nạp, củng cố kiến thức và không phải bỡ ngỡ khi được thực hành trong thực tiễn.”

Sinh viên được nghe hướng dẫn về quy trình sản xuất sản xuất bao bì tự hủy của CTCP Nhựa và Môi trường Xanh

Sinh viên Nguyễn Tiến Dũng (lớp CQ 54/21. CLC.01) cũng cho biết:“ Đây thực sự là một buổi học tập về chuyên ngành kế toán – tài chính thú vị. Con đường lập nghiệp của những người sáng lập và tạo dựng nên một tập đoàn lớn là tấm gương để chúng em học tập, noi theo. Đặc biệt, được tiếp cận, trao đổi với doanh nhân Nguyễn Lê Trung là một cơ hội quý báu. Anh tấm gương giúp em có thêm động lực để phấn đấu học tập, rèn luyện. ”.

Việc tổ chức học tập thực tiễn cho sinh viên tại các doanh nghiệp có uy tín là yêu cầu trong quy trình đào tạo sinh viên của Học viện Tài chính, đảm bảo phương châm “học đi đôi với hành”.

Tập đoàn An Phát - một doanh nghiệp sản xuất bao bì tự hủy lớn nhất Việt Nam, nằm trong top 10 doanh nghiệp sản xuất bao bì tự hủy lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương (theo báo cáo của Chervon Philips) là môi trường học tập tốt, các em học hỏi được nhiều điều. Đặc biệt, đây là dịp các em được gặp gỡ, trao đổi với doanh nhân trẻ Nguyễn Lê Trung - người giữ vai trò xây dựng chiến lược, tầm nhìn, định hướng kế hoạch sản xuất kinh doanh của tập đoàn, hướng tới thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới bằng các chính sách đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến trên thế giới; đề cao việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chú trọng công tác thi đua, khen thưởng, từ thiện xã hội. Mặt khác, với tầm nhìn trở thành một trong những tập đoàn nhựa hàng đầu châu Á, trong cương vị là một Tổng Giám đốc, Nguyễn Lê Trung luôn chú trọng phát hiện, tuyển dụng, sử dụng và phát triển tài năng khi đánh giá yếu tố con người là nhân tố hàng đầu trong sự thành công của tập đoàn.

Thông qua cựu sinh viên Học viện Tài chính - doanh nhân Nguyễn Lê Trung đã truyền cảm hứng về khởi nghiệp trẻ - dám nghĩ dám làm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn thử thách để thành công cho sinh viên.

Thu nhận của sinh viên chương trình Đào tạo chất lượng cao từ buổi tham quan, học tập này vì thể không thể đo đếm. Thông qua đó, không chỉ những kiến thức chuyên ngành của các em được củng cố bổ sung mà còn tạo nên những cảm xúc đẹp, động lực mạnh mẽ góp phần thắp sáng tinh thần khởi nghiệp trẻ, xác định đúng đắn động cơ học tập cũng như vai trò thanh niên đối với xã hội, đất nước.

Một số hình ảnh khác:

PGS.,TS. Trương Thị Thủy tặng quà cho tập đoàn An Phát

Sinh viên tự tin đặt câu hỏi cho đại diện lãnh đạo tập đoàn An Phát.

 Giao lưu văn nghệ

 Cùng hát vang bài ca truyền thống của Học viện Tài chính

 Tham quan CTCP Nhựa và Môi trường Xanh

 Cùng chụp ảnh lưu niệm

 

 

 

 

 

 

 

Ban CTC&SV
Số lần đọc: 6

Danh sách liên kết