Tìm
English
Thứ ba, 05/06/2018 - 5:55

Học viện Tài chính: “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2018, Học viện Tài chính kêu gọi cán bộ, viên chức, người lao động và sinh viên cùng nhau giảm thiểu việc sử dụng túi nilon trong công việc và sinh hoạt.


 Sự nguy hại của túi nilon

Tháng hành động vì môi trường thế giới

Đây là cuộc vận động nhằm thực hiện “Tháng hành động vì môi trường thế giới”, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05/6/2018 theo nội dung Công văn số 1964/BGDĐT-KHCNMT ngày 16/5/2018 của Bộ Giáo dục – Đào tạo.
Nội dung Công văn số 1964/BGDĐT-KHCNMT ngày 16/5/2018 của Bộ Giáo dục – Đào tạo đã chỉ rõ: khuyến khích sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng các nguồn nguyên nhiên liệu phát sinh nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính; tạo dư luận và áp lực xã hội lên án hành vi  gây ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học… ; tổ chức các chiến dịch trồng cây xanh, trồng rừng ngập mặn ứng phó biến đổi khí hậu; Chiến dịch "Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần"; Chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thực hiện các hoạt động thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi nilon tại đơn vị, trường học, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư; tổ chức các lớp học giáo dục môi trường; thực hiện treo băng rôn, panô, áp phích, khẩu hiệu về chủ đề Ngày Môi trường thế giới 2018 “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”, tại trường học, khu vực quanh trường học, trụ sở cơ quan, nơi đông người qua lại; phổ biến các mô hình tiên tiến về giáo dục bảo vệ môi trường...

Ô nhiễm trắng

 “Ô nhiễm trắng” là cụm từ mà các nhà khoa học dùng để gọi về một loại ô nhiễm do túi nilon gây ra cho môi trường. Ô nhiễm trắng xảy ra khi con người xử lý túi nilon đã qua sử dụng không đúng cách, với hàng loạt hệ lụy khôn lường…

Thông điệp mạnh mẽ từ môi trường

Ước tính trọng lượng túi nilon bị vứt mỗi năm vào khoảng 3,5 triệu tấn và nếu nối tất cả túi nilon cũng như rác thải nhựa, ta sẽ được một sợi dây thòng lọng quấn quanh Trái đất 4 lần.

Theo phân tích của các chuyên gia Viện Công nghệ hóa học, túi nilon ở Việt Nam được làm chủ yếu từ nhựa nhựa PE hoặc nhựa PP có nguồn gốc từ dầu mỏ. Thành phần các loại nhựa này không chứa độc nhưng các chất phụ gia  làm mềm dẻo, dai lại vô cùng độc hại. Nguy hiểm nhất, ở nhiệt độ 70 – 80o C hoặc sử dụng đựng dưa muối, cà muối... sẽ làm các phụ gia dùng sản xuất túi nilon sẽ hòa tan vào thực phẩm gây ung thư cho người sử dụng.

Thông điệp về giảm “Ô nhiễm trắng”

Trong số lượng khổng lồ túi nilon được sử dụng, chỉ có chưa tới 1% trong số chúng được tái chế và sử dụng đúng cách. 

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, rác thải nilon chôn lấp sẽ gây ô nhiễm môi trường đất và nước và có khi phải mất 500 đến 1.000 năm mới có thể phân hủy. Vì vậy, rác thải này gây cản trở sự sinh trưởng và phát triển các loại thực vật - ngăn cản việc đưa nước từ đất đến các loại thực vật, ngăn cản sự phát triển chúng. Đồng thời, thói quen vứt rác bừa bãi của con người khiến túi nilon trở thành thứ rác tràn lan làm mất mỹ quan và là tác nhân ẩn chứa vi khuẩn bệnh tiềm tàng, tắc nghẽn cống rãnh, ô nhiễm môi trường… Đây cũng là nguyên nhân của sự xói mòn đất, ảnh hưởng đến sự phát triển sinh thái trong vùng.

 Thông điệp từ sinh viên Học viện Tài chính

Nếu đốt, nilon sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan, chì, cadimi, lưu huỳnh… gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ và nguy hiểm hơn là có khả năng gây ung thư… Những loại chất này bốc hơi còn gây mưa axit cũng như ô nhiễm môi trường đất. Đây là nguyên nhân gián tiếp gây nên cái chết của các sinh vật trên mặt đất, kể cả con người. 

Với việc cắt giảm 60-80% lượng túi nilon được sử dụng có thể giúp giảm việc tạo ra khoảng 100.000 tấn CO2 mỗi năm, tương đương với việc giảm 35.000 xe hơi trên đường phố.

Từ chối sử dụng túi nilon là hành động thiết thực bảo vệ môi trường

Cắt băng khánh thành chương trình Không gian xanh 2018 của Học viện Tài chính sáng 27/5/2018

Ban Công tác Chính trị & sinh viên đã phối hợp với Đoàn TNCSHCM, Hội sinh viên Học viện Tài chính phát động nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền về việc nâng cao ý thức giữ gìn cũng như góp phần bảo vệ môi trường trong sinh viên như: Chương trình Không gian xanh 2018 (sáng ngày 27/5/2018, trong giai đoạn 1 của chương trình, hơn 60 cây xanh đã được trồng tại Khu dự án mới của Học viện Tài chính. Giai đoạn 2 dự kiến thực hiện cuối tháng 6/2018 sẽ tiếp tục trồng 60 cây xanh); Đổi vỏ chai, giấy vụn lấy cây xanh (ngày 30/5/2018 với kết quả thu được gần 1 tạ phế liệu là túi nilon và vỏ chai nhựa đã qua sử dụng. Hàng nghìn lượt tiếp cận bài viết trên fanpage của chương trình do CLB kinh tế xanh thực hiện.) phối hợp cùng Đoàn TNCSHCM phường Đức Thắng tổ chức chương trình biến chân rác thành vườn hoa... 

 Hoạt đổi vỏ chai, giấy vụn lấy cây xanh

Môi trường và ô nhiễm môi trường là vấn đề lớn, mang tính toàn cầu. Để giải quyết vấn nạn này cần có sự chung tay vào cuộc của tất cả mọi  người, mọi lúc, mọi nơi. Tình trạng ô nhiễm môi trường sẽ được cải thiện nếu

Cán bộ, viên chức, người lao động và sinh viên hãy bắt đầu với:

Nói KHÔNG hoặc HẠN CHẾ việc mua hay sử dụng túi nilon thông thường:

- Hãy chọn mua và tin dùng các loại túi vải, túi giấy tái chế, túi dệt từ sợi nylon sử dụng nhiều lần, túi nilon tự phân hủy.

- Giặt sạch và tái sử dụng các túi nilon mới dùng 1, 2 lần.

- Bỏ túi nilon đã qua sử dụng vào thùng rác, không tự ý đốt hay chôn lấp.

 

Ban CTCT&SV
Số lần đọc: 383

Danh sách liên kết