Tìm
English
Thứ hai, 17/09/2018 - 13:49

Sinh viên lớp CLC chuyên ngành TCDN thăm quan, khảo sát thực tế học phần TCDN3 tại Tập đoàn An Phát
Thực hiện kế hoạch đào tạo năm học 2018-2019, sáng ngày 13/9/2018, Khoa TCDN và Bộ môn TCDN đã phối hợp với Ban Điều hành chương trình chất lượng cao tổ chức đưa Đoàn sinh viên 2 lớp đào tạo theo chương trình chất lượng cao CQ54/11.01&02CL chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp đi thăm quan, khảo sát thực tế tại Công ty cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát thuộc Tập đoàn An Phát tại Cụm Công nghiệp An Đồng, Nam Sách, Hải Dương.

PGS.TS. Trương Thị Thuỷ - Phó giám đốc Học viện Tài chính

 phát biểu ý kiến tại buổi thăm quan, khảo sát thực tế

Về phía lãnh đạo Học viện, Khoa và Bộ môn TCDN tham gia đoàn khảo sát có: PGS.TS. Trương Thị Thuỷ - Phó Giám đốc Học viện, Trưởng ban Điều hành chương trình Đào tạo chất lượng cao; PGS.TS. Vũ Văn Ninh - Phó Trưởng khoa, Trưởng bộ môn Tài chính doanh nghiệp; PGS.TS Đoàn Hương Quỳnh - Phó trưởng khoa, Phó trưởng Bộ môn TCDN; PGS.TS Nguyễn Thị Hà - Phó trưởng bộ môn TCDN; TS. Phạm Thị Vân Anh - Phó Trưởng Bộ môn TCDN. Cùng đi với đoàn còn có: ThS Trương Thị Vân Lý và ThS.Tạ Đình Hòa - thành viên Ban điều hành chương trình đào tạo CLC của Học viện Tài chính; Các giảng viên của Bộ môn Tài chính doanh nghiệp cùng 87 em sinh viên 02 lớp CQ54/11.01&02CL

Về phía Tập đoàn An Phát có Ông Phạm Đỗ Huy Cường - Giám đốc tài chính Tập đoàn An Phát, Cựu sinh viên Khóa 39-HVTC; Bà Hoà Thị Thu Hà - Phó Tổng giám đốc phụ trách Tài chính - Kế toán CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát; Bà Nguyễn Thị Thuỳ Vân - Kế toán trưởng công ty; Ông Luyện Quang Thắng - Chuyên viên Ban Tài chính Tập đoàn An Phát, Cựu sinh viên khóa 50-HVTC, cùng một số cán bộ đại diện đến từ nhà máy số 6, đại diện Ban truyền thông của Tập đoàn An Phát.

Theo “đặt hàng” của Bộ môn TCDN, trong đợt thăm quan, khảo sát lần này Tập đoàn sẽ đưa Thầy cô và sinh viên thăm quan dây chuyền sản xuất tại Nhà máy sản xuất các sản phẩm nhựa, bao bì xuất khẩu. Tiếp theo đó, Đoàn khảo sát sẽ nghe báo cáo chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản trị tài chính tại Tập đoàn An Phát với hai chủ đề trọng tâm gắn với nội dung của học phần TCDN 3 là chủ đề: Chính sách Huy động vốn và điều hòa vốn tại Tập đoàn; chủ đề Chính sách cổ tức của công ty cổ phần.

Trong phần đầu, Ông Luyện Quang Thắng đã đưa toàn thể các thầy giáo, cô giáo cùng các bạn sinh viên khảo sát thực tế tại Nhà máy số 6 của CTCP Nhựa và Môi Trường Xanh An Phát, tham quan dây chuyền sản xuất bao bì màng mỏng hiện đại theo công nghệ Nhật Bản trong môi trường chuyên môn hoá và chuyên nghiệp hóa cao, chứng kiến quy trình sản xuất một số các sản phẩm của công ty như: túi tự huỷ, túi siêu thị cao cấp dạng Die cut handle được in màu, túi siêu thị dạng cuộn có in màu, túi siêu thị dạng cuộn không in màu, túi đựng rác, hạt nhựa theo chuẩn quy trình đến từ Nhật Bản. Tất cả sản phẩm được sản xuất tại nhà máy số 6 đều được xuất khẩu tới thị trường Nhật Bản, Úc và Châu Âu với sản lượng trung bình 3.000 tấn/ tháng.

Đoàn tham quan dây chuyền sản xuất bao bì màng mỏng

 tại CTCP Nhựa và Môi trường Xanh An Phát

Phát biểu tại buổi thăm quan, khảo sát tại Tập đoàn An Phát,  PGS.TS Trương Thị Thuỷ- Phó Giám đốc Học viện đã đánh giá cao những thành quả và sự phát triển của Tập đoàn An Phát nói chung và CTCP Nhựa và Môi trường Xanh An Phát nói riêng trên thị trường trong nước và quốc tế. PGS Trương Thị Thủy cũng nêu lên tầm quan trọng của buổi tham quan, khảo sát và học tập của sinh viên lớp chất lượng cao tại Tập đoàn An Phát. Đây là trải nghiệm có giá trị lớn, có ý nghĩa bổ sung, củng cố những kiến thức mà sinh viên lớp chất lượng cao chuyên ngành TCDN đã và đang học. Các em không chỉ được trải nghiệm thực tế về những vấn đề đã được học trong môn TCDN 3 của các em mà còn là sự trau dồi, bổ sung thêm những kiến thức có liên quan như về Kinh tế học, Quản trị kinh doanh, Kế toán tài chính, Kế toán quản trị…để có những chiến lược, mục tiêu trong quá trình rèn luyện và tu dưỡng bản thân, đón đầu cho những bước đi vững chắc trong con đường chinh phục đỉnh cao nghề nghiệp ở tương lai. PGS.TS Trương Thị Thuỷ bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và hợp tác lâu dài của Tập đoàn An Phát với Học viện Tài chính trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Thành lập vào năm 2002 với vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 500 triệu đồng, sau 15 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn An Phát đã thiết lập được vị trí vững vàng trong hoạt động kinh doanh. Đến nay, An Phát là tập đoàn hàng đầu khu vực trong lĩnh vực sản xuất túi nhựa tự hủy với hơn 2.500 cán bộ nhân viên hoạt động trong 5 công ty thành viên, bao gồm An Phát Holdings, CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát (mã chứng khoán là AAA), CTCP Nhựa và Khoáng sản An Phát - Yên Bái (mã chứng khoán là HII), CTCP Liên Vận An Tín và CTCP Sản xuất Tổng hợp An Thành. Dưới sự nỗ lực của Ban lãnh đạo, Tập đoàn đã và đang hoàn thiện hệ sinh thái doanh nghiệp, mở rộng chuỗi giá trị ngành nhựa với những chiến lược kinh doanh gắn chặt với việc nghiên cứu chi tiết, chuyên sâu về: Văn hoá doanh nghiệp,  Thị trường, Sản phẩm; tiến hành nghiên cứu phát triển, thành lập mới hoặc sáp nhập hợp nhất để thâm nhập vào thị trường về cả chiều dọc và chiều ngang, với mục tiêu tạo ra giá trị tốt nhất trong ngành công nghiệp tạo ra những liên minh chặt chẽ trong chuỗi giá trị khép kín, theo định hướng tài chính thận trọng để duy trì đòn bẩy tài chính hợp lý, quản lý hiệu quả nợ phải thu, đẩy mạnh vòng quay vốn, đặc biệt là đầu tư cẩn trọng trong những dự án kinh doanh mới trên cơ sở nghiên cứu thị trường, gia tăng giá trị tài sản cho cổ đông.

Ông Luyện Quang Thắng – Chuyên viên Ban Tài chính của Tập đoàn giới thiệu khái quát về

Tập đoàn và hoạt động kinh doanh tại Tập đoàn An Phát

Trong năm 2017, sản lượng sản xuất của An Phát đã đạt mốc 8,000 tấn thành phẩm/tháng, đưa công ty trở thành đơn vị sản xuất và xuất khẩu bao bì nhựa màng mỏng lớn nhất Đông Nam Á, với 100% thành phẩm bao bì màng mỏng được xuất khẩu. Theo đó, tổng sản lượng cả năm đạt 94.693,5 tấn, tăng 51,95 % so với tổng sản lượng năm 2016. Doanh thu và Lợi nhuận sau thuế lần lượt ước đạt là 4.076 tỷ đồng và 264 tỷ đồng, tăng 90% so với Doanh thu và tăng 85% so với lợi nhuận năm 2016, vượt xa kế hoạch Đại hội Đồng cổ đông giao cho. Vốn hóa thị trường của công ty ngày 31/12/2017 đạt mức 2,767 tỉ đồng; CTCP An Phát giữ vững vị trí là công ty sản xuất và xuất khẩu bao bì màng mỏng niêm yết lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Với sự khái quát trong cách trình bày, mô hình hoá các chỉ tiêu tài chính chủ yếu của Tập đoàn nói chung và CTCP Nhựa và môi trường xanh An Phát nói riêng đến từ ông Luyện Quang Thắng, các sinh viên được cụ thể hoá những nội dung lý thuyết được áp dụng vào thực tế phân tích tài chính, đánh giá, quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các sinh viên cũng đã nhận ra một vấn đề quan trọng trong nghiên cứu tài chính và định hướng nghề nghiệp theo đuổi đó là: Muốn hiểu về quản trị tài chính công ty và có thể tư vấn chính sách tài chính cho doanh nghiệp thì trước tiên phải hiểu rõ mọi góc cạnh tác động tới doanh nghiệp, từ chính sách pháp luật, môi trường kinh doanh, đặc điểm ngành nghề sản xuất kinh doanh, cơ cấu tổ chức, cơ cấu cổ đông, tầm nhìn, mục tiêu chiến lược của công ty...một trong những nội dung mà khi ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên chúng ta thường ít có sự quan tâm.

Thầy và trò trong đoàn khảo sát đang nghe Báo cáo về  Chính sách tài chính của Tập đoàn An Phát

Để có được những thành tựu như ngày hôm nay, đại diện của Tập đoàn An Phát cũng nhấn mạnh “Con người và văn hoá doanh nghiệp là yếu tố linh hồn của Tập đoàn An Phát”. Văn hóa An Phát được nhắc đến như những báu vật vô cùng quý giá mà tất cả con người An Phát đều phải thuộc lòng và không được đánh mất nó ở bất cứ nơi đâu như: Văn hóa giữ tín, Văn hóa vượt khó, Văn hóa sáng tạo, Văn hóa chào hỏi. Đặc biệt hơn nữa, Văn hóa An Phát phải kể đến đó là Văn hóa 9G (Gia đình - Giữ tín - Gương mẫu - Gánh vác - Gần gũi - Gợi mở - Giáo dục - Giúp đỡ - Giám sát), Văn hóa 9T (Tập thể - Tôn trọng - Tuân thủ - Trung thực - Thực hiện - Tâm huyết - Thạo việc - Tự tin - Trách nhiệm) mà đích thân Chủ tịch Tập đoàn Phạm Ánh Dương đã nhiều đêm thức trắng và trăn trở để nghiên cứu, xây dựng và vận dụng cho toàn thể CBCNV. Ở An Phát, hàng tháng nhân viên được thẳng thắn đánh giá lãnh đạo qua Văn hóa 9G, là bộ các nguyên tắc ứng xử của người quản lý đối với anh em nhân viên nhằm tạo môi trường làm việc hiệu quả và xây dựng mối quan hệ bền vững giữa anh em cán bộ nhân viên với Công ty. Ngược lại, lãnh đạo sẽ đánh giá nhân viên qua Văn hoá 9T, là bộ các quy tắc ứng xử của nhân viên đối với lãnh đạo. Điều đó thể hiện sự nhân văn và minh bạch với từng vị trí, từng cá nhân là người An Phát. Con người An Phát được đào tạo, giáo dục là những người có đạo đức, có văn hóa, là những người sáng tạo không ngừng, không ngại khó, không ngại khổ, dám vượt qua mọi thử thách để đến được đích vinh quang.

Với sự mở rộng về tư duy tài chính, những chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về chính sách huy động vốn, chính sách cổ tức đến từ Ông Phạm Đỗ Huy Cường- Giám đốc tài chính của Tập đoàn An Phát đã được các em sinh viên hồ hởi đón nhận trong không khí hào hứng và sôi nổi. Những nhận định, phân tích chuyên sâu về hai chính sách tài chính quan trọng trong quản trị tài chính doanh nghiệp, đã đưa đến cho các bạn sinh viên những bài học thực tế vô cùng thú vị.

Ông Phạm Đỗ Huy Cường - CFO của Tập đoàn An Phát chia sẻ về

chính sách huy động vốn và chính sách cổ tức tại  Tập đoàn An Phát

Sinh viên chuyên ngành chất lượng cao TCDN đã thể hiện rõ tâm thế chủ động học hỏi về thực trạng Quản trị tài chính tại Tập đoàn qua các vấn đề được nêu ra trong phần hỏi đáp và thảo luận đó là:

1. Cơ cấu nguồn vốn mục tiêu tại Tập đoàn? Cơ sở để tổ chức huy động vốn vay, vốn chủ sở hữu? Vấn đề phát hành trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi.

2. Bài toán về thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa tại công ty. Sản phẩm công ty đều xuất khẩu sang các thị trường thế giới, những thị trường khó tính với hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Châu Âu.. Tại sao một doanh nghiệp Việt Nam nhưng không chú trọng thị trường nội địa.

3. Lợi thế của công ty khi huy động vốn? Công ty làm thế nào để có nguồn vốn vay rẻ hơn.

4. Áp lực về dòng tiền của công ty khi lựa chọn hình thức trả cổ tức bằng tiền mặt.

5. Những lý do mà công ty mua lại Công ty cổ phần xơ sợi Đình Vũ. Công ty đã tái cơ cấu lại hoạt động của công ty xơ sợi Đình Vũ ra sao.

6. Vấn đề điều hòa vốn trong Tập đoàn thông qua vai trò của An phat Holdings.

7. Cơ chế quản lý tài chính mà đặc biệt là cơ chế huy động vốn, đầu tư vốn đối với các công ty con trong Tập đoàn. Chính sách cổ tức được đưa ra dựa trên cơ sở nào.

8. Vấn đề về xử lý rủi ro lãi suất, rủi ro tỷ giá liên quan đến ngoại tệ khi Tập đoàn thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu?

9. Tầm nhìn của người sáng lập, quy trình vận hành tại nhà máy số 6 CTCP Nhưa và Môi trường Xanh An Phát?

10. Văn hoá doanh nghiệp được xây dựng tại công ty như thế nào?

Sinh viên Vũ Đức Hải CQ 54/11CL.02 nêu câu hỏi cho diễn giả

Sinh viên Vũ Thế Anh CQ 54/11CL.01 trao đổi ý kiến với đại diện Tập đoàn An Phát

Sinh viên Nguyễn Phan Khánh Linh (CQ 54/11CL.01 trao đổi một số thắc mắc với diễn giả

Ông Phạm Đỗ Huy Cường- Giám đốc tài chính Tập đoàn An Phát không chỉ giải đáp tận tình, sâu sắc mà còn chia sẻ những kinh nghiệm, những nghệ thuật quản trị tài chính được áp dụng linh hoạt từ lý thuyết đến thực tiễn tạo ra giá trị cộng hưởng ngày các lớn ở các công ty con trong Tập đoàn, từ đó gia tăng giá trị cho các cổ đông trong Tập đoàn, tạo ra vị thế lớn mạnh của Tập đoàn trên thương trường cạnh tranh khốc liệt. Qua đó, các bạn sinh viên cũng đã rút ra cho mình những đúc kết quý báu mang tính chất chiến lược tại Tập đoàn An Phát như:

1. Về phương hướng kinh doanh, Tập đoàn An Phát sẽ cấu trúc lại bộ máy hoạt động, nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu sản phẩm phù hợp hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, Tập đoàn sẽ tập trung vào các sản phẩm chủ lực là bao bì thân thiện với môi trường, nhựa kỹ thuật cao, hoá chất....Đẩy mạnh công tác R&D, Marketing, xây dựng các thương hiệu sản phẩm riêng để tạo thêm giá trị, tăng cường hợp tác, chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp với nhu cầu tiêu dùng.

2. Về nhân sự, Tập đoàn An Phát có kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thông qua chương trình Quản trị viên tập sự tiềm năng; nâng cao năng lực trình độ của đội ngũ, hoàn thiện văn hoá doanh nghiệp, duy trì tinh thần đoàn kết, sáng tạo, sẵn sàng đón nhận và vượt qua thử thách.

3. Về tài chính và tuân thủ pháp lý, Tập đoàn An Phát sẽ đảm bảo một chính sách tài chính thận trọng với một nguồn lực dồi dào, thông suốt trong mọi hoạt động kinh doanh và đầu tư phát triển, làm tốt công tác giám sát tuân thủ, duy trì kỷ luật và sự an toàn của hệ thống tài chính trong Tập đoàn.

Nhận được sự động viên và khích lệ này, các bạn sinh viên cũng đã có những lời tự hứa với bản thân sẽ cố gắng hơn nữa trong việc nâng cao trình độ chuyên môn và thái độ sống ngày càng tốt hơn, trở thành những con người có giá trị mới, có ích cho xã hội.  Theo sinh viên Nguyễn Phan Khánh Linh (CQ 54/11CL.01) chia sẻ: “Thông qua buổi hội thảo và khảo sát thực tế tại công ty AAA thuộc Tập đoàn An Phát, em biết thêm được nhiều điều bổ ích, bổ sung kiến thức về chuyên ngành TCDN mà em đang theo học, em cảm thấy định hình rõ hơn những công việc mình có thể làm khi học chuyên ngành này'’. Còn sinh viên Lê Thành Nam ( CQ 54/11CL.02) cũng cho biết: “Em rất biết ơn các Thầy Cô đã tạo điều kiện cho chúng em có chuyến đi thực tế bổ ích như vậy. Cảm ơn sự chia sẻ nhiệt thành của các Đại diện đến từ Tập đoàn An Phát. Con đường lập thân, lập nghiệp của những người sáng lập, sự chuyên nghiệp trong công tác quản trị sản xuất, quản trị tài chính tại Tập đoàn sẽ mãi là động lực để chúng em tiếp tục phấn đấu rèn luyện”.

Chuyến đi đã để lại trong lòng các bạn sinh viên những ấn tượng sâu sắc về không gian xanh, một nhà máy sản xuất nhựa luôn đảm bảo các chỉ số về bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, những quy chuẩn trong công tác kiểm tra giám sát sản xuất. Sinh viên CLC chuyên ngành TCDN đã có cơ hội được tiếp cận với thực trạng quản lý tài chính ở doanh nghiệp uy tín. Các em đều mong muốn Học viện, Khoa TCDN, Bộ môn TCDN và các Thầy Cô giáo tổ chức nhiều hơn nữa những chuyến đi kiến tập, khảo sát thực tế để có thể thu nạp, củng cố những kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đã được học, tạo hành trang vững chắc trước khi bước vào thực tiễn cuộc sống.

PGS.TS.Trương Thị Thủy - Phó Giám đốc Học viện tặng quà lưu niệm cho đại diện

Tập đoàn và CTCP Nhựa và môi trường xanh An Phát

Kết thúc buổi học tập thực tế, PGS.,TS Vũ Văn Ninh cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của Ban lãnh đạo Tập đoàn, các đại diện đến từ Tập đoàn An Phát, đặc biệt là Ban lãnh đạo công ty cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát đã nhiệt tình tiếp đón, chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức không chỉ liên quan trực tiếp tới môn học TCDN mà còn nhiều kiến thức bổ ích liên quan đến quản trị doanh nghiệp cho sinh viên của Học viện Tài chính. PGS,TS Vũ Văn Ninh nhấn mạnh việc sinh viên được trao đổi kiến thức với Giám đốc tài chính, Kế toán trưởng, giám sát sản xuất tại phân xưởng, nhà máy rất có ý nghĩa đối sinh viên chất lượng cao, đồng thời cũng mong muốn Ban lãnh đạo Tập đoàn An Phát và Công ty cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát sẽ mở cánh cửa cơ hội việc làm cho sinh viên chuyên ngành TCDN tại ngày hội thực tập sinh tiềm năng diễn ra vào tháng 12 sắp tới và công ty sẽ có nhiều hoạt động hơn nữa để đẩy mạnh phương châm “Hợp tác lâu dài, hướng tới tương lai” giữa Học viện Tài chính và Tập đoàn An Phát.

PGS.TS Vũ Văn Ninh - Phó Trưởng Khoa Tài chính doanh nghiệp trao đổi

 về vấn đề huy động và điều hòa vốn tại Tập đoàn An Phát

Buổi thăm quan, khảo sát thực tế môn môn học TCDN3 tại Công ty cổ phần Nhựa và Môi trường Xanh An Phát đã khép lại chương trình thực tế môn học dành cho sinh viên chương trình Đào tạo CLC học kỳ I, năm học 2018 - 2019 với chủ trương 100% sinh viên CQ54-11CLC được đi thực tế môn học TCDN3. Đây là chủ trương mà Ban Giám đốc Học viện Tài chính đã chỉ đạo và Ban điều hành chương trình Đào tạo CLC phối hợp với Khoa và Bộ môn TCDN triển khai thực hiện. Hoạt động này sẽ thực hiện thường kỳ không chỉ trong tổng thể các hoạt động hỗ trợ đào tạo trong toàn khóa học của chương trình Đào tạo chất lượng cao mà còn từng bước mở rộng trong chương trình đào tạo chung của Học viện Tài chính.

Một số hình ảnh khác tại chuyến thăm quan, khảo sát Tập đoàn An Phát:

Đoàn tham quan khảo sát thực tế tại Tập đoàn An Phát

...  Nghe giới thiệu về quy trình công nghệ sản xuất túi màng mỏng tại công ty nhựa

... Chứng kiến hệ thống điều hành sản xuất tự động

.. Nghe giới thiệu quy định về an toàn sản xuất trước khi tham quan

Đại diện lãnh đạo Khoa, bộ môn TCDN và đại diện Tập đoàn An Phát

Các giảng viên bộ môn TCDN cùng một số sinh viên CQ54/11.01&02CL

Đại diện Tập đoàn An Phát trao quà lưu niệm cho các Thầy cô trong đoàn thăm quan

Đại diện lãnh đạo Học viện, khoa và bộ môn TCDN đang trao đổi với Giám đốc tài chính Tập đoàn An Phát

Sinh viên đang đi thăm quan khu vực kho thành phẩm của công ty nhựa

.. Chăm chú lắng nghe và ghi chép những điều thu hoạch được từ chuyến đi

Các Thầy cô chụp ảnh lưu niệm với các thành viên của Tập đoàn An Phát

Toàn bộ các thành viên trong đoàn tham quan, khảo sát và đại diện của Tập đoàn An Phát tại phòng hội thảo của Tập đoàn

Khoa TCDN
Số lần đọc: 17

Danh sách liên kết