Tìm
English
Thứ ba, 13/11/2018 - 16:59

Hội thảo khoa học quốc tế SEDBM 2018 – Chung tay phát triển kinh tế bền vững
Chiều 10/11, Học viện Tài chính phối hợp với trường đại học Greenwich – vương quốc Anh tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế SEDBM 2018 tại số 58, Lê Văn Hiến, Đức Thắng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Chủ đề “Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa” đã thu hút 180 nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự.

 Đại biểu trong nước và quốc tế tham dự

Tham dự Hội thảo về phía Đại học Greenwich, có sự hiện diện của các Giáo sư: Alex Stojanovic, Trưởng khoa Tài chính và kế toán; Petros Ieromonachou, Trưởng khoa Chiến lược và Quản trị hệ thống; Giáo sư Jon Sibson, Phó Hiệu trưởng danh dự Trường ĐH Kinh doanh.

Về phía các trường Đại học trong nước có: GS.,TS Sử Đình Thành – Tổng Biên tập tạp chí nghiên cứu và kinh doanh Châu Á, Đại học Kinh tế,  TP Hồ Chí Minh; PGS.,TS. Thiếu tướng Trần Đình Hướng – Phó Giám đốc Học viện Hậu cần;

Về phía đại diện Bộ Tài chính có sự hiện diện của ThS. Lê Văn Hiệu – Chuyên viên cao cấp, Trưởng phòng Đào tạo;

Về phía Học viện Tài chính có sự hiện diện của Ban Giám đốc, Đảng ủy, lãnh đạo các Khoa, Ban, các nhà khoa học.

Tham gia Hội thảo còn có các nhà khoa học đến từ 22 trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, các chuyên gia hàng đầu về kinh tế từ Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & đầu tư, Kiểm toán nhà nước.

Hội thảo đã nhận được 163 bài viết và chọn được 136 bài viết tập trung công bố kết quả nghiên cứu về phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa để nhìn nhận rõ cơ hội và thách thức cũng như các vấn đề thực tiễn đang đặt ra.

 PGS.,TS Nguyễn Trọng Cơ – Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu Khai mạc Hội thảo

Phát biểu Khai mạc Hội thảo, PGS., TS. Nguyễn Trọng Cơ đã nêu khái quát cơ hội và thách thức của toàn cầu hóa – một hệ thống đã và đang làm biến đổi thế giới ngày nay cũng như những vấn đề đang tác động mạnh mẽ đến các quốc gia ( kinh tế tri thức, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, biến đổi khí hậu, khủng bố quốc tế, chiến tranh thương mại, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ…đang đe dọa mục tiêu phát triển kinh tế bền vững mà mọi quốc gia). PGS., TS. Nguyễn Trọng Cơ còn chỉ rõ có những vấn đề phát sinh mới như: thương mại điện tử xuyên biên giới, xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận xuyên quốc gia với những hồ sơ Panama, hồ sơ Paradise… Tất cả những vấn đề trên cho thấy, toàn cầu hóa đã tác động rất đa chiều đến kinh tế và quản trị kinh doanh và đặt ra nhiều vấn đề mới cần phát triển bổ sung trong lĩnh vực khoa học kinh tế. Vì vậy, Hội thảo khoa học quốc tế lần này có ý nghĩa vô cùng thiết thực cả trên phương diện lý luận và thực nhằm tìm ra những giải pháp để ứng biến giải quyết những vấn đề đặt ra.

Ngoài phiên toàn thể khai mạc về bế mạc, Hội thảo diễn ra qua các phiên thảo luận chuyên đề tiếng Việt và tiếng Anh xung quanh chủ đề của Hội thảo.

 Giáo sư Petros Ieromonachou, Trưởng khoa Chiến lược và Quản trị hệ thống,

Đại học Greenwich trình bày tham luận tại Hội thảo

Với sự tham gia của hơn 180 các nhà khoa học  trong và ngoài nước, nhất là các bài tham luận từ các Giáo sư đến từ Đại học như: Giáo sư Alex Stojanovic, Trưởng khoa Tài chính và kế toán; Giáo sư Petros Ieromonachou, Trưởng khoa Chiến lược và Quản trị hệ thống và giáo sư Mehmet Ugur. Các phiên hội thảo theo chủ đề đã diễn ra sôi nổi với các phản biện của các giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Các bài tham luận và các bài nghiên cứu đăng trong kỷ yếu có hàm lượng khoa học cao đã tập trung làm sáng tỏ nhiều khía cạnh lý luận và thực tiễn về phát triển bền vững, đặc biệt về các vấn đề: Kinh tế - quản trị kinh doanh (phát triển chuỗi giá trị, phát triển kinh tế xanh, thực hiện công bằng trong phân phối nguồn lực tài chính, xây dựng mô hình phát triển bền vững, năng suất lao động và khả năng cạnh tranh, chiến lược marketing); Tài chính (cấu trúc và phát triển bền vững tài chính công, các quyết định tài chính doanh nghiệp nhằm phát triển doanh nghiệp bền vững, thị trường chứng khoán, hệ thống pháp luật thuế, chuyển giá và tự do hoá tài chính; Kế toán kiểm toán (kế toán môi trường nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững xã hội, xu hướng kế toán kiểm toán trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kế toán trách nhiệm xã hội, mức độ công bố thông tin trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp).

 Giáo sư Alex Stojanovic trình bày tham luận

Đặc biệt, tại Hội thảo, Giáo sư Petros Ieromonachou đã trình bày nội dung về quản lý đô thị và quản trị kinh doanh trong bối cảnh toàn cầu hóa; Giáo sư Alex Stojanovic trình bày nội dung về tài chính và kinh doanh, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chia sẻ tri thức trong bối cảnh toàn cầu hóa… là những nghiên cứu  có giá trị lớn về thực tiễn và học thuật và nhiều gợi mở thu hút sự tham luận của nhiều nhà khoa học tham dự Hội thảo.

Trình bày hướng nghiên cứu của nhà nghiên cứu trẻ của Học Viện Tài chính

Phiên thảo luận chuyên đề tiếng Việt (tại HT 700) tiến hành ngay sau phiên khai mạc với sự chủ tọa của GS.,TS. Sử Đình Thành; PGS.,TS. Lê Xuân Bá – Nguyên Viện Trưởng viện Nghiên cứu kinh tế và quản lý trung ương;  PGS.,TS. Nguyễn Văn Dần – Trưởng khoa Kinh tế và PGS.,TS. Nguyễn Tiến Thuận- Trưởng khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính. 5 tham luận được trình bày và nhận được nhiều ý kiến phản biện: Kinh tế tuần hoàn – Khái niệm và hướng tiếp cận mới cho các doanh nghiệp VN; Nghiên cứu nhân tố ảnh hưởng đến nguồn thu sự nghiệp tại các đơn vị sự nghiệp Y tế công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Giang qua mô hình kinh tế lượng; Doanh nghiệp nhà nước trước làn sóng mua bán và sáp nhập tại VN - Thời cơ và thách thức; Kế toán môi trường tại các doanh nghiệp VN hiện nay – công cụ đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội; Mối quan hệ giữa hành vi tiêu dùng và lối sống tối giản của giới trẻ Hà Nội.

Các nhà nghiên cứu trẻ tại Hội thảo

Phiên thảo luận chuyên đề tiếng Anh (P.307) tiến hành song song với chuyên đề tiếng Việt với chủ tọa: PGS.,TS. Lê Xuân Trường - Học viện Tài chính cùng 2 GS thuộc đại học Greenwich là Alex Stojanovic, Trưởng khoa Tài chính và kế toán; Petros Ieromonachou, Trưởng khoa Chiến lược và Quản trị hệ thống. 5 tham luận đã được các tác giả và đại diện nhóm tác giả trình bày: Mehmet Ugur; Hoàng Minh lương; Trương Văn Nguyên; Indah Prihastuti; Yong Linthu hút các ý kiến phản biện của đại biểu.

PGS.,TS Lê Xuân Trường tham gia phản biện

Tại Hội thảo, những định hướng nghiên cứu của 5 nhóm thuộc nhà khoa học của Học viện Tài chính (với các đề tài nghiên cứu về tài chính hành vi, hợp tác công tư, FDI đối với phát triển Đại học, ứng dụng QR trong quản lý hành chính công, tự chủ tài chính của các đơn vị công) và các nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Greenwich, Anh đã được giới thiệu. Thông qua sự giới thiệu này, các nhà nghiên cứu có cơ hội kết nối, hợp tác và hỗ trợ nhau trong các lĩnh vực liên quan.

Phần trình bày tham luận của tác giả tại phiên thảo luận chuyên đề tiếng Anh

Hội thảo đã trao giải Best papers cho các 4 bài tham luận của các tác giả có bài viết và thuyết trình chất lượng tốt: Ông Mehmet Ugur (Đại học Greenwich, Anh); Ông Hoàng Minh Lương (Đại học Greenwich, Anh); Nhóm Lưu Đức Tuyên; Nguyễn Thị Hồng Vân; Đinh Thị Thu Hà; Vũ Thùy Linh và nhóm tác giả Nhữ Trọng Bách; Đào Duy Thuần; Mai Xuân Thái; Phạm Thị Nga (Học viện Tài chính ).

Theo Giáo sư Mehmet Ugur, Đại học Greenwich, Anh chia sẻ: Tôi thật sự ấn tượng về hội thảo vì những vấn đề mà các nhà nghiên cứu đem đến và những phản biện của các nhà nghiên cứu tại Hội thảo. Đó là sự sắc bén trước những vấn đề cấp bách của thực tiễn, vừa mang tính vi mô và vĩ mô nhằm giải quyết những vấn đề mang tính thời đại và toàn cầu.

ThS. Phạm Thị Lan Phương – Trưởng khoa Ngoại ngữ, Học viện Tài chính - người phiên dịch ca-bin Hội thảo cho biết: Hội thảo là cơ hội tốt để Học viện Tài chính để mở rộng quan hệ hợp tác với các trường đại học uy tín trên thế giới như Greenwich. Đây là nền móng đặt quan hệ hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học của Học viện từ những thành công có được trong quan hệ đối tác và hợp tác những năm gần đây. Mới đây nhất là từ Hội thảo ICYREB 2018 vừa diễn và đặc biệt từ Hội thảo này – cả 2 bên đều bày tỏ những nguyên vọng và quan tâm trong phối hợp với nhau về nghiên cứu khao học để đảm bảo các nghiên cứu viên của ĐH Greenwich và HVTC có những bài nghiên cứu chất lượng đăng trên các tạp chí nghiên cứu quốc tế có uy tín. Thông qua Hội thảo này, Học viện Tài chính đã góp phần tích cực trong việc kết nối giữa nhà khoa học – nhà quản lý và doanh nghiệp với những đề xuất quan trọng, thiết thực.  

Hội thảo khoa học quốc tế SEDBM 2018 đã khép, đây sẽ là hội thảo quốc tế được tổ chức thường niên, góp phần thúc đẩy hơn nữa các hoạt động nghiên cứu khoa học và là diễn đàn để nhà khoa học của các trường đại học, học viện trong, ngoài nước trao đổi về học thuật, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đào tạo và góp phần thúc đẩy sự liên kết giữa nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp cũng như góp phần việc giải quyết những vấn đề có tính toàn cầu.

Ban CTCT&SV
Số lần đọc: 6

Danh sách liên kết