Tìm
English
Thứ hai, 17/12/2018 - 11:30

Hội thảo quốc gia về đánh giá hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho giáo dục
(HVTC) - Chiều 14/12, tại trụ sở chính của Học viện Tài chính (số 58, Lê Văn Hiến, Đức Thắng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã diễn ra ra Hội thảo quốc gia với chủ đề “Cơ sở khoa học và thực tiễn đánh giá hiệu lực, hiệu quả chi NSNN cho giáo dục”. Học viện Tài chính là đơn vị chủ trì thực hiện.

Tham gia Hội thảo có sự hiện diện của: Ông Tạ Văn Hạ – Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; PGS.,TS.Nguyễn Trường Giang - TS. Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính; TS. Nguyễn Minh Phong – Phó Vụ trưởng - phó ban Tuyên truyền lý luận, Thư ký Hội đồng nghiệp vụ Báo Nhân dân; Bà Nguyễn Lan Hương, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

PGS.,TS Nguyễn Vũ Việt – Phó Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc

Về phía Học viện Tài chính (HVTC), có sự hiện diện của PGS.,TS. Nguyễn Trọng Cơ - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; PGS.,TS. Nguyễn Vũ Việt – Phó Giám đốc; PGS., TS. Phạm Ngọc Dũng – Trưởng khoa Tài chính Công; Lãnh đạo các khoa, Ban, đơn vị chức năng cùng các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

Đồng chủ trì Hội thảo: PGS.,TS Nguyễn Vũ Việt – Phó Giám đốc Học viện ngồi giữa; PGS., TS. Phạm Ngọc Dũng – Trưởng khoa Tài chính Công, HVTC (ngồi ngoài cùng bên phải) và PGS.,TS. Nguyễn Trường Giang. Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính (ngồi ngoài cùng bên trái ảnh).

Phát biểu mở đầu, PGS.,TS. Nguyễn Vũ Việt đã nhiệt liệt chào mừng đại biểu đến tham dự Hội thảo và nêu nội dung, mục tiêu và ý nghĩa của Hội thảo: Hiệu quả và hiệu lực chi Ngân sách nhà nước cho giáo dục có vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới cơ chế, chính sách tài chính trong ngành giáo dục Việt Nam hiện nay. Việc hiểu và phân định nội hàm, phạm vi giữa hiệu lực và hiệu quả chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục là nền tảng để xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hình thành các tiêu chí đánh giá, lựa chọn các nguyên tắc, phương pháp đánh giá hiệu lực và hiệu quả chi ngân sách cho giáo dục cũng như phát hiện các nhân tố tác động. Từ đó có thể đề xuất ý kiến đóng góp khoa học vào sửa đổi Luật giáo dục, cũng như định mức phân bổ, cơ chế phân bổ và cơ chế quản lý chi ngân sách nhằm đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục ở Việt Nam trong giai đoạn tới. 

PGS.,TS Lê Quang Cảnh - Viện Quản lý Châu Á - Thái Bình Dương trình bày tham luận

Hội thảo diễn ra với 2 phiên, 4 tham luận đã được trình bày và nhận được nhiều ý kiến phản biện, bổ sung và trao đổi của các đại biểu tham dự Hội thảo: Chi tiêu công cho giáo dục đào tạo: Xu hướng và ảnh hưởng đến giáo dục đào tạo (PGS. TS. Vũ Sỹ Cường HVTC); Hiệu quả chi cho giáo dục ở Việt Nam: nghiên cứu từ các địa phương cấp tỉnh (PGS.,TS. Lê Quang Cảnh - Đại học Kinh tế Quốc dân); Hướng đi mới trong phân bổ chi thường xuyên ngân (PGS. TS. Hoàng Thị Thuý Nguyệt - HVTC); Tính giá dịch vụ giáo dục đại học công lập Việt Nam (TS. Đào Thị Bích Hạnh; HVTC).

Ông Tạ Văn Hạ – Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu

Ông Tạ Văn Hạ – Thường trực UBVHGD thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội đã đánh giá cao việc Học viện Tài chính đã chủ trì thực hiện Hội thảo khoa học cấp quốc gia này và nhấn mạnh: Hội thảo đi vào vấn đề nóng, đang được Quốc hội, chính phủ, các Bộ, ngành và xã hội quan tâm. Các bài viết đăng trong kỷ yếu đều có chất lượng cao, đóng góp cho việc làm xây dựng và hoạch định chính sách.

PGS.,TS Vũ Sỹ Cường HVTC trình bày tham luận

TS. Nguyễn Trường Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân sách, Bộ Tài chính cũng đánh giá: Các bài viết trong kỷ yếu, nhất là các tham luận trình bày tại Hội thảo có ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong phục vụ việc hoạch định chính sách của chính phủ, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong việc làm như thế nào để xác định lại nhu cầu nguồn lực và phân bổ nguồn lực, tính hiệu quả của phân bổ ngân sách đào tạo. Đây cũng là đóng góp về cơ sở khoa học trong xác định việc phân bổ ngân sách và nâng cao hiệu quả của chi ngân sách trong giáo dục đào tạo.

TS. Nguyễn Trường Giang đánh giá cao tham luận “Tính giá dịch vụ đại học công lập Việt Nam” (của tác giả TS. Lê Văn Liên và TS. Đào Thị Bích Hạnh) được trình bày tại Hội thảo: Đây là một nghiên cứu rất cần thiết, chỉ ra được những bất cập, sự cần thiết, những định hướng, đề xuất của tác giả trong giáo dục đào tạo. Cần nâng nghiên cứu này ở mức cao hơn, gắn liền với HVTC.

PGS., TS. Phạm Ngọc Dũng – Trưởng khoa Tài chính Công, HVTC phát biểu

Ngoài các nhà nghiên cứu của Học viện, Hội thảo thu hút sự tham gia viết bài của của các nhà nghiên cứu đến từ các đơn vị: Bộ Kế hoạch và đầu tư; Bộ Tài chính; Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới - Viện Hàn Lâm KHXH; Đại học Kinh tế quốc dân; Viện Quản lý Châu Á - Thái Bình Dương; Đại học kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Bồi dưỡng cán bộ Bộ tài chính; Học viện Hành chính Quốc gia; Kho bạc Nhà nước Hải Dương.

PGS. TS. Hoàng Thị Thuý Nguyệt - HVTC trình bày tham luận

36 bài viết đã được chọn lọc đăng trong kỷ yếu Hội thảo có mã số ISBN: 978-604-79-1980-2 với các vấn đề được nghiên cứu: Những vấn đề chung về chi ngân sách nhà nước cho Giáo dục; Hiệu quả chi Ngân sách nhà nước cho sự nghiệp giáo dục; Hiệu lực chi Ngân sách nhà nước cho sự nghiệp giáo dục; Tự chủ tài chính và giá dịch vụ sự nghiệp Giáo dục; Kinh nghiệm quốc tế cho giáo dục và Đào tạo. Các bài viết thể hiện các quan điểm, phương pháp, nội dung và phản ánh các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học và là cơ sở khoa học và thực tiễn đánh giá hiệu lực và hiệu quả chi NSNN cho giáo dục Việt Nam cũng như kinh nghiệm một số nước trên thế giới.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Đây là một nội dung trong nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia: “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục ở Việt Nam”, giai đoạn 2017-2019 thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”  do Học viện Tài là cơ quan chủ trì và PGS.,TS. Nguyễn Vũ Việt là chủ nhiệm đề tài.

Ban CTCT&SV
Số lần đọc: 1

Danh sách liên kết