Tìm
English
Thứ bảy, 02/02/2019 - 8:6

Nói không với pháo nổ, thả đèn trời và lái xe khi đã uống rượu bia
(HVTC) – Tết đến, Xuân về là dịp gia đình sum họp đón Tết Nguyên Đán. Trong niềm vui đoàn viên, cùng với hoa mai, hoa đào, bánh chưng, mứt… và một chút men nồng, toàn thể CBCCVC và sinh viên, học viên Học viện cùng nhau đón Tết an toàn, tiết kiệm, nói không với pháo nổ, thuốc pháo nổ, thả đèn trời và không lái xe khi đã uống bia rượu.

Nói không với pháo nổ, thả đèn trời và lái xe khi đã uống rượu bia

 Một đối tượng buôn lậu pháo quan biên giới bị bộ đội Biên phòng Quảng Ninh bắt giữ

Từ xa xưa, đốt pháo nổ, thả "đèn trời" vào ngày Tết, lễ hội là một trong những tục lệ, nét văn hóa được cộng đồng hưởng ứng, tôn vinh với quan niệm đem lại nhiều may mắn, xua đuổi tà ma, điềm xấu. Tuy nhiên, do những tác hại, hậu quả của việc sản xuất, vận chuyển, đốt pháo, thả đèn trời gây ra - không chỉ tốn tiền của, ảnh hưởng sức khỏe mà còn gây ra những vụ cháy nổ, tai nạn thảm khốc, cướp đi sinh mạng của nhiều người nên Nhà nước ta đã có những quy định về việc cấm đốt các loại pháo nổ và thả đèn trời.

Một học sinh lớp 7 bị dập nát 2 bàn tay và bị bỏng do nghịch pháo tự chế

Các loại chất nổ sử dụng để sản xuất pháo thường là chất nổ mạnh, độ nhạy nổ cao, có sức công phá lớn. Khi sản xuất pháo, thuốc nổ thường được người dân tích trữ thành khối lượng lớn và không được bảo quản cẩn thận nên đã có nhiều vụ tai nạn do các khối thuốc nổ trên phát nổ. Việc sử dụng pháo nổ gây ra nhiều tai nạn nghiêm trọng, gây ra các vết thương bỏng, thậm chí cụt các chi trên cơ thể khi pháo nổ.  Mặt khác, đốt các loại pháo trong nhà dễ dẫn đến các vụ hỏa hoạn.

 Đèn trời là một trong những nguyên nhân gây hỏa hoạn nghiêm trọng

Việc đốt, thả "đèn trời" cũng là một trong những nguyên nhân gây ra hỏa hoạn tại nhiều địa phương. Những tàn lửa của đèn trời rơi xuống dễ bén vào các công trình nhà bằng vật liệu dễ cháy hay vướng vào đường dây cấp điện, đường dây thông tin liên lạc, dẫn đến cháy chập gây nguy hiểm cho người dân, đồng thời gây ra mất điện, mất liên lạc tại khu vực xảy ra cháy chập. Mặt khác, thời điểm thả đèn vào buổi tối, ban đêm lúc người dân đang nghỉ ngơi do vậy công tác phòng cháy chữa cháy không kịp thời dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Nguy hiểm nhất là khi lửa và tàn lửa của đèn trời rơi xuống khu vực trạm xăng, kho xăng dầu dễ gây ra hỏa hoạn lớn.

Ngày 17/07/2009, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 95/2009/QĐ-Ttg về việc Cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả "đèn trời". Mọi hành vi tàng trữ, vận chuyển, đốt thả "đèn trời" đều bị xử phạt hành chính về hành vi "Vi phạm quy định về trật tự công cộng" căn cứ tại Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.

Những quy định này và sự quyết liệt của các cấp, người dân đã thay đổi và nhận thức được về sự lãng phí, ảnh hưởng môi trường cũng như sự nguy hiểm của việc đốt, sử dụng pháo nổ, đèn trời.

Từ chỉ thị của Thủ tướng Chính Phủ  số 406-TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo, bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa). Mặc dù Nhà nước đã cấm, tuy nhiên trên thực tế vẫn có những đối tượng sản xuất pháo, nhập lậu các loại pháo qua biên giới để tiêu thụ. Ngày 15/04/2009 Chính phủ ra Nghị định 36/2009/NĐ-CP về Quản lý, sử dụng pháo. Theo đó, nghiêm cấm mọi hành vi sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, pháo hoa, thuốc pháo nổ, thuốc pháo hoa.

Mọi hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng thuốc pháo; sản xuất, chiếm đoạt pháo nổ còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 305 BLHS năm 2015. Người nào mua bán trái phép qua biên giới pháo nổ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Buôn lậu" quy định tại Điều 188 BLHS năm 2015.

Đối với hành vi vận chuyển trái phép pháo nổ qua biên giới sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi "vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới" quy định tại Điều 189 BLHS năm 2015. Người nào có hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ với mục đích buôn bán trong nước sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Buôn bán hàng cấm", "Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm" căn cứ tại Điều 190 và Điều 191 BLHS năm 2015. Mọi hành vi đốt pháo nổ đều bị xử lý về hành vi "Gây rối trật tự công cộng" quy định tại Điều 318 BLHS năm 2015.

Người nào đốt pháo nổ gây ra hậu quả đến sức khỏe, tài sản của người khác thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Gây rối trật tự công cộng" người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác trong luật này, tương xứng với hậu quả do hành vi đốt pháo nổ gây ra.

Tuy nhiên, những hành vi bị cấm trên vẫn tiếp diễn và tiếp tục gây ra những vụ cháy nổ kinh hoàng.

Chỉ tính Tết nguyên Đán, từ Tết năm 2014 - 2017, các con số gia tăng như sau: 34 ca, 55 ca, 86 ca và 150 ca. Một chiều hướng gia tăng liên tục năm sau cao hơn năm trước về các vụ tai nạn do sản xuất, vận chuyển và đốt pháo nổ gây nên. Tết 2018, chỉ từ ngày 14-17.2, đã có hơn 190 trường hợp tai nạn, bị thương vì pháo nổ; so với Tết năm 2017, tăng hơn 54%.

Với ý thức giữ gìn, bảo vệ an toàn của bản thân, gia đình và xã hội, Học viện Tài chính kêu gọi toàn thể CBCCVC và sinh viên, học viên Học viện nói KHÔNG với việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, đốt phảo nổ, đèn trời.

Không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu bia

 Không điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu bia

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, tại Việt Nam có 22 người chết và 60 người bị thương vì tai nạn giao thông (TNGT) mỗi ngày. Kết quả một cuộc khảo sát do Ủy ban ATGT quốc gia và Tổ chức y tế thế giới (WHO) thực hiện tại 10 tỉnh gần đây cho thấy, tỷ lệ các vụ tai nạn do rượu bia chiến khoảng gần 40%. Tuy nhiên, cũng theo ông Hùng, con số này trong thực tế có thể cao hơn nhiều và vẫn gia tăng theo các năm.

 Những vụ tai nạn kinh hoàng khi người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu bia

Uống rượu bia ở Việt Nam, nhất là trong những dịp lễ tết từ lâu là thói quen đã ăn sâu trong đời sống, trở thành tập quán. Tuy nhiên, tình trạng uống rượu, bia ở Việt Nam đã và đang tăng nhanh, tỉ lệ thuận với các vụ tai nạn giao thông do người uống rượu bia điều khiển các phương tiện tham giao giao thông. Bên cạnh đó, hệ lụy từ việc sử dụng rượu bia cũng rất nghiêm trọng. Ngoài các bệnh lý liên quan đến các chức năng gan, thận, dạ dày do uống nhiều rượu bia, các vụ ngộ độc rượu gây chết người hay những vụ án hình sự thương tâm vì say rượu đang là vấn nạn xã hội.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia y tế, rượu bia sẽ ảnh hưởng và gây nguy hiểm cho người sử dụng khi tham gia giao thông. Dù chỉ với nồng độ cồn ở mức 0,05 mg/l khí thở, người sử dụng rượu bia đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ. Nếu nồng độ 0,2 mg/l khí thở, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có thể bị ức chế, giận dữ. Nếu ở mức độ cao hơn, người uống có thể không tự chủ được hành vi cá nhân và gây tai nạn cho bản thân hoặc thương tích cho người khác như: đi xe lạng lách, đánh võng, chạy tốc độ cao, tránh vượt sai quy định, đi sai làn đường, khả năng phán đoán tình huống kém hơn so với lúc bình thường. 

Luật giao thông đường bộ 2008 quy định cấm người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông là nhằm loại trừ nguy hiểm cho chính người sử dụng cũng như những người tham gia giao thông khác.

Theo nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính Phủ về việc quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ 1/8/2016 quy định các mức phạt liên quan đến hành vi điều khiển xe khi lái xe đã uống rượu, bia cụ thể như sau:

Đối với người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:

- Phạt tiền từ 2 tới 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

- Phạt tiền từ 7 tới 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

- Phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.

Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 đến 6 tháng tùy từng trường hợp.

Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy:

- Phạt tiền từ 1 tới 2 triệu đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

- Phạt tiền từ 3 tới 4 triệu đồng đối với người điều khiển xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người thi hành công vụ hoặc điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 -5 tháng tùy từng trường hợp.

Đối với xử phạt người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng với các mức phạt từ 400 nghìn đồng đến tối đa 7 triệu đồng đối với từng trường hợp nồng độ cồn trong người, đi kèm với đó là mức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi Điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 2 tới 4 tháng.

Uống rượu bia trong những bữa tiệc vui đón Tết, mừng Xuân là một phần không thể thiếu trong văn hóa của người Việt. Nhưng niệm vui này không được lạm dụng “văn hóa rượu bia” ở khía cạnh tiêu cực vì niềm vui của một người phải gắn với trách nhiệm về sự an toàn của bản thân và cộng đồng khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông.

Vì một cuộc sống bình yên, vì Tết đoàn viên an toàn, Học viện Tài chính kêu gọi và nhắc nhở toàn thể CBCCVC và sinh viên, học viên Học viện uống rượu bia có trách nhiệm. Đã uống rượu bia, không điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Ban CTCT&SV
Số lần đọc: 1
Các bài đã đăng

Danh sách liên kết