Tìm
English
Thứ hai, 20/05/2019 - 19:59

Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam năm 2019 và Tọa đàm Nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động nghiên cứu Khoa học Công nghệ
(HVTC) – Chiều 17/5, tại trụ sở chính số 58, Lê Văn Hiến, Đức Thắng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Học viện Tài chính đã tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam năm 2019 và Tọa đàm “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, kiến tạo tương lai - Nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động nghiên cứu Khoa học Công nghệ tại Học viện Tài chính”. Hoạt động này đã thu hút sự tham dự, quan tâm của các nhà khoa học các thế hệ của Học viện.

Tham dự Tọa đàm, về phía Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính có sự hiên diện của: ThS. Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học – Hợp tác quốc tế.

Nghi thức chào cờ trong lễ kỷ niệm

Về phía Học viện Tài chính, có sự hiện diện của PGS.,TS. Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc;  PGS.,TS. Trương Thị Thủy - Phó Giám đốc và lãnh đạo các Ban, Khoa, các giảng viên – những nhà khoa học của Học viện.

Tọa đàm còn có sự hiện diện của các giảng viên nguyên lãnh đạo Học viện, lãnh đạo các Ban, Khoa: GS.,TS. Ngô Thế Chi, nguyên Giám đốc; PGS.,TS. Phạm Văn Liên - nguyên Phó Giám đốc Học viện; GS.,TS. Nguyễn Đình Đỗ - nguyên Trưởng khoa Kế toán; PGS.,TS. Trần Xuân Hải – nguyên Trưởng Ban Quản lý khoa học.

PGS.,TS. Trương Thị Thủy - Phó Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, PGS.,TS. Trương Thị Thủy - Phó Giám đốc Học viện đã nêu vai trò, ý nghĩa của Khoa học và công nghệ đối với sự phát triển của đất nước nói riêng cũng như toàn nhân loại và dành những lời tốt đẹp để tôn vinh, cảm ơn các nhà khoa học của Học viện đã có những cống hiến trong sự nghiệp đào tạo – nghiên cứu khoa học (NCKH) của Học viện.

PGS.,TS. Trương Thị Thủy nhắc lại phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi “Gặp mặt trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2019” nhân dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2019: “Đột phá" là cụm từ cần được chú trọng đối với khoa học và công nghệ trong thời gian tới. Chính phủ và các cơ quan chức năng đang nghiên cứu và đưa vào các văn kiện với tinh thần quyết liệt nói đi đôi với làm để KHCN là quốc sách hàng đầu.

TS. Nguyễn Thị Thuý Nga - Phó Trưởng ban Quản lý khoa học trình bày Báo cáo hoạt động KH&CN của HVTC năm 2018

Báo cáo hoạt động KH&CN của Học viện năm 2018 do TS. Nguyễn Thị Thuý Nga - Phó Trưởng ban Quản lý khoa học trình bày tại Lễ kỷ niệm đã nêu rõ: Hoạt động nghiên cứu KH&CN của đội ngũ cán bộ, giảng viên Học viện đã có những đóng góp đáng kể vào thành tích chung của Học viện như: hệ thống giáo trình, đề cương bài giảng, tài liệu tham khảo khá đầy đủ và có chất lượng tốt phục vụ công tác giáo dục, đào tạo. Nội dung các chương trình đào tạo được xây dựng mới và liên tục được điều chỉnh bổ sung và ngày càng hoàn thiện; các phương pháp, hình thức tổ chức dạy và học không ngừng được cải tiến theo hướng hiện đại hiệu quả; công tác quản lý của nhà trường được đổi mới, có tính chuyên nghiệp cao hơn; Nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN của Học viện hiện nay thực hiện theo các cấp quản lý như: Cấp khoa, cấp viện, cấp học viện, cấp bộ, cấp ngành, cấp địa phương và cấp nhà nước cũng như quốc tế.

 Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu của một số đề tài các cấp đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng áp dụng trong giảng dạy và học tập phù hợp với các chuyên ngành đào tạo; giúp đội ngũ khoa học của Học viện nhanh chóng trưởng thành về nhiều mặt.

Nhân dịp này, PGS.,TS. Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện cùng các đại biểu đã gửi tặng những bó hoa tươi thắm để chức mừng tới ThS. Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học - Hợp tác quốc tế, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính và Ban Quản lý khoa học - đơn vị thực hiện quản lý chung các hoạt động KH&CN của Học viện.

Cùng với Lễ kỷ niệm, Tọa đàm “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, kiến tạo tương lai - Nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động nghiên cứu KHCN tại Học viện Tài chính” đã được diễn ra với nhiều tham luận cũng như các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trẻ cũng như các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm..

Các đại biểu đều nhất trí cao với những nội dung cơ bản của Báo cáo hoạt động KH&CN của Học viện năm 2018 và bổ sung để nhấn mạnh thêm những thành tựu đã đạt được. Bên cạnh các tham luận và đóng góp ý kiến của các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm như PGS.,TS. Trần Xuân Hải – nguyên Trưởng Ban quản lý khoa học; PGS.,TS. Bùi Văn Vần – Trưởng khoa Tài chính doanh nghiệp; PGS.,TS. Nguyễn Văn Dần – Trưởng khoa Kinh tế; PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hoài – Phó Trưởng khoa Thuế - Hải quan; PGS.,TS. Đào Thị Minh Thanh - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh … có nhiều tham luận, ý kiến của các những gương mặt trẻ - sự  tiếp nối của các nhà khoa học trẻ với sự năng động, nhạy bén của tuổi trẻ.

Các tham luận trình bày tại Tọa đàm cũng như các ý kiến phát biểu đã tập trung tổng kết những kinh nghiệm quý báu trong hoạt động NCKH nói chung, đăng bài Hội thào và bài báo quốc tế, nâng cao năng lực và chất lượng NCKH của giảng viên (GV), nghiên cứu viên (NCV) trẻ cũng như kinh nghiệm trong tổ chức, hướng dẫn các nhà khoa học trẻ và sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, thực hiện xã hội hóa trong NCKH và triển khai đưa NCKH vào thực tiễn bồi dưỡng cán bộ  ngành tài chính – kế toán, Đặc biệt, Tọa đàm đã hướng đến những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động nghiên cứu KH & Công nghệ của Học viện và  triển khai các đề tài NCKH cấp cao.

 TS. Lưu Hữu Đức – Phó Trưởng ban Công tác chính trị và sinh viên – Bí thư Đoàn TNCS HCM Học viện trình bày tham luận

Trong tham luận về nâng cao năng lực nghiên cứu của giảng viên, nghiên cứu trẻ, TS. Lưu Hữu Đức – Phó Trưởng ban Công tác chính trị và sinh viên – Bí thư Đoàn TNCS HCM Học viện đã chỉ rõ: Là một trong những đầu mối triển khai công tác nghiên cứu khoa học trong sinh viên, để tổ chức, triển khai tốt hoạt động hoạt đông này, Đoàn Thanh niên đã thực hiện lấy giảng viên trẻ làm nòng cốt, thông qua Câu lạc bộ sinh viên nghiên cứu khoa học, chủ động tư vấn các đề tài nghiên cứu khoa học cũng như hỗ trợ tích cực cho sinh viên trong viết bài trên nội san NCKH, tham gia các cuộc thi cấp Học viện, cấp thành phố và quốc gia.

TS. Lưu Hữu Đức cho biết thêm: Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên kết nối để nhận được sự hỗ trợ của các khoa, chi đoàn giáo viên và chủ động kết nối với các doanh nghiệp để nắm bắt cơ hội về thông tin, cơ hội học tập, trải nghiệm tìm hiểu các mảng kiến thức mới, trải nghiệm môi trường học thuật mới…để hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động NCKH của sinh viên. Đối với công tác NCKH của các giảng viên trẻ, Đoàn TN đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của Học viện trong việc tạo môi trường, điều kiện về vật chất, tinh thần để các giảng viên trẻ NCKH. Ngoài việc thành lập Câu lạc bộ nhà nhà nghiên cứu trẻ Học viện Tài chính, CLB cũng được Học viện ưu tiên trong việc chọn lựa các đề tài NCKH, bên cạnh đó, Học viện thành lập các nhóm nghiên cứu theo chuyên ngành mà người đứng đầu là lãnh đạo các khoa, trưởng các bộ môn với nhiều kinh nghiệm để hỗ trợ những nhà nghiên cứu trẻ và hướng tới chất lượng của NCKH và các công bố quốc tế.

PGS.,TS. Ngô Thanh Hoàng – Phó Trưởng ban Quản lý khoa học phát biểu

PGS.,TS. Ngô Thanh Hoàng chỉ rõ trong phát biểu của mình: “Đổi mới sáng tạo, kiến tạo tương lai” là định hướng quốc gia về khoa học và công nghệ năm 2019. Vai trò khoa học và công tác NCKH đóng vai trò quan trọng, nòng cốt mà then chốt là nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác NCKH. Hoạt động NCKH của Học viện cũng đã chuyển mình theo định hướng này. Trong những năm gần đây, nhất là từ đầu năm đến nay, Học viện có nhiều Hội thảo từ cấp Học viện đến quốc gia, quốc tế luôn hướng đến vấn đề đổi mới, sáng tạo và chú trọng nâng cao chất lượng của NCKH, nhất là đăng ký và đấu thầu các công trình nghiên cứu chất lương cao trong và ngoài nước. Ở trong nước, Học viện đã triển khai các công trình NCKH ở các địa phương, ở nhiều lĩnh vực, các chuyên ngành khác nhau. Ở cấp Bộ và cấp Nhà nước, Học viện đã triển khai rất nhiều đề tài cũng như đấu thầu nhiều dự án cho sự phát triển KHCN nước nhà, điển hình là Hội thảo về Đổi mới sáng tạo được đánh giá cao.

Chia sẻ quý báu về kinh nghiệm đăng bài báo quốc tế của mình, TS. Vũ Duy Nguyên đã nhấn mạnh về vai trò của việc tham gia các Hội thảo quốc tế để mở mang các mối quan hệ với các nhà nghiên cứu các nước, tìm kiếm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích, có giá trị. Một kênh khác được TS. Vũ Duy Nguyên chỉ ra trong việc tìm kiếm nguồn tài liệu tham khảo có gía trị đó là thông qua các cựu sinh viên đang học hoặc làm nghiên cứu sinh tại các nước. 

TS. Hà Văn Sang trình bày tham luận

Trong thảo luận về kinh nghiệm đăng bài Hội thảo quốc tế, TS. Hà Văn Sang đã đưa ra so sánh bài báo khoa học với báo cáo khoa học; Nêu lợi ích khi tham gia Hội thảo khoa học quốc tế và đúc rút quy trình 10 bước để viết bài đăng trong Hội thảo quốc tế hiệu quả.

 ThS. Nguyễn Hữu Tuấn -  Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học – Hợp tác quốc tế,

Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính phát biểu

Tham dự Hội thảo, ThS. Nguyễn Hữu Tuấn - Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học – Hợp tác quốc tế, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính đã đóng góp ý kiến để làm thế nào để nâng cao hiệu quả hoạt động NCKH trong bối cảnh hiện nay. Theo ThS. Nguyễn Hữu Tuấn, trước hết, hoạt động NCKH của Học viện cần bám vào định hướng NCKH được Bộ Tài chính ban hành cũng như các nghị quyết, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và cần xin ý kiến Thường trực Hội đồng khoa học (HĐKH) ngành, căn cứ vào đó để triển khai nhiệm vụ. Thứ 2, chính là từ hiệu quả hoạt động của HĐKH Học viện. Từ căn cứ NCKH được Bộ Tài chính phê duyệt, HĐKH Học viện cần có đánh giá, kế thừa, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn, điều kiện, môi trường đào tạo. Trên cơ sở đó, HĐKH Học viện chủ động ban hành định hướng NCKH phù hợp. Thứ 3 là đề xuất nhiệm vụ KH&CN - bám sát định hướng của HĐKH Học viện phê duyệt. Chủ đề NCKH được lựa chọn đảm bảo tính trọng tâm, đáp ứng tính cần thiết của đơn vị. Thứ 4, tổ chức triển khai phân công nhiệm vụ, khảo sát, tiến hành Hội thảo với Kế hoạch cụ thể. Cuối cùng là khâu đánh giá nghiệm thu – đánh giá chất lượng của đề tài NCKH có đảm bảo đúng như yêu cầu của HĐKH. Trên cơ sở đó, hoàn thiện, chỉnh sửa bổ sung để sản phẩm phù hợp hơn. Cuối cùng là việc xã hội hóa – có thể xuất bản thành sách hoặc đang bài báo quốc tế tại Hội thảo hay bài báo quốc tế trên tạp chí nước ngoài. Đây chính là kết quả về hiệu quả NCKH được khẳng định.

Nhân dịp này, ThS. Nguyễn Hữu Tuấn cũng cảm ơn Ban Giám đốc, Ban Quản lý khoa học đã phối hợp với Ban Quản lý khoa học - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính trong đăng ký, đề xuất, triển khai các hoạt động khoa học & công nghệ của ngành Tài chính nói chung, Học viện nói riêng.

PGS.,TS. Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện phát biểu

Phát biểu tổng kết, PGS.,TS. Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện đã chúc mừng các nhà khoa học nhân dịp Ngày KH&CN VN và cảm ơn các nhà khoa học đã chia sẻ kinh nghiệm quý báu và tâm huyết nhân dịp Lễ kỷ niệm và tại Hội thảo. Đây là đóng góp tích cực cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo về KHCN, nâng cao chất lượng NCKH cũng như đào tạo của Học viện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. PGS.,TS. Nguyễn Trọng Cơ cũng ghi nhận ý kiến đóng góp của ThS. Nguyễn Hữu Tuấn đối với công tác quản lý, triển khai hoạt động NCKH của Học viện.

PGS.,TS. Nguyễn Trọng Cơ nhấn mạnh: Ban Giám đốc ghi nhận những ý kiến tâm huyết tâm huyết của các nhà khoa học tại Hội thảo và khuyến khích hình thành các nhóm NCKH, không chỉ trong nội bộ mà có sự liên kết về sở thích, chuyên ngành giữa các nhà khoa học của Học viện với các đơn vị, cá nhân bên ngoài và sẵn sàng công nhận, hỗ trợ tối đa đối với các nhóm nghiên cứu, nhất là các nhóm nghiên cứu trẻ cũng như hỗ trợ các hoạt động NCKH.

Lễ kỷ niệm và Tọa đàm là hoạt động thiết thực chào mừng Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam năm 2019. Thông qua hoạt động này, tôn vinh các nhà khoa học các thế hệ của Học viện đã có những đóng góp thiết thực và cổ vũ động viên các nhà khoa học tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa trong NCKH cũng như đào tạo của Học viện. Đặc biệt, thông qua đây, Học viện thu nhận những ý kiến đóng góp, những kinh nghiệm quý báu của các nhà khoa học nhằm “Nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động nghiên cứu Khoa học Công nghệ tại Học viện Tài chính” như chủ đề của Tọa đàm.

Một số hình ảnh khác:

 PGS.,TS. Nguyễn Văn Dần – Trưởng khoa Kinh tế phát biểu

 PGS.,TS. Bùi Văn Vần - Trưởng khoa Tài chính doanh nghiệp phát biểu

 PGS.,TS. Đào Thị Minh Thanh - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh

PGS.,TS. Nguyễn Thị Thanh Hoài - Phó Trưởng khoa Thuế - Hải quan phát biểu

PGS., TS. Nhữ Trọng Bách – Giám đốc trung tâm Bồi dưỡng và Tư vấn tài chính kế toán phát biểu

PGS.,TS. Chúc Anh Tú – Trưởng ban Hợp tác quốc tế phát biểu

PGS.,TS. Trần Xuân Hải – Nguyên Trưởng ban Quản lý khoa học phát biểu

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Một số nội dung Tham luận và ý kiến đóng góp của các đại biểu trong Tọa đàm

 (1). PGS.,TS. Bùi Văn Vần - Trưởng khoa Tài chính doanh nghiệp khẳng định bước tiến mạnh mẽ trong hoạt động NCKH của Học viện trong những năm qua. Lực lượng, đội ngũ các nhà khoa học tăng về số lượng và chất lượng. Nhiều khoa đã tổ chức được các cuộc hội thảo tầm cỡ Học viện hoặc ra những chuyên trang về tài chính, kiểm toán kiểm toán. Từ chỗ Ban Giám đốc đưa ra những chính sách để khuyến khích để GV NCKH, phong trào NCKH được đẩy mạnh. Số lượng nhà khoa học thực hiện đề tài NCKH cấp Học viện, cấp Bộ tăng cao.. Đề tài NCKH cấp Bộ của các NKH của khoa những năm gần đây cũng tăng lên. Trong chủ đề Hội thảo, khoa luôn chọn những đề tài để nhiều nhà khoa học tham gia được và thực hiện khâu biên tập công phu đưa vào in trên kỷ yếu hội thảo hay tạp chí. Khoa cũng luôn chú trọng khuyến khích các NKH trẻ tham gia NCKH, biên soạn giáo trình, nhất là GV đã được du học, có lợi thế về ngoại ngữ, tiếp cận được trí thức mới nhanh. Khoa chủ động thành lập các nhóm nghiên cứu giao cho các GV chủ chốt phụ trách. Khoa cũng luôn chú trong đến hoạt động NCKH của sinh viên trong việc khuyến khích, hỗ trợ, hướng dân xsinh viên thực hiện. Khoa đã tổ chức được 5 năm tông kết hoạt động NCKH của sinh viên nhằm biểu dương, khen thưởng những sinh viên có thành tích trong NCKH.

(2 ). PGS.,TS. Nguyễn Thị Thanh Hoài - Phó Trưởng khoa Thuế - Hải quan chỉ rõ 4 yếu tố để nâng cao chất lượng NCKH, đối với giảng viên: Thứ nhất là trình độ chuyên môn phải cao; Thứ hai là khả năng ngoại ngữ tốt để tham gia giao tiếp với các nhà nghiên cứu nước ngoài, tham gia hợp tác quốc tế; Thứ Ba là nhà khoa học phải say mê nghiên cứu khoa học, có kinh nghiệm và cuối cùng là phải có sự hợp tác, giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau giữa các nhà khoa học để vận dụng thế mạnh của nhau.

(3). PGS.,TS. Nguyễn Văn Dần – Trưởng khoa Kinh tế cũng có những chia sẻ, trăn trở  làm sao để sinh viên nghiên cứu khoa học nhiều hơn, chất lượng cao hơn. Đối với khoa Kinh tế, luôn sẵn sàng hỗ trợ kinh phí để sinh viên nghiên cứu khoa học và đưa sinh viên tham gia NCKH cùng các giảng viên. Ở bước đầu, sinh viên tham gia sẽ biết cách tìm kiếm, tập hợp tài liệu. Mặt khác, Để nâng cao chất lượng NCKH, giảng viên cần có kiến thức liên môn bên cạnh những kiến thức nền môn sâu, khoa học chuyên ngành. Đối với sinh viên Chương trình Chất lượng cao, ra trường phải có NCKH khi ra trường nên phải tham gia NCKH sâu hơn chứ không chỉ viết bài tham gia Hội thảo.

(4). PGS.,TS. Đào Thị Minh Thanh - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh cũng có những chia sẻ về hoạt động NCKH của sinh viên và giảng viên khoa mình quản lý. Theo đó, đối với mảng NCKH của giảng viên, khoa luôn khuyến khích và tạo điều kiện để các các giảng viên trẻ tham gia NCKH - với đặc thù khoa có nhiều giảng viên trẻ và chủ trương đi vào chất lượng của các công trình NCKH chứ không chạy theo số lượng hoặc phong trào. Các giảng viên trẻ của khoa đã tham gia hầu hết các Hội thảo khoa học của Học viện. Mặt khác, khoa luôn bám sát định hướng NCKH của Học viện, trên cơ sở đó xác định hướng nghiên cứu của các bộ môn cho phù hợp, ưu tiên cho các đề tài NCKH gắn liền với chuyên môn giảng dạy của từng bộ môn- đặc biệt là 2 bộ môn chuyên ngành là quản trị doanh nghiệp và Marketing. Trong điều kiện của Toàn cầu hóa, khoa khuyến khích giảng viên biên soạn tài liệu bằng tiếng Anh. Đối với mảng tham gia NCKH của sinh viên, làm thế nào để nâng cao chất lượng các đề tài NCKH của sinh viên là vấn đề trăn trở của lãnh đạo Học viện mà nhiều cuộc họp đã đưa ra. Đây cũng là yếu tố quyết định chất lượng học tập của sinh viên. Để nâng cao chất lượng các đề tài NCKH của sinh viên cần sự nỗ lực của bản thân sinh viên, GV phải theo sát sinh viên của mình, vừa thúc đẩy, vừa động viên và hỗ trợ. Bên cạnh đó, GV cũng cần lưu ý hỗ trợ sinh viên trong việc đăng bài báo - nội san Học viện.  

(5). PGS., TS. Nhữ Trọng Bách – Giám đốc trung tâm Bồi dưỡng và Tư vấn tài chính kế toán chia sẻ kinh nghiệm của đơn vị trong NCKH: Đơn vị đã thực hiện việc chuyển giao các công trình NCKH  để xuất bản thành sách bồi dưỡng cho cán bộ tài chính ở địa phương và trung ương. Trên cơ sở thực hiện các đề tài NCKH, các giảng viên – nhất là các giảng viên trẻ nên hướng đến các đề tài ứng dụng và chuyển giao KHCN về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài chính vốn có nhiều tiềm năng, để thực hiện xã hội hóa thông qua bộ môn, Ban quản lý khoa học, Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ và trung tâm Bồi dưỡng và Tư vấn tài chính kế toán.

(6) PGS.,TS. Chúc Anh Tú – Trưởng ban Hợp tác quốc tế đưa ra vấn đề triển khai các đề tài NCKH cấp cao trong vai trò của đơn vị quản lý về Hợp tác quốc tế. Thứ nhất, cần khuyến khích-nhân rộng và triển khai việc NCKH quốc tế như TS, Hà Văn Sang, quá trình này cần trải qua thời gian dài, gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ và nhiều thất bại. Nhưng kết quả vẫn đạt được những thành tích đáng kể

Thứ hai, NCKH cần thiết phải hướng đến mục tiêu cụ thể như cải thiện và nâng ranking của HVTC, công việc có thể làm ngay là GV, NCV bắt buộc phải sử dụng Email tên miền hvtc@.edu.vn. Và chỉ những công trình NCKH quốc tế đăng tên miền này mới được thưởng NCKH. Bên cạnh đấy, Trưởng các đơn vị trong Học viện cần về Thông báo cho các GV, NCV đã từng học tập, NCKH ở nước ngoài nên có công trình cần sử dụng tên miền Email Học viện để đăng tải các công trình này. Đặc biệt là việc tạo hồ sơ Rearchgate/google Scholar và Orcid

Thứ ba, tạo nhóm nghiên cứu trong và ngoài Học viện để thực hiện tìm kiếm các Công trình, đề án quốc tế như IFM, WB, ADB, NewtonFun...và trong nước của các Bộ, Sở. Từ đó, cùng triển khai thực hiện cũng như tích cực viết các bài báo/chương sách quốc tế

Thứ tư, tại chuyến đi khảo sát và làm việc Nhật Bản vừa qua, đoàn công tác HVTC đã làm việc với nhiều đối tác, vì thế nhiều cơ hội hợp tác quốc tế được định hướng và nghiên cứu triển khai thời gian tới. Nhưng thiết thực nhất và qua thời gian trao đổi, Ban HTQT, HVTC triển khai luôn đó là TB số 29/TB-HTQT về việc tạo nhóm nghiên cứu viết bài/viết sách để đăng và xuất bản quốc tế. 

(7) PGS.,TS. Trần Xuân Hải – nguyên Trưởng Ban Quản lý khoa học: Để nâng cao chất lượng và hiệu quả NCKH, trước hết cần xác định định hướng NCKH của đơn vị mà đối với Học viện, nhiệm vụ NCKH và đào tạo gắn liền với nhau. Học viện đã thực hiện rất tốt trong việc bám sát định hướng đúng đắn trong hoạt động NCKH. Những năm gần đây, phòng trào NCKH của GV trẻ thông qua các câu lạc bộ NCKH đã được đẩy mạnh và đã có nhiều đề tài NCKH cấp Bộ. Từ định hướng NCKH của Bộ Tài chính, Học viện đã triển khai xuống các đơn vị. Hơn nữa, xác định đề tài NCKH có tính cấp thiết và việc kết hợp giữa nhà khoa học của Học viện với các nhà khoa học của Bộ chủ quản những năm gần đây là những yếu tố nâng cao chất lượng NCKH. Mặt khác, cần nắm vững các tiêu chỉ của 1 đề tài NCKH xuất sắc để hướng tới trong quá trình thực hiện, triển khai. 

Ban CTCT&SV
Số lần đọc: 261

Danh sách liên kết