Tìm
English
Thứ sáu, 31/05/2019 - 14:15

Trường Sa, Hoàng Sa - một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc
Biển Đông, trong đó có Trường Sa, Hoàng Sa đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, quân dân ta đã tích cực triển khai các hoạt động nhằm quản lý và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, bảo vệ các lợi ích quốc gia trên biển, đảo.

Từ trong lịch sử

 Biển, đảo nước ta có vị trí chiến lược quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, liên quan trực tiếp đến sự phát triển phồn vinh của đất nước, hạnh phúc của nhân dân. 

Do thiên tai, hoàn cảnh chiến tranh liên tục nên nhiều thư tịch cổ của Việt Nam đã bị mất mát, thất lạc. Tuy nhiên, những tư liệu còn lại đến nay và chính sử vẫn đủ khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 Đình làng An Vĩnh - nơi bảo tồn các hoạt động văn hóa phi vật thể liên quan đến lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

Đình An Vĩnh trên đảo Lý Sơn là một trong những ngôi đình có từ lâu đời nhất ở tỉnh Quảng Ngãi, được xây dựng từ thế kỷ 18. Đây là nơi được 13 dòng họ trên huyện đảo Lý Sơn tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào ngày 19/3 âm lịch hàng năm từ mầy trăm năm nay nhằm tri ân những người lính trong đội hùng binh Hoàng Sa vâng mệnh triều đình nhà Nguyễn ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Miếu Hoàng Sa Tự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa do Cai đội Phạm Văn Nguyên cùng lính và phu dân hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi xây dựng vào năm 1835 cũng là mình chứng về chủ quyền biển đảo Việt Nam dưới triều Nguyễn.

Những ghi chép trong sách Đại Nam thực lục, Hoàng Sa tự, Đại Nam nhất thống chí, các thư tịch của triều Nguyễn, tộc phả của các dòng họ ở các tỉnh Nam Trung bộ (Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Định), đặc biệt là kho Châu bản cũng như những tự liệu lịch sử khác là bằng chứng hiển nhiên về những vết tích của việc xác lập chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa.

Với khoảng hơn 1000 bản đồ của các học giả trên khắp thế giới, kể cả các học giả người Trung Quốc do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu sưu tập cũng khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam trong lịch sử. Trong đó, có bản đồ cổ đã được xác lập chủ quyền này từ thế kỷ XV.

Trong suốt quá trình tồn tại, các vị vua triều Nguyễn đều nhận thức biển đảo có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn vong của triều đại, với an ninh quốc gia, dân tộc. Nó được xem là nhân tố, là cơ sở để phòng thủ, bảo vệ quốc gia từ xa trước sự dòm ngó của bên ngoài, nhất là các nước phương Tây.

Đại Nam nhất thống toàn đồ (bản đồ Việt Nam vẽ năm 1834)

đã có Hoàng Sa, Vạn lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam - Nguồn: NXB Bản Đồ

Đó cũng chính là một trong những yếu tố tác động đến ý thức hướng biển và chủ trương tăng cường phòng thủ biển, đảo của triều Nguyễn. Nhà Nguyễn huy động một lực lượng (các quan chức của các cơ quan Trung ương Nội các, Bộ Công, Bộ Hộ, Bộ Binh, Bộ Hình, Giám thành Khâm thiên giám, thuỷ sư... phối hợp với quan chức địa phương và ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định) hàng năm thực thi vẽ bản đồ, kiểm kê tài nguyên trên đảo, đo đạc hải trình, cắm cọc tiêu, trồng cây, dựng miếu, cắm bia chủ quyền, xây dựng hệ thống kho tàng, đồn luỹ, đặt trạm thu thuế, quan trắc thiên văn và dự báo thời tiết...tại Hoàng Sa.

Các tờ lệnh của vua Minh Mạng đã bổ sung vào kho tư liệu lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và kết nối logic với hệ thống tư liệu quý cùng nhiều di tích liên quan đến hải đội Hoàng Sa, quần thể mộ lính Hoàng Sa, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa...

Các bản đồ Việt Nam thế kỷ XVII đã gọi Trường Sa, Hoàng Sa bằng cái tên Bãi Cát Vàng và ghi vào địa hạt huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi. Nhiều tài liệu cổ của Việt Nam như Toàn Tập Thiên Nam Tứ chí Lộ Đồ Thư (thế kỷ XVII), Phủ Biên Tạp Lục (1776), Đại Nam Thực Lục Tiền Biên và Chính Biên (1844 - 1848), Đại Nam Nhất Thống Chí (1865-1875), các Châu bản nhà Nguyễn (1802-1945)... đều nói về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như là Bãi Cát Vàng vạn dặm trên Biển Đông.

Bản đồ nước Giao Chỉ có Pracel (Hoàng Sa, Trường Sa) do Hà Lan vẽ năm 1606

Bên cạnh đó, chủ quyền các quần đảo của Việt Nam cũng được Phương Tây xác định từ thế kỷ thứ XVII, song song với quá trình xâm chiếm các thuộc địa. Để phục vụ cho quá trình này, các nước Phương Tây đã tiến hành đo vẽ bản đồ thế giới với kỹ thuật hiện đại về đo đạc. Các tài liệu về chủ quyền các đảo, quần đảo tại Biển Đông thời kỳ này do đó tương đối chính xác. Trong đó, hải quân Pháp đã tiến hành đo đạc và thực hiện vẽ bản đồ một cách chính xác từ bờ biển cho đến các hải đảo nổi trên mặt nước cũng như độ độ sâu trung bình hầu khắp biển Đông.

Chính vì vậy, khi đánh chiếm được Việt Nam, Pháp đã mặc nhiên đặt quyền quản lý của chính quyền đô hộ lên hai quần đảo này Người Pháp đã cho xây dựng các đài khí tượng, trạm quan trắc và cắt đặt lính đồn trú trên các đảo.

Ngay trên tấm bản đồ địa lý toàn Trung Quốc mang tên “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” của Trung Quốc cho thấy điểm cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Theo đó, tấm bản đồ này được chính thức xuất bản năm 1904. Trước đó, Trung Quốc cũng đã từng diễn ra việc khảo địa dư đồ, nhưng chưa được chính xác và không có tỷ lệ chuẩn. Dưới sự chỉ đạo của triều đình nhà Thanh khi đó, tấm bản đồ Hoàng trực tỉnh địa dư toàn đồ chính thức hoàn thành.

Tấm bản đồ cổ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”

Trung Quốc, dừng lại ở cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam. Không hề có Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa)

Tấm bản đồ đã ghi nhận công rất lớn của các giáo sĩ, họ là những người trực tiếp đi đo đạc, ghi chép và vẽ nên tấm bản đồ với tên cụ thể và được ghi danh vào cuốn từ điển Từ Nguyên của Trung Quốc. Trên tấm bản đồ này chỉ vẽ đến đảo Hải Nam - điểm cực Nam lãnh thổ Trung Quốc và bản đồ tỉnh Quảng Đông, chứng minh các quần đảo ở Biển Đông nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Về kỹ thuật trắc địa, bản đồ được ứng dụng kỹ thuật phương Tây với hệ kinh vĩ độ khá chuẩn xác, gần giống như các bản đồ ngày nay. Đây là địa đồ được thực hiện bởi quan chức chuyên môn ở đài thiên văn - một cơ quan nhà nước của triều Thanh. Vì vậy, có thể nói bức địa đồ này mang tính chính thống. Là loại địa đồ hành chính, bức địa đồ này có tầm quan trọng ngang với Đại Thanh đế quốc toàn đồ 1905 và có giá trị cao hơn bức địa đồ chuyên ngành bưu chính có trước đó là Đại Thanh bưu chính công thự bị dụng dư đồ (1903, Trung - Anh văn đối chiếu).

Bảo vệ chủ quyền biển đảo dưới sự lãnh đạo của Đảng

Tái hiện Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa thời nhà Nguyễn của nhân dân Quảng Ngãi tại Hà Nội

Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập tự do dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam (1930-1975), Đảng ta luôn đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giải phóng giai với mục tiêu giành độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó” (1961). Thực hiện di nguyện của người, trong suốt tiến trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, lãnh đạo công cuộc phát triển đất nước hiện nay nói riêng, Đảng ta luôn quan tâm đến việc phát huy lợi thế quốc gia về biển, kết hợp với phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam, coi đây là một trong những động lực cơ bản cho sự phát triển bền vững đất nước.

Trong kháng chiến chống Mỹ và bè lũ tay sai, ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, thời cơ chiến lược để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã xuất hiện. Bộ Chính trị quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam, bao gồm cả các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ngay trong mùa khô 1975. Ngày 9/4/1975, khi ở trong đất liền, cuộc tiến công vào phòng tuyến Xuân Lộc mở màn, thì trên hướng biển, Bộ tư lệnh Hải quân được lệnh ra giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo khác.

Với Luật biển 1982  - Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) được ký kết ngày 10/12/1982 và chính thức có hiệu lực từ ngày 16/11/1994 là cơ sở pháp lý quốc tế vô cùng quan trọng cho Việt Nam trong việc xác lập cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phù hợp với quy định của luật quốc tế.  Đây là cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc, quan trọng, được thừa nhận và luôn được viện dẫn trong cuộc đấu tranh cam go, phức tạp để bảo vệ các vùng biển và thềm lục địa và các quyền và lợi ích chính đáng của nước ta trên biển.

Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bên cạnh những những chứng cứ lịch sử, pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đã được xác lập liên tục, hòa bình từ lâu đời đối với hai quần đảo, Công ước là công cụ pháp lý để phản bác những yêu sách phi lý, ngang ngược của Trung Quốc đối với cái gọi là “đường lưỡi bò” chiếm đến 80% diện tích Biển Đông, vốn là vùng biển nửa kín được bao bọc bởi 9 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Công ước Luật biển 1982 cũng là cơ sở pháp lý chung cho việc phân định vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa nước ta với các nước xung quanh Biển Đông như Cămpuchia, Thái lan, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia…góp phần tạo dựng sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tạo môi trường ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển trong Biển Đông.

Chủ quyền, quyền chủ quyền an ninh trên biển, đảo là một bộ phận quan trọng không thể tách rời của an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Một quốc gia có vùng biển, vùng trời hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự vững mạnh của chế độ, của dân tộc. Nhận thức rõ vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh của biển, đảo nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới việc quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giải quyết tranh chấp trên biển và phát triển kinh tế biển, ý thức vươn ra biển, làm giàu từ biển, từng bước khẳng định vị trí Việt Nam là một quốc gia mạnh về biển trong khu vực.

Để phát huy tiềm năng về biển đảo, mỗi cá nhân phải nâng cao nhận thức về chủ quyền, vị trí, tầm quan trọng và tôn vinh những giá trị của nó đối với sự sống cộng đồng. Nâng cao trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển tài nguyên, môi trường biển, hải đảo bền vững.

Ban CTCT&SV
Số lần đọc: 8
Các bài đã đăng

Danh sách liên kết