Tìm
English
Thứ tư, 05/06/2019 - 19:31

Học viện Tài chính: Mỗi hành động nhỏ, cùng chung tay “Chống rác thải nhựa” – Bài 1
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì môi trường năm 2019, Học viện Tài chính kêu gọi CBVC, người lao động và sinh viên, học viên tiếp tục cùng nhau giảm thiểu việc sử dụng túi nilon trong công việc và sinh hoạt.

Tháng 6 – tháng hành động vì môi trường thế giới, giải quyết ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã chọn chủ đề hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05/6 năm nay là “Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta” (Air Pollution) nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng và xã hội cùng hành động trong việc giảm thiểu những chất độc hại ra môi trường không khí trong các hoạt động của con người trên toàn cầu.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, trong đó khu vực Châu Á -Thái Bình Dương có gần 4 triệu người. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế với khoảng 92% người dân trên toàn thế giới không được hít thở không khí sạch, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 nghìn tỷ đô la mỗi năm. 91% dân số thế giới sống ở những nơi có chất lượng không khí nằm dưới mức tiêu chuẩn do WHO đề ra.

Ô nhiễm ôzôn trên mặt đất dự kiến ​​sẽ làm giảm 26% năng suất cây trồng chủ lực vào năm 2030. Ô nhiễm không khí đã và đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn xã hội.

Bên cạnh đó, “Ô nhiễm trắng”  - cụm từ mà các nhà khoa học dùng để gọi loại ô nhiễm do túi nilon gây ra cho môi trường đang ngày càng trầm trọng, gây ra những hàng loạt hệ lụy khôn lường

 Tình trạng báo động về rác thải nhựa

Ước tính trọng lượng túi nilon bị vứt mỗi năm vào khoảng 3,5 triệu tấn và nếu nối tất cả túi nilon cũng như rác thải nhựa, ta sẽ được một sợi dây thòng lọng quấn quanh Trái đất 4 lần.

Do đặc điểm cấu trúc là các polyme tổng hợp nhân tạo (polystyrene, polyester, polyethylene...), nhựa là một dạng chất thải có tốc độ phân hủy trong môi trường biển rất chậm.

Thành phần các loại nhựa không chứa độc nhưng các chất phụ gia làm mềm dẻo, dai lại vô cùng độc hại. Nguy hiểm nhất, ở nhiệt độ 70 – 80o C hoặc sử dụng đựng đồ chua, mặn... sẽ làm các phụ gia dùng sản xuất túi nilon sẽ hòa tan vào thực phẩm gây ung thư cho người sử dụng.

Thông điệp về “Ô nhiễm trắng”

Trong số lượng khổng lồ túi nilon được sử dụng, chỉ có chưa tới 1% trong số chúng được tái chế và sử dụng đúng cách. 

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, rác thải nilon chôn lấp sẽ gây ô nhiễm môi trường đất và nước và có khi phải mất 500 đến 1.000 năm mới có thể phân hủy. Vì vậy, rác thải này gây cản trở sự sinh trưởng và phát triển các loại thực vật - ngăn cản việc đưa nước từ đất đến các loại thực vật, ngăn cản sự phát triển chúng. Đồng thời, thói quen vứt rác bừa bãi của con người khiến túi nilon trở thành thứ rác tràn lan làm mất mỹ quan và là tác nhân ẩn chứa vi khuẩn bệnh tiềm tàng, tắc nghẽn cống rãnh, ô nhiễm môi trường… Đây cũng là nguyên nhân của sự xói mòn đất, ảnh hưởng đến sự phát triển sinh thái trong vùng.

Nếu đốt, nilon sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan, chì, cadimi, lưu huỳnh… gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ và nguy hiểm hơn là có khả năng gây ung thư… Những loại chất này bốc hơi còn gây mưa axit cũng như ô nhiễm môi trường đất. Đây là nguyên nhân gián tiếp gây nên cái chết của các sinh vật trên mặt đất, kể cả con người. 

Với việc cắt giảm 60-80% lượng túi nilon được sử dụng có thể giúp giảm việc tạo ra khoảng 100.000 tấn CO2 mỗi năm, tương đương với việc giảm 35.000 xe hơi trên đường phố.

“Giới và đại dương”

Đại dương kêu cứu

Thế kỷ XXI được các nhà chiến lược xem là ‘‘Thế kỷ của đại dương”  bởi cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số hiện nay, nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên không tái tạo được trên đất liền sẽ bị cạn kiệt sau vài ba thập kỷ tới. Trong bối cảnh đó, các nước có biển, nhất là các nước lớn đều vươn ra biển, xây dựng chiến lược biển, tăng cường tiềm lực mọi mặt để khai thác và khống chế biển.

Đại dương (chiếm 70% diện tích bề mặt trái đất) đóng vai trò trung tâm trong mối tương tác đại dương – khí hậu về mặt phát sinh ôxy, hấp thụ đioxit cacbon (khoảng 30%), và điều chỉnh nhiệt độ và khí hậu. Khi các chức năng trên bị đe dọa thì tương lai của hành tinh của chúng ta cũng bị đe dọa. Đại dương đang chịu nhiều sức ép về môi trường do đã và đang  được xem là “bãi rác khổng lồ” của con người.

 Rác thải nhựa giết dần mòn cá, các loại sinh vật biển

Năm 2019, Liên Hợp Quốc đã lựa chọn Ngày Đại dương thế giới (ngày 8/6) với chủ đề là “Giới và Đại dương” (Gender and The Oceans). Thông qua chủ đề năm nay, để tăng cường khía cạnh về giới trong mối quan hệ của loài người với các đại dương, nhằm trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trên khắp thế giới trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến đại dương. Từ đó, hướng tới những giải pháp khả thi để thúcc đẩy bình đẳng giới trong các hoạt động liên quan đến đại dương (nghiên cứu khoa học biển, ngư nghiệp, lao động trên biển, di cư bằng đường biển, buôn bán người…) và khuyến khích các giải pháp cho tăng cường ngăn chặn rác thải nhựa trên biển vì một đại dương khỏe mạnh hơn  để đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 5 (SDGs) của Liên Hợp Quốc đến năm 2030.

Theo một nghiên cứu mới đây, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương trên thế giới gây thiệt hại 2,5 tỷ USD mỗi năm và gây thất thoát tài nguyên. Mỗi tấn chất thải nhựa làm giảm giá trị môi trường tới 33.000 USD và ước tính hàng năm có khoảng 8 triệu tấn ô nhiễm nhựa đổ vào các đại dương trên thế giới.

Rác thải nhựa có thể được tìm thấy trên khắp thế giới – dù vùng biển xa nhất. Rác thải nhựa có thể vẫn nổi trong nhiều thập kỷ hoặc lâu hơn, di chuyển trong khoảng cách hơn 3.000km từ điểm xuất phát - tạo ra môi trường sống mới cho vi khuẩn và tảo và là nguy cơ lây lan các loài và bệnh xâm lấn.

Rác thải nhựa đang được coi là "tử thần" của các loài sinh vật biển: mỗi năm, 1,5 triệu động vật trên đại dương chết vì ngộ độc chất thải nhựa. Với tình trạng này, đến năm 2050, rác thải nhựa trên đại dương sẽ nhiều hơn cá. Trong đó, Châu Á là khu vực gây ô nhiễm môi trường biển nhất do rác thải nhựa.

Theo Tạp chí Môi trường, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết, với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa là nguyên nhân gây tử vong cho nhiều loài sinh vật biển như rùa, cá heo, cá voi. Do các dòng hải lưu, các mảnh (hạt) nhựa vụn di chuyển trên khắp đại dương, trở thành mồi cho các loài chim biển, cá, giun và động vật biển. Khi các động vật nuốt phải các mảnh (hạt) nhựa vụn bị mắc trong khí quản gây ngạt thở, hoặc làm tắc hệ tiêu hóa, gây nguy hại cho các loài động vật, thậm chí dẫn đến tử vong.

Nhưng đáng lo ngại là những hạt nhựa siêu vi từ rác thải nhựa phân hủy và từ những hạt nhựa siêu nhỏ có trong mỹ phẩm như sữa rửa mặt, kem đánh răng... có thể xâm nhập và phá hủy tế bào trong cơ thể của các loài sinh vật biển. Ngoài ra, chúng có thể làm tích tụ các loại hóa chất nguy hiểm, bao gồm thuốc trừ sâu DDT và PCB (Polychlorinated biphenyl - trong nhóm các hóa chất hữu cơ khó phân hủy gây ung thư).

Chuyện nhỏ mà không nhỏ

Mới đây, một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học California (Mỹ) và Đại học Inđônêxia đã thu gom những con cá được bán ở các chợ thuộc vịnh Half Moon và Princeton (bang California, Mỹ) và biển Makassar (Inđônêxia) về để phân tích. Họ phát hiện ra rằng, ở Inđônêxia, 28% tổng số cá thể cá và 55% loài động vật biển được lấy mẫu có rác thải nhựa trong dạ dày và đường ruột.

Còn tại Mỹ, rác thải nhựa được tìm thấy trong 25% cá thể cá và 67% các loài động vật biển được lấy mẫu. Các hạt nhựa nhân tạo cũng được tìm thấy trong 33% mẫu cá thể động vật có vỏ (tôm, cua, sò, ốc…).

Trên thực tế, nhiều bờ biển trên thế giới đã và đang hứng chịu không ít hệ lụy từ hành động xả thải vô tội vạ của con người. Đó có thể là chất thải công nghiệp, các hóa chất độc hại từ hoạt động sản xuất,... xả thẳng thải vào đại dương.

Việc giải phóng các chất dinh dưỡng hóa học khác vào hệ sinh thái đại dương khiến nước biển giảm oxy, thực vật bị phân hủy, chất lượng nước biển giảm nghiêm trọng. Khai thác đại dương ở vùng biển sâu là một nguồn ô nhiễm đại dương khác. Các khu vực khai thác mỏ ở biển như khai thác bạc, vàng, đồng, coban và kẽm tạo ra các mỏ trầm tích sulfua lên tới ba nghìn năm trăm mét dưới biển.

Các nhà khoa học cho rằng việc khai thác biển sâu gây thiệt hại cho đại dương và làm tăng độc tính của khu vực. Thiệt hại này cũng gây trở ngại đáng kể cho hệ sinh thái của khu vực.

Ngoài ra, những tiếng ồn cực lớn tạo ra khi thăm dò khí đốt và dầu mỏ có sức tàn phá ghê gớm nhất, vì chúng gây nhiễu loạn sóng âm của sinh vật biển, làm ảnh hưởng các đàn cá sống ở những rạn san hô, nhất là làm thay đổi hành vi của các cặp cá cha mẹ khi chăm sóc và nuôi dưỡng đàn con. Điều này làm cho đàn con không được bảo vệ trước động vật săn mồi.

Làm sao để giữ gìn biển, đại dương như vốn có

Các phương tiện tàu biển là nguồn gây ô nhiễm rất lớn đối với môi trường, nhất là tại các thành phố cảng và ven biển, do chúng sử dụng nhiên liệu nhựa đường kém chất lượng, có lượng khí thải như nitơ oxit (NO), dioxit lưu huỳnh (SO2) rất cao.

Bên cạnh đó, những chất thải này cũng đã tạo ra những cơn mưa axit và những hạt bồ hóng nhỏ li ti trong không khí. Hoạt động của tàu biển (bao gồm cả tàu cá và tàu hàng) là một trong những nguồn nhân tạo đóng góp đáng kể vào sự ô nhiễm không khí.

Theo số liệu thống kê của Chính phủ Mỹ, các tàu biển là thủ phạm gây ra 2/3 lượng khí thải SO2 trong ngành GTVT năm 2002, việc thiếu các biện pháp kiểm soát sẽ khiến tỷ lệ này có thể lên tới 98% vào năm 2020. Do đó, Chính phủ Mỹ đã đặt ra những tiêu chuẩn mới về khí thải đối với các tàu biển cỡ lớn. Theo đó, từ năm 2015, các tàu biển mới sẽ phải giảm 96% lượng SO2 so với hiện nay. Tương tự, các tàu biển được đóng sau năm 2016 sẽ phải cắt giảm 80% lượng khí thải NO.

Ngoài ra, hoạt động tràn dầu nguy hiểm cho sinh vật biển theo nhiều cách. Dầu tràn ra đại dương có thể dính vào mang và lông của động vật biển, khiến chúng khó di chuyển hoặc bay đúng cách…. Tác động lâu dài đối với sinh vật biển có thể là ung thư, thay đổi hệ thống sinh sản, thay đổi hành vi và thậm chí bị diệt vong.

Theo Tiến sĩ Nicola Beaumont, nhà kinh tế môi trường thuộc Phòng thí nghiệm biển Plymouth: “Tái chế một tấn nhựa tiêu tốn hàng trăm USD nhưng chi phí sẽ lên đến hàng ngàn nếu chúng ta trút xuống biển. Chúng ta hiện đang kinh doanh carbon để giảm phát thải vào khí quyển, tại sao chúng ta không thể làm điều tương tự với nhựa? Hy vọng nghiên cứu này sẽ làm nổi bật thực tế của vấn đề nhựa theo khía cạnh con người”.

 (Còn nữa)

Ban CTCT&SV (Tổng hợp)
Số lần đọc: 51

Danh sách liên kết