Tìm
English
Thứ sáu, 28/06/2019 - 18:2

Tôn vinh giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp trong gia đình Việt Nam
(HVTC) – Với chủ đề "Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình", Ngày hội Gia đình Việt Nam 2019 năm nay hướng đến việc tôn vinh những giá trị cốt lõi trong truyền thống gia đình Việt Nam. Chúng ta cùng nhau nhìn lại những giá trị quý báu này và cùng nhau gìn giữ.

Những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp trong gia đình

Gia đình là một đơn vị xã hội, một thiết chế xã hội cổ xưa nhất nhưng lại bền vững nhất. Gia đình thực hiện nhiều chức năng, trong đó chức năng giáo dục có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Giáo dục gia đình là nền tảng đầu tiên, liên tục, thường xuyên và lâu dài đối với mỗi con người. Trong giáo dục gia đình, giáo dục giá trị đạo đức là bộ phận cốt lõi trong các giá trị tinh thần truyền thống gia đình Việt Nam. Những quy định, phép tắc, chuẩn mực đạo đức trong gia đình sẽ là cơ sở để giữ gìn sự ổn định, phát triển của gia đình và xã hội.

Giá trị đạo đức truyền thống là các chuẩn mực đạo đức tốt đẹp mang tính tương đối ổn định, được lưu truyền từ thế hệ này sang hế hệ khác nhằm điều chỉnh hành vi của các thành viên trong gia đình theo những quan hệ cơ bản (Vợ chồng; cha mẹ - con cái; các anh chị em với nhau; các thành viên gia đình với dòng họ…) với những quy phạm về hành vi của con người trong vấn đề hôn nhân và gia đình.

Trong quan hệ chồng vợ, tình nghĩa, thuỷ chung, hòa thuận là những giá trị đạo đức căn bản để duy trì, làm bền chặt của hôn nhân. Nghĩa và tình là hai yếu tố vô cùng quan trọng trong chuẩn mực cư xử không chỉ ngoài xã hội mà còn cả trong đời sống vợ chồng;

TỪ HIẾU trong quan hệ cha mẹ - con cái; Kính trên nhường dưới; kính trọng, biết ơn cha mẹ, lấy chữ hiếu làm đầu; kính trọng ông bà, thờ phụng tổ tiên; lợi ích cá nhân phục tùng lợi chung cuả gia đình và dòng họ. Từ là nhân từ, độ lượng, là tình thương, sự quan tâm, trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái. Tình thương và trách nhiệm có cội nguồn từ quan hệ huyết thống, nhưng về bản chất, chúng phản ánh chức năng của gia đình trong việc sản sinh và nuôi dưỡng con người. Tình thương và trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái được hình. Chu trình của chữ hiếu là liên tục, tấm gương thực hiện chữ hiếu của thế hệ này sẽ ảnh hưởng và được kế tiếp ở thế hệ sau.

HÒA THUẬN: Sinh con và giáo dục con, thương yêu, chăm sóc, nuôi dạy con nên người, tạo dựng cho con cả đời sống vật chất và tinh thần của các bậc cha mẹ được thể hiện trong chữ từ, và đó cũng là cơ sở để hình thành những người con Hiếu. Hiếu là yêu cầu, là chuẩn mực đạo đức trong quan hệ của con cái đối với cha mẹ. Anh chị em gia đình hòa thuận, yêu thương đùm bọc nhau với nguyên tắc kính trên nhường dưới. Anh chị dạy dỗ, chỉ bảo, noi gương cho các em về sự hiếu thảo, vâng lời cha mẹ...

Phát huy những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp trong gia đình

Trong một vài thập niên gần đây, quá trình toàn cầu hóa ngày càng tác động một cách rộng lớn và sâu sắc đến mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, thiết chế gia đình không tránh khỏi những rung chuyển trong hệ giá trị của mình. Tìm về những giá trị đạo đức cơ bản của gia đình Việt Nam truyền thống để kế thừa, phát huy là chìa khóa vàng để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Tình trạng suy thoái đạo đức xã hội nói chung, đạo đức gia đình nói riêng đang ngày càng nghiêm trọng và được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhiều giá trị đạo đức gia đình truyền thống đang bị mai một hoạc bị xem nhẹ. Do áp lực của cuộc sống, lo mưu sinh, kiếm tiền, sự thăng tiến trong sự nghiệp... quan hệ trong nhiều gia đình trở nên lỏng lẻo, tình nghĩa, thuỷ chung trong quan hệ vợ chồng không còn bền chặt Sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ dành cho con cái bị giảm sút nghiêm trọng, tình cảm giữa các thành viên sứt mẻ, gia đình không còn là tổ ấm, đảm bảo an toàn cho sự phát triển trí tuệ, tình cảm, đạo đức, thể lực của các thành viên, đặc biệt là lớp trẻ. Vì thế, con cái lớn lên thiếu hụt những giá trị mà không dễ gì bù đắp được.

Không ít người con bất hiếu làm đau lòng những bậc sinh thành và cả xã hội phải suy ngẫm. Tình trạng nghiện ma túy, các chất kích thích và vi phạm pháp luật của giới trẻ đang là tình trạng báo động đỏ.

Trước tình hình trên, những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp trong gia đình cần được phát huy, không chỉ có tác dụng như một động lực tinh thần thôi thúc mỗi người phấn đấu mà còn có tác dụng như một cơ chế tự bảo vệ, chống lại sự tha hoá trong bối cảnh toàn cầu. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội cần nâng cao nhận thức cho về vai trò của đạo đức gia đình, những nét đẹp của đạo đức gia đình truyền thống trong sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi người.

Trong gia đình truyền thống cũng như hiện đại, đạo đức gia đình là một trong những yếu tố căn bản để tạo nên sự ổn định, ấm no, hạnh phúc của mỗi gia đình và góp phần để xây dựng đạo đức xã hội nói chung. Những chuẩn mực đạo đức gia đình trở thành yếu tố cốt lõi cho việc điều chỉnh mối quan hệ giữa các thành viên; là yếu tố nội sinh góp phần xây dựng gia đình trở thành tổ ấm, thành cái nôi nuôi dưỡng cuộc đời của mỗi con người. Gia đình là một thiết chế xã hội đặc thù, khá bền vững nhưng cũng rất nhạy cảm với mọi biến đổi xã hội. 

 

Nữ họa sĩ Snezhana Soosh đã khắc họa chân thực tình cảm gia đình yêu thương, gắn bó, khiến người xem xúc động

Ban CTCT&SV
Số lần đọc: 11

Danh sách liên kết