Tìm
English
Thứ ba, 02/07/2019 - 14:20

Để một mùa hè XANH, AN TOÀN, Ý NGHĨA
(HVTC) – Một mùa hè đã đến, các thầy cô giáo và sinh viên, học viên Học viện Tài chính chính thức bước vào kỳ nghỉ hè 2019 với những dự định, kế hoạch cho riêng mình để nghỉ ngơi, thư giãn, tái tạo sức lao động. Học viện kêu gọi các thầy cô và các sinh viên, học viên cùng nhau thực hiện một mùa hè XANH, AN TOÀN, Ý NGHĨA.

 Chúc các bạn sinh viên một mùa hè XANH, AN TOÀN, Ý NGHĨA

Kỳ nghỉ hè XANH

Xu hướng sống xanh (green living) đang là xu hướng sống được đề cao, coi trọng. Khi tìm kiếm trên google, với từ khóa Sống xanh”, có khoảng 144.000.000 kết quả (0,56 giây) và từ khóa “green living”, cho khoảng 4.580.000.000 kết quả (0,30 giây).

 Xu hướng sống xanh (green living)

Sống xanh là khái niệm chỉ lối sống thân thiện với môi trường, hài hòa với thiên nhiên. Trong đó, mỗi người tự giác, chủ động, tích cực giảm thiểu tối đa phá vỡ cân bằng sinh thái, hạn chế gây ô nhiễm môi trường, giảm thiểu sử dụng tài nguyên.

 Hình ảnh xả rác bừa bãi tại một khu du lịch

Mùa hè đến gắn với thời gian nghỉ ngơi, tận hưởng những chuyến du lịch nghỉ dưỡng và trải nghiệm khám phá những địa điểm du lịch hấp dẫn. Những điểm đến thiên nhiên trong lành và hoang sơ thường là nơi thu hút đông du khách tìm đến để thư giãn, nghỉ ngơi. Tuy nhiên, tình trạng ý thức kém của nhiều người khi đi du lịch là vấn đề gây bức xúc trong cộng đồng mạng thời gian gần đây. Trong đó, nạn xả rác bừa bãi tại các điểm du lịch đã trở nên phổ biến, nhất là thói quen sử dụng đồ nhựa, túi nilon dùng một lần ngày càng nghiêm trọng.

Di tích lịch sử Cột cờ HN bị bôi bẩn

Bên cạnh đó, tình trạng bôi bẩn, phá hoại các di tích, phá hoại cây xanh, cây cảnh... của một bộ phận giới trẻ khi tham quan, du lịch cũng đáng báo động. Chỉ một hành động bột phát, thiếu suy nghĩ, muốn ghi dấu "check-in", một số bạn trẻ khắc tên, vẽ hình lên di tích hay khắc lên cây đã làm các di tích bị bôi bẩn lem nhem. Nhiều tờ báo Nhật Bản đưa tin về việc xuất hiện dòng chữ “A.Hào” được khắc lên một hòn đá thiêng tại khu thành cổ Yonago, thuộc tỉnh Tottori (được phát hiện hôm 26/10/2018). Đây là việc làm khiến người dân Nhật Bản bức xúc, lên án hành vi phá hoại di sản văn hóa. 

 Một hòn đá thiêng tại khu thành cổ Yonago, thuộc tỉnh Tottori, Nhật Bản bị bôi bẩn bởi du khách.

Ở Việt Nam, tình trạng này diễn ra khá phổ biến ở các di tích. Cây đa hơn 800 năm tuổi trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) cũng hứng chịu sự vô ý thức của khách du lịch với những vết dao khắc chằng chịt trên thân, dù đã có biển báo ngay bên cạnh. Những di tích đi qua bao thăng trầm của thời gian và biến cố vẫn vẹn nguyên nhưng lại đang bị làm tổn thương bởi hành động thiếu văn hóa, vô ý thức của một số người.

Theo quy định tại Điều 23 Nghị định 158/2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1-1-2014) về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo là phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật. Nếu chiếu theo Luật di sản văn hóa thì hành vi viết, vẽ bậy lên di sản được khép vào tội “hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa”.

Hành động viết, vẽ, khắc, bôi bẩn làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, công trình danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa nghệ thuật là vi phạm pháp luật. Cụ thể, theo Điều 23 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với các hành vi này.

Dù đi đâu, làm gì, mỗi người đều cần ý thức bảo vệ môi trường với nguyên tắc sống XANH.  

An toàn giao thông trong mùa hè

Bên cạnh những kỳ nghỉ dưỡng, những chuyến tham quan trọn gói, đặt qua các công ty du lịch, lữ hành, có nhiều gia đình và nhiều bạn trẻ tự setup với việc tự túc phương tiện di chuyển cá nhân như: ô tô, mô tô, xe đạp. Đặc biệt, xu hướng du lịch phượt (backpacking) với việc lập nhóm để cùng nhau “Phượt” đang được giới trẻ ưa chuộng. Theo xu hướng, này, với mô tô 2 bánh, phượt thủ (backpacker) thường di chuyển nhiều hơn và rộng hơn, tìm kiếm những điều khác biệt hoặc ra khỏi những khung đường, kinh nghiệm du lịch bình thường.

Giới trẻ năng động, nhiệt huyết, ưa mạo hiểm, khám phá nên những cung đường càng sâu, càng xa, càng hiểm càng có sức hấp dẫn lớn.

 Vì vậy, những hình thức du lịch này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về an toàn giao thông. Mặt khác, giới trẻ thường quá khích, thích tốc độ và ít chú ý đến các biển báo chỉ dẫn về tốc độ cũng như các cảnh báo về sự nguy hiểm... Ngoài ra còn có những bất cẩn khác khi leo núi, lội suối của các phượt thủ dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.

Cuối tháng 2/2009, trên cung đường từ Thái Nguyên đi Bắc Kan, vụ tai nạn của cặp đôi đi phượt xảy ra khiến bạn trai (ĐH Mỏ Địa chất) cầm lái bị tử nạn, bạn gái (ĐH KTQD) ngồi sau phải trải qua những ngày dài đau đớn trong bệnh viện với chấn thương sọ não. Cả hai khi đó mới 21 tuổi.

Tháng 4/9/2010, trong chuyến đi phượt bằng xe gắn máy từ Lào Cai sang Lai Châu, đoàn dừng lại ở dòng suối Chăn để chụp ảnh. Cô gái Nguyễn Thu Hiền (sinh năm 1983, Thái Bình) không may trượt chân ngã xuống suối và bị nước cuốn trôi. Người bạn cùng đoàn là Nguyễn Khánh Nguyên (sinh năm 1982, Hải Phòng) nhảy xuống cứu. Dòng nước quá xiết đã nhấn chìm cả hai.  

 Một thành viên “phượt” kỳ cựu có nickname MrSlump đã gặp tai nạn và tử vong khi đang trên đường từ Hà Nội vào Ninh Bình dự buổi offline của các bạn trẻ cuối tháng 10/2011.

Ngày 20/7/2012, bạn gái có nick phượt Hanamichi.tron, (SN 1991) đã qua đời  trên đường chinh phục cực Đông của Việt Nam vì quá đuối sức, lại thiếu hụt dinh dưỡng nhiều ngày.

 Trưa 14/6/2016, tại tuyến đường 723 nối Lâm Đồng – Khánh Hòa, thuộc đoạn xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng xảy ra vụ va chạm giữa xe máy với ô tô 16 chỗ chạy ngược chiều đi hướng Nha Trang- Đà Lạt. Anh T.H.S (SN 1996, quê Hà Nam) chết trên đường đưa đi cấp cứu, chị Đ.T.L (SN 1993, quê Kom Tum) lâm vào tình trạng hôn mê tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng.

12/5/2018 nạn nhân Thi An Kiện (24 tuổi, ngụ tại TP. HCM), phượt thủ mất tích tại cung đường Tà Năng - Phan Dũng (thuộc địa phận 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận) được tìm thấy khi đã tử nạn.

Lúc 6h30 ngày 25/8/2018 trên quốc lộ 5, đoạn qua khu vực ngã 3 xã Tân Tiến (huyện An Dương, Hải Phòng), một đoàn phượt gồm khoảng 30 xe máy, đi từ tỉnh Hải Dương đã xảy ra tai nạn khiến Phạm Thành Trung (21 tuổi) tử vong tại chỗ, Phạm Thị Huyền (22 tuổi) cùng trú tại tỉnh Hải Dương phải cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Chiều tối 24/11/2018, vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại bản Co Chàm (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ) khi xe máy đi phượt đi theo hướng Hà Nội-Sơn La bất ngờ tông vào taluy. 2 người đi trên xe máy là chị V.T.T.H (SN 1999, Hà Tĩnh) và anh T.Q.C (SN 1999, Quảng Ninh) đều là sinh viên đại học tại Hà Nội tử vong tại chỗ. Nguyên nhân của vụ tai nạn là do đường cua gấp khúc, sương mù dày đặc, khiến tầm nhìn của người điều khiển xe máy bị che khuất.

Ngoài những rủi ro khi đi “phượt”, các bạn trẻ thường vi phạm các quy định về an toàn giao thông trong dịp nghỉ hè. Đây cũng là dịp hẹn hò, tụ tập ăn uống, xả hơi của các bạn học sinh, sinh viên sau những ngày học tập căng thẳng, vất vả. Việc uống vài cốc bia, chén rượu khi gặp mặt bạn bè đã trở thành phổ biến không chỉ trong giới trẻ. Tuy nhiên, sau khi uống rượu bia, rất nhiều người trong số đó phải trở về nhà, tham gia giao thông, trực tiếp điều khiển các phương tiện xe cơ giới nên thường xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc. Các lỗi vi phạm thường là không đội mũ bảo hiểm, đánh võng, vượt đèn đỏ, tụ tập đông xe gắn máy dưới lòng đường, không tuân thủ quy định về tốc độ và đi đúng làn đường... theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng chính phủ.

Để mùa hè thật ý nghĩa, trước hết phải là một mùa hè an toàn, an toàn cho mình và cho tất cả mọi người khi tham gia lưu thông trên đường (thủy, bộ, hàng không). Đừng quên giữ an toàn khi tham gia mọi hoạt động văn hóa, xã hội hay du lịch với việc tuân thủ các nội quy, quy định nơi đến nói riêng, các quy định của pháp luật nói chung và cùng chung tay bảo vệ môi trường cũng như tham gia các hoạt động xã hội ý nghĩa tại quê hương mình nhé!

Một số hình ảnh khác

Những lưu ý khi tham gia giao thông

 Cùng sống xanh!

 

Ban CTCT&SV (Ảnh nguồn: Internet)
Số lần đọc: 20

Danh sách liên kết