Tìm
English
Thứ sáu, 16/08/2019 - 5:0

Chuyên ngành Kế toán Doanh nghiệp - 56 năm vững bước xây dựng và phát triển
1. Lịch sử hình thành và phát triển chuyên ngành kế toán doanh nghiệp

Sự hình thành và phát triển của chuyên ngành kế toán doanh nghiệp gắn liền với sự ra đời và phát triển của Trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính). Nhìn lại những chặng đường đã qua, chúng tôi luôn luôn tự hào về sự trưởng thành, phát triển cả về số lượng và chất lượng của đội ngũ, cũng như vị thế và những đóng góp của chuyên ngành kế toán doanh nghiệp đối với sự nghiệp trồng người - đào tạo cán bộ quản lý ngành tài chính của đất nước trong suốt 56 năm qua.

Bộ môn Kế toán Tài chính hiện nay

Với 56 năm, xây dựng và phát triển - một thời gian không ngắn cũng không quá dài, song chuyên ngành kế toán doanh nghiệp đã để lại cho các thế hệ thầy và trò những trang sử rất đáng tự hào và được các lớp thế hệ sinh viên tôn vinh và ngưỡng mộ. Để có được những thành tựu như ngày hôm nay, bao thế hệ Thầy và trò của Trường Đại học Tài chính Kế toán - Học viện Tài chính hôm nay phải trải qua bao khó khăn, gian khổ để vượt qua vươn lên học tập và nghiên cứu khoa học. Tự hào và trân quý những kết quả to lớn, rực rỡ đến ngày nay, mỗi chúng ta - thế hệ học trò của Học viện Tài chính nói chung, của chuyên ngành kế toán doanh nghiệp nói riêng luôn ghi nhớ những cống hiến của biết bao thế hệ thầy và trò qua những chặng đường xây dựng và phát triển đã tạo nên truyền thống vẻ vang, đầy tự hào của Học viện Tài chính; khoa kế toán nói chung và chuyên ngành kế toán doanh nghiệp nói riêng.

Giai đoạn thành lập và hoạt động tại nơi sơ tán ở Lập Thạch – Vĩnh Phú (1963 - 1970)

Sự ra đời của chuyên ngành Kế toán gắn liền với sự ra đời và phát triển của trường Cán bộ tài chính Kế toán Trung ương (sau đó là Đại học Tài chính Kế toán - nay là Học viện Tài chính). Trải qua bao thăng trầm phát triển cùng với lịch sử đầy tự hào, vẻ vang của Trường Đại học Tài chính Kế toán.

Năm học 1965 - 1966 cùng với sự phát triển của trường, do yêu cầu thực tế đòi hỏi, Khoa Tài vụ - Kế toán các ngành kinh tế quốc dân được tách thành 2 khoa: Khoa tài vụ các ngành và Khoa Kế toán các ngành kinh tế quốc dân được giao nhiệm vụ đào tạo cả hệ dài hạn chính quy và hệ chuyên tu. Ban đầu chỉ có 2 Tổ bộ môn: Kế toán công nghiệp và Kế toán Kiến thiết cơ bản. Năm 1966 thành lập thêm 2 tổ bộ môn: Kế toán Nông nghiệp; Kế toán Thương Nghiệp;

Tổ Bộ môn Kế toán công nghiệp: Năm 1965 mới chỉ có 5 giáo viên: Thầy Lê Tuyến Viện - Tổ trưởng; Thầy Đào Trọng Cảnh - Tổ Phó; Thầy Lê Văn Hằng;Thầy Vũ Huy Cẩm; Thầy Phan Thanh Đức. Từ lực lượng  ban đầu như vậy sau 7 năm( 1970) Tổ bộ môn được bổ sung và phát triển không ngừng: Thầy Thái Công Minh; Thầy Huỳnh Hồng; Thầy lê Văn Phong; Thầy Nguyễn Hữu Ba; Thầy Trần Văn Tá; Thầy Chu Huy Tộ; Thầy Phan Châu; Thầy Nguyễn Ngọc Hiền; Thầy Nguyễn Thượng Dũng; Thầy Lê Trọng Kim.

Tổ Bộ môn Kế toán Xây dựng cơ bản:  Bn đầu tổ Bộ môn có 4 giáo viên, Thầy Đặng Hữu An – Tổ trưởng; Thầy Trần Hữu Chinh – Tổ phó;  Thầy Đặng Kỷ; Thầy Nghiêm Xuân Ngọa. Số lượng giảng viên được tăng lên qua các năm: Thầy Nguyễn Như Trà (1966); Nguyễn Như Trạch (1966); Hoàng Xuân Ngọc (1966); Thầy Phạm Thành Tô năm 1967; Nguyễn Đình Hựu (1968); Thầy Văn Bá Thanh (1969); Đỗ Văn Thành (1969); Thầy Nguyễn Sơn Trà (1970).

Tổ Kế toán Nông Nghiệp: Ban đầu có 2 giáo viên, Thầy Đặng Văn Minh-Tổ phó; Thầy Nguyễn Quang Toản. Sau đó, Thầy Hoàng Chi- Tổ trưởng (1966 -1973); Thày Phạm Đình Quê; Thầy Phạm Tiến Bình( 1971), Thầy Phùng Quang Tiến (1971).

Tổ Bộ môn Kế toán Thương Nghiệp: Thầy Lưu Lộc-Tổ trưởng; Thầy Đặng Đình Tốn; Thầy Hồ Phú Quới. Năm 1996 các thầy Nguyễn Như Nguyện; Thầy Võ Kiên Soa; Thầy Lê Gia Lục; Thầy Lê Hạ (1969); Cô Nguyễn Thị Đoan Trang( 1970); Ngô Chí Tám (1970); Thầy Trần Mạnh  Giao (1970); Bạch Hồng Thịnh (1970)…

Thời kỳ này, trước nhiệm vụ cấp bách và nặng nề của Nhà trường giao, đội ngũ giáo viên  chuyên ngành mặc dù thiếu về số lượng nhưng với lòng nhiệt tình cách mạng cao đã nỗ lực vượt bậc để vượt qua mọi thử thách, khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ với những công việc cụ thể:

  • Công việc cấp bách đầu tiên là phải phát  huy sức mạnh, trí tuệ, tập trung để xây dựng thành công chương trình, kế hoạch giảng dạy toàn khóa cho từng ngành học của trường; trên cở đó, xây dựng nội dung, chương trình từng môn học từ Lý thuyết Kế toán đến các môn học Kế toán nghiệp vụ cho từng ngành Kinh tế quốc dân.
  • Biên soạn đề cương bài giảng cho từng môn học, chuẩn bị tài liệu, tổ chức in Roneo phát hành cho sinh viên làm tài liệu học tập.
  • Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ sư phạm thông qua các lớp học tập, tâp huấn, hội thảo sinh viên, sinh hoạt chuyên môn, nghiên cứu thực tế…

Giai đoạn 1963- 1970- thời kỳ cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lệnh sơ tán ra khỏi Thủ đô đã được thực hiện nghiêm túc. Mọi hoạt động của khoa và Nhà trường đều chuyển theo tinh thần tiếp tục phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo một cách mạnh mẽ và vững chắc, gắn chặt hơn nữa việc học tập, giảng dạy với thực tiễn, tăng cường công tác phục vụ sản xuất chiến đấu và đời sống. Với phương châm “  Nhà trường xã hội chủ nghĩa phải thật sự là một đơn vị chống Mỹ cứu nước, thật sự là một tập thể gương mẫu trong giảng dạy và học tập, sẵn sang chiến đấu và phục vụ chiến đấu”.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước cùng với sự phát triển kinh tế, yêu cầu về đội ngũ cán bộ tài chính kế toán ngày càng cao. Số sinh viên của khoa ngày càng nhiều. Thời gian này khóa 1, chuyên tu 1, 2 vẫn học tập tại Hà Nội. Khóa 2 sơ tán tại xã lãng Công, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Sau đó, khóa 1, 2 chuyên tu và khóa 3 sơ tán lên Khu Đoàn Kết và Đạo Nội huyện Lập Thạch, Tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc). Nhà trường phân tán, dải đều trên một tuyến dài gần 20 km qua các địa điểm Đồng Quế, Yên Sơn, Đoàn Kết, Đạo Nội, Trường Xuân, Thành Công, Đức Thịnh và Yên Thiết.

Thực hiện phương châm giáo dục của Đảng và Nhà nước: lý luận gắn với thực tiễn, học đi đôi với hành, nhà trường gắn với xã hội. Trong năm 1969- 1970, trường đã tổ chức học theo phương thức vừa học vừa làm ở một số lớp thuộc khóa 4 chính quy dài hạn. Đầu tháng 10/1969 bắt đầu khai giảng các lớp học tại trường gồm 276 sinh viên, trong đó có 90 sinh viên thuộc các lớp kế toán nông trường( học tại Nông trường Văn Lĩnh thuộc Vĩnh Phú), 77 sinh viên thuộc các lớp kế toán thương nghiệp học tại Hà Tây, 109 sinh viên thuộc các lớp kế toán công nghiệp, xây dựng cơ bản tại Hà Nội.

Về chất lượng đào tạo, từ chỗ chương trình học lúc đầu phải dựa vào giáo trình của các trường bạn trong và ngoài nước, đến năm học 1967- 1968, trường đã có một hệ thống về nội dung bài giảng trên cơ sở mục tiêu đào tạo ngày càng được từng bước nâng cao, phù hợp với đặc điểm của trường và yêu cầu của ngành.

Cùng với việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu nâng cao chất lượng đào tạo, trong những năm học sơ tán, thầy và trò đã mạnh dạn tiến quân vào công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kế toán, tạo nên một ý thức làm quen dần với công việc nghiên cứu, tạo ra hứng thú trong công tác giảng dạy và học tập. Đối với giáo viên, trọng tâm công tác nghiên cứu khoa học là cải tiến, bổ sung chương trình giảng dạy, soạn lại giáo trình, giáo án, bài giảng để nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Trên tinh thần đó, Khoa Kế toán luôn có các cuộc thảo luận về chuyên môn nghiệp vụ( Điển hình là môn Nguyên lý kế toán và cấu tạo  lại toàn bộ hệ thống bài giảng của môn học này).

Với sự cố gắng nhiều mặt, chuyên ngành kế toán đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy cho các khóa  chính quy dài hạn từ khóa 1 đến khóa 5, các khóa chuyên tu từ khóa 1 đến khóa 3 ở nơi sơ tán, không chỉ đối với chuyê ngành kế toán mà với tất cả các ngành khác. Thời gian từ 1963- 1970 cử nhân kế toán tốt nhiệp  khoảng 1000 người. Số cán bộ kế toán này đã đáp ứng kịp thời  nhu cầu về các bộ kế toán có trình độ đại học cho các ngành kinh tế trong giai đoạn hiện tại, nhiều cán bộ đã phát huy tốt kiến thức được đào tạo và giữ trọng trách lớn trong cơ quan Đảng và Nhà nước.

Giai đoạn xây dựng và phát triển tại Thị xã Phúc Yên (1970- 1995)

Năm 1970 cùng với toàn trường Khoa Kế toán đã di dời từ nơi sơ tán xã Quảng Yên, Lập Thạch về Thị xã Phúc Yên tiếp tục nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Thời gian nay mặc dù vẫn khó khăn và thiếu thốn nhưng thầy và trò khoa kế toán đã nhanh chóng ổn định tư tưởng và tổ chức để tiếp tục học tập và nghiên cứu khoa học. Năm học 1970- 1971 là năm học ở địa điểm mới vẫn đầy khó khăn nhưng thầy và trò của trường nói chung, Khoa kế toán nói riêng vẫn nỗ lực, cố gắng học tập và nghiên cứu. Để nâng cao chất lượng học tập, giảng dạy, khoa và các bộ môn, các lớp sinh viên đã thường xuyên tổ chức giảng, dự giờ giảng, thảo luận để tinh giản nội dung giảng dạy, tập trung vào những vấn đề cơ bản,  quán triệt và truyền thụ tốt đường lối chính sách của Đảng, phản ánh đúng đắn kịp thời tình hình thực tế, đi sát giúp đỡ sinh viên, tổ chức các cuộc thảo luận, Hội nghị trao đổi kinh nghiệm học tập ở các lớp, tổ chức kết nghĩa giữa các chi đoàn thanh niên giáo viên với các chi đoàn thanh niên sinh viên; giữa các lớp năm cuối và các lớp năm đầu để giúp đỡ nhau phương pháp tập và cải tiến phương pháp học tập.

Trong điều kiện có chiến tranh, việc đảm bảo an toàn tối đa cho cán bộ giáo viên và sinh viên được đặt ra như một tất yếu. Thực hiện chủ trương của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, Khoa kế toán tổ chức “lớp học phân tán” với quy mô lớp nhỏ phù hợp với hội trường linh hoạt nơi sơ tán.

Năm 1972, các môn chuyên ngành đều được đổi tên. Bộ môn Kế toán công nghiệp đổi tên thành Bộ môn Kế toán phân tích công nghiệp (số lượng giáo viên 44 đến năm 1983); Bộ môn Kế toán nông nghiệp đổi tên thành Bộ môn Kế toán phân tích nông nghiệp (năm 1981 với số lượng giáo viên thời kỳ này 18); Bộ môn Kế toán xây dựng cơ bản đổi tên thành Bộ môn Kế toán phân tích xây dựng cơ bản (năm 1982 với số lượng giảng viên 32); Bộ môn Kế toán thương nghiệp đổi tên thành Bộ môn Kế toán phân tích Thương nghiệp (năm 1983 với số lượng 16 thầy cô).

Công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển kinh tế ngày càng phát triển, được mở rộng trên phạm vi cả nước đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế phải được tăng cường cả về số lượng chất lượng, ngày 27/10/1976 Hội đồng Chính Phủ đã ra Quyết định 226/CP đổi tên trường: Cán Bộ Tài Chính Kế toán Ngân hàng Trung ương thành trường Đại học Tài chính Kế toán- trực thuộc Bộ Tài Chính với nhiệm vụ đào tạo cung cấp những cán bộ tài chính có trình độ đại học chuyên sâu về nghiệp vụ taì chính kế toán cho toàn ngành và toàn nền kinh tế.

Năm 1980 thầy và trò Khoa Kế toán mới hội tụ và tập trung về Đồi Sứ, Đồi Gai Thị xã Phúc Yên. Ngày ấy, nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn gian khổ. Thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt, nhưng ít nhiều đã có một cơ sở vật chất khá khang trang hơn trước  để phục vụ cho việc học tập và giảng dạy.

Thầy cô giáo chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp tại Phúc Yên

Để đáp ứng nhu cầu cán bộ tài chính kế toán cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, trong giai đoạn này, nhà trường không chỉ đào tạo hệ dài hạn tập trung mà còn tăng cường mở rộng hệ đào tạo tại chức thực hành và mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về quản lý tài chính kế toán cho các ngành, các địa phương với quy mô ngày càng lớn.

Đáp ứng yêu nhiệm  vụ trong giai đoạn mới khoa kế toán đã từng bước đổi mới, xây dựng lại cơ cấu tổ  chức cán bộ, tăng cường đội ngũ giáo viên, xây dựng, đổi mới chương trình các môn học để phù hợp với tình hình hiện tại. Cùng  với việc mở rộng quy mô đào tạo, đội ngũ cán bộ giáo viên của khoa kế toán cũng từng bước được bổ sung tăng thêm cả về số lượng và chất lượng. Ngoài những sinh viên tốt nghiệp ra trường đạt loại giỏi được giữ lại, đội  ngũ giáo viên của khoa còn được bổ sung từ những cán bộ được đào tạo từ Liên Xô và các nước Đông Âu trở về. Đặc biệt,ở giai đoạn này, chuyên ngành kế toán được bổ sung nhiều giáo viên có trình độ cao: Phó giáo sư ( nay là Tiến sĩ) như TS. Võ Đình Hảo, TS Lê Gia Lục, TS Nguyễn Hữu Ba, TS Nguyễn Thế Khải, TS Nguyễn Đình Đỗ, TS Vương Đình Huệ, TS Ngô Thế Chi, TS Đoàn Xuân Tiên,  TS Phạm Tiến Bình…

Các công trình nghiên cứu khoa học ứng dụng phục vụ trực tiếp cho các đơn vị doanh nghiệp được khoa kế toán đẩy mạnh bằng việc thực hiện hàng loạt các đề tài ứng dụng  như: “Hoàn thiện tổ chức công tác kế toán tại Tổng công ty Gang thép Thái Nguyên”; “Hoàn thiện tổ chức công tác kế toán tại  Nhà máy cơ khí địa chất 1 Yên Viên”; “Hoàn thiện tổ chức công tác kế toán tại Nông trường quốc doanh”…

Từ những kết quả đạt được trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, có thể khẳng định rằng: Với việc đào tạo, nghiên cứu khoa học với các đề tài khoa học mà các thầy cô giáo trong Khoa Kế toán- chuyên ngành kế toán đã nghiên cứu không những đáp ứng thiết thực cho giảng dạy và phục vụ cho thực tiễn mà còn khẳng định vị thế của khoa, của chuyên ngành kế toán, của trường trong hệ thống các trường, xứng đáng là trung tâm đào tạo cán bộ tài chính kế toán có uy tín chất lượng cao của cả nước.

Cùng với sự trưởng thành và phát triển mạnh mẽ của nhà trường, trong giai đoạn này chuyên ngành Kế toán không ngừng phát triển, lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, luôn xứng đáng là một chuyên ngành chủ chốt của trường. Dù nhiều khó khăn nhưng thầy và trò chuyên ngành Kế toán- Khoa Kế toán luôn đoàn kết phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy và  học tập. Nội dung khoa học  ngày càng được nâng cao đảm bảo phù hợp với quá trình đổi mới cơ chế quả lý kinh tế của Đảng và Nhà nước.

Ngoài việc tham gia giảng dạy theo kế hoạch của nhà trường, khoa kế toán còn chủ động quan hệ với các ngành mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về kế toán cũng như công tác tư vấn tài chính kế toán. Mặt khác thầy và trò chuyên ngành kế toán doanh nghiệp còn tích cực tham gia vào nhiều công tác xã hội như tham gia nghiên cứu xây dựng các chính sách, chế độ tài chính, kế toán, tham gia chiến dịch đổi tiền và cải tạo tư sản ở Miền Nam sau giải phóng đạt kết quả tốt.

Nhiều sinh viên chuyên ngành kế toán tốt nghiệp trong giai đoạn này ra trường đã phát huy tốt kiến thức học tập đáp ứng yêu cầu công tác, nhiều sinh viên đã trưởng thành và được giao nhiệm vụ lãnh đạo cao ở các ngành, các địa phương và các doanh nghiệp làm rạng rỡ thêm truyền thống vẻ vang của trường, của khoa, của chuyên ngành kế toán.

Trong thời gian này, để phù hợp với mục tiêu đào tạo từng thời kỳ đào tạo chuyên ngành hẹp, đến những năm 80 và những năm đầu 90 thế kỷ 20 Bộ môn Kế toán các ngành kinh tế do NGUT Vũ Huy Cẩm làm trưởng Bộ môn (1986- 1990); Thầy Nguyễn Hữu Ba làm phó Bộ môn (1986- 1990); bao gồm các môn học:Kế toán công nghiệp - do Thầy Vũ Huy Cẩm phụ trách; Kế toán nông nghiệp do Thầy Phạm Tiến Bình phụ trách; Kế toán Thương nghiệp do  Thầy Ngô Thế Chi phụ trách( 1980); Kế toán xây dựng cơ bản do thầy Nghiêm Xuân Ngọa phụ trách; Môn Kế toán giao thông vận tải và môn nguyên lý kế toán do thầy Nguyễn Hữu Ba phụ trách.

Giai đoạn 1996- nay (giai đoạn tiếp tục đổi mới để phát triển)

Giai đoạn này, từ tháng 2/1996 Khoa Kế toán cùng toàn trường chuyển về cơ sở mới ở Xã Đông Ngạc,Huyện Từ Liêm, Hà Nội( Nay là Phường Đức Thắng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mở ra một thời kỳ mới với nhiều cơ hội thuận lợi hơn những năm tháng trên Phúc Yên. Giai đoạn này Chế độ kế toán QĐ 1141 ra đời và đi vào áp dụng từ ngày 1/1/1995; QĐ 1171 chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ vừa năm 1999; chế độ kế toán đơn vị chủ đầu tư ra đời. Từ năm 2000-  2006 hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam ban hành 26 chuẩn mực; Luật Kế toán Việt Nam ban hành năm 2003 và hàng loạt các Nghị định, các thông tư hướng dẫn ra đời. Đây là giai đoạn thầy và trò chuyên ngành Kế toán tiếp cận các kiến thức mới về kế toán. Giai đoạn này các thầy cô giáo soạn lại bài giảng theo nội dung mới, cập nhật các kiến thức mới cùng sinh viên bước vào những thay đổi của Kế toán. Những năm này, hàng loạt  giáo trình được các thầy cô biên soạn lại để phù hợp với chế độ kế toán mới lúc bấy giờ như  giáo trình nguyên lý kế toán, giáo trình Kế toán doanh nghiệp sản xuất, Kế toán doanh nghiệp thương mại, Kế toán xây dựng cơ bản,…để phục vụ cho việc học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Cùng với sự  thành công của Đại hội IX, thầy và trò chuyên ngành kế toán doanh nghiệp-Khoa Kế toán cùng đón nhận Quyết định số 120/QĐ/TTG ngày 17/8/2001 của Thủ tướng Chính Phủ về viêc thành lập Học viện Tài chính.  Đây là một chủ trương đúng đắn, đáp ứng nhu cầu xã hội. Với phương châm “ học đi đôi với hành”, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với  đời sống xã hội. Với mô hình Học viện, Kế toán doanh nghiệp tiếp tục phát triển và khẳng định vị thế hàng đầu của mình trên thị trường đào tạo chuyên ngành kế toán đóng góp một phần quan trọng vào kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học của toàn Học viện.

Giai đoạn này Khoa Kế toán có 4 Bộ môn: Kế toán doanh nghiệp sản xuất-TS Nguyễn Đình Đỗ làm trưởng Bộ môn (1990 - 2002); Bộ Môn Kế toán Thương mại dịch vụ do PGS.TS. Nguyễn Hữu  Ba làm trưởng Bộ môn( 1983-2003) sau này do TS Phạm Tiến Bình làm trưởng Bộ môn(2003 - 2007); Bộ môn Kiểm toán do Th.S Đậu Ngọc Châu làm trưởng Bộ môn;Bộ môn Phân tích hoạt động kinh tế do TS Nguyễn Thế Khải làm trưởng Bộ môn( 1998)-Bộ môn phân tích được chuyển sang khoa Tài chính doanh nghiệp năm 2005 do yêu cầu đổi mới và phát triển.

Năm 2000, chuyên ngành kế toán doanh nghiệp- Bộ môn chính thức mang tên mới: Bộ môn Kế toán doanh nghiệp do PGS.TS. Nguyễn Đình Đỗ làm trưởng Bộ môn - mở ra một trang mới trong lịch sử của Bộ môn và từ đó liên tục phát triển cho đến ngày hôm nay. Năm 2002- 2010 Bộ môn Kế toán doanh nghiệp do TS.Trương Thị Thủy làm trưởng Bộ môn với nhiệm vụ giảng dạy các môn học kế toán tài chính; kế toán quản trị;  chuẩn mực kế toán quốc tế; kế toán máy và thực hành kế toán; Kế toán thương mại dịch vụ; Kế toán doanh nghiệp xây lắp; Đại cương kế toán tập đoàn; Kế toán bằng tiếng Anh; Tổ chức công tác kế toán trong doanh nghiệp phục vụ cho các đối tượng sinh viên; Kế toán dành cho nhà quản lý.

Bộ môn Kế toán doanh nghiệp nhân kỷ niệm ngày 20/11

Trong những năm gần đây, theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, đất nước ta phấn đấu đến năm 2021 sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp để đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội dẫn đến nhu cầu về nguồn nhân lực về kế toán, kiểm toán của các doanh nghiệp ngày càng lớn, theo đó Học viện Tài chính đã và đang từng bước mở rộng quy mô đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực tài chính, kế toán để đáp ứng nhu cầu xã hội, chính vì vậy, từ năm 2000 trở lại đây, Bộ môn chuyên ngành kế toán đã được bổ sung một lực lượng giáo viên trẻ có tiềm năng và đáng tin cậy đã được bổ sung tăng cường cho Bộ môn nhằm mở rộng lực lượng, có năng lực chuyên môn tốt để đáp ứng quy mô đào tạo ngày càng lớn mạnh của chuyên ngành kế toán doanh nghiệp, tạo tiền đề để mở rộng quy mô đào tạo chuyên ngành kế toán doanh nghiệp của Học viện, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đất nước về nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển lớn mạnh của Bộ môn.

Quy mô đào  tạo của Kế toán ngày càng mở rộng; ngay từ đầu thành lập chuyên ngành Kế toán luôn là một trong những ngành có quy mô đào tạo lớn nhất của trường. Năm 2008 Học viện tuyển sinh khóa 46 với tổng số sinh viên 2786 sinh viên cho 15 chuyên ngành, trong đó chuyên ngành kế toán và kiểm toán là 942 sinh viên (chuyên ngành kế toán hơn 700 sinh viên, còn lại  là chuyên ngành kiểm toán). Trong  suốt quá trình hoạt động, chuyên ngành Kế toán đã trực tiếp đào tạo hàng vạn cử nhân ngành kế toán, tham  gia  tích cực vào giảng dạy, hướng dẫn hàng trăm học viên cao học và nghiên cứu sinh thuộc chuyên ngành kế toán,tài vụ và phân tích hoạt động kinh tế trong và ngoài Học viện.

Để đáp ứng được quy mô đào tạo ngày càng được mở rộng, chuyên ngành kế toán đã tăng cường đội ngũ cán bộ giảng viên cả về số lượng và chất lượng trong giai đoạn này. Ngành Kế toán đã được bổ sung đáng kể số lượng giảng viên được học tập, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, trình độ ngoại ngữ ở trong và ngoài nước. Số lượng giảng viên có trình độ Tiến sĩ, thạc sĩ và được nhà nước phong tặng học hàm giáo sư, phó giáo sư tăng lên đáng kể, trong số đó phải kể đến NGUT.GS.TS. Vương Đình Huệ; NGND, NGUT.GS.TS.Ngô Thế Chi; NGUT.GS.TS.Nguyễn Đình Đỗ; NGUT.GS.TS. Đoàn Xuân Tiên; NGUT.TS. Nguyễn Viết Lợi; PGS.TS.Trương Thị Thủy; PGS.TS.Giang Thị Xuyến; PGS.TS. Thịnh Văn Vinh; PGS.TS.Lưu Đức Tuyên; PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt; TS Thái Bá Công; PGS.TS. Trần Văn Hợi; TS.Lê Văn Liên; PGS.TS. Ngô Thị Thu Hồng; PGS.TS.Mai Ngọc Anh…

Từ năm 2010-2016 Bộ môn Kế toán doanh nghiệp do PGS.TS Lưu Đức Tuyên làm trưởng Bô môn (với số lượng giảng viên là 38). Tính đến thời điểm hiện nay các thầy cô chuyên ngành kế toán doanh nghiệp 100% có trình độ từ thạc sĩ trở lên.

Ngày 28/4/2016 chuyên ngành kế toán doanh nghiệp từ Bộ môn kế toán doanh nghiệp được tách thành 2 Bộ môn đó là: Bộ môn Kế toán tài chính; Bộ môn Kế toán quản trị. Đây là hai Bộ môn chuyên ngành nghiệp vụ lớn nhất của Học viện Tài chính với lực lượng giáo viên đông đảo và tràn đầy nhiệt huyết, có trình độ chuyên môn cao. Bộ môn Kế toán tài chính hiện nay gồm 22 giảng viên do PGS.TS Ngô Thị Thu Hồng làm trưởng Bộ môn( hiện có 2 giảng viên đang học tập và nghiên cứu ở nước ngoài- Anh và Úc). Bộ môn Kế toán quản trị gồm 15 giảng viên do TS.  Nguyễn Tuấn Anh làm trưởng Bộ môn. Cùng với đó, các Bộ môn chuyên ngành kế toán doanh nghiệp hiện đang có10 giảng viên kiêm chức, kiêm môn (1 GS, 5 PGS, 4 TS).

Về chất lượng đội ngũ giảng viên, tính đến nay, Bộ môn chuyên ngành đã có 100% giáo viên có học vị từ Thạc sỹ kinh tế trở lên. Trong đó, có 2 Giáo sư; có 11 Phó giáo sư, 30 tiến sỹ kinh tế, trên 20 thạc sỹ kinh tế (hiện đang có 11 giảng viên đang làm NCS, đây là nguồn hứa hẹn đến năm 2020, các Bộ môn chuyên ngành kế toán doanh nghiệp sẽ có một đội ngũ giảng viên với tỷ lệ giảng viên đạt học vị từ tiến sỹ trở lên rất cao. Đội ngũ giảng viên của Bộ môn hiện nay được đào tạo khá bài bản, được cập nhật kiến thức về tài chính, kế toán, cập nhật IFRS  trong điều kiện hội nhập, đặc biệt trong số đó có 6 giảng viên được đào tạo ở nước ngoài với trình độ ngoại ngữ cao và hiện có 8 giáo viên đang trực tiếp tham gia giảng dạy môn học kế toán doanh nghiệp bằng Tiếng Anh tại Học viện Tài chính. Trong số đó, 3/4 là các Thầy, cô giáo trẻ, đầy tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Học viện, đang từng ngày nỗ lực phấn đấu vươn lên trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Lực lượng giáo viên trẻ của các Bộ môn đang chắt lọc gìn giữ, kế thừa xứng đáng truyền thống tốt đẹp của các thế hệ Thầy, Cô giáo đồng thời vươn lên mạnh mẽ đáp ứng yêu cầu mới của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

2. Hoạt động đào tạo và NCKH nhằm phát triển chuyên ngành kế toán doanh nghiệp

Trong suốt 56 năm qua, chuyên ngành kế toán doanh nghiệp đã góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp đào tạo cán bộ tài chính cho Ngành và cho Đất nước. Trong đó, chuyên ngành kế toán doanh nghiệp đã và đang giảng dạy các môn học Kế toán Tài chính; Kế toán quản trị; Tổ chức công tác kế toán trong doanh nghiệp; Kế toán doanh nghiệp xây lắp; Kế toán thương mại dịch vụ; Chuẩn mực Kế toán quốc tế; Đại cương kế toán tập đoàn; Kế toán máy…. cho bao thế hệ các lớp sinh viên; tham gia bồi dưỡng hàng nghìn kế toán trưởng, hàng nghìn giám đốc doanh nghiệp. Đối với đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ, chuyên ngành kế toán doanh nghiệp hiện đang giảng dạy môn học:Nguyên lý kế toán;  Kế toán Tài chính doanh nghiệp; Kế toán quản trị trong doanh nghiệp; Luật và chuẩn mực Kế toán doanh nghiệp; Kế toán thuế trong danh nghiệp; Tổ chức công tác kế toán trong doanh nghiệp cho hệ đào tạo thạc sỹ và giảng dạy môn học: Nguyên lý kế toán; Kế toán tài chính; Kế toán quản trị; dành cho chương trình đào tạo NCS của Học viện. Tính đến nay, giáo viên của chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp đã hướng dẫn bảo vệ thành công hàng nghìn thạc sỹ;  chuyên ngành kế toán doanh nghiệp, tham gia hướng dẫn hàng tram NCS bảo vệ thành công luận án tiến sỹ. Hàng năm, thường xuyên có khoảng 20 nghiên cứu sinh tham gia sinh hoạt chuyên môn tại chuyên ngành kế toán doanh nghiệp. Trong sự nghiệp đào tạo của Học viện Tài chính, chuyên ngành kế toán doanh nghiệp đã và đang tham gia đào tạo bồi dưỡng lực lượng cán bộ tài chính cho hai nước bạn Lào và Cămpuchia. Đặc biệt, trong ba năm gần đây, Bộ môn chuyên ngành kế toán doanh nghiệp đang tham gia đào tạo hệ cử nhân chất lượng cao chuyên ngành kế toán doanh nghiệp, làm tiền đề để thúc đẩy nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo chuyên ngành kế toán doanh nghiệp ở Học viện Tài chính.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, các Bộ môn chuyên ngành kế toán doanh nghiệp thường xuyên chú trọng đến công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống giáo trình, giáo khoa, bài giảng phục vụ cho việc giảng dạy, đồng thời thực hiện các đề tài NCKH các cấp để phục vụ cho việc giảng dạy của Học viện và phục vụ cho việc hoạch định chính sách tài chính của Bộ Tài chính. Tính đến nay, Bộ môn đã chủ trì, tham gia biên soạn  nhiều giáo trình, sách bài tập và sách chuyên khảo có chất lượng cao phục vụ cho việc giảng dạy các hệ đào tạo của Học viện Tài chính, điển hình là Giáo trình Nguyên lý Kế toán; Giáo trình Kế toán Tài chính; Giáo trình Chuẩn mực Kế toán quốc tế; Giáo trình Kế toán thương mại dịch vụ; Giáo trình kế toán doanh nghiệp xây lắp; Giáo trình Kế toán máy; cuốn sách Hệ thống bài tập kế toán tài chính; Giáo trình Kế toán công ty chứng khoán; Thực hành Kế toán Tài chính; Giáo trình Nguyên tắc, chuẩn mực kế toán quốc tế về kế toán và kế toán tài chính; Tình huống kế toán quản trị doanh nghiệp… và rất nhiều sách tham khảo cùng hệ thống học liệu dùng cho chương trình đào tạo chất lượng cao mới được soạn thảo năm học 2017- 2018.

Về hoạt động NCKH, tính đến nay giáo viên của Bộ môn chuyên ngành kế toán doanh nghiệp đã chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu các đề tài cấp Nhà nước, đề tài cấp Bộ và hàng trăm đề tài cấp Học viện, cấp Khoa, đã viết được hàng trăm bài báo khoa học được đăng tải trên các Tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài Học viện. Điển hình mỗi năm học  giáo viên của Bộ môn chuyên ngành đã thực hiện hàng chục đề tài NCKH cấp HV, viết được hàng chục bài báo. Hàng năm, các Bộ môn chuyên ngành đều tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, tọa đàm, nghiên cứu các nội dung thay đổi về kế toán; đặc biệt mấy năm trở lại đây, kế toán có nhiều thay đổi, câp nhật phù hợp xu hướng quốc tế,  chuyên ngành kế toán đã thường xuyên tổ chức thảo luận IFRS để phục vụ cho việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học tốt hơn. Bên cạnh đó, Bộ môn chuyên ngành còn tham gia cố vấn về nội dung, về cách thức tổ chức cho cuộc thi Festival – Bạn là kế toán trưởng tương lai được tổ chức thường niên trong gần 20 năm qua, tạo sân chơi trí tuệ, bổ ích cho sinh viên của chuyên ngành kế toán doanh nghiệp, nhằm giúp sinh viên tăng cường việc học tập và cọ sát với thực tế nghề nghiệp.

Các Hội thảo khoa học của Khoa kế toán- chuyên ngành kế toán được diễn  ra hàng năm nhằm trao đổi, giúp các nhà nghiên cứu, các giảng viên trau dồi kiến thức, góp ý về cơ chế chính sách đối với các nhà khoa  học nói chung, các nhà khoa học trẻ nói riêng nhằm thúc đẩy hơn nữa phong trào nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học. Điển hình một vài Hội thảo như: Hội  thảo khoa học kế toán tháng 6/2005 với chủ đề: “Các vấn đề liên quan đến báo cáo tài chính hợp nhất kinh doanh”; Hội thảo khoa học giáo viên năm 2007: “Tổ chức triển khai Luật kế toán và chuẩn mực kế toán vào giảng dạy các môn học nghiệp vụ thuộc chuyên ngành kế toán doanh nghiệp”; Hội thảo khoa học 45 năm vào tháng 11/2008: “Đào tạo nguồn nhân lực kế toán- kiểm toán đáp ứng nhu cầu xã hội trong điều kiện hội nhập và phát triển”; Hội thảo khoa học giáo viên năm 2011 “Đạo đức nghề nghiệp kế toán – thực trạng và giải pháp”; Hội thảo khoa học “Kế toán trong bối cảnh phát triển và hội nhập” (2013); Hội thảo nhân dịp kỷ niệm 50 năm “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tài chính- kế toán trong bối cảnh hiện nay(2013);  Hội thảo “ Những vấn đề mới về kế toán, kiểm toán lý thuyết- thực tiễn và phương pháp nghiên cứu”(2015); Hội thảo cấp Học viện: “Hoàn thiện Luật Kế toán trong tiến trình cải cách hệ thống Kế toán Việt Nam”( 2015 được tổ chức tại Nam Định); Chương trình đào tạo nội bộ - chuyên đề kế toán quốc tế(5/2017); Hội thảo khoa học tháng 6/2017 với  chủ đề: “Đổi mới nghiên cứu khoa học trong điều kiện hội nhập”. Gần đây nhất ngày 31/8/2018 Khoa Kế toán chủ trì phối hợp với CLB nhà nghiên cứu khoa học trẻ Học viện Tài chính, CPA Australia tổ chức Hội thảo khoa học dành cho giảng viên và nghiên cứu trẻ với chủ đề: “ Xu hướng mới  nổi của các nghiên cứu về kế toán,kiểm toán, tài chính; cơ hội và thách thức đối với các nghiên cứu trẻ Việt Nam”. Hội thảo là diễn đàn để các giảng viên, nghiên cứu viên trẻ chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng nghiên cứu, dự án nghiên cứu, triển khai và hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh liên trường - Đây là một hoạt động có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 55 năm xây dựng và phát triển Học viện Tài Chính, Khoa Kế toán và 10 năm hoạt động của CPA Australia tại Việt Nam.

Các thế hệ thầy cô chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp nhân kỷ niệm 40 năm  Đào tạo và NCKH

Về công tác quản lý nghiên cứu sinh: Thực hiện nhiệm vụ được Học viện giao, trong những năm qua, Bộ môn chuyên ngành kế toán đã triển khai nhiều hoạt động để phát huy vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác quản lý NCS. Hàng năm, các Bộ môn đều tổ chức buổi gặp mặt các NCS đang sinh hoạt chuyên môn tại bộ môn để tiếp nhận NCS mới; quán triệt, thống nhất quy chế làm việc, cách thức xử lý quan hệ công tác giữa Bộ môn và NCS; đồng thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai học tập và nghiên cứu của các NCS, để từ đó có những biện pháp tháo gỡ, giúp đỡ các NCS đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu. Bộ môn chuyên ngành cũng tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học chuyên môn, báo cáo kết quả nghiên cứu của NCS. Nhờ đó, tình hình triển khai tiến độ nghiên cứu của các NCS ngày càng cải thiện theo hướng tích cực hơn.

Với sự nỗ lực không ngừng của Tập thể giáo viên của các Bộ môn chuyên ngành và sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, sự giúp đỡ nhiệt tình của các Ban, Khoa, Trung tâm và các Bộ môn trong Học viện đã thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của chuyên ngành kế toán doanh nghiệp tại Học viện Tài chính trong những năm gần đây. Số lượng sinh viên đăng ký vào học chuyên ngành kế toán doanh nghiệp rất đông.

Có được kết quả như ngày hôm nay, một phần rất quan trọng là do Bộ môn chuyên ngành thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên có phẩm chất đạo đức tốt và trình độ chuyên môn cao, có năng lực ngoại ngữ tốt. Bộ môn chuyên ngành thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn để cập nhật kiến thức, cử nhiều giáo viên đi tham dự các khóa học nâng cao trình độ chuyên môn ở nước ngoài và trong nước. Đặc biệt hơn nữa để có  thành công hôm nay là sự kế thừa những giá trị khoa học, những giá trị nhân văn của các thế hệ thầy cô, kế thừa truyền thống đoàn kết, gắn bó và ấm tình các thế hệ thầy và trò và tình đồng nghiệp.

3. Các hoạt động phong trào của Bộ môn

Trong suốt thời gian qua, Bộ môn chuyên ngành kế toán doanh nghiệp luôn gương mẫu đi đầu trong việc hưởng ứng và tham gia các phong trào của Khoa và Học viện phát động. Các giáo viên tích cực tham gia tích cực vào các hoạt động như hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các hoạt động thiện nguyện của Công đoàn Khoa tổ chức. Hàng năm, cứ đến các ngày lễ kỷ niệm như Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3... giáo viên chuyên ngành kế toán luôn tích cực tham gia đầy đủ và nhiệt huyết tạo nên không khí đầm ấm, đoàn kết gắn bó giữa các Thầy cô giáo trong Bộ môn chuyên ngành cũng như trong toàn Khoa.

Các thế hệ thầy cô chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp

cùng Lãnh đạo chụp ảnh kỷ niệm 35 năm ngày thành lập trường

Với 56 năm vững bước, xây dựng và phát triển đã hình thành nên truyền thống tốt đẹp của Bộ môn chuyên ngành kế toán doanh nghiệp, của khoa kế toán - đó là tinh thần đoàn kết, luôn ấm tình đồng chí, đồng nghiệp, tình thầy trò.

4. Thành tích thi đua của Bộ môn

Trong 56 năm xây dựng- phát triển và liên tục phấn đấu, Bộ môn chuyên ngành kế toán doanh nghiệp đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp đào tạo của Học viện Tài chính cũng như sự nghiệp đào tạo cán bộ tài chính cho ngành và cho đất nước. Những đóng góp ấy đã được ghi nhận liên tục trong nhiều năm học. Liên tục các năm học, chuyên ngành kế toán doanh nghiệp luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy và các công tác khác. Vì vậy, từ năm học 2000-2001 đến nay các Bộ môn chuyên ngành đều được Bộ Tài chính tặng bằng khen. Năm 2000 Bộ môn Kế toán doanh nghiệp được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ. Với những đóng góp to lớn của các thế hệ Thầy, cô giáo đối với sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực kế toán, năm 2001 Bộ môn kế toán doanh nghiệp đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng “ Huân chương lao động hạng ba”. Năm học 2007- 2008 Bộ môn Kế toán doanh nghiệp được tặng Bằng khen Thủ tướng. Là một trong những bộ môn đi đầu của Học viện đã mở trang web trên cơ sở trang web của Học viện. Bộ môn chuyên ngành kế toán doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống bộ bài giảng điện tử và đã đưa lên trang web nhằm tạo sự thống nhất và sẵn sàng chia sẻ thông tin giữa các thế hệ, từ đó tạo ra sức mạnh chung của toàn bộ môn.

Toàn thể các Thầy, Cô giáo Bộ môn chuyên ngành kế toán doanh nghiệp luôn tâm niệm rằng những thành tích mà các thầy cô giáo đạt được là sự kết tinh của quá trình phấn đấu liên tục trong suốt 56 năm qua của các thế hệ Thầy, Cô giáo trong Bộ môn dưới sự lãnh đạo và sự quan tâm sâu sắc của Đảng ủy, Ban Giám hiệu và Ban Giám đốc Học viện các nhiệm kỳ đã qua và hiện nay. Sự lớn mạnh của các Bộ môn chuyên ngành kế toán doanh nghiệp hôm nay cũng có một phần không nhỏ là nhờ vào sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình của các Ban, Phòng, của các Khoa, các Bộ môn trong Học viện cũng như nhận được sự giúp đỡ, cổ vũ động viên của các đồng nghiệp, đồng chí trong và ngoài Học viện Tài chính, các cựu sinh viên. Các Bộ môn chuyên ngành kế toán doanh nghiệp xin chân thành cảm ơn Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện và các Ban, Phòng, các Khoa, các Bộ môn và các đồng nghiệp, đồng chí, đồng thời mong muốn sẽ tiếp tục nhận được nhiều hơn sự ủng hộ, giúp đỡ trong thời gian tới.

Bộ môn chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp cùng lãnh đạo Học viện nhân ngày 20/11

5. Định hướng phát triển của các Bộ môn chuyên ngành kế toán doanh nghiệp trong thời gian tới

Đất nước đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 và thực tiễn quản lý kinh tế- tài chính của đấy nước, các thầy cô giáo Bộ môn chuyên ngành kế toán doanh nghiệp đang đứng trước triển vọng to lớn, nhưng những nhiệm vụ nặng nề và những thách thức mới cũng đang đặt ra cho các Bộ môn, theo đó, định hướng phát triển của các  Bộ môn chuyên ngành trong thời gian tới được xác định như sau:

- Tiếp tục tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ giảng viên của Bộ môn; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các cuộc vận động mà Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính phát động trong cán bộ viên chức và sinh viên, xây dựng bản lĩnh chính trị, bản lĩnh khoa học sáng tạo và phát triển.

- Nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Học viện giao trong giảng dạy và NCKH. Đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với cuộc cách mạng công nghệ 4.0; đẩy mạnh hoạt động rà soát nội dung, chương trình giảng dạy các hệ đào tạo theo hướng ứng dụng Fintech để nâng cao chất lượng đào tạo; khuyến khích các giảng viên nghiên cứu biên soạn tài liệu tham khảo, chuyên khảo để hoàn thiện hệ thống học liệu phục vụ cho giảng dạy theo hệ thống tín chỉ. Nghiên cứu biên soạn nội dung tài liệu Đại cương Kế toán tập đoàn, tài liệu về kế toán trong điều kiện hội nhập, trong điều kiện áp dụng IFRS để làm cơ sở để đề xuất đưa vào giảng dạy chính thức đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Biên soạn, bổ sung giáo trình chuyên ngành kế toán. Nâng cao chất lượng giảng dạy môn học kế toán tài chính bằng Tiếng Anh, tăng cường hướng dẫn luận văn bằng Tiếng Anh, triển khai tích cực và có hiệu quả chương trình đào tạo chất lượng cao chuyên ngành kế toán doanh nghiệp của Học viện. Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tiếp cận, khảo sát tình hình thực tế cho giáo viên của Bộ môn chuyên ngành kế toán doanh nghiệp và sinh viên của chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp.

- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng để phát triển đội ngũ giảng viên vừa hồng, vừa chuyên để hình thành một đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn vững vàng, có phương pháp giảng dạy hiện đại, có kinh nghiệm thực tiễn trong công tác quản lý tài chính, kế toán để vừa đáp ứng cho hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực tài chính – kế toán và vừa đáp ứng cho hoạt động đào tạo bồi dưỡng kiến thức cho các cán bộ tài chính trong điều kiện hội nhập hiện nay.

- Tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học để phục vụ cho công tác giảng dạy và đẩy mạnh hoạt động chuyển giao sản phẩm khoa học cho các đơn vị thực tiễn, khuyến khích các hoạt động NCKH theo hướng công bố quốc tế, tham gia tích cực vào các Hội thảo khoa học quốc tế. Tổ chức thường xuyên các hoạt động sinh hoạt chuyên môn để cập nhật, đổi mới và hoàn thiện kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên của Bộ môn chuyên ngành.

- Phát huy hơn nữa vai trò của Bộ môn chuyên ngành trong Khoa và Học viện; duy trì và thực hiện tốt hơn công tác quản lý chuyên môn đối với các NCS sinh hoạt tại Bộ môn chuyên ngành. Tham gia tích cực và có hiệu quả vào việc triển khai các chương trình đào tạo bồi dưỡng của Khoa và của Học viện.

- Tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các hoạt động phong trào chung của Khoa và của Học viện phát động. Mỗi giáo viên cần không ngừng rèn luyện tu dưỡng đạo đức, tác phong, nâng cao tinh thần đấu tranh phê và tự phê, đề cao tinh thần đoàn kết xây dựng tập thể vững mạnh.

Toàn thể các Thầy, Cô giáo của các Bộ môn chuyên ngành kế toán doanh nghiệp nguyện đồng tâm chung sức phát huy truyền thống của Bộ môn, phấn đấu vươn lên trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tự học tập bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu mới và xứng tầm với sự nghiệp đào tạo của đất nước.

*Lời kết

Nhìn lại chặng đường 56 năm qua, thật là vui mừng và tự hào với sự lớn mạnh và trưởng thành của chuyên ngành kế toán doanh nghiệp và các thế hệ sinh viên. Thế hệ trẻ Bộ môn chuyên ngành kế toán doanh nghiệp luôn biết ơn các thế hệ lão thành đã tạo dựng lên sự nghiệp ban đầu đầy gian khó, thế hệ các thầy cô đã cống hiến trí tuệ, công sức cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo cán bộ kế toán của đất nước, đã đóng góp lớn vào sức mạnh của khoa kế toán, của chuyên ngành kế toán doanh nghiệp. Các Bộ môn chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp - 56 năm vững bước, xây dựng và phát triển đã, đang và sẽ tiếp tục phấn đấu không ngừng vươn lên và ngày càng trưởng thành, vững mạnh để tiếp nối con đường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về tài chính- kế toán đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện nay. Góp phần to lớn và quan trọng vào việc xây dựng Học viện Tài Chính thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tài chính, kế toán có chất lượng cao của cả nước, từng bước vươn lên ngang tầm khu vực và quốc tế với sứ mệnh: “ cung cấp sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học về tài chính kế toán chất lượng cao cho xã hội”./.

Bộ môn Kế toán Tài chính
Số lần đọc: 231

Danh sách liên kết