Tìm
English
Thứ hai, 11/05/2020 - 15:18

Hội thảo khoa học giáo viên trực tuyến Khoa Tài chính quốc tế 2020 với chủ đề “Gian lận trong thương mại quốc tế - Thực trạng và giải pháp”
Được sự đồng ý của Ban Giám đốc Học viện Tài chính, thực hiện chủ trương gắn kết giữa giảng dạy và nghiên cứu khoa học, sáng ngày 8/5/2020, Khoa Tài chính quốc tế đã tổ chức thành công hội thảo trực tuyến với chủ đề “ Gian lận trong thương mại quốc tế - Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo được tổ chức với mục đích thảo luận, thống nhất những vấn đề lý luận và thực tiễn để nhận diện “gian lận trong thương mại quốc tế”, đồng thời gợi ý các giải pháp để phòng và chống gian lận thương mại quốc tế cho Việt Nam hiện nay.

 

 

Thay mặt tập thể Khoa Tài chính quốc tế, PGS,TS Vũ Duy Vĩnh – Phó trưởng khoa Tài chính quốc tế đã vui mừng chào đón các vị đại biểu đã tham dự buổi hội thảo.

Tham gia buổi hội thảo khoa học của Khoa, có các đại biểu, khách mời: TS. Nguyễn Đào Tùng – Phó Giám đốc Học viện; PGS,TS. Vũ Văn Ninh –  Trưởng khoa Tài chính doanh nghiệp; TS. Nguyễn Thị Thuý Nga  - Phó trưởng Ban Quản lý khoa học của Học viện, cùng toàn thể cán bộ, giảng viên và đông đảo các bạn sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học của Khoa Tài chính quốc tế tham gia Hội thảo.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS,TS Vũ Duy Vĩnh nhận định rằng “Gian lận thương mại” là hiện tượng khá bổ biến trong hoạt động thương mại quốc tế và có những tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế và xã hội. Trước những nguy cơ giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, chuyển giá đang diễn ra ngày càng phức tạp, Việt Nam cần nhận thức được những hệ luỵ, cũng như có được những giải pháp hiệu quả, phù hợp để hạn chế các hiện tượng này.

PGS,TS Vũ Duy Vĩnh – Phó trưởng khoa Tài chính quốc tế điều hành buổi hội thảo

Bên cạnh việc trình bày các nội dung về các hình thức gian lận thương mại quốc tế hiện nay, các đại biểu còn trao đổi học thuật, đối thoại, và phân tích các vướng mắc…để từ đó đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế gian lận thương mại quốc tế tại Việt Nam hiện nay.

PGS,TS Nguyễn Tiến Thuận phát biểu

PGS,TS Nguyễn Tiến Thuận cho biết cần phải thống nhất khái niệm về “Gian lận thương mại”, và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự minh bạch và công khai trong việc thực thi giám sát của Nhà nước đối với các doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ.

TS. Lê Thanh Hà – Phó Trưởng khoa Tài chính quốc tế phát biểu

TS. Lê Thanh Hà bổ sung giải pháp nâng cao ý thực phòng chống gian lận thương mại không chỉ từ phía doanh nghiệp mà còn ở phía người tiêu dùng.

PGS,TS Nguyễn Thị Minh Tâm phát biểu tại Hội thảo

PGS,TS Nguyễn Thị Minh Tâm nhận định: “Hiện nay, theo quy định của pháp luật, chỉ những doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí như doanh thu trên 10 triệu USD/năm, chấp hành tốt pháp luật, và các tiêu chí khác mới được tự chứng nhận xuất xứ. Đây cũng là một rào cản hữu hiệu để chúng ta phòng ngừa gian lận thương mại”.

PGS, TS Đinh Trọng Thịnh phát biểu tại Hội thảo

PGS,TS Đinh Trọng Thịnh cho biết nhiều quốc gia quy định về “tự chứng nhận xuất xứ” và quy trình kiểm tra, giám sát của họ rất chặt chẽ, nếu phát hiện ra có gian lận xuất xứ thì biện pháp xử lý rất nặng.

Kết thúc hội thảo, PGS,TS Vũ Duy Vĩnh phát biểu bế mạc cuộc hội thảo: “Việt Nam là một trong số các quốc gia có “độ mở” nền kinh tế lớn nên hoạt động gian lận thương mại đã xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau khá tinh vi và đang có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế xã hội. Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ cùng với sự đồng lòng của các doanh nghiệp cũng như người dân thì Việt Nam sẽ từng bước hạn chế được hoạt động gian lận thương mại đến mức thấp nhất”.

Một số hình ảnh tại chương trình hội thảo:

Các giảng viên trẻ tham gia Hội thảo

Khoa Tài chính quốc tế
Số lần đọc: 1

Danh sách liên kết