Tìm
English
Thứ năm, 24/09/2020 - 14:44

Tọa đàm trực tuyến giữa Học viện Tài chính với Học viện Quản lý Tài chính công Myanmar (PFM)
(HVTC) – Chiều 21/9/2020, Học viện Tài chính đã có buổi tọa đàm trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi hợp tác về các vấn đề đào tạo, NCKH, phương pháp giảng dạy và việc triển khai các hoạt động đối phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 với Học viện Quản lý Tài chính công Myanmar (PFM).

 PGS.,TS. Trương Thị Thủy, Phó Giám đốc Học viện Tài chính - Chủ trì phía Việt Nam

Tham dự Tọa đàm, về phía Ngân hàng Thế giới (WB) có sự hiện diện của ông  Fabian Seiderer - Chuyên gia lĩnh vực công; Bà Pike Pike Aye - Chuyên gia lĩnh vực công, WB tại Myanmar; Bà Nguyễn Phương Anh - Chuyên gia lĩnh vực công, WB tại Việt Nam.

 

PGS.,TS. Trương Thị Thủy, Phó Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu

Về phía PFM, có sự hiện diện của ông  Naing Naing Win - Phó Tổng Giám đốc, Học viện Quản lý Tài chính Công Myanmar, Chủ trì phía Myanmar; Bà San Thida; Giám đốc, Học viện Quản lý Tài chính Công Myanmar; Bà Thwe Thwe Tun; Phó Giám đốc, Học viện Quản lý Tài chính Công Myanmar; Bà May Mi Ko Lin; Trợ lý Giám đốc, Học viện Quản lý Tài chính Công Myanmar; Bà Phoo Myat Noe; Trợ lý Giám đốc, Học viện Quản lý Tài chính Công Myanmar; Bà Khine Khine Tun; Nhân viên văn phòng, Trợ lý Giám đốc, Học viện Quản lý Tài chính Công Myanmar.

Về phía Học viện Tài chính, có sự hiện diện của PGS.,TS. Trương Thị Thủy, Phó Giám đốc Học viện - Chủ trì phía Việt Nam và lãnh đạo các Ban: Hợp tác quốc tế; Quản lý khoa học; Tổ chức cán bộ; Lãnh đạo khoa Tài chính công; Phó trưởng Bộ môn Kế toán công, Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Khoa Tài chính công và các giảng viên khoa Tài chính công.

Trong phát biểu khai mạc, PGS.,TS. Trương Thị Thủy, Phó Giám đốc Học viện Tài chính đã nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn các đại biểu đến từ Ngân hàng Thế giới và Học viện Quản lý Tài chính Công Myanmar đã tham gia buổi Tọa đàm ý nghĩa này. PGS.,TS. Trương Thị Thủy đã giới thiệu tổng quát về sự ra đời, quá trình phát triển và những thành tựu, vị thế, úy tín của Học viện. PGS.,TS. Trương Thị Thủy nêu tầm quan trọng của đào tạo nguồn nhân lực về tài chính công đối với mỗi quốc gia và mục tiêu của buổi tọa đàm.

 Bà Pike Pike Aye - Chuyên gia lĩnh vực công, WB tại Myanmar phát biểu trực tuyến từ Myanmar

Bà Thwe Thwe Tun - Phó Giám đốc  Học viện Quản lý Tài chính Công Myanmar cũng đã giới thiệu tổng quát về sự ra đời, quá trình phát triển và những tựu đạt được; tầm nhìn và sứ mệnh; Cơ cấu quản lý hành chính; Chương trình đào tạo; Giảng viên và đối tượng thụ hưởng; Kế hoạch tương lai.

Ông Fabian Seiderer - Chuyên gia lĩnh vực công của WB phát biểu trực tuyến

Tại buổi Tọa đàm, phía Học viện Quản lý Tài chính Công Myanmar đã bày tỏ mong muốn được học hỏi kinh nghiệm của Học viện Tài chính trong các vấn đề: Tổ chức, triển khai các hoạt động của Học viện Tài chính Việt Nam trước tình hình dịch bệnh COVID-19; Nội dung, phương pháp đảm bảo chất lượng trong đào giảng dạy môn tài chính công, hình thức thức đánh giá, kiểm soát chất lượng đào tạo này; Phương thức thực hiện hợp tác quốc tế trong đào tạo – NCKH và cơ chế về đào tạo, tuyển dụng cán bộ, giảng viên...

PGS.,TS. Trương Thị Thủy, Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết: Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về giãn cách xã hội trước tình hình dịch bệnh COVID-19; Đảng ủy, Ban giám đốc đã nhanh chóng chỉ đạo các Ban, Khoa quản lý sinh viên, các đơn vị chức năng, sinh viên, học viên, LHS Lào chuyển các hoạt động sang trực tuyển, đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng dịch vừa đảm bảo các nhiệm vụ về đào tạo, NCKH. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, Học viện chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật đảm bảo họp, tạo đàm, hội thảo và giảng dạy trực tuyến. Vì vậy, mọi công việc đều triển khai bình thường, thực hiện học tập, kiểm tra, đánh giá, NCKH đúng theo tiến độ cũng như đảm bảo chất lượng. Sinh viên tại nơi có dịch bệnh COVID-19, bị cách ly vẫn học tập bình thường.

PGS.,TS. Nguyễn Xuân Thạch đã chia sẻ về kinh nghiệm trong việc chủ động, kịp thời chuyển các hoạt động học tập của sinh viên, học viên, LHS Lào cũng như của cán bộ, giảng viên sang hoạt động trực tuyến khi phòng chống dịch bệnh COVID-19. Theo đó, ngay khi chính phủ Việt Nam có quyết định về giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh, lãnh đạo Học viện đã giao cho nhóm cán bộ, giảng viên tìm hiểu các phần mềm giảng dạy trực tuyến và lựa chọn một phần mềm hiệu quả nhất để sử dụng. Toàn thể cán bộ, giảng viên đã được tập huấn kỹ trước ngay trước khi triển khai việc học tập, làm việc trực tuyến. Thông qua hình thức học tập này, sinh viên được rèn luyện kỹ năng học tập, làm việc trong môi trường mạng, tiếp cận với các công nghệ hiện đại liên quan. Đây cũng là một trong chủ trương quan trọng của Học viện trong tương lại nhằm đảm bảo đáp ứng rộng rãi nhu cầu của người học cũng như đáp ứng các đối tượng học tập khác nhau.

PGS.,TS. Phạm Ngọc Dũng – Trưởng khoa Tài chính công đã chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề liên quan về đào tạo lĩnh vực tài chính công. Nhiệm vụ quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực tài chính công của khoa Tài chính công, Học viện Tài chính là cung cấp dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng khác nhau, đặc biệt là các cơ quan quản lý từ địa phương đến trung ương; tham gia đào tạo cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ ngành tài chính - ngân hàng, kế toán, đào tạo kế toán trưởng, kế toán viên, tham gia NCKH theo nhiệm vụ được giao và đáp ứng nhu cầu từ thị trường. Khoa cũng chủ trì nhiều hội thảo khoa học cấp cơ sở, cấp bộ, cấp Nhà nước; Tham gia tư vấn cho các cơ quan quản lý các cấp, các cơ quan xây dựng; Hoạch định chính sách... cho các cơ quan đơn vị như:  Quốc hội, Ủy ban ngân sách Quốc hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư - ngân hàng trung ương. Đề tài cấp nhà nước do khoa đã chủ trì gần đây là: Nâng cao năng lực, hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho giáo dục – đào tạo ở Việt Nam. Đây chính là cơ hội để bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho cán bộ giảng dạy, lan tỏa trách nhiệm, vai trò đào tạo, NCKH của khoa nói riêng, Học viện Tài chính nói chung; Khoa tham gia đào tạo sinh viên quốc tế (Lào, Cam Pu chia) tại Việt Nam và nước sở tại.

 PGS.,TS. Phạm Ngọc Dũng cũng chia sẻ về nguồn nhân lực của khoa - trước đây do Bộ tài chính điều động, bổ nhiệm. Hiện tại nguồn nhân lực do Học viện tuyển dụng, điều động và tự đào tạo. Khoa có 6 PGS. và 18 tiến sỹ, 7 giảng viên cao cấp, 19 thạc sỹ. Có rất nhiều giảng viên được đào tạo NCS từ Anh, Pháp, Úc…Một số giảng viên đang làm NCS ở Đức, Nhật. Về chương trình đào tạo của khoa Tài chính công nói riêng, học viện Tài chính nói chung, PGS.,TS. Phạm Ngọc Dũng khẳng định đây là yếu tố quyết định chất lượng, uy tín của khoa và Học viện. Tất cả các giảng viên của khoa đều tham gia xây dựng chương trình đào tạo của Học viện theo tiêu chí: tiên tiến, hiện đại, phù hợp thực tiễn Việt Nam và xu hướng chung của thế giới. Khoa, bộ môn cũng như Học viện luôn nghiên cứu, cập nhật những tài liệu hướng dẫn của các tổ chức quốc tế, các chương trình của các trường đại học lớn, ngân hàng thế giới... để cập nhật bổ sung xây dựng giáo trình của các bộ môn, chuyên ngành. Từ đó, xây dựng hệ thống sách chuyên khảo, sách bài tập… đáp ứng nhu cầu của sinh viên cũng như các cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, khoa thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, sinh hoạt chuyên môn nâng cao trình độ. Tập thể, cán bộ khoa dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, lãnh đạo Học viện, có đủ năng lực, trình độ sẵn sàng tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế và hợp tác với Học viện Quản lý Tài chính Công Myanmar trong thời kỳ đầu trong đào tạo, NCKH, trao đổi sinh viên.

Tại buổi Tạo đàm, ThS. Nguyễn Lê Mai – Trưởng ban Tài chính kế toán cũng chia sẻ về nguồn kinh phí hoạt động của Học viện Tài chính; PGS.,TS. Nguyễn Mạnh Thiều – Trưởng Ban Tổ chức cán bộ đã chia sẻ về cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực của Học viện.

PGS.,TS. Chúc Anh Tú – Trưởng ban Hợp tác quốc tế chia sẻ về mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học từ thu thập thông tin các diễn giả để tổ chức các nhóm nghiên cứu sau khi kết thúc các Hội thảo quốc tế. Các nhóm sẽ cùng nhau trao đổi các hoạt động liên quan sau này. Từ đây có những công bố quốc tế có chất lượng cao. Về hợp tác quốc tế trong trao đổi các giảng viên, các nhà nghiên cứu, PGS.,TS. Chúc Anh Tú cho biết, Học viện đã và đang tìm kiếm các cơ hội để trao đổi, hợp tác các nhóm các nhà nghiên cứu – nhất là những nhà nghiên cứu trẻ sang các nước và ngược lại, mời các cá nhân, các nhóm nghiên cứu tới Học viện Tài chính để cùng tham gia các nhóm nghiên cứu. Học viện đã tổ chức các chương trình studytours, summer holiday sang Malaysia, Singapore cho sinh viên Học viện trải nghiệm cùng sinh viên nước sở tại trong dịp hè. Về phương thức thực hiện, sau khi tìm hiểu kỹ cũng như trao đổi thống nhất với các đối tác quốc tế, Học viện sẽ thực hiện ký kết MOU với các lộ trình, kế hoạch cụ thể.  

Kết thúc buổi tạo đàm, PGS.,TS. Trương Thị Thủy, Phó Giám đốc Học viện Tài chính đã gửi lời cảm ơn chân thành tới Ngân hàng Thế giới (WB) đã kết nối, tạo điều kiện để tiến hành buổi tọa đàm, cảm ơn các đại biểu đến Học viện Quản lý Tài chính Công Myanmar và mong muốn, các bên sẽ tiếp tục cùng  nhau chia sẻ, hợp tác trong các hoạt động về đào tạo, NCKH.

Ông Fabian Seiderer - Chuyên gia lĩnh vực công của WB khẳng định, buổi Tọa đàm có ý nghĩa thực tiễn lớn. Học viện Tài chính đã chia sẻ kinh nghiệm quý báu của gần 60 năm trong đào tạo, NCKH và hợp tác quốc tế cho phía Học viện Quản lý Tài chính Công Myanmar. Ông Fabian Seiderer cũng khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ và duy trì các hoạt động chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa 2 Học viện. 

Ban CTCT&SV
Số lần đọc: 1
Các bài đã đăng

Danh sách liên kết