Tìm
English
Thứ ba, 24/11/2020 - 8:35

Tọa đàm với sinh viên chuyên ngành Phân tích tài chính “Chuyện nghề tài chính – Con đường và trải nghiệm”
Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Chiều ngày 15/11/2020 tại HT700- Học viện Tài chính, Bộ môn Phân tích tài chính (PTTC) phối hợp với IDA Coaching Center tổ chức Workshop Series: “Design Your Career”. Workshop thứ nhất với chủ đề: “Chuyện nghề Tài chính - Con đường và trải nghiệm” Nhằm giúp sinh viên có môi trường trao đổi, học hỏi những kiến thức và kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực Ngân hàng, Tài chính - Đầu tư nói chung và tìm hiểu về nghề phân tích tài chính nói riêng thông qua trao đổi giữa sinh viên với khách mời là những anh, chị có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong ngành Ngân hàng và Tài chính - Đầu tư.

 WORKSHOP 1 được làm ấm lên ngay từ đầu với màn văn nghệ “cây nhà, lá vườn” của các sinh viên năm thứ nhất chuyên ngành Phân tích tài chính.

Một tiết mục văn nghệ cây nhà, lá vườn của sinh viên CQ58.09.CLC

 Đến trao đổi, chia sẻ trong workshop 1 có các diễn giả: Anh Lý Lâm Duy, CFA, Giám đốc tài chính Công ty TNHH Dịch vụ mặt đất hàng không, Uỷ ban điều hành CFA Community Việt Nam; Anh Đỗ Quốc Bảo – Business Analyst, MBBank HO, Founder IDA Coaching Center và Chị Vũ Thị Thùy Linh – Giám đốc Kinh doanh Ngoại hối NHTMCP Hàng Hải, Giám đốc Chương trình đào tạo CFA IDA Coaching Center.

Về phía Học viện Tài chính có Đại diện lãnh đạo khoa TCDN và lãnh đạo bộ môn PTTC: PGS. TS. Nghiêm Thị Thà – Phó Trưởng Khoa TCDN, Trưởng Bộ môn PTTC; TS. Phạm Thị Quyên – Phó trưởng BM PTTC; TS. Nguyễn Thị Thanh – Phó Trưởng BM PTTC cùng các thầy, cô giáo của Bộ môn Phân tích tài chính - Khoa TCDN và toàn thể sinh viên chuyên ngành Phân tích tài chính

Thầy, cô cùng toàn thể sinh viên chuyên ngành phân tích tài chính

Workshop Series: “Design Your Career” hướng tới trở thành một trong những chương trình thường niên của chuyên ngành Phân tích Tài chính. Workshop là chương trình đồng hành và định hướng nghề nghiệp thực tế cùng sinh viên góp phần nuôi dưỡng những thế hệ người trẻ Việt Nam ưu tú. Chuỗi Workshop bao gồm 10 buổi từ tổng quan đến chi tiết giúp sinh viên có góc nhìn tổng thể thực tế về ngành, nghề và công việc chuyên môn. Worrkshop 1 với chủ đề “Chuyện nghề Tài chính - Con đường và trải nghiệm” bao gồm 3 nội dung chính: Excel trong ứng dụng tài chính, Bản đồ nghề nghiệp cho sinh viên Phân tích Tài chính và trao đổi tọa đàm của sinh viên với các diễn giả.

Workshop thu hút sự quan tâm của sinh viên chuyên ngành phân tích tài chính

Phần thứ nhất, về Excel và ứng dụng tài chính, anh Đỗ Quốc Bảo – với kinh nghiệm hành nghề phân tích tài chính, đặc biệt là những trải nghiệm từ thực tế xử lý dữ liệu số lớn tại MB Bank đã giúp các bạn sinh viên biết rõ hơn về tầm quan trọng của Excel đối với công việc, đặc biệt là các công việc liên quan tới tài chính. Thông qua lần lượt 4 nội dung chính là: Tổng quan chung về nghề phân tích tài chính; Excel có vai trò gì cho các nhà phân tích tài chính?  Nhà tuyển dụng quan tâm gì đến các kỹ năng xử lý số liệu bằng excel của các ứng viên? Sinh viên chuyên ngành phân tích tài chính cần thực hành excel đến mức nào? Anh Đỗ Quốc Bảo đã giúp sinh viên phần nào hiểu được những yêu cầu của nhà tuyển dụng đối với các kỹ năng cần thiết cho công việc, đặc biệt là kỹ năng sử dụng Excel trong xử lý số liệu để kết xuất thông tin trong phân tích tài chính. Sinh viên chuyên ngành phân tích tài chính cần sử dụng thành thạo Excel trong nghề nghiệp tương lai, để có kỹ năng tốt, sinh viên cần nghiên cứu và thực hành excel một cách thường xuyên trong việc xử lý số liệu của các bài tập chuyên ngành và các bài nghiên cứu khoa học. Các cách thức để có kỹ năng thực hành excel tốt…

Anh Đỗ Quốc Bảo chia sẻ về những ứng dụng của Excel trong công việc tài chính

Sinh viên năm nhất đặt câu hỏi cho diễn giả về các kỹ năng, kiến thức cần chuẩn bị cho tương lai

Phần thứ hai, về Bản đồ nghề nghiệp cho sinh viên Phân tích tài chính, Anh Lý Lâm Duy thực sự mang đến một thế giới với nhiều con đường trải nghiệm nghề nghiệp mà sinh viên phân tích tài chính có thể thực hiện sau khi tốt nghiệp. Từ kinh nghiệm trải nghiệm của bản thân trên chặng đường học tập và hành nghề, diễn giả đã chỉ cho sinh viên thấy rõ những công việc quen thuộc như: phân tích tài chính doanh nghiệp, tư vấn tài chính/tư vấn thuế, kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập, kiểm tra và thanh tra thuế, thanh tra và giám sát tài chính, chuyên viên quản lý khách hàng của ngân hàng, chuyên viên phân tích chứng khoán, môi giới đầu tư,… hay đến những công việc còn xa lạ với nhiều sinh viên như: buy side/sell side research, wealth management… Sinh viên chuyên ngành phân tích tài chính thấy được cơ hội việc làm là rất rộng mở và đa dạng với nhiều sự lựa chọn trong các lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, với các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành, có thêm các chứng nhận về chứng chỉ nghề nghiệp Lever 1,2,3 của CFA, hoặc có chứng chỉ CFAB, ACCA…. Có thể tự tin, vững vàng bước ra thị trường lao động khu vực và quốc tế với thu nhập và cơ hội thăng tiến vô cùng hấp dẫn.

Bản đồ nghề nghiệp cho sinh viên phân tích tài chính với phần trao đổi của diễn giả Lý Lâm Duy

Sinh viên năm thứ 2 trao đổi với diễn giả về lựu chọn nghề nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng của đại dịch COVID- 19 và công nghệ 4.0

Sinh viên hào hứng hỏi về về các con đường, cơ hội nghề nghiệp tương lai

Sinh viên tích cực tương tác với các diễn giả

Phần thứ ba, Những trải nghiệm nghề nghiệp: cơ hội và thách thức. Nhằm giúp sinh viên có thêm trải nghiệm và tháo gỡ các băn khoăn về việc lựa chọn đường đi cho tương lai của mình, Ban tổ chức Workshop 1 đã thực hiện tương tác trực tiếp của sinh viên với các diễn giả bằng những màn hỏi đáp cụ thể. Ngoài 2 diễn giả, phần tọa đàm có thêm sự tham gia, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp từ Chị Vũ Thị Thùy Linh – GĐ Kinh doanh Ngoại hối NHTMCP Hàng Hải, GĐ Chương trình đào tạo CFA IDA Coaching Center, PGS.,TS. Nghiêm Thị Thà- Phó trưởng Khoa TCDN, Trưởng Bộ môn Phân tích tài chính.

Phần chia sẻ và trả lời câu hỏi của sinh viên từ PGS.,TS Nghiêm Thị Thà

Theo PGS.,TS. Nghiêm Thị Thà sự lựa chọn nghề nghiệp khi kết thúc bậc Phổ thông trung học vô cùng quan trọng với tương lai của sinh viên. Để không hối hận và nắm bắt tốt cơ hội cho riêng mình, 4 năm thanh xuân trên giảng đường đại học là trải nghiệm tốt nhất để mỗi sinh viên khám phá bản thân, đọc rõ được mong ước của chính mình: Mình muốn gì và Mình có khả năng làm những gì. Sự nỗ lực trong học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện thể lực và tham gia các hoạt động xã hội là những trải nghiệm không thể thiếu đối với mỗi sinh viên. Nghề Phân tích tài chính đòi hỏi và giúp các sinh viên có am hiểu rộng về tài chính ở khu vực công và tư, có bộ tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp để hành nghề và có khả năng đặc biệt là: hiểu và tương tác tốt với các con số kinh tế, tài chính, xã hội để tham mưu, tư vấn cho các chủ thể trong xã hội có thể đầu tư, quản lý tài chính của cá nhân, gia đình, đơn vị, tổ chức…. một cách đúng đắn, hiệu quả, tạo cơ sở quan trọng để cá nhân, xã hội phát triển một cách bền vững.

Trao đổi của sinh viên với các diễn giả về bản đồ nghề nghiệp

Băn khoăn của sinh viên về nghề nghiệp tương lai trước làn sóng công nghệ AI

Anh Lý Lâm Duy trao đổi về cơ hội, thách thức với những người làm nghề Tài chính trong bối cảnh công nghệ AI phát triển

Theo các diễn giả, Việt Nam đang hội nhập sâu và rộng vào thị trường lao động quốc tế, trí tuệ nhân tạo cũng chỉ là 1 trong những nguy cơ đe dọa sự cạnh tranh ngày càng cao trên thị trường lao động tài chính. Tuy nhiên, một mặt, AI sẽ thay thế dần các vị trí lao động giản đơn trong ngành tài chính, nhưng không phải là tất cả, nhất là các vị trí nhân sự quản lý cấp trung và cao cấp, mặt khác, đầu tư nghiên cứu hay mua sắm công nghệ AI không phải đơn vị nào cũng đủ tiềm lực tài chính. Hơn nữa, AI cũng là do con người tạo ra nên nó chỉ giúp các nhà quản lý tăng năng suất lao động, thay thế người lao động ở những phần việc được chuyên môn hóa thực hiện theo lập trình, hoặc những công việc có rủi ro nghề nghiệp cao… Về bản chất, AI cũng là công cụ do con người tạo ra nhằm hỗ trợ cho con người nên luôn có tính 2 mặt: tạo cơ hội để xã hội phát triển tốt hơn, nhưng cũng tạo thách thức buộc con người phải vượt qua- để thông minh hơn máy móc. Do đó, khi sinh viên nhận thức được những vị trí lao động đề bị thay thế thì cần chủ động chuẩn bị hành trang cho mình để hướng tới những vị trí công việc không thể bị thay thế.

Những câu chuyện trải nghiệm, những màn hỏi, đáp mới mẻ và thú vị của các diễn giả và sinh viên đã trải dài và kết nối rõ hơn về việc kết hợp giữa học tập chuyên môn, rèn luyện kỹ năng mềm, quan tâm đến thế sự, đến cả quyền và trách nhiệm của mỗi sinh viên với bản thân, gia đình và xã hội trong bối cảnh hiện nay. Sự chia sẻ của các diễn giả với sinh viên còn cho sinh viên thấy rõ sự quan tâm, tri ân của các thế hệ anh, chị làm nghề tài chính, cựu sinh viên của Học viện Tài chính đối với nhà trường, đặc biệt là sự kết nối, dìu dắt của các thế hệ sinh viên đến với nghề một cách nhanh nhất và đúng đắn nhất.

Kết thúc Workshop 1, các diễn giả trao thêm các cơ hội học tập nghề nghiệp thực tế cho sinh viên và Lãnh đạo Bộ môn Phân tích Tài chính tặng hoa, cảm ơn các diễn giả.

IDA Coaching Center trao học bổng cho sinh viên năm nhất có kết quả tuyển đầu vào cao

Lãnh đạo BM PTTC tặng hoa cảm ơn các diễn giả

Lần đầu tiên chuyên ngành Phân tích Tài chính non trẻ tổ chức WORKSHOP chia sẻ về con đường nghề nghiệp, buổi tọa đàm còn chưa thể giải đáp hết những băn khoăn của các bạn sinh viên về 1 lĩnh vực nghề nghiệp mới- Phân tích tài chính- nhưng các bạn sinh viên cũng đã tìm được những địa chỉ tin cậy để tìm hiểu và trao đổi về con đường nghề nghiệp cho tương lai của mình. Nền móng ban đầu về định hướng nghề nghiệp đã được khởi tạo, nhà trường, sinh viên và các thế hệ làm “NGHỀ TÀI CHÍNH” sẽ cùng kết nối, chia sẻ và vững bước vào tương lai!

Hi vọng rằng qua những buổi chia sẻ bổ ích, thực tế dành cho sinh viên, sẽ hỗ trợ cho công việc của các sinh viên sau khi ra trường trên tinh thần chia sẻ thật, kinh nghiệm thật.

Bộ môn Phân tích Tài chính
Số lần đọc: 2223

Danh sách liên kết