Tìm
English
Thứ ba, 26/01/2021 - 21:16

Hội nghị gặp mặt nghiên cứu sinh năm 2020 của Bộ môn Tài chính doanh nghiệp và Bộ môn Định giá tài sản
Ngày 9 tháng 1 năm 2021, tại HT A1 – Học viện Tài chính, Bộ môn Tài chính Doanh nghiệp (TCDN) phối hợp cùng Bộ môn Định giá Tài sản (ĐGTS) tổ chức Hội nghị gặp mặt nghiên cứu sinh (NCS) đang sinh hoạt chuyên môn tại hai bộ môn. Đây là hoạt động được tổ chức định kỳ hàng năm nhằm tăng cường vai trò của các Bộ môn chuyên ngành trong hoạt động đào tạo Tiến sĩ, gắn kết giữa nghiên cứu sinh với người hướng dẫn khoa học.

Đây cũng là dịp để các nghiên cứu sinh đang sinh hoạt tại hai bộ môn lắng nghe những chia sẻ quý báu của các thế hệ NCS đi trước, bày tỏ những khó khăn gặp phải trong quá trình hoàn thành luận án tiến sĩ, mở rộng mạng lưới kết nối về học thuật và thực tiễn. Tham dự buổi Hội nghị có toàn bộ giảng viên BM TCDN & BM ĐGTS, các cán hộ hướng dẫn khoa học và NCS đang sinh hoạt chuyên môn tại hai bộ môn. PGS, TS. Đoàn Hương Quỳnh – Trưởng BM TCDN & TS. Nguyễn Minh Hoàng – Trưởng BM ĐGTS chủ trì hội nghị.

PGS, TS. Đoàn Hương Quỳnh – Trưởng BM TCDN & TS. Nguyễn Minh Hoàng – Trưởng BM ĐGTS điều hành Hội nghị gặp mặt NCS tại hai bộ môn 2020. (Nguồn: BM TCDN & ĐGTS)

Mở đầu Hội nghị, TS. Phạm Thị Vân Anh – Phó trưởng BM TCDN thay mặt cho Bộ môn TCDN & Bộ môn ĐGTS giới thiệu về truyền thống và đội ngũ nhà khoa học của hai bộ môn.

Về Bộ môn TCDN, với bề dày truyền thống gần 60 năm, BM liên tục phát triển và có những đóng góp đáng kể vào hoạt động đào tạo cũng như NCKH của Học viện. Tính đến nay, BM có tổng cộng 20 giảng viên cơ hữu và 5 giảng viên kiêm chức, thỉnh giảng. Trong số 20 giảng viên cơ hữu có 05 PGS, 14 TS, 06 Ths, và có 06 giáo viên đang làm NCS. Đội ngũ giảng viên của BM đều được đào tạo bài bản, có nền tảng lý thuyết vững chắc cùng kiến thức thực tế phong phú, luôn chủ động và sáng tạo trong giảng dạy và NCKH để bắt nhịp với xu thế hội nhập quốc tế.

Bộ môn Định giá tài sản & Kinh doanh bất động sản (ĐGTS & KDBĐS) ra đời năm 2003 nhằm đáp ứng nhu cầu mới trong quản lý nhà nước về công tác thẩm định giá. Năm 2006, Bộ môn ĐGTS chính thức chuyển về Khoa TCDN. Với chặng đường gần 20 năm, Bộ môn ĐGTS đã trưởng thành và lớn mạnh, trở thành một trong ba bộ môn chuyên ngành của Khoa TCDN, ngày càng thu hút được sự quan tâm của xã hội. Bộ môn ĐGTS hiện có 07 giảng viên cơ hữu và 01 giảng viên kiêm chức, với 100% giảng viên có trình độ từ Ths trở lên. Đội ngũ giảng viên của BM luôn nhiệt tình, năng nổ, tham gia tích cực vào các hoạt động đào tạo và NCKH của Khoa và Học viện.

TS. Phạm Thị Vân Anh – Phó trưởng BM TCDN giới thiệu về truyền thống

và đội ngũ khoa học của BM TCDN & ĐGTS. (Nguồn: BM TCDN& ĐGTS)

Ngay sau báo cáo của TS. Phạm Thị Vân Anh, PGS, TS. Đoàn Hương Quỳnh – Trưởng BM TCDN tiếp tục trình bày đến hội nghị báo cáo về tình hình NCS và công tác quản lý NCS của hai bộ môn:

Đối với BM TCDN, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ môn đang quản lý 27 NCS (tính từ năm 2015). Một số đặc điểm nổi bật về NCS và quản lý NCS tại BM TCDN gồm có (i) các NCS phần lớn có độ tuổi dưới 40 (chiếm 85,2%) và đến từ khối đào tạo (chiếm 70,3%); (ii) các NCS thường xuyên liên hệ với BM (chiếm 88,8%); (iii) cán bộ hướng dẫn KH có sự kết hợp giữa lĩnh vực đào tạo & NCKH với lĩnh vực thực tiễn; (iv) Bộ môn luôn chủ động và sát sao trong quản lý NCS nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng của luận án ở các cấp.

Về phía BM ĐGTS, tính từ 2015 đến nay, BM đang quản lý 05 NCS với mức độ liên hệ thường xuyên với BM đạt 60%; 04 NCS là giảng viên các trường đại học; 04/06 cán bộ HDKH là cán bộ, giảng viên các trường đại học.

Trong báo cáo này, PGS, TS. Đoàn Hương Quỳnh cũng chỉ ra hai vấn đề còn tồn tại trong hoạt động nghiên cứu của NCS, gồm việc đảm bảo tiến độ nghiên cứu theo quy định của Học viện và việc đăng bài báo tại các Tạp chí khoa học chuyên ngành, đảm bảo chứng chỉ ngoại ngữ. Đây cũng là những vấn đề được trao đổi sôi nổi tại phiên thảo luận của Hội nghị.

     

  PGS,TS. Vũ Văn Ninh – Trưởng Khoa TCDN & TS. Trần Duy Hải – Bộ thông tin truyền thông đang theo dõi nội dung báo cáo về tình hình NCS tại Hội nghị (Nguồn: BM TCDN& ĐGTS)

Phiên thảo luận của Hội nghị diễn ra tích cực trong gần ba tiếng với các nội dung sau: (i) chia sẻ của GVHD, (ii) chia sẻ của các cựu NCS đã bảo vệ thành công luận án TS và đạt học vị TS, (iii) chia sẻ của các NCS hiện đang sinh hoạt tại hai BM.

Hội nghị đã được lắng nghe những chia sẻ đầy tâm huyết và trọng tâm của PGS,TS. Ngô Trí Long, PGS, TS. Nguyễn Đăng Nam, PGS, TS. Nguyễn Đình Kiệm, TS. Bạch Đức Hiển, PGS, TS. Bùi Văn Vần. Đây là những người thầy có kinh nghiệm dày dặn trong hướng dẫn nghiên cứu sinh, đã đào tạo, bồi dưỡng nhiều TS trong và ngoài Học viện. Mở đầu, PGS,TS. Ngô Trí Long đã đưa ra những giải pháp rất cụ thể cho những thách thức mà NCS gặp phải trong quá trình hoàn thành luận án. Đối với quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, NCS phải có ý thức tự trau dồi nâng cao năng lực ngoại ngữ, đảm bảo đúng quy định của các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, những nội dung về chuyên môn như định hướng nghiên cứu, nội dung các chuyên đề chuyên sâu, công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, NCS cần có sự kết nối chặt chẽ với cán bộ hướng dẫn khoa học. Cán bộ hướng dẫn khoa học với nền tảng lý thuyết, kinh nghiệm nghiên cứu, và mạng lưới kết nối cần giúp đỡ NCS hoàn thành các yêu cầu đào tạo bởi thời gian nghiên cứu 3 năm là rất eo hẹp.    

PGS, TS. Ngô Trí Long chia sẻ với Hội nghị những giải pháp khắc phục khó khăn NCS gặp phải trong công bố kết quả nghiên cứu và đáp ứng điều kiện ngoại ngữ (Nguồn: BM TCDN& ĐGTS)

PGS, TS. Bùi Văn Vần tiếp tục nhấn mạnh vai trò của BM chuyên ngành trong việc chuẩn hoá tên đề tài, duyệt tên đề tài luận án và tên các chuyên đề chuyên sâu nhằm đảm bảo tiến độ nghiên cứu và chất lượng của luận án. PGS, TS. Nguyễn Đình Kiệm cho rằng nâng cao chất lượng luận án tiến sĩ là một đòi hỏi cấp thiết trong bối cảnh giáo dục hiện nay. Điều này đòi hỏi quy trình đào tạo tiến sĩ cần khắt khe và chặt chẽ hơn để đảm bảo tính khách quan và hàm lượng khoa học của luận án; đồng thời, siết chặt các quy định về thời gian, có những chính sách phù hợp với NCS đúng hạn và quá hạn.

PGS,TS. Bùi Văn Vần – Nguyên trưởng khoa TCDN chia sẻ với Hội nghị về vai trò

của bộ môn chuyên ngành trong đào tạo tiến sĩ. (Nguồn: BM TCDN& ĐGTS)

Xác định đúng đối tượng và phạm vi nghiên cứu, theo TS. Bạch Đức Hiển, là những nội dung mà rất nhiều đề tài luận án phải làm rõ. Chính vì vậy, TS. Bạch Đức Hiển cho rằng NCS phải chủ động tham gia nhiều buổi sinh hoạt chuyên môn, bảo vệ chuyên đề, luận án của BM để củng cố nền tảng lý thuyết, tăng cường kiến thức thực tiễn, từ đó có thể lựa chọn đúng, trúng vấn đề nghiên cứu. Đồng thời, liên tục hoàn thiện và chỉnh sửa đề cương nghiên cứu sao cho phù hợp với bối cảnh nghiên cứu thực tiễn. PGS, TS. Nguyễn Đăng Nam trong phần chia sẻ của mình đã chỉ ra cách thức để lựa chọn một vấn đề nghiên cứu khả thi. Theo PGS, đề tài nghiên cứu phải ngắn gọn, súc tích, và phải có thể lấy được số liệu nghiên cứu phù hợp. Bên cạnh đó, lựa chọn phương pháp nghiên cứu sao cho phù hợp là một thách thức không nhỏ đối với các NCS. Phương pháp nghiên cứu, dù là định tính hay định lượng, phải đảm bảo tính phù hợp với câu hỏi nghiên cứu và phản ánh đầy đủ chính xác thực trạng của vấn đề nghiên cứu. PGS. TS. Nguyễn Đăng Nam cũng nhấn mạnh tính chủ động, sáng tạo của NCS trong quá trình hoàn thành luận án. Con đường đạt được tấm bằng tiến sỹ vốn không hề bằng phẳng và dễ dàng, NCS ngoài sự nỗ lực không ngừng nghỉ còn cần giữ vững tinh thần và không được nản chí.

PGS, TS. Nguyễn Đăng Nam chia sẻ với Hội nghị về lựa chọn vấn đề nghiên cứu

và phương pháp nghiên cứu phù hợp (Nguồn: BM TCDN& ĐGTS)

TS. Bạch Đức Hiển – Nguyên trưởng BM TCDN nhấn mạnh vai trò của việc xác định đúng đối tượng và

phạm vi nghiên cứu trong luận án tiến sỹ (Nguồn: BM TCDN& ĐGTS)

Tiếp theo, Hội nghị đã lắng nghe những chia sẻ rất chân thành từ các cựu NCS đã đạt học vị TS cũng như các NCS hiện đang sinh hoạt tại hai bộ môn. TS. Lê Anh Tuấn – Vụ Tài chính Ngân hàng – Bộ Tài chính xúc động nhớ lại những tháng ngày là NCS. TS. Lê Anh Tuấn dành những lời tri ân sâu sắc nhất đến những thầy cô trong Học viện Tài chính vì những nỗ lực không ngừng nghỉ trong sự nghiệp đào tạo và NCKH. Theo TS.Lê Anh Tuấn, NCS phải chủ động và cầu thị trong quá trình nghiên cứu. Cán bộ hướng dẫn khoa học chỉ có vai trò định hướng về học thuật. Hoàn thành luận án TS là một hành trình gian nan nhưng kết quả trả lại sẽ hoàn toàn tương xứng với nỗ lực đã bỏ ra. Ngoài phần chia sẻ với các NCS, TS. Lê Anh Tuấn cũng đề xuất hợp tác giữa Khoa TCDN và Vụ Tài chính ngân hàng – BTC về NCKH nhằm củng cố nền tảng lý thuyết và gia tăng kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ khoa học. TS. Nguyễn Văn Bình – Tổng cục dự trữ - Bộ Tài chính một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn vấn đề nghiên cứu bởi tên đề tài là nhân tố quyết định sự thành bại của một luận án TS. Bộ môn chuyên ngành đóng vai trò kết nối quan trọng giữa NCS và CBHDKH khi lựa chọn đề tài, lập đề cương nghiên cứu chi tiết, và bảo vệ luận án tại các cấp. Đồng thời, cần duy trì mạng lưới kết nối giữa các NCS và CBHDKH nhằm tận dụng thế mạnh về lý thuyết của các giảng viên và thế mạnh về thực tiễn của các CBHDKH tại các đơn vị thực tế. Cũng về chủ đề này, TS. Hà Quốc Thắng – cựu NCS của BM TCDN- chia sẻ giới hạn về lý luận và eo hẹp về thời gian nghiên cứu chính là những khó khăn lớn nhất TS gặp phải trong quá trình hoàn thành luận án. Để khắc phục, TS đã chủ động nhờ cán bộ hướng dẫn nghien cứu khoa học tư vấn những vấn đề nghiên cứu phù hợp với thực tiễn đơn vị công tác; đồng thời, lập kế hoạch nghiên cứu chi tiết và tuân thủ tối đa kế hoạch đó. TS. Hà Quốc Thắng cũng chia sẻ kinh nghiệm cá nhân rất hữu ích về sắp xếp thời gian nghiên cứu để đảm bảo đúng tiến độ luận án.

TS. Lê Anh Tuấn – Vụ Tài chính Ngân hàng – Bộ Tài chính chia sẻ với các NCS về

hành trình đạt học vị tiến sỹ của mình. (Nguồn: BM TCDN& ĐGTS)

TS. Nguyễn Văn Bình – Tổng cục dự trữ - Bộ Tài chính chia sẻ về vai trò của BM chuyên ngành

trong kết nối NCS và Cán bộ hướng dẫn khoa học. (Nguồn: BM TCDN& ĐGTS)

TS. Diêm Thị Thanh Hải – Phó trưởng Khoa Kinh tế Kinh Doanh Đai học Phenikaa và TS. Phạm Ngọc Hải – Đại học GTVT, cựu NCS tại BM TCDN lắng nghe chia sẻ tại Hội nghị. (Nguồn: BM TCDN& ĐGTS)

Các NCS đang sinh hoạt chuyên môn tại 2 BM TCDN và ĐGTS chăm chú lắng nghe chia sẻ tại Hội nghị. (Nguồn: BM TCDN& ĐGTS)

TS. Hà Quốc Thắng, cựu NCS của BM TCDN, chia sẻ về cách khắc phục những khó khăn

trong quá trình hoàn thành luận án tiến sỹ. (Nguồn: BM TCDN& ĐGTS)

Là những nghiên cứu sinh hiện đang sinh hoạt tại BM TCDN, NCS Trần Thị Hoa đến từ Đại học Công nghiệp Hà Nội, vừa hoàn thành bảo vệ luận án cấp cơ sở tháng 12 năm 2020 cho rằng thành công của một luận án tiến sĩ là sự kết hợp của ba nhân tố. Thứ nhất là vai trò định hướng của cán bộ HDKH. Thứ hai, NCS phải chủ động và nỗ lực trong quá trình nghiên cứu. Điều cuối cùng không thể thiếu là sự đồng hành và hỗ trợ của bộ môn chuyên ngành. NCS Trần Thị Hoa đã dành những lời cảm ơn chân thành nhất đến BM TCDN nói chung và các thầy cô lãnh đạo BM TCDN nói riêng vì sự đồng hành và thấu hiểu dành cho NCS trong quá trình sinh hoạt chuyên môn tại BM. Đây cũng là những lời tri ân mà NCS Nguyễn Thị Thuỳ Dung – Đại học GTVT  gửi đến các thầy cô BM TCDN. Đến với Hội nghị, NCS. Nguyễn Thị Thuỳ Dung vô cùng xúc động vì được kết nối với các thầy cô hướng dẫn, các cựu NCS, các NCS hiện tại của BM TCDN. Theo NCS. Nguyễn Thị Thuỳ Dung, những chia sẻ tại Hội nghị là cực kỳ hữu ích với các NCS.

NCS. Trần Thị Hoa (trên) & NCS. Nguyễn Thị Thuỳ Dung (dưới), NCS sinh hoạt chuyên môn tại BM TCDN, chia sẻ với Hội nghị. (Nguồn: BM TCDN& ĐGTS)

Kết thúc Phiên thảo luận, PGS, TS. Đoàn Hương Quỳnh và TS. Nguyễn Minh Hoàng đã tổng kết lại các ý kiến chia sẻ và đưa ra những phương hướng, nhiệm vụ của hai Bộ môn trong quản lý NCS và đào tạo TS trong thời gian tới. Về phía bộ môn, PGS, TS. Đoàn Hương Quỳnh nhấn mạnh các bộ môn chuyên ngành sẽ tiếp tục duy trì vai trò kết nối, hỗ trợ tích cực cho NCS trong chuẩn hoá tên đề tài, lựa chọn chuyên đề chuyên sâu, lựa chọn phương pháp nghiên cứu, và củng cố nền tảng lý thuyết. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Khoa Sau đại học trong việc triển khai quy chế đào tạo trình độ Tiến sĩ, giám sát, kiểm tra việc thực hiện luận án của NCS một cách chặt chẽ. Về phía NCS, ngoài việc nắm bắt đầy đủ các quy định về đào tạo trình độ TS, cần tăng cường tính chủ động trong nghiên cứu, tích cực kết nối với BM chuyên ngành về chuyên môn học thuật, sắp xếp thời gian để đảm bảo tiến độ thực hiện luận án.

 Hội nghị kết thúc trong không khí đầm ấm tươi vui của những ngày đầu năm dương lịch 2021. Những bó hoa tươi thắm, những lời tri ân chân thành xúc động, những cái bắt tay nồng ấm các NCS gửi đến các thầy cô của hai bộ môn, hứa hẹn những quả ngọt thành công trong năm mới. Con đường nghiên cứu khoa học chưa bao giờ là bằng phẳng. Học vị Tiến sĩ là thành quả dành tặng những người đủ kiên nhẫn, ý chí, và năng lực để bước đi không ngừng nghỉ trên con đường đó. BM Tài chính doanh nghiệp và BM Định giá tài sản, với bề dày đào tạo và đội ngũ khoa học có trình độ, tâm huyết, luôn sát cánh cùng các NCS trên hành trình này.

Lãnh đạo Khoa và lãnh đạo 2 BM TCDN & ĐGTS đón nhận lẵng hoa tươi thắm từ các NCS

(Nguồn: BM TCDN& ĐGTS)

Toàn thể lãnh đạo Khoa TCDN cùng cán bộ hướng dẫn khoa học và NCS của 2 BM TCDN & ĐGTS tại Hội nghị gặp mặt NCS 2020. (Nguồn: BM TCDN& ĐGTS)

Bộ môn Tài chính doanh nghiệp và Định giá tài sản
Số lần đọc: 20

Danh sách liên kết