Tìm
English
Thứ năm, 04/02/2021 - 13:13

Báo cáo thực tế cho sinh viên hệ ĐHCQ K55 chuyên ngành TCDN trước khi đi thực tập tốt nghiệp: Từ lý luận đến thực tiễn
Thực hiện kế hoạch thực tập của Học viện Tài chính đối với sinh viên hệ chính quy khóa 55 chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp (TCDN), với mục đích giúp cho sinh viên bước đầu hình dung và làm quen với công tác quản trị tài chính của các doanh nghiệp trước khi xuống các đơn vị thực tập, trong 2 ngày 10 và 11/01/2021, Bộ môn Tài chính Doanh nghiệp (BM TCDN) đã mời các các báo cáo viên đang làm việc tại các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp đến để báo cáo thực tế, chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực quản trị TCDN cho sinh viên với các nội dung: Lập kế hoạch tài chính - kinh doanh trong doanh nghiệp; Định vị bản thân là chuyên gia tài chính doanh nghiệp tương lai; Quản trị tài chính tại Tổng công ty thăm dò và khai thác Dầu khí; Xu hướng việc làm và kỹ năng cho sinh viên khi ra trường từ góc nhìn của nhà quản trị doanh nghiệp; Ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản trị tài chính doanh nghiệp - Minh họa tại Tập đoàn Dệt May Việt Nam.

Những nội dung về quản trị Tài chính doanh nghiệp trong kỷ nguyên mới được chia sẻ từ các báo cáo viên: Bà Đào Thị Hằng - Chủ tịch hội đồng quản trị công ty tư vấn tái cấu trúc BHM; chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp; tư vấn tài chính;  Ông Nguyễn Hải An - Kế toán trưởng, kiêm Trưởng Ban Tài chính Kế toán Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP); Ông Nguyễn Hà Hải - Phó phòng Tài chính, Ban Tài chính Kế toán, Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP); Ông Phạm Văn Tân - Phó Tổng giám đốc phụ trách Tài chính - Tập đoàn Dệt May Việt Nam; Ông Trịnh Duy Hà – Phó Tổng Giám đốc Tân Long Land và ông Đặng Đình Thắng - Phòng kinh doanh công ty cổ phần Vinhomes.

Chương trình Báo cáo thực tế luôn nhận được sự quan tâm của các bạn sinh viên và các thầy cô bộ môn Tài chính doanh nghiệp. Đó chính là một trong những nội dung mà bộ môn TCDN hướng tới trong quá trình đào tạo sinh viên gắn liền với thực tiễn đòi hỏi xã hội để rút gần khoảng cách trong mối quan hệ giữa Nhà trường - Doanh nghiệp - Sinh viên; Gắn liền với mục tiêu của Học viện Tài chính: “Tập trung đổi mới, đẩy mạnh tự chủ, coi trọng năng động và sáng tạo, chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ, xây dựng môi trường và văn hóa học đường vì Uy tín - Chất lượng - Hiệu quả - Chuyên nghiệp - Hiện đại”, xứng đáng với vị thế là địa chỉ đào tạo hàng đầu về lĩnh vực tài chính - kế toán chất lượng cao cho toàn xã hội.

Đã thành thông lệ, trước khi sinh viên chuyên ngành TCDN đi thực tập tốt nghiệp, Bộ môn TCDN luôn tổ chức các buổi báo cáo thực tế giúp sinh viên hình dung và nhanh chóng tiếp cận thực tế quản lý tài chính của các đơn vị. Đây là bước hiện thực hoá những kiến thức được đào tạo ở nhà trường, giúp sinh viên có điều kiện củng cố và bổ sung thêm những kiến thức đã học đồng thời vận dụng các kiến thức đã tiếp thu vào việc nghiên cứu phân tích, đánh giá và giải quyết những vấn đề thực tiễn trong công tác quản trị tài chính ở các doanh nghiệp, giúp cho sinh viên có góc nhìn tổng quan, những định hướng cơ bản cho việc hoàn thành luận văn tốt nghiệp của mình, nhận thức về hành trang cần thiết khi rời ghế nhà trường, đóng góp cho sự phát triển của bản thân, gia đình và xã hội trong tương lai.

PGS.TS.Đoàn Hương Quỳnh - Trưởng Bộ môn TCDN khai mạc đợt báo cáo thực tế

Sau phần khai mạc của PGS.TS.Đoàn Hương Quỳnh - Trưởng Bộ môn TCDN, bà Đào Thị Hằng- Chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp, tư vấn tài chính, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty tư vấn tái cấu trúc BHM đã chia sẻ với các sinh viên CQ 55 hệ chính quy chuyên ngành TCDN hai nội dung: Lập kế hoạch tài chính - kinh doanh trong doanh nghiệp; Định vị bản thân là chuyên gia tài chính doanh nghiệp tương lai.

Với 15 năm kinh nghiệm làm công tác tài chính tại nhiều đơn vị tài chính, đảm đương nhiều cương vị bà Đào Thị Hằng đã nêu bật tầm quan trọng của việc lập kế hoạch tài chính trong các doanh nghiệp, căn cứ lập kế hoạch tài chính ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp, quy trình lập kế hoạch tài chính. Với nội dung về định vị bản thân, báo cáo viên đã giúp sinh viên nhìn nhận rõ hơn giá trị bản thân tại thời điểm hiện tại để trở thành những chuyên gia tài chính trong tương lai. Doanh nghiệp nào cũng muốn tăng trưởng, phát triển bền vững cũng như cá nhân nào cũng muốn được sống cùng với hoài bão và đam mê, đều cần nhận thức rõ những cơ hội, thách thức, điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, cần nhìn vào chính nội tại, phân tích rõ những tác động của môi trường để có kế hoạch, chiến lược cụ thể. Báo cáo viên cho rằng,với tốc độ phát triển của thị trường như hiện nay thì việc xây dựng kế hoạch của doanh nghiệp trong vòng 15-20 năm không còn phù hợp nên cần thiết xây dựng với những khoản thời gian ngắn hơn từ 5-10 để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh ứng với các nhân tố tác động khi sự biến động thị trường. Điều này đòi hỏi các giám đốc tài chính tương lai (CFO) cần có một tư duy tài chính linh hoạt, kiến thức liên ngành sắc sảo và không ngừng hoàn thiện mỗi ngày.

.

Bà Đào Thị Hằng đang báo cáo thực tế về lập kế hoạch tài chính - kinh doanh trong doanh nghiệp và Định vị bản thân là chuyên gia tài chính doanh nghiệp tương lai

Tiếp theo buổi chiều ngày 10/1/2021, ông Nguyễn Hải An - Kế toán trưởng, kiêm Trưởng Ban Tài chính Kế toán tại Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) chia sẻ bức tranh toàn cảnh về tình hình tài chính của PVEP. Ông Nguyễn Hải An cho rằng để quản trị hiệu quả kinh doanh đối với một doanh nghiệp có ba mục tiêu: Một là, thực hiện được chiến lược doanh nghiệp, người quản trị tài chính phải nắm rõ chiến lược của doanh nghiệp và thực thi được chiến lược đó, nếu không sẽ thụ động trong công tác tài chính; Hai là, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của doanh nghiệp bao gồm nguồn lực con người, vốn, tài sản, thời gian đặc biệt đối với người làm công tác tài chính thì phải sử dụng hiệu quả tốt nhất các nguồn lực để tạo ra giá trị cho doanh nghiệp; Ba là, cung cấp thông tin tài chính kế toán một cách minh bạch, trung thực, kịp thời, phải có trách nhiệm giải trình với chủ sở hữu, với cơ quan thuế, với các nhà đầu tư trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, đối với PVEP thì kế hoạch quản trị dòng tiền và kế hoạch huy động nguồn vốn rất quan trọng vì PVEP có đặc điểm là toàn bộ vốn có nguồn gốc từ nhà nước với số vốn điều lệ là 59.700 tỷ. Trong giai đoạn khủng hoảng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid, Tổng công ty phải quan tâm đếnquản trị sản lượng khai thác, mỏ khai thác, thắt chặt chi phí…để dòng tiền phải được đảm bảo và triển khai các hợp đồng tín dụng ngắn hạn với các ngân hang (Big4 ngân hàng) để thực hiện các đề xuất vay ngắn hạn theo các gói để làm sao vừa đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh, vừa để phòng ngừa giá dầu tiếp tục giảm sút…Bên cạnh đó, báo cáo viên cũng chia sẻ các nội dung về quản trị huy động vốn dài hạn, chính sách phân phối kết quả kinh doanh… để đáp ứng mục tiêu phát triển ổn định và bền vững trong Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP).

Sức nóng của hội trường được tăng lên khi những câu hỏi trong phần giao lưu với diễn giả được mở ra. Với những biến động của nền kinh tế bởi dịch bệnh Covid-19 công ty PVEP đã gặp những khó khăn thách thức như bị ảnh hưởng bởi giá dầu thế giới, ảnh hưởng tỷ giá vàkhó khăn trong quản lý chi phí, quản lý dòng tiền…Tuy nhiên, Tổng công ty đã có những biện pháp đúng đắn, các quyết định tài chính khôn ngoan đểvượt qua gia đoạn này; đồng thời ông cũng mang tới những cơ hội việc làm dành cho các bạn sinh viên chuyên ngành TCDN vừa ra trường, chưa có kinh nghiệm thực tiễn nhưng luôn có thái độ học hỏi nghiêm túc, thái độ làm việc cần mẫn, chỉn chu, không ngần ngại các công việc được giao dù có gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Qua phần giao lưu, báo cáo viên ông Nguyễn Hải An - Kế toán trưởng, kiêm Trưởng Ban Tài chính Kế toán tại Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khi PVEP và ông Nguyễn Hà Hải – Phó phòng Tài chính – Ban TCKT Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí PVEPcũng thấy được sự năng động của thế hệ sinh viên chuyên ngành Tài chính Doanh nghiệp, đó là tư duy tài chính tốt, là sự mưu cầu học hỏi từ những bài học thực tiễn của các chuyên gia tài chính được đào tạo từ cái nôi Học viện; là khao khát các công ty, các Tập đoàn mở rộng hơn nữa cánh cửa tuyển dụng cho các sinh viên còn chưa có nhiều kinh nghiệp thực tiễn.

Ông Nguyễn Hải An – Trưởng Ban TCKT tại Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí PVEP và ông Nguyễn Hà Hải – Phó phòng Tài chính – Ban TCKT Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí PVEP

Tiếp nối thành công của ngày báo cáo thứ nhất, ngày báo cáo thứ hai diễn ra trong sự hứng khởi của đông đảo các bạn sinh viên tham gia. Những chia sẻ của các báo cáo viên trước đã tiếp thêm lửa cho các bạn sinh viên, các bạn nhận thức rõ đây là cơ hội đặc biệt khi được tiếp xúc với các báo cáo viên,giúp sinh viên có những kinh nghiệm quý giá được học hỏi từ các thế hệ đi trước.

Những thắc mắc về xu hướng việc làm và kỹ năng sinh viên cần chuẩn bị để tham gia vào nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước được ông Trịnh Duy Hà – Phó Tổng giám đốc Tân Long Land chia sẻ vào sáng ngày 11/1/2021 thông qua chủ đề “Xu hướng việc làm và các kỹ năng cho sinh viên”. Ông Trịnh Duy Hà cho rằng, trong thời kỳ công nghệ 4.0 xuất hiện các ngành công nghệ chất lượng cao giúp tiết kiệm nguồn lực, tiết kiệm thời gian, công sức của con người, chính vì vậy mà một số ngành nghề mất đi và một số công việc mới sẽ được hình thành. Trong thị trường lao động sôi nổi như hiện nay, nếu chúng ta không biết tự trang bị những kiến thức, kỹ năng cũng như việc cập nhật thường xuyên sự biến động của thị trường thì chúng ta sẽ tự khiến cho mình bị bỏ chậm lại phía sau. Kỹ năng đầu tiên mà sinh viên cần có khi đi làm dù làm ở bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào đó là kỹ năng định vị được bản thân mình, nhận thức được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân thông qua trải nghiệm và công việc thực tế. Điều này giống như bà Đào Hằng đã chia sẻ đó là hãy cho phép bản thân mình thất bại. Chỉ khi mình thật sự trải nghiệm thực tế thì mình mới rút ra được những kinh nghiệm, bài học cho bản thân, định vị bản thân rõ ràng nhất để từ đó có kế hoạch hoàn thiện bản thân. Với thời kỳ hội nhập quốc tế và sự phát triển của công nghệ 4.0 thì ngoại ngữ và kỹ năng tin học văn phòng là đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó sinh viên cần rèn luyện những kỹ năng mềm để thành công hơn trong công việc. Ngoài năng lực thì nhà tuyển dụng sẽ đánh giá những phẩm chất, đạo đức, của những nhà tài chính tương lai chính vì vậy các sinh viên nên có kế hoạch để hoàn thiện bản thân.

Ông Trịnh Duy Hà - Phó Tổng Giám đốc công ty Tân Long Land

Và một điều vô cùng quan trọng mà trong nội dung của chuỗi báo cáo thực tế cho sinh viên chuyên ngành TCDN không thể bỏ qua đó là sự phát triển của công nghệ 4.0 có những ảnh hưởng và thách thức gì đối với chức năng Tài chính kế toán. Báo cáo viên Ths. Phạm Văn Tân - Phó tổng giám đốc phụ trách Tài chính của Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã chia sẻ nhiều điều bổ ích và kinh nghiệm quý báu tới sinh viên của chuyên ngành TCDN- Học viện Tài chính về nội dung “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản trị tài chính doanh nghiệp – Minh họa tại Tập đoàn Dệt May Việt Nam”. Thông qua buổi chia sẻ của báo cáo viên, các em sinh viên đã có cái nhìn tổng quát về tình hình tài chính của Tập đoàn Dệt May Việt Nam trong những năm qua; thấy được sự khác nhau về quản trị tài chính của một Tập đoàn với một doanh nghiệp và đặc biệt với Tập đoàn Dệt May cũng đã phải đối mặt với những khó khăn về cạnh tranh, về áp lực khi hiệp định EVFTA có hiệu lực…nhưng Tập đoàn Dệt May cũng đã ứng dụng thành công công nghệ 4.0 trong quản trị tài chính doanh nghiệp. Ông Phạm Văn Tân cho rằng, công nghệ phát triển sẽ tác động đến chức năng tài chính vì vậy các nhà tài chính cần hiểu công nghệ sẽ phát triển và tác động đến chức năng tài chính như thế nào và các nhà quản trị tài chính cần làm gì để chuẩn bị cho cách mạng 4.0. Với sự xuất hiện của công nghệ kỹ thuật số như phân tích, cloud và tự động hóa quy trình …thì việc phát triển trình độ năng lực tiếp cận công nghệ thông tin của đội ngũ tài chính trong doanh nghiệp là hết sức cần thiết và cấp bách.

Ths. Phạm Văn Tân - Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Dệt May Việt Nam

Các sinh viên chuyên ngành Tài chính Doanh nghiệp đãcảm nhận được năng lượng tích cực mà ông Phạm Văn Tân đã mang lạitrong buổi báo cáo. Bởi ông không chỉ là chia sẻ những kiến thức thực tế trong suốt 27 năm tham gia quản lý tài chính từ cấp công ty đến Tập đoàn, mà ông còn cung cấp cho sinh viên sơ đồ tư duy, tầm nhìn về chuyên gia tài chính trong bối cảnh kỷ nguyên 4.0. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào dây chuyền công nghệ ở Tập Đoàn Dệt May Việt Nam cũng đã thu hút sự trao đổi tích cực giữa báo cáo viên và sinh viên.

Khép lại 2 ngày liên tiếp, các sinh viên chuyên ngành TCDN được nghe báo cáo thực tế và giao lưu nghề nghiệp với các diễn giả hầu hết là cựu sinh viên các khoá của Học viện Tài chính - những người đang đảm trách nhiệm vụ quan trọng trong bộ máy quản lý của các Tổng công ty và Tập đoàn kinh tế. Các báo cáo viên luôn sẵn sàng chia sẻ những bí quyết thành công, những kinh nghiệm về tự làm mới bản thân, sẵn sàng đón nhận thử thách, khẳng định năng lực để sớm trưởng thành. Hy vọng với những kiến thức và kinh nghiệm mà các báo cáo viên chia sẻ sẽ giúp sinh viên chuyên ngành TCDN nhanh chóng, chủ động tìm hiểu và tiếp cận thực tế công tác quản trị tài chính của doanh nghiệp để có thể hoàn thành tốt luận văn tốt nghiệp của mình và luôn thành công trên con đường sự nghiệp./.

Một số hình ảnh tại buổi báo cáo thực tế và giao lưu nghề nghiệp:

Toàn cảnh hội trường buổi báo cáo thực tế và giao lưu nghề nghiệp cho sinh viên hệ chính quy khóa 55 - chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp

Giảng viên Bộ môn Tài chính doanh nghiệp chụp ảnh lưu niệm với BCV Bà Đào Thị Hằng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty tư vấn tái cấu trúc BHM

Giảng viên Bộ môn Tài chính doanh nghiệp và lớp trưởng các lớp SV chụp ảnh lưu niệm với BCV ông Nguyễn Hải An- Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban Tài chính kế toán Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) & ông Nguyễn Hải Hà – Phó phòng TCKT – Ban TCKT của Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP)

Giảng viên Bộ môn TCDN & Phân tích Tài chính cùng các em sinh viên chụp ảnh lưu niệm với  BCV ông Trịnh Duy Hà – Phó Tổng Giám đốc công ty Tân Long Land và ông Đặng Đình Thắng – Phòng Kinh doanh công ty cổ phần Vinhomes trong một chuyên đề chung “Xu hướng việc làm và Kỹ năng cho sinh viên khi ra trường từ góc nhìn của nhà quản trị doanh nghiệp”

Giảng viên Bộ môn Tài chính doanh nghiệp và lớp trưởng các lớp SV chụp ảnh lưu niệm với BCV ông Phạm Văn Tân – Phó Tổng giám đốc phụ trách Tài chính – Tập đoàn Dệt May Việt Nam

Các sinh viên được công ty tư vấn tái cấu trúc BMH trao quà tặng do có các câu hỏi chất lượngtrong buổi báo cao thực tế

Ông Nguyễn Hải An – Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban Tài chính Kế toán Tổng công ty Thăm dò Khai thácDầu khí PVEP đang trả lời câu hỏi của sinh viên

Sinh viên CQ55//11 hào hứng đặt câu hỏi với BCV bà Đào Thị Hằng về lập kế hoạch tài chính cho doanh nghiệp

Sinh viên chuyên ngành TCDN  đặt câu hỏi với BCV ông Phạm Văn Tân - Phó TGĐ phụ trách Tài chính của Tập đoàn Dệt May Việt Nam về khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào ngành Dệt May ở Việt Nam trong giai đoạn tới.

Sinh viên đặt câu hỏi về kỹ năng và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp chuyên ngành TCDN đối với BCV ông Trịnh Duy Hà – Phó Tổng giám đốc công ty Tân Long Land.

Sinh viên đặt câu hỏi về quản trị chi phí trong giai đoạn khủng khoảng tài chính đối với BCV Ông Nguyễn Hải An – Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban Tài chính Kế toán Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí PVEP.

Sinh viên chuyên ngành TCDN tự tin trao đổi các kiến thức về tài chính với các Báo cáo viên

Những ánh mắt đầy hy vọng về sự nghiệp tươi sáng sau khi tốt nghiệp ra trường

Bộ môn Tài chính doanh nghiệp
Số lần đọc: 691

Danh sách liên kết