Tìm
English
Thứ năm, 15/04/2021 - 8:45

Khoa Kế toán - Học viện Tài chính tham gia Hội thảo quốc gia về chuẩn mực báo cáo Tài chính quốc tế
Sáng 13/4/2021, Cục Quản lý giám sát Kế toán, Kiểm toán - Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo “Soát xét bản dịch chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế” với sự cộng tác chặt chẽ và có hiệu quả của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Đây là phiên hội thảo trong chuỗi hội thảo mà Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán tiến hành nhằm mục tiêu nghiên cứu, soạn thảo và ban hành các văn bản pháp lý cho tiến trình áp dụng Hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế ở Việt Nam.

Ông Vũ Đức Chính – Cục trưởng Cục Quản lý giám sát Kế toán, kiểm toán

 Bộ Tài chính phát biểu khai mạc

Tham dự hội thảo, về phía Bộ Tài chính có sự hiện diện của Ông Vũ Đức Chính – Cục Trưởng Cục Quản lý giám sát Kế toán, kiểm toán - Bộ Tài chính; Ông Lưu Đức Tuyên, Ông Trịnh Đức Vinh và bà Lê Thị Tuyết Nhung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát Kế toán, kiểm toán - Bộ Tài chính.

Về phía khoa Kế toán Học viện Tài chính có sự hiện diện của PGS.,TS. Mai Ngọc Anh – Trưởng Khoa Kế toán và 7 giảng viên của khoa.

Các nhà khoa học của Khoa Kế toán – Học viện Tài chính tham gia hội thảo

 PGS.,TS. Mai Ngọc Anh – Trưởng Khoa Kế toán và các nhà khoa học trường Đại học công nghiệp, Học viện Ngân Hàng… tham gia hội thảo

Tham gia hội thảo còn có các đại biểu là các lãnh đạo, giảng viên các trường đại học, học viện thuộc khối ngành kinh tế, tài chính như: Học viện Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Thương mại, Đại học Ngoại thương, Học viện Ngân hàng, …

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Vũ Đức Chính - Cục trưởng Cục Quản lý giám sát Kế toán, Kiểm toán - Bộ Tài chính đã nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế  trong điều kiện hội nhập kinh tế mạnh mẽ hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề làm thế nào để nhanh chóng đưa nội dung của hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế áp dụng vào Việt Nam còn rất nhiều vấn đề cấp thiết như: công tác biên dịch và công bố nội dung chuẩn mực quốc tế, ban hành văn bản có tính hướng dẫn thực hiện để các doanh nghiệp, các đơn vị kế toán và các đơn vị liên quan có căn cứ để giải quyết các vấn đề vướng mắc hoặc xác định các nghĩa vụ pháp lý bên cạnh việc tồn tại song hành hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, trong lộ trình áp dụng chuẩn mực quốc tế, việc xác định đối tượng áp dụng, lộ trình áp dụng và tiến trình cụ thể cũng như xây dựng văn bản pháp lý phục vụ cho mục tiêu này cũng đặt ra nhiều vấn đề cần được cân nhắc, thảo luận và quyết định. Đây cũng chính là những nội dung được đưa ra để thảo luận trong hội thảo.

 Các nhà khoa học khoa Kế toán thảo luận chuyên môn với Ông Lưu Đức Tuyên – Phó Cục trưởng Cục quản lý, giám sát Kế toán, kiểm toán

Hầu hết các ý kiến phát biểu đều thừa nhận tính cấp bách của việc nhanh chóng công bố nội dung chuẩn mực IFRS bằng tiếng Việt. Đây là cơ sở cho việc thống nhất trong cách hiểu và vận dụng các quy định về việc lập và trình bày báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, vấn đề làm thế nào để đảm bảo tính tính hiệu lực và đảm bảo tính thực thi của các quy định IFRS tại Việt Nam trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang có “thói quen” tuân thủ theo văn bản hướng dẫn cụ thể về hạch toán và lập báo cáo tài chính cũng được các đại biểu quan tâm trao đổi.

Về những vấn đề này, PSG., TS. Mai Ngọc Anh đã có ý kiến phát biểu: “Tại Việt Nam, việc song hành tồn tại các quy định trong lĩnh vực kế toán, tài chính và thuế… cũng như tồn tại sự khác biệt trong các quy định cụ thể giữa các hệ thống văn bản này là một thực tế khách quan. Trong khi đó, việc ban hành và áp dụng IFRS là tập trung vào việc lập BCTC cho mục đích chung. Vì vậy, khi áp dụng IFRS, chúng ta vẫn chấp nhận những khác biệt đó. PGS. Mai Ngọc Anh cũng đề xuất cần có một bộ phận chức năng có vai trò, trách nhiệm trong việc giải đáp và tư vấn các vướng mắc phát sinh trong quá trình áp dụng IFRS (Hội đồng/Ủy ban Chuẩn mực kế toán…). Đối với lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam giai đoạn đầu, các doanh nghiệp áp dụng IFRS bao gồm các doanh nghiệp tự nguyện và các doanh nghiệp được lựa chọn thí điểm áp dụng; Cần phải có quy định khung làm căn cứ pháp lý để các doanh nghiệp áp dụng và làm cơ sở tham chiếu cho các đơn vị liên quan”.

PGS, TS Mai Ngọc Anh – Trưởng khoa phát biểu tại Hội thảo

Tại hội thảo, đại diện một số công ty kiểm toán, với tư cách là đơn vị trực tiếp cung cấp dịch vụ kiểm toán, tư vấn thuế cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã phản ánh nhu cầu việc áp dụng IFRS của các doanh nghiệp. Do tính chất cần thiết khách quan của việc cung cấp thông tin kế toán theo yêu cầu của công ty mẹ, các doanh nghiệp này đã chủ động áp dụng IFRS bên cạnh việc thực hiện áp dụng VAS. Vì vậy, việc nhanh chóng công bố, áp dụng cũng như có văn bản hướng dẫn thưc hiện hoặc hỗ trợ pháp lý trong việc áp dụng IFRS tại Việt nam lại càng trở nên cần thiết, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Do vậy, nội dung thảo luận của hội thảo lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đẩy nhanh lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam.

Bên cạnh phần phát biểu của PGS, TS Mai Ngọc Anh, các nhà khoa học khoa Kế toán cũng tham gia tích cực vào các phiên thảo luận soát xét các bản dịch được phân công. Trong đó tiêu biểu là các phát biểu của TS Bùi Thị Thu Hương, TS Nguyễn Thị Hồng Vân – Phó trưởng bộ môn KTTC; TS Nguyễn Minh Thành – Bộ môn KTQT.

TS Bùi Thị Thu Hương phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo tiếp tục thảo luận chi tiết để thống nhất các nội dung chuẩn mực từ chiều 13/4/2021 và sẽ tiếp tục trong 2 ngày 14 và 15/4/2021.

BM Kế toán Tài chính – Học viện Tài chính
Số lần đọc: 3663

Danh sách liên kết