Tìm
English
Thứ tư, 12/05/2021 - 13:43

Chặng đường 30 năm khoa Kế toán - Học viện Tài chính đào tạo nguồn nhân lực cho ngành kiểm toán độc lập Việt Nam
Qua gần 60 năm hình thành và phát triển, với thế mạnh đào tạo và nghiên cứu khoa học chuyên sâu về kế toán, kiểm toán, Khoa Kế toán - Học viện Tài chính đã và đang là một địa chỉ tin cậy để đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực kế toán – kiểm toán cho toàn xã hội. Nhìn lại chặng đường 30 năm phát triển ngành kiểm toán độc lập ở Việt Nam (1991 – 2021), Khoa Kế toán – Học viện Tài chính tự hào đã đào tạo ra hàng chục nghìn kiểm toán viên có chất lượng cao phục vụ cho ngành kiểm toán độc lập ở Việt Nam.

Khoa Kế toán ra đời và phát triển gắn liền với lịch sử và truyền thống của trường Đại học Tài chính kế toán Hà Nội (Nay là Học viện Tài chính). Sự ra đời của Khoa được đánh dấu bằng sự kiện HĐCP ra quyết định số 117/CP ngày 31/07/1963 thành lập Trường cán bộ Tài chính ngân hàng Trung ương. Ngay từ ngày đầu thành lập, Khoa Kế toán luôn là một trong những khoa có quy mô đào tạo lớn nhất của nhà trường. Đến nay với quy mô ngày càng mở rộng, Khoa Kế toán đã tham gia đào tạo hàng vạn cử nhân ngành kế toán, đã thực hiện hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học và xuất bản hàng trăm đầu sách giáo trình, sách chuyên khảo, đặc biệt trong số đó có rất nhiều công trình nghiên cứu gắn liền với công cuộc đổi mới, cải cách hệ thống kế toán – kiểm toán Việt nam cũng như phục vụ cho thực tiễn nghề nghiệp kế toán – kiểm toán tại Việt Nam.

Đối với lĩnh vực kiểm toán độc lập, năm 1991 đánh dấu sự ra đời của ngành kiểm toán độc lập với việc thành lập hai công ty kiểm toán đầu tiên của Việt Nam là Công ty Kiểm toán Việt Nam (VACO) và Công ty dịch vụ Tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán (AASC). Kiểm toán độc lập tại Việt Nam ra đời và phát triển là một tất yếu khách quan do yêu cầu quản lý và phục vụ cho quản lý nhằm cung cấp thông tin trung thực, tin cậy và bảo vệ quyền lợi cho mọi đối tượng quan tâm trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước.

Nắm bắt được xu thế đó, cùng với chức năng, nhiệm vụ vốn có của mình là đào tạo ra các cử nhân chuyên ngành kế toán, kiểm toán chất lượng cao cho xã hội, Học viện Tài chính (khi đó là Trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà nội) đã cử giảng viên nghiên cứu về kiểm toán trong và ngoài nước. Trên cơ sở đó, Khoa Kế toán cũng đã chính thức giảng dạy môn học Kiểm toán từ năm 1992, là một trong những trường đại học đầu tiên ở Việt Nam giảng dạy về kiểm toán ở thời điểm này.

Các nhà khoa học khoa Kế toán tham gia nghiên cứu về kế toán, kiểm toán cùng các chuyên gia Liên Minh Châu Âu (1997). Trong ảnh có: GS, TS Vương Đình Huệ, GS, TS Đoàn Xuân Tiên, GS,TS Ngô Thế Chi, GS, TS Nguyễn Đình Đỗ, TS Phạm Tiến Bình.

Năm 2001, Học viện Tài chính cũng chính thức thành lập Bộ môn kiểm toán thuộc khoa Kế toán, cùng với mốc lịch sử chuyển đổi trường Đại học tài chính kế toán Hà Nội thành Học viện Tài chính. Những Giảng viên, các nhà khoa học hàng đầu đã đặt nền móng cho sự hình thành môn học kiểm toán cũng như sự ra đời của Bộ môn kiểm toán phải kể đến là GS,TS Vương Đình Huệ - Chủ Tịch Quốc Hôi nước CHXHCN Việt Nam (Nguyên trưởng Khoa kế toán, nguyên phó Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội), GS,TS Đoàn Xuân Tiên (nguyên Phó Tổng Kiểm toán NN; nguyên Trưởng khoa, phó Giám đốc Học viện); GS,TS Ngô Thế Chi (Nguyên Giám đốc Học viện); PGS, TS Nguyễn Trọng Cơ (Giám đốc Học viện), GS,TS Nguyễn Đình Đỗ (Nguyên Trưởng khoa Kế  toán), TS Nguyễn Viết Lợi (Nguyên Trưởng Khoa Kế toán), PGS, TS Trương Thị Thủy (Phó Giám đốc Học viện), PGS, TS Nguyễn Vũ Việt (Phó Giám đốc Học viện), PGS, TS Lưu Đức Tuyên (Phó Cục trưởng Cục QLGS Kế toán, Kiểm toán – Bộ Tài chính), và nhiều giảng viên của Bộ môn kế toán doanh nghiệp kiêm nhiệm giảng dạy môn học kiểm toán từ năm 1992 cho đến ngày nay.

Giảng viên của khoa Kế toán đầu những năm 1990 – khi môn học Kiểm toán mới được đưa vào giảng dạy.

Năm 2004, nhận thức được sự phát triển của ngành kiểm toán độc lập cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực cho ngành kiểm toán độc lập, Khoa Kế toán – Học viện Tài chính đã thành lập chuyên ngành kiểm toán với khóa sinh viên đầu tiên là K42 với mục tiêu là tạo ra những cử nhân có kiến thức chuyên sâu về kế toán - kiểm toán theo thông lệ Quốc tế, có trình độ cao, phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt, có tác phong chuyên nghiệp, hiện đại, nắm vững kiến thức lý luận và thực tiễn về kiểm toán.

 Giảng viên của bộ môn Kiểm toán khi bộ môn mới được thành lập và chuyên ngành Kiểm toán được đào tạo tại Học viện Tài chính

Cùng với chuyên ngành kiểm toán, chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp của Khoa Kế toán - Học viện Tài chính cũng đã cung cấp rất nhiều cử nhân làm việc trong lĩnh vực kiểm toán độc lập và thực tế có rất nhiều sinh viên thành đạt trong lĩnh vực kiểm toán độc lập, góp phần đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho ngành kiểm toán độc lập cũng như góp phần vào thực hiện thành công chiến lược kế toán – kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ nhằm tạo lập một hệ thống kế toán, kiểm toán hoàn chỉnh, phát triển mạnh nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán ngang tầm khu vực và thế giới cả về số lượng và chất lượng; phát triển mạnh thị trường dịch vụ kế toán – kiểm toán.

Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, khoa Kế toán triển khai 2 chương trình đào tạo chất lượng cao cho chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp (định hướng ACCA) và chuyên ngành Kiểm toán (định hướng ICAEW). Sinh viên tốt nghiệp các chương trình đào tạo này phần lớn được tuyển dụng vào các công ty kiểm toán lớn (big 4), góp phần khẳng định hơn nữa chất lượng đào tạo hàng đầu của Khoa, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng hội nhập cho ngành kiểm toán độc lập Việt Nam.

Lãnh đạo Học viện Tài chính và sinh viên chuyên ngành kiểm toán hệ chất lượng cao  trong buổi lễ khai giảng năm học mới

Khoa Kế toán – Học viện Tài chính luôn tự hào là đơn vị dẫn đầu về xu hướng. Nhận thức được bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay, một nền kinh tế đang phát triển theo hướng thị trường, mở cửa, hội nhập và chịu sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, tính chất của hoạt động kế toán và kiểm toán đã có sự thay đổi căn bản. Kiểm toán không chỉ đơn thuần là một nghề nghiệp mà còn trở thành một hoạt động dịch vụ tài chính, một lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ hoạt động kinh doanh, hỗ trợ hoạt động quản lý chất lượng cao do vậy đòi hỏi Khoa Kế toán phải đào tạo ra được những kiểm toán viên tương lai có sự thay đổi căn bản và nâng lên về chất bao gồm: phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và năng lực tổ chức thực hiện công việc đồng thời kiểm toán viên phải có bản lĩnh nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp, tâm huyết và trách nhiệm với nghề. Chỉ có như vậy mới có thể cung cấp những dịch vụ đảm bảo chất lượng cho các đối tượng sử dụng dịch vụ trong nền kinh tế và tạo niềm tin cho công chúng.

Sự kiện Movie Day: FALSE ASSURANCE  2019 tăng thêm kiến thức chuyên ngành cũng như đạo đức nghề nghiệp theo chuẩn Quốc tế của Sinh viên Khoa Kế toán

Lãnh đạo Học viện và sinh viên Khoa Kế toán tham gia hội thảo "Tương lai tiền tệ và tương lai

của kiểm toán" cùng khối sinh viên các trường đại học khối kinh tế khác tháng 8/2019 do ICAEW tổ chức

Với nhận thức về cơ hội và thách thức trong giai đoạn tới, Khoa Kế toán – Học viện Tài chính luôn đặt ra mục tiêu và phấn đấu thực hiện mục tiêu trong quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học để đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực kế toán và kiểm toán đáp ứng yêu cầu hiện nay. Để thực hiện điều này, Khoa Kế toán đã và đang thực hiện một số giải pháp như sau:

  • Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán ở mọi trình độ, mọi cấp độ hướng đến hội nhập quốc tế và thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ 4;
  • Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu chất lượng cao; có khả năng hội nhập quốc tế.
  • Nâng cao ý thức trách nhiệm của sinh viên. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên cần có ý thức mình là những chủ nhân tương lai của đất nước, là những người hành nghề kế toán, kiểm toán sau này, cần phải trau dồi những kiến thức, kỹ năng, phẩm chất để đảm bảo có thể sẵn sàng phục vụ xã hội và đất nước ngay sau khi rời khỏi ghế nhà trường.
  • Phối hợp chặt chẽ với các cơ quản quản lý Nhà nước, các Công ty kiểm toán và Hiệp hội nghề nghiệp quốc tế về kế toán – kiểm toán nhằm tìm hiểu nhu cầu cũng như các yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động đối với sinh viên từ đó có những thay đổi về nội dung, chương trình phù hợp với thực tiễn; Phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp trong xã hội để tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên như đi tham quan, thực tế, thực hiện các chương trình tiếp cận thực tế cho sinh viên.

                        Bộ môn kiểm toán – Khoa Kế toán hiện nay

Nhiều giảng viên của Khoa Kế toán – bộ môn Kiểm toán có chứng chỉ nghề nghiệp Quốc tế và Việt Nam

Lễ khai giảng và trao bằng tốt nghiệp cho SV K53 Khoa Kế toán

Khoa kế toán tổ chức Ngày hội Kỹ năng mềm và tiếp cận thực tế cho SV Khoa kế toán

PGS Trương Thị Thủy – Phó Giám đốc Học viện cùng Thầy/Cô lãnh đạo, giảng viên bộ môn kiểm toán, sinh viên hệ chất lượng cao chuyên ngành kiểm toán tại Deloite Việt Nam ngày 28/4/2021

Báo cáo viên công ty Misa cùng lãnh đạo, giảng viên khoa Kế toán, khoa hệ thống thông tin kinh tế, bộ môn Kế toán công tham gia tọa đàm (Chương trình còn có gần 200 em sinh viên tham gia trực tuyến)

Festival Kế toán – Kiểm toán của LCĐ Khoa Kế toán tổ chức hàng năm

Khoa Kế toán
Số lần đọc: 6632

Danh sách liên kết