Tìm
English
Thứ sáu, 14/05/2021 - 17:43

Chuyển đổi số và đổi mới hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học kế toán, kiểm toán
Trong những năm gần đây, thế giới đã và đang chứng kiến sự thay đổi toàn diện và sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, phải kể đến sự thay đổi và phát triển của khoa học công nghệ. Vấn đề chuyển đổi số trong sự lan tỏa của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành xu thế tất yếu nhằm mục tiêu phát triển của các cơ quan tổ chức nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Điều đó đã đặt ra nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn công tác quản lý kinh tế, trong đó có công tác kế toán, kiểm toán.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, với sự phối hợp của Công ty cổ phần Misa, một trong những đơn vị hàng đầu cung cấp, phát triển các nền tảng, phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin, sáng ngày 28/4/2021, Khoa Kế toán – Học viện Tài chính đã tổ chức buổi tọa đàm “Chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán”.

Đến dự với buổi tọa đàm, về phía công ty cổ phần Misa có ông Nguyễn Phi Nghị - Giám đốc văn phòng Misa Hà Nội, ông Trịnh Văn Biển – Giám đốc kinh doanh chuyển đổi số Văn phòng Misa Hà Nội và bà Nguyễn Thanh Bình – Trưởng ban phát triển kinh doanh.

Về phía các đơn vị trong Học viện có: PGS, TS Nguyễn Mạnh Thiều – Trưởng ban TCCB; PGS, TS Ngô Thanh Hoàng – Phó trưởng ban (PT) Ban QLKH, Trưởng bộ môn Kế toán công; PGS, TS Chúc Anh Tú – Trưởng ban Hợp tác Quốc tế; Ths Phạm Minh Ngọc Hà – Phó trưởng khoa (PT) khoa Hệ thống thông tin kinh tế, cùng các lãnh đạo, giảng viên bộ môn Kế toán công; bộ môn Tin học Tài chính – Kế toán.

Về phía khoa Kế toán có PGS, TS Mai Ngọc Anh - Trưởng khoa, PGS, TS Ngô Thị Thu Hồng – Phó trưởng khoa, Trưởng bộ môn KTTC; các đồng chí lãnh đạo, giảng viên thuộc khoa Kế toán cùng gần 200 sinh viên CQ56 tham gia chương trình theo hình thức trực tuyến.

Các đại biểu tham gia tọa đàm trực tiếp tại HT A1 – Học viện Tài chính

          (Và gần 200 sinh viên khoa Kế toán tham gia theo hình thức trực tuyến)

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, PGS, TS Mai Ngọc Anh - Trưởng khoa Kế toán đã khẳng định khoa Kế toán lựa chọn năm 2021 là năm trọng tâm đổi mới hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học hướng đến mục tiêu chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số làm thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Lĩnh vực kế toán, kiểm toán đang dần chuyển đổi sang phương thức hoạt động dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ cùng với những  yêu cầu mới về kỹ năng đối với kế toán và kiểm toán viên. Việc nhận thức, xem xét tác động và đưa ra các giải pháp tăng cường kỹ năng cho sinh viên kế toán, kiểm toán là việc làm cần thiết và cấp bách nhằm tăng cường khả năng thích ứng công việc và tăng cơ hội khởi nghiệp thành công cho sinh viên.

          PGS, TS Mai Ngọc Anh – Trưởng Khoa Kế toán

Với tư cách là nhà khoa học chuyên ngành Kế toán, PGS, TS Nguyễn Mạnh Thiều – Trưởng ban Tổ chức Cán bộ đánh giá cao những hoạt động chuyên môn, học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ do Khoa Kế toán tổ chức. Đặc biệt, các buổi tọa đàm có chủ đề bám sát sự thay đổi về kinh tế xã hội trong và ngoài nước, bám sát sự phát triển của khoa học công nghệ và chuyên ngành đào tạo như buổi tọa đàm lần này có ý nghĩa rất lớn trong việc đưa ra những gợi mở, định hướng cho đổi mới nội dung, chương trình đào tạo ngành kế toán của học viện. 

Ảnh (từ trái sang phải): PGS, TS Nguyễn Mạnh Thiều, Ths Đặng Thế Hưng, GS, TS Nguyễn Đình Đỗ tham dự buổi tọa đàm.

Để làm rõ hơn nhận thức về chuyển đổi số, ông Trịnh Văn Biển - Giám đốc kinh doanh chuyển đổi số- Văn phòng Misa Hà Nội đã có bài tham luận về chuyển đổi số và thực trạng chuyển đổi số nền kinh tế ở nước ta hiện nay.

Chuyển đổi số được dựa trên 05 công nghệ nổi bật – là đặc trưng của cuộc CMCN 4.0, bao gồm: (i) internet vạn vật (IoT), (ii) trí tuệ nhân tạo (AI), (iii) dữ liệu lớn (Big data), (iv) điện toán đám mây (Cloud) và (v) chuỗi khối (Blockchain).

Tại Việt Nam, quá chuyển đổi số đã bắt đầu diễn ra, nhất là trong các ngành như tài chính, giao thông, du lịch.Theo số liệu thống kê của năm 2020, tại Việt Nam, có tới 72% DNVVN đang tìm cách chuyển đổi số để đưa các sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường, trong đó 46% số DN này cho biết họ thực hiện chuyển đổi do yêu cầu từ phía khách hàng. Hiện, việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp đang tập trung vào 3 lĩnh vực gồm nâng cấp phần cứng CNTT (chiếm 18%), công nghệ đám mây (18%) và an ninh mạng (11%). Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia, quá trình số hóa của các DNVVN tại Việt Nam có thể đóng góp từ 24 tỷ đến 30 tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2024 và góp phần vào phục hồi kinh tế hậu Covid-19.

Đứng trước xu thế phát triển chung của cuộc CMCN 4.0 trên toàn thế giới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 749/2020/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.Hơn 30 thành phố đang thực hiện kế hoạch xây dựng Smart city với các nền tảng công nghệ mới.Điều này khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện chuyển đổi số trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế.

 Ông Trịnh Văn Biển – Giám đốc kinh doanh chuyển đổi số - VP Misa Hà Nội tham luận tại buổi tọa đàm

Buổi tọa đàm cũng nhận được rất nhiều ý kiến phát biểu của các nhà khoa học như: GS, TS Nguyễn Đình Đỗ, Ths Phạm Minh Ngọc Hà, TS Nguyễn Tuấn Anh… Các ý kiến phát biểu đề thống nhất cho rằng kế toán, kiểm toán là một trong số những lĩnh vực chịu sự tác động lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nói chung và xu hướng chuyển đổi số nói riêng. Thực hành kế toán tại các doanh nghiệp trên thế giới và cả Việt Nam trong bối cảnh ứng dụng chuyển đổi số được khái quát lại thông qua 05 công nghệ nổi bật như sau:

Một là, Internet vạn vật (IoT) giúp quy trình kế toán được thực hiện theo thời gian thực, giúp dữ liệu kế toán được kết nối với nhau đảm bảo sự chính xác tuyệt đối.

Hai là, Trí tuệ nhân tạo (AI) giúp giảm bớt công việc của người làm kế toán, nhiều giao dịch cơ bản diễn ra thường xuyên liên tục đã được trí tuệ nhân tạo xử lý giúp con người nhằm rút ngắn thời gian và nâng cao năng suất nghề nghiệp.

Ba là, Dữ liệu lớn (Big data) giúp sản phẩm của công tác kế toán được nâng cao chất lượng hơn nhiều so với trước đây, các báo cáo tài chính được lập một cách khách quan hơn, các báo cáo quản trị cung cấp được nhiều thông tin đa chiều có giá trị hơn.

Bốn là, Điện toán đám mây (Cloud) giúp công việc kế toán có thể thực hiện ở mọi nơi.Vấn đề tổ chức kế toán trong doanh nghiệp trở lên linh hoạt hơn.

Năm là, Chuỗi khối (Blockchain) giúp công tác kế toán của doanh nghiệp với các đối tác, bạn hàng được nhanh chóng và bảo mật hơn (hóa đơn điện tử, chữ ký điện tử là những ví dụ cho việc ứng dụng chuỗi khối vào công tác kế toán).

Ảnh (từ trái sang phải): Ths Phạm Minh Ngọc Hà – Phó trưởng khoa (PT) khoa HTTTKT, Ông Nguyễn Phi Nghị - Giám đốc văn phòng Misa Hà Nội; Bà Nguyễn Thanh Bình – Trưởng ban phát triển kinh doanh Misa; PGS,TS Ngô Thanh Hoàng – Phó trưởng ban (PT) Ban QLKH.

Như vậy, chuyển đổi số đã làm thay đổi căn bản thực hành kế toán tại các doanh nghiệp trên thế giới và cả Việt Nam, giúp cho hoạt động kế toán diễn ra nhanh hơn, chính xác hơn, tiết kiệm hơn và đem lại nhiều giá trị hơn cho xã hội nói chung và các bên liên quan của doanh nghiệp nói riêng.Chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán vừa tạo ra cơ hội vừa đặt ra những thách thức đối với nghề nghiệp kế toán, kiểm toán và đối với hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của các cơ sở đào tạo về kế toán, kiểm toán.

Chuyển đổi số tạo cơ hội để các nhà trường nghiên cứu thay đổi căn bản cách tiếp cận, nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo. Mục tiêu đào tạo cần hướng đến sản phẩm đầu ra là các chuyên gia kế toán, kiểm toán có kiến thức toàn diện về kinh tế, tài chính, kế toán; có kĩ năng sáng tạo, kĩ năng tổng hợp, phân tích, quản trị dữ liệu kinh doanh và thích ứng với sự thay đổi.

Ngược lại, chuyển đổi số đặt ra thách thức đối với các trường đại học có truyền thống đào tạo kế toán, kiểm toán nếu không thay đổi và thích ứng kịp thời có thể gặp phải sự cạnh tranh và vượt qua bởi các cơ sở đào tạo mới triển khai nhưng đi thẳng vào chương trình đào tạo tiên tiến dựa trên ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Chuyển đổi số cũng làm thay đổi trọng tâm công việc của người làm kế toán, kiểm toán. Do vậy, nếu hoạt động đào tạo không theo kịp với đòi hỏi thực tiễn thì cơ hội việc làm của ngành kế toán, kiểm toán sẽ bị thu hẹp do năng suất lao động tăng, nhu cầu người làm kế toán, kiểm toán truyền thống sẽ giảm. Vì vậy, định hướng đào tạo kế toán, kiểm toán cần nhấn mạnh hơn vào các kĩ năng quản trị dữ liệu, kĩ năng giám sát hệ thống và tư vấn của các chuyên gia kế toán, kiểm toán.

Cũng tại buổi tọa đàm, các chuyên gia của công ty cổ phần Misa giới thiệu các sản phẩm chủ chốt của Misa phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay.Trong đó có các sản phẩm phục vụ cho quản lý tài chính, kinh doanh, kế toán ở các doanh nghiệp và các đơn vị công.Công ty cổ phần Misa cam kết chuyển giao các sản phẩm này phục vụ cho công tác đào tạo của Học viện nhằm giúp sinh viên trải nghiệm các công nghệ về chuyển đổi số mà các doanh nghiệp, các đơn vị hiện nay đang sử dụng.

Phát biểu bế mạc buổi tọa đàm, PGS, TS Mai Ngọc Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận thức được những thay đổi của nghề nghiệp kế toán, kiểm trước sức ép về sự đổi mới từ chuyển đổi số. Khoa Kế toán – Học viện Tài chính đã chủ động triển khai nhiều chương trình nghiên cứu khoa học, các hoạt động thực tế nhằm gắn chuyển đổi số với đào tạo, nghiên cứu khoa học.Rất nhiều chương trình, sự kiện trọng tâm hướng tới chuyển đổi số dự kiến sẽ được thực hiện trong thời gian tới, bao gồm:

Thứ nhất,Khoa và các bộ môn thường xuyên rà soát và điều chỉnh từng bước các chương trình đào tạo hiện có thuộc ngành kế toán do khoa quản lý hướng tới những vấn đề mới về nội dung của khoa học kế toán đã được quốc tế thừa nhận, đồng thời hướng tới những ứng dụng của chuyển đổi số vào các chương trình đào tạo này.

Thứ hai, thường xuyên tổ chức các chương trình tiếp cận thực tế giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận sớm với thực hành kế toán tại doanh nghiệp trong bối cảnh ứng dụng chuyển đổi số hiện nay.

Thứ ba, thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm giữa giảng viên của khoa và các chuyên gia thực hành kế toán tại nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh phần mềm kế toán, khai thác dữ liệu kế toán.

Thứ tư, nghiên cứu đề xuất xây dựng các môn học, học phần mới, các chương trình đào tạo mới ứng dụng chuyển đổi số ở mức độ cao; tăng cường các nội dung thực hành nghiệp vụ kế  toán, kiểm toán trong môi trường chuyển đổi số thông qua chương trình đào tạo chính thức và các hoạt động bổ trợ cho sinh viên.

Các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học thiết thực này của Khoa Kế toán nhằm hướng tới mục tiêu đào tạo tạo chung của Học viện Tài chính – đào tạo nguồn nhân lực kế toán có đầy đủ năng lực chuyên môn và những kỹ năng làm việc cần thiết đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế, đồng thời, cung cấp cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để tăng khả năng thích ứng công việc và tăng cơ hội khởi nghiệp thành công cho sinh viên trong tương lai.

Một số hình ảnh khác của buổi tọa đàm

Lãnh đạo khoa Kế toán tặng quà cảm ơn các chuyên gia công ty cổ phần Misa

                         Toàn cảnh buổi tọa đàm tại HT A1

                              Các nhà khoa học khoa Kế toán tại buổi tọa đàm

Khoa Kế toán
Số lần đọc: 7837

Danh sách liên kết