Tìm
English
Thứ hai, 24/05/2021 - 9:2

Khoa TCQT tổ chức hội thảo khoa học giáo viên năm 2021
Ngày 20/5/2021 Khoa Tài chính quốc tế đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học giáo viên kết hợp trực tiếp - trực tuyến với chủ đề : “Việt Nam vận dụng các hiệp định thương mại tự do để phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid – 19”.

Tham dự Hội thảo khoa học của Khoa có các đại biểu khách mời: TS. Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính; PGS.TS. Ngô Thanh Hoàng – Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý khoa học Học viện TC; PGS. TS. Nguyễn Lê Cường – Chánh văn phòng Học viện TC

TS. Nguyễn Đào Tùng phát biểu

Về phía khoa Tài chính quốc tế có sự hiện diện của PGS.TS. Vũ Duy Vĩnh – Bí thư chi bộ, Phó trưởng khoa TCQT; TS. Lê Thanh Hà – Phó trưởng Khoa TCQT, trưởng bộ môn Quản trị TCQT; TS Vũ Việt Ninh – Trưởng bộ môn TCQT; TS. Hoàng Thị Phương Lan – Phó trưởng bộ môn Kinh tế quốc tế; TS. Phan Tiến Nam – Phó trưởng bộ môn Quản trị TCQT; cùng toàn thể giảng viên các bộ môn thuộc khoa TCQT, các nhà khoa học, và các em sinh viên quan tâm tới chủ đề hội thảo.

PGS.TS Vũ Duy Vĩnh phát biểu khai mạc hội thảo

Các thành viên tham dự

Tại hội thảo lần này, Ban tổ chức Hội thảo của Khoa đã nhận được nhiều bài viết từ các giảng viên của Khoa. Sau khi đọc duyệt, Ban tổ chức đã lựa chọn được 16 bài viết xuất sắc để đăng vào Kỷ yếu Hội thảo Khoa học. Đó là những bài viết với nhiều cách nhìn nhận hết sức sâu sắc của các tác giả về chủ đề hội thảo.

Mở đầu buổi hội thảo, PGS.TS Vũ Duy Vĩnh – Phó Trưởng khoa TCQT đã có bài phát biểu khai mạc cho hội thảo.

Ngay sau bài phát biểu đề dẫn hội thảo của PGS.TS Vũ Duy Vĩnh, các nhà khoa học đã lần lượt trình bày bài tham luận, cũng như trao đổi ý kiến hết sức sôi nổi các định hướng mà ban điều hành hội thảo đã nêu ra xung quanh chủ đề của hội thảo.

Mở đầu phần trao đổi là tham luận của PGS.TS Nguyễn Tiến Thuận. Trong tham luận của mình, PGS.TS Nguyễn Tiến Thuận đưa ra vấn đề: Phân biệt điểm giống và khác nhau giữa Hiệp định Thương mại và Hiệp định Thương mại tự do. Đồng thời khái quát những tác động tích cực của các hiệp định FTA đến sự phát triển về nhiều mặt Kinh tế - Chính trị - Văn hóa - Xã hội của các nước thành viên trong đó bao gồm cả Việt Nam .

PGS.TS Nguyễn Tiến Thuận phát biểu

Tiếp theo đó là ý kiến phát biểu của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: các doanh nghiệp của Việt Nam nên tận dụng lợi thế khi là thành viên của các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh các hoạt động xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải sẵn sàng đối mặt với các thách thức như: chịu cạnh tranh gay gắt hơn, phải chứng minh được xuất xứ nguyên liệu đầu vào để hưởng ưu đãi, phát sinh các chi phí do thực hiện nghĩa vụ về bảo vệ môi trường, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phát biểu

 Đồng tình với quan điểm của các nhà khoa học về các hiệp định thương mại tự do, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Tâm bổ sung thêm: các doanh nghiệp (điển hình là các doanh nghiệp thuỷ sản) cần thiết áp dụng công nghệ tự động hoá, thân thiện với môi trường, hướng tới cạnh tranh về chất lượng, về thương hiệu hơn là cạnh tranh về giá.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Tâm phát biểu

TS Phan Tiến Nam cũng nhấn mạnh: Trong dài hạn, việc cắt giảm thuế quan khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do giúp mở cửa thị trường hàng hóa Việt Nam, tăng khả năng thu hút đầu tư, đẩy mạnh thương mại hàng hóa ra nước ngoài.

Tiếp theo đó, TS. Hoàng Thị Phương Lan đã chia sẻ về Hiệp định TM tự do CPTPP sau hơn hai năm áp dụng đã đem lại nhiều thành tựu đáng kể về mặt kinh tế đặc biệt là xuất khẩu, tuy nhiên chưa có sự đột phá về xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Singapore, Newzeland. Các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi nhận thức về những cơ hội có thể tận dụng từ hiệp định thương mại tự do CPTPP để đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa trong thời gian tới.

TS. Vũ Việt Ninh cũng cho rằng: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm sụt giảm thương mại toàn cầu, Việt Nam kí kết các FTA thế hệ mới để phát triển kinh tế bù đắp sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa là một chủ trương đúng đắn. Trong đó, hiệp định TM tự do EVFTA đã phát huy tác dụng trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU.

PGS.TS Ngô Thanh Hoàng đưa ra câu hỏi thảo luận: “Khi Covid-19 xảy ra trên toàn thế giới, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia hàng đầu trong việc ngăn chặn được dịch bệnh này và có tốc độ phát triển kinh tế nhanh so với thế giới. Vậy Việt Nam có thể sử dụng lợi thế tuyệt đối này như thế nào để đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội và an sinh xã hội cho thế giới?”

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đã trả lời: Trong khi nhiều quốc gia lao đao vì đại dịch Covid-19 chặn lối phát triển, Việt nam vẫn tăng trưởng 2,9% trong năm 2020. Đó là một điểm sáng góp phần cho thế giới một cái nhìn sáng lạn hơn với cách thức quản lí xã hội mà một quốc gia đang phát triển với cơ sở vật chất còn hạn chế đã khống chế được đại dịch để tiếp tục phát triển kinh tế. Hình ảnh Việt Nam đã tác động lớn đến phương thức phòng chống đại dịch trong cộng đồng quốc tế. Việc đẩy mạnh xuất khẩu của Việt nam cũng đóng góp cho sự phát triển của GDP toàn cầu, các tổ chức quốc tế như IMF và WB tiếp tục dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021, đó cũng là một sự khích lệ các quốc gia cùng phát triển. Đóng góp về mặt an sinh xã hội, Việt Nam mặc dù là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp nhưng chúng ta đã viện trợ cho nhiều quốc gia trên thế giới như Lào, Myanmar, Châu Phi, Mỹ La tinh…vượt qua đại dịch từ đó vị thế của chúng ta ngày càng được nâng cao.

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đào Tùng – Phó Giám đốc Học viện Tài chính cùng PGS.TS Ngô Thanh Hoàng đánh giá cao sự đóng góp về mặt học thuật và nghiên cứu khoa học của Hội Thảo, đồng thời tin tưởng phong trào nghiên cứu khoa học của Khoa TCQT sẽ tiếp tục phát triển đóng góp vào thành công chung trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện Tài chính. Các nhà khoa học nhận định Hội thảo KH đã thành công tốt đẹp./.

Khoa Tài chính quốc tế
Số lần đọc: 663
Các bài đã đăng

Danh sách liên kết