Tìm
English
Thứ hai, 05/07/2021 - 9:31

Hội thảo: “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2021”
Sáng 02/07/2021, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2021”.

Tham dự hội thảo có sự góp mặt của: PGS.TS Trương Thị Thủy - Phó Giám đốc Học viện Tài chính; PGS.TS Nguyễn Bá Minh - Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính; Và hơn 70 đại biểu đến dự trực tiếp, 25 đại biểu dự qua mạng phần mềm Zoom meeting: Các đại biểu là đại diện các Ban, Khoa thuộc Học viện Tài chính cùng đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý, các Thầy Cô giáo đến từ các viên nghiên cứu, các trường đại học, học viện, các cơ quan quản lý kinh tế như: Ông Đặng Công Khôi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính; Ông Lê Quốc Phương nguyên PGĐ TTTT Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công thương; Ông Vũ Vinh Phú Chủ tịch Hiệp hội siêu thị; Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng, Viện Chiến lược & Chính sách Tài chính, Viện chiến lược Ngân hàng, Đại học Kinh tế Quốc dân,…cùng các cơ quan báo trí, truyền thông đến dự đưa tin về Hội thảo.

PGS.TS Trương Thị Thủy - Phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo PGS.TS Trương Thị Thủy - Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết: Tình hình kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2021 diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế dần phục hồi, một số quốc gia đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19 và đã đạt được những kết quả ban đầu, các nước phát triển dần mở cửa trở lại… khiến cho GDP toàn cầu năm 2021 được dự báo sẽ tăng trưởng tốt so với năm 2020 (theo báo cáo công bố vào tháng 4 và 5/2021, Quỹ tiền tệ thế giới - IMF dự báo tăng 6,0%, Ngân hàng Thế giới - WB dự báo tăng 5,6%, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD dự báo tăng 5,8%...). Thương mại toàn cầu tiếp tục phục hồi (báo cáo ngày 28/5/2021 của WTO dự báo thương mại toàn cầu sẽ tăng 8,3% trong năm 2021 và 6,3% vào năm 2022), giá cả hàng hóa thế giới có xu hướng tăng, lạm phát, rủi ro tài chính gia tăng ở một số nền kinh tế lớn, ảnh hưởng đến đầu tư, sản xuất và xuất nhập khẩu.v.v.

Trước bối cảnh đó, Đảng và Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng và chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện  một cách quyết liệt như: Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 202; Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021… Những giải pháp kịp thời này đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế đất nước: GDP 6 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 5,64% so với cùng kỳ năm 2020 (cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019); CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2020, đây là mức tăng chỉ cao hơn của bình quân cùng kỳ năm 2015, nhưng thấp hơn khá nhiều so với mức tăng CPI bình quân 6 tháng của các năm còn lại trong giai đoạn từ 2011 - 2020; Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 0,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2020 ( thấp hơn khá nhiều so với chỉ tiêu này của các năm 2017 - 2020)...

Toàn cảnh hội thảo

Dưới sự chủ trì của PGS.TS Nguyễn Bá Minh , Ông Đặng Công Khôi. Hội thảo tập trung thảo luận những vấn đề chính như:

1. Diễn biến thị trường, giá cả thời gian qua nhất là trước tác động phức tạp của đại dịch Covid-19 và dự báo trong thời gian tới.

2. Những vấn đề nóng làm biến động thị trường, gia cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 như: Sự biến động giá của nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu trên thị trường Thế giới; Sự biến động giá thực phẩm ở Việt Nam trước bối cảnh giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19 và dịch tả lợn Châu Phi vẫn tiếp diễn: Vấn đề tiêu thụ hàng hó của Việt Nam trước những diến biến khó lường của thị trường quốc tế ( Gạo, Cà phê, Cao su, thép, xăng dầu…)

3. Đề xuất giải pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá cả, tổ chức thị trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay.

Hội thảo đã nhận được 35 bài tham luận được đăng trong kỷ yếu Hội thảo và rất nhiều ý kiến thảo luận trực tiếp tại Hội thảo. Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Bá Minh đánh giá rất cao các bài tham luận và các ý kiến đóng góp tại Hội thảo là những căn cứ khoa học và thực tiễn vững chắc để dự báo và đề xuất giải pháp góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nhưng năm tới.

Các báo cáo và các ý kiến đóng góp tại Hội thảo được tổng hợp và lưu trữ tại Phòng Khoa học và Đào tạo, Viện Kinh tế - Tài chính.

Hội thảo kết thúc vào hồi 12h 00 cùng ngày.

Một số hình ảnh của buổi Hội thảo:

PGS.TS Nguyễn Bá Minh - Trình bày tham luận

Ông Vũ Vinh Phú - Chuyên Gia kinh tế - trình bày tham luận

          PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên Gia kinh tế - Trình bày tham luận qua phần mềm Zoom meeting

Viện Kinh tế - Tài chính
Số lần đọc: 946

Danh sách liên kết