Tìm
English
Chủ nhật, 01/08/2021 - 9:30

Tự hào truyền thống 91 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 -1/8/2021) - Những chặng đường lịch sử vẻ vang
Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (01/8/1930) mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng, văn hoá sâu sắc. Đó là mốc son lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với sự ra đời của một tài liệu lịch sử quý giá, đánh dấu và khẳng định vị trí hàng đầu trong phương châm lãnh đạo cách mạng của Đảng. 91 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, công tác tuyên giáo đã có những bước trưởng thành vượt bậc, ghi dấu những thành tích to lớn cống hiến xuất sắc vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Sau Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 03/2/1930, Ban Chấp hành Trung ương đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền - cơ quan tham mưu, chỉ đạo công tác tư tưởng của Đảng với nhiệm vụ trước mắt là tuyên truyền, giác ngộ quần chúng về chủ nghĩa Mác - Lênin, hiểu Đảng, ủng hộ Đảng, tin và đi theo Đảng làm cách mạng. Ngày 01/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền đã xuất bản tài liệu mang tên “Ngày quốc tế đỏ 1-8”. Ngay sau khi phát hành, tài liệu đã tạo được tiếng vang lớn, có sức cổ vũ mạnh mẽ quần chúng cách mạng nước ta đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Năm 2000, Bộ Chính trị (khoá VIII) quyết định lấy ngày 01/8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng - văn hoá của Đảng. Đến năm 2007, sau khi hợp nhất Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 01/8 hằng năm làm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, công tác tuyên giáo luôn gắn chặt, phục vụ thiết thực cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân khỏi ách áp bức, nô lệ… góp phần xây dựng nền tảng chính trị của chế độ, nền tảng tinh thần của xã hội, hoạch định hệ thống quan điểm lý luận, cương lĩnh, đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật của người cộng sản, bồi dưỡng lý tưởng, tình cảm cách mạng cho đông đảo quần chúng Nhân dân; tạo nên sức mạnh đoàn kết thống nhất của hệ thống tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở; củng cố, bồi đắp niềm tin và mối quan hệ mật thiết giữa Nhân dân với Đảng, làm cho ý Đảng quyện với lòng dân. Công tác tuyên giáo đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhân dân và những thành quả của cách mạng Việt Nam, góp phần xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, để Đảng thật sự là đạo đức, là văn minh, là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của Nhân dân.

Trải qua lịch sử 91 năm đấu tranh xây dựng và phát triển, hoạt động Tuyên giáo của Đảng với rất nhiều lĩnh vực đã có những tên gọi khác nhau để phù hợp yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng, nhưng trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, công tác Tuyên giáo cũng luôn đi đầu và đóng góp to lớn trong toàn bộ tiến trình lãnh đạo cách mạng của Đảng. 

1. Những chặng đường lịch sử vẻ vang của ngành Tuyên giáo

Công tác Tuyên giáo trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám (1930 - 1945)

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930.
Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia 

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả của việc chuẩn bị đầy đủ về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc là người cộng sản Việt Nam đầu tiên đã truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, là người đã vạch ra đường hướng cơ bản của cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng là người trực tiếp tuyên truyền, giáo dục và huấn luyện cán bộ, chuẩn bị tốt mọi mặt về tổ chức để đi đến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Những cán bộ đầu tiên được Nguyễn Ái Quốc đào tạo đã trở thành những chiến sĩ cộng sản ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, thông qua đó giác ngộ quần chúng, chuẩn bị điều kiện chín muồi để đi đến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - Ngày 03 tháng 02 năm 1930.

Trong giai đoạn này công tác Tuyên giáo của Đảng đã góp phần không nhỏ vào những chiến thắng của quân và dân ta, công tác tuyên truyền thông qua các tài liệu, sách báo của Đảng, phát động hàng nghìn cuộc đấu tranh rộng khắp cả nước, từ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931) đến cao trào dân chủ (1936 - 1939) và nhất là sau Hội nghị Trung ương 8 (năm 1941) tất cả công tác của Đảng đều hướng vào việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược cách mạng: tập trung sức mạnh toàn dân tộc vào nhiệm vụ phản đế, giành độc lập dân tộc. Những nhà làm công tác Tuyên giáo của Đảng đã động viên các tầng lớp, dân tộc tham gia vào mặt trận cứu nước và kịp thời truyền đạt những nhận định, chủ trương của Đảng trước các diễn biến trong nước và quốc tế, đã ra những khẩu hiệu sát hợp hướng dẫn tư tưởng và hành động của quần chúng. Với nhiều hình thức tuyên truyền hết sức táo bạo như tuyên truyền xung phong, tuyên truyền vũ trang, bạo động chính trị, cổ vũ quần chúng nổi dậy với khí thế mạnh mẽ áp đảo quân thù, huy động toàn dân tộc đứng lên lật đổ chế độ phong kiến, thực dân, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Công tác Tuyên giáo trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 - 1975)

- Giai đoạn 1945 - 1946, đây là giai đoạn công tác Tuyên giáo ra sức vận động quần chúng nhân dân đấu tranh bảo vệ chính quyền, giữ vững thành quả cách mạng vừa mới giành được sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

- Giai đoạn 1946 - 1954, là giai đoạn cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Công tác Tuyên giáo lúc này tập trung cho nhiệm vụ vừa kháng chiến vừa kiến quốc, động viên toàn dân kháng chiến với phương châm “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”.

- Giai đoạn 1954 - 1975, Đảng ta đã lãnh đạo công tác Tuyên giáo thực hiện cuộc vận động chính trị, giáo dục tư tưởng liên tục, rộng khắp nhằm quán triệt hai nhiệm vụ chiến lược. Với ý chí “không có gì quý hơn độc lập tự do”, thực hiện cuộc chiến tranh Nhân dân, phát huy tinh thần yêu nước của toàn dân tộc, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của Nhân dân thế giới, tạo ra sức mạnh tổng hợp để đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Công tác Tuyên giáo đã thành công trong việc bồi dưỡng ý chí quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của toàn dân tộc, góp phần động viên Nhân dân miền Bắc ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, ra sức xây dựng hậu phương lớn XHCN, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện đắc lực sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đất nước ta giải phóng, non sông thu về một mối, đưa cả nước bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập 30-4-1975. 
Chiến thắng hào hùng, niềm vui trọn vẹn

Trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc, cùng với quân dân cả nước, đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo của Đảng, dù hoạt động ở hậu phương hay tiền tuyến, ở vùng địch tạm chiếm hay ở vùng tự do, ở đồng bằng, thành phố hay ở rừng núi, trong nhà tù của địch hay trên mặt trận... tất cả đều tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, với Nhân dân, quyết tâm vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt này, đã xuất hiện hàng trăm tấm gương anh hùng, đã có hàng nghìn cán bộ Tuyên giáo từ Trung ương đến địa phương và cơ sở, cán bộ các trường Đảng, trường huấn luyện chính trị, cán bộ các cơ quan báo chí, đài phát thanh, thông tấn xã, các nhà văn, nhà báo, nhiếp ảnh, nhà quay phim, các đội viên đội thông tin lưu động, đội văn công, chiếu bóng,.. đã hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do cho dân tộc.

Công tác Tuyên giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 đến nay)

Nhiệm vụ công tác Tuyên giáo lúc này là tập trung động viên lòng yêu nước, khắc phục khó khăn, xây dựng quyết tâm vượt qua thử thách, đề cao tinh thần chủ động, dám nghĩ dám làm, tìm tòi sáng tạo, từ đó đã từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, giành chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới của Tổ quốc, từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật ban đầu hết sức quan trọng của đất nước, tạo điều kiện cho các bước phát triển tiếp theo.
Đại hội VI của Đảng đã khởi xướng sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Công tác Tuyên giáo không chỉ góp phần vào việc hình thành và từng bước hoàn thiện hệ thống lý luận của Đảng thông qua tổng kết thực tiễn, mà còn đưa đường lối đổi mới nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần tạo nên những thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Ðại hội lần thứ VI đánh dấu sự đổi mới quan trọng của Ðảng trong lãnh đạo chính trị,

 tư tưởng, tổ chức.

2. Một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành tuyên giáo trong thời gian tới:

Một là: Chủ động bám sát, dự báo tình hình để làm căn cứ tham mưu các cấp ủy đảng trong công tác xây dựng Đảng, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Hai là: Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Ba là: Tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị.

Bốn là: Đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của công tác tuyên giáo, lấy cơ sở lý luận và thực tiễn để tăng tính khoa học, tính chiến đấu, tính thuyết phục; tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc.

Năm là: Nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là về các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, không để phát sinh thành “điểm nóng”.

Sáu là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, với thực tiễn đất nước.

Bảy là: Đổi mới sâu sắc, quyết liệt hơn nữa công tác định hướng chính trị, tư tưởng. Chỉ đạo quyết liệt công tác đấu tranh tư tưởng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/20/2018.

Tám là: Động viên, cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và giai đoạn của địa phương, đơn vị.

Chín là: Tiếp tục kiện toàn, tổ chức bộ máy; hoàn thiện, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác tuyên giáo các cấp theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII.

Kỷ niệm 91 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo cũng là dịp để các cấp uỷ Đảng, chính quyền và cán bộ làm công tác Tuyên giáo nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của công tác Tuyên giáo, coi đó là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Đây cũng là dịp để chúng ta ôn lại và phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng trên lĩnh vực công tác Tuyên giáo. Qua đó góp phần củng cố, bảo đảm sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, kiên định các nguyên tắc, nâng cao niềm tin trong Đảng và Nhân dân. Những người làm công tác Tuyên giáo của Đảng luôn tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng và sự nghiệp cách mạng, gắn bó máu thịt với Nhân dân, dũng cảm và tỉnh táo trong đấu tranh, nhất quán trong nhận thức và hành động, kiên định trong tư duy và tổ chức thực hiện, thường xuyên bồi dưỡng phẩm chất tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Văn phòng Đảng ủy
Số lần đọc: 1446

Danh sách liên kết