Tìm
English
Thứ ba, 31/08/2021 - 15:24

Phát huy tinh thần, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám với công cuộc chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay
(HVTC)- Cách mạng Tháng 8 thành công, được khẳng định bằng bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nay là nước CHXHCN Việt Nam. 76 năm đã trôi qua, nhưng những bài học kinh nghiệm, tinh thần của cuộc Cách mạng tháng 8, của Bản tuyên ngôn độc lập vẫn còn nguyên giá trị.

 Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc của dân tộc, là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh lâu dài chống xâm lược của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thắng lợi vĩ đại này không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với dân tộc Việt Nam mà với cả nhân loại. Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết với những chính sách đúng đắn, kịp thời, linh động, với lòng yêu nước và sức đoàn kết hăng hái của toàn dân trong và ngoài Mặt trận Việt Minh, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã thắng lợi. Bài học quý giá đó đang được phát huy cao độ trong tình hình hiện nay, nhất là phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

 Tinh thần yêu nước và Đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám

 Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu – TTXVN.

Tinh thần yêu nước và đoàn kết là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử Việt Nam từ xưa đến nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh rằng: “ Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[1] và "chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước". Trong tất cả những con dân đất Việt đó, chỉ “trừ một bọn rất ít đại Việt gian, đồng bào ta ai cũng có lòng yêu nước”[2]…

 Lòng yêu nước và tinh thần đại đoàn kết là những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc, được sinh dưỡng bởi những cư dân một nước nông nghiệp luôn gắn bó, cố kết, đùm bọc, che chở và giúp đỡ lẫn nhau để chống lại thiên tai, dịch bệnh và địch họa. Tinh thần yêu nước và đại đoàn kết dân tộc là nội dung cốt lõi của tư tưởng Việt Nam, của nhân sinh quan và thế giới quan Việt Nam, là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nó là động lực tinh thần to lớn của toàn dân tộc, là yếu tố hàng đầu, có ý nghĩa quyết định tạo nên sức mạnh nội sinh để dân tộc ta trường tồn và phát triển. Đây cũng chính là nền tảng và cơ sở cho để Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tập hợp lực lượng, tạo thành sức mạnh tổng hợp của một dân tộc mà đất không rộng, người không đông, tiềm lực kinh tế, quân sự không lớn, song đã đoàn kết, đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đấu tranh giải phóng dân tộc thoát khỏi ách nô lệ thực dân, đế quốc, giành độc lập, tự do, làm nên cuộc cách mạng Tháng 8 vĩ đại, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Và từ đây, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Hội nghị Trung ương 8/1941 đã thực hiện hoàn thiện việc chuyển hướng chiến lược cách mạng để thực hiện nhiệm vụ đánh đuổi Pháp, Nhật, khôi phục độc lập tự do. Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới quyền lợi giải phóng của toàn thể dân tộc. Bác Hồ kêu gọi dân ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn. Người nhấn mạnh làm thế nào có lợi cho việc đánh thắng Pháp - Nhật, Đảng ta xác định điều cốt yếu là phải có một phương pháp làm sao đánh thức được lòng yêu nước và tinh thần dân tộc trong nhân dân Việt Nam.  Cần phải có một tổ chức để đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp và tên gọi của mặt trận phải có khả năng hiệu triệu được các giai tầng trong tình hình thực tiễn lúc bấy giờ. Bác Hồ quyết định tên gọi mặt trận đó là Việt Nam độc lập đồng minh, nói tắt là Việt Minh. Khẩu hiệu chính của Việt Minh là đoàn kết toàn dân, chống Nhật, chống Pháp, giành lại độc lập.

Giữa tháng 8/1945, lực lượng vũ trang và quần chúng nô nức, hừng hực khí thể khởi nghĩa, Đảng họp Hội nghị toàn quốc ở Tân Trào, khẳng định cơ hội tốt cho dân tộc ta giành độc lập đã tới và quyết định chương trình hành động. Sau đó, Đại hội quốc dân họp nhất trí chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua Chương trình của Việt Minh.

Khi thời cơ ngàn năm có một đã tới, trong Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, Hồ Chí Minh viết: “Bốn năm trước đây, tôi có thư kêu gọi đồng bào ta đoàn kết. Vì có đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới giành được ĐỘC LẬP, TỰ DO” [3]. Người cũng khẳng định: “Chỉ có đoàn kết, phấn đấu, nước ta mới được độc lập. Việt Minh là cơ sở cho sự đoàn kết, phấn đấu của dân tộc ta trong lúc này. Hãy gia nhập Việt Minh, ủng hộ Việt Minh, làm cho Việt Minh rộng lớn mạnh mẽ… Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” [4]. Sức ta ở đây là lòng yêu nước và đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhân dân cả nước triệu người như một dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhất tề nổi dậy từ khởi nghĩa từng phần đến phạm vi cả nước. Chỉ trong 15 ngày, với lòng yêu nước, sức mạnh đoàn kết và khát vọng độc lập của toàn dân, cả lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị, trong đó lực lượng chính trị của quần chúng đóng vai trò quyết định chủ yếu, tạo nên sức mạnh to lớn trong tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi hoàn toàn.

Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930 (Nguồn: TTXVN)

Cách mạng Tháng Tám được một đảng tiên phong thật sự cách mạng lãnh đạo. Đảng ta là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Ngay từ đầu, Đảng đã xác định đúng đường lối chiến lược và sách lược cách mạng, không ngừng bổ sung và phát triển đường lối chiến lược và sách lược đó và không ngừng đấu tranh khắc phục những khuynh hướng lệch lạc. Đảng có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn bó với nhân dân. Đảng chăm lo công tác tổ chức, cán bộ, giáo dục rèn luyện cán bộ, đảng viên về ý chí bất khuất, phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng, gắn bó máu thịt với nhân dân.

Ngay từ khi ra đời, ngày 03/02/1930, Đảng ta đã đề ra đường lối đúng đắn với mục tiêu xuyên suốt của sự nghiệp cách mạng là giải phóng dân tộc, đi lên xây dựng CNXH, góp phần tích cực vào phong trào cách mạng thế giới. Vì thế, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ và tin tưởng tuyệt đối. Chỉ trong vòng 15 năm (1930 - 1945), Đảng ta đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành ba cao trào cách mạng: cao trào cách mạng 1930 - 1931, với đỉnh cao là phong trào Xô viết - Nghệ Tĩnh; cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939) và cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939 - 1945). Tháng 8/1945, với nghệ thuật lãnh đạo tài tình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chớp thời cơ thuận lợi nhất, lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam tiến hành tổng khởi nghĩa, đánh đổ đế quốc phong kiến, thành lập nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc dân chủ điển hình do Đảng Cộng sản lãnh đạo, lần đầu tiên giành thắng lợi ở một nước thuộc địa. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã đưa Đảng ta từ chỗ phải hoạt động bí mật, không hợp pháp trở thành một đảng cầm quyền và hoạt động công khai.

Đảng lãnh đạo phát huy lòng yêu nước và tinh thần đại đoàn kết trong công cuộc chống đại dịch COVID-19

Lịch sử nhân loại từng chứng kiến những trận dịch lớn, nhưng chưa bao giờ phải đối mặt với đại dịch như dịch bệnh COVID-19 có tính toàn cầu như hiện nay. Đảng ta xác định nhiệm vụ “chống dịch như chống giặc!” với ý nghĩa về sự nguy hại của Virus COVID-19 với biến thể nhanh và rất khó lường cũng như sự quyết liệt trong trận chiến với kẻ thù giấu mặt và chiến tuyến khó phân định. Phương châm được quán triệt của cuộc chiến là “phòng bệnh đi đôi với chữa bệnh, trong đó phòng bệnh hơn chữa bệnh” mà 5K và vaccine là vũ khí hiệu quả nhất. 

Ngày 30/3/2020, nhằm huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân vào cuộc chiến chống dịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta nước ngoài đoàn kết cùng chống dịch bệnh COVID-19. Người đứng đầu Đảng, Nhà nước nhấn mạnh: “Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”. 

 Các y, bác sỹ lên đường chi viện cho thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã huy động sức mạnh của toàn dân tộc cùng chung sức để đối phó đại dịch với những kết quả quan trọng, được dư luận thế giới đánh giá cao.

Tuy nhiên, trong đợt dịch thứ 4, bùng phát tại Việt Nam từ ngày 27/4/2021, tình hình dịch bệnh đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp, nhiều thách thức với đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa biến chủng, đã và đang gây thiệt hại lớn cho đất nước. “Từ thành thị tới nông thôn, những con đường vắng người qua lại, những khu chợ sầm uất, sân bay, bến cảng, sân trường, nhà máy, xí nghiệp... náo nhiệt giờ lặng lẽ; trong khi đó bệnh viện, khu điều trị ở một số nơi có dịch lại trở nên đông đúc hơn bao giờ hết. Những chung cư, sân vận động, nhà thi đấu, ký túc xá, doanh trại quân đội bất đắc dĩ trở thành bệnh viện dã chiến, thành khu cách ly. Bao nhiêu cuộc hội ngộ, đoàn tụ vui buồn trở thành dang dở... Sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực, thu nhập, tích lũy của người dân giảm sút... Đám mây đen COVID - 19 đã phủ nghịch cảnh lên cuộc sống của chúng ta” [5].

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Người đứng đầu Đảng cộng sản đã hai lần ra Lời kêu gọi nhằm hiệu triệu sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng chung sức phòng chống dịch bệnh COVID-19

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, ngày 29/7/2021, một lần nữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi lần thứ hai. Tổng Bí thư tiếp tục nhấn mạnh: “Với tinh thần chống dịch như chống giặc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.

Lòng yêu nước và sức mạnh đoàn kết dân tộc trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam đã được Đảng ta phát huy làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trở thành bài học quý giá đưa tới thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt trong 35 năm đổi mới và đang hiện hữu trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Từ Kính cáo đồng bào của Nguyễn Ái Quốc 80 năm trước (6/1941) đến Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài của Tổng Bí thư về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho thấy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc luôn được giữ gìn và phát huy. Trong hơn một năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Người đứng đầu Đảng cộng sản đã hai lần ra Lời kêu gọi nhằm hiệu triệu sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng chung sức phòng chống dịch bệnh COVID-19. Lời kêu gọi của Tổng Bí thư khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng ta nhằm nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, giữ vững thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh mới.

 Thủ tướng trao đổi với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và lãnh đạo TP.HCM về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.

Ngày 24/8/2021, lãnh đạo chủ chốt họp để nghe Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo về tình hình dịch bệnh và công tác triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch; trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, đáp ứng yêu cầu huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại Bình Dương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cả nước đồng lòng chung sức đẩy lùi dịch bệnh và tất cả vì miền Nam ruột thịt, tâm điểm là TP Hồ Chí Minh thân yêu, với tinh thần "thương người như thể thương thân", "lá lành đùm lá rách". Dưới sự lãnh đạo thống nhất, sáng suốt của Đảng, điều hành năng động, sáng tạo của Chính phủ, cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, cùng chung sức đồng lòng của toàn dân, Việt Nam vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo duy trì các hoạt động về kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục. Cùng sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, chúng ta tin tưởng sự nghiệp "chống dịch như chống giặc" và tâm thế, sống chung với dịch trong mọi hoạt động, chúng ta sẽ đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, giáo dục – đào tạo, đảm bảo an sinh….

Ghi chú:

[1][2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.516).

[3] Hồ Chí Minh:Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.3. Tr595

[4] Hồ Chí Minh:Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.3. Tr5996.

[5]. Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 28/7/20021 trong Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV tại lễ công bố và trao quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026. 

Ban CTCT&SV (Tổng hợp)
Số lần đọc: 3170

Danh sách liên kết