Tìm
English
Thứ sáu, 29/04/2022 - 11:23

Cùng chung tay đảm bảo phòng, chống COVID-19 và an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ 30/4 -1/5
(HVTC) – Dịp nghỉ Lễ 30/4 -1/5 năm 2022 kéo dài 04 ngày, nhất là sau sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài, nhu cầu đi lại của các tầng lớp nhân dân tăng cao. Để đảm bảo an toàn trong dịp nghỉ lễ, mỗi người cần chủ động tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, đảm bảo các quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

 Đã tiêm phòng vaccine COVID-19 nhưng vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Không lơ là trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Với các giải pháp mở cửa lại hoạt động du lịch trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, nhu cầu tham qua, du lịch của các tầng lớp trong xã hội tăng cao.

Tiêm phòng vaccine là biện pháp phòng, chống bệnh COVID-19 hiệu quả nhất

Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới và các nhà khoa học, dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023, có thể xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm hơn, làm cho dịch diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, việc bao phủ vắc xin, có thuốc điều trị giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ mắc. Do vậy, đã có nhiều quốc gia thay đổi chiến lược ứng phó, từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch.

Tại Việt Nam, ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Sau khi triển khai mạnh mẽ công tác tiêm chủng và chuyển sang “thích ứng an toàn”. Đầu năm 2022, Bộ Y tế nhận định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các tỉnh, thành phố đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.  Chính phủ cũng ấn định mốc 15/3 mở cửa hoàn toàn du lịch, các địa phương và doanh nghiệp du lịch đã triển khai nhiều nội dung để khởi động lại hoạt động du lịch nhưng đồng thời đặt ra yêu cầu về việc bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch, nhất là dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/5/2022 . Các chuyên gia cũng lưu ý, do dịch COVID-19 vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp nên việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch gắn với bảo đảm công tác an toàn phòng chống dịch là chủ trương đúng đắn, phù hợp. 

Người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong “cuộc chiến” phòng, chống dịch COVID-19. Vì vậy, mỗi người cần đề cao cảnh giác, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới.

Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông

Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia hàng năm, con số vụ tai nạn giao thông, số người chết, bị thương thương luôn ở mức cao. Riêng trong 04 tháng đầu năm 2022 (tính từ ngày 15.12.2021 đến 14.4.2022), toàn quốc xảy ra 3.808 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.276 người, bị thương 2.431 người.

Theo Bộ GTVT, nguyên nhân lớn nhất gây ra TNGT đường bộ là do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường chiếm 20,51%, các vi phạm khác như: Vi phạm tốc độ xe chạy chiếm 5,52%, lái xe sử dụng ma túy chiếm 0,04%, lái xe sử dụng rượu bia chiếm 1,46%... (Báo cáo chuyên đề về công tác đảm bảo trật tự ATGT tại Hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 của Bộ GTVT). Như vậy, nguyên nhân chủ yếu, bao trùm chính là người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông chưa tuân thủ nghiêm các quy định về bảo đảm TTATGT.

Bên cạnh những vụ tai nạn giao thông là tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn giao thông đường bộ thường xuyên diễn ra ở các đô thị.

 Lễ phát động hưởng ứng Năm An toàn giao thông 2022 tại Vĩnh Phúc ngày 28/3/2022 (Ảnh Phương Thoa/VOV1)

Mới đây, ngày 28-3, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Trung ương Đoàn, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với các đơn vị tổ chức lễ phát động hưởng ứng "Năm an toàn giao thông" năm 2022. Tại Lễ phát động, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã nhấn mạnh: trong số các vụ tai nạn giao thông, có tới gần 30% liên quan đến người từ 18 - 27 tuổi và có xu hướng gia tăng, nhất là ở vùng nông thôn. Gần đây, các đối tượng trong độ tuổi thanh niên tụ tập cổ vũ, tham gia đua xe trái phép chiếm tỉ lệ cao. Tình trạng thanh niên điều khiển xe cơ giới có nồng độ cồn trong máu, hơi thở tăng cao…

Cũng tại Lễ Tại lễ phát động, anh Nguyễn Ngọc Lương - bí thư Trung ương Đoàn, chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam đã kêu gọi mỗi đoàn viên, thanh niên tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Thanh niên với văn hóa giao thông" bằng những việc làm cụ thể, từ việc tự giác chấp hành pháp luật giao thông, ứng xử thân thiện khi tham gia giao thông.

Để đảm bảo an toàn giao thông, trước hết mỗi người hãy tham gia giao thông với ý thức cao về văn hóa giao thông.  Theo đó, văn hóa giao thông chính là phải đặt ý thức tự giác tuân thủ các quy định của pháp luật về ATGT lên hàng đầu, luôn tôn trọng và đặt lợi ích, sự an toàn cộng đồng và người khác trước lợi ích cá nhân. Hành vi vượt đèn đỏ, dừng đổ đèn đỏ không đúng quy định, chen lấn làn, lạng lách, bóp còi inh ỏi, bật pha trong phố, đi ngược chiều... là những hành vi sai trái, vi phạm  pháp luật về ATGT và không đúng chuẩn mực văn hóa giao thông. Không chỉ gây gây phiền toái, những hành vi này còn cản trở giao thông, mất an toàn và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho chính người vi phạm và những người xung quanh.

Cùng chung tay đảm bảo ATGT, cán bộ giảng viên, mỗi cán bộ Đoàn, Hội, sinh viên Học viện Tài chính hãy là một tuyên truyền viên tích cực trong gia đình, cộng đồng và xã hội về ATGT và xây dựng văn hóa giao thông, tích cực tham gia các hoạt động bảo đảm ATGT do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động. Cùng nhau thực hiện: “Đã uống rượu, bia – không lái xe”; “Không sử dụng điện thoại khi lái xe”; “Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện”; “Thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô”; “Mặc áo phao khi đi các phương tiện đường thủy”...

 Bộ VHTTDL đã ra Quyết định số 3500/QĐ-BVHTTDL ngày 09 tháng 10 năm 2013 ban hành Tiêu chí Văn hóa giao thông đường bộ

Theo Quyết định, Tiêu chí sẽ được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương trong từng giai đoạn.

Tiêu chí chung gồm có: Tự giác chấp hành pháp luật về giao thông; Thực hiện nghiêm nhiệm vụ, tác phong chuẩn mực, văn minh; Tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ mọi người khi tham gia giao thông; Có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông; Đi đúng làn đường, phần đường quy định; Không tham gia đua xe và cổ vũ đua xe trái phép; Tuân thủ pháp luật khi xử lý và bị xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; Tạo dựng kết cấu hạ tầng giao thông chuẩn mực, an toàn; Có ý thức văn hoá xây dựng môi trường giao thông thân thiện, an toàn.

Quyết định cũng nêu rõ các tiêu chí cụ thể áp dụng cho một số đối tượng:

Đối với cơ quan quản lý nhà nước về giao thông: Thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông. Xây dựng các văn bản quản lý, hướng dẫn về giao thông phù hợp với tình hình thực tiễn, có tính khả thi, tạo điều kiện cho người dân và cơ quan nhà nước thực hiện. Tuân thủ các quy định của pháp luật trong quy hoạch và quản lý quy hoạch giao thông; Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông hợp lý, khoa học phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn, đảm bảo mỹ quan và môi trường giao thông, tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho người tham gia giao thông. Giám định, cấp phép cho các phương tiện tham gia giao thông, vận tải phải đảm bảo các chỉ số kỹ thuật theo tiêu chuẩn Việt Nam.  Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông thông đến mọi người dân, phù hợp với từng đối tượng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị, vùng miền.  Xây dựng hệ thống cấp cứu y tế, cứu hộ, cứu nạn chuẩn mực để xử lý các vụ tai nạn, sự cố giao thông.

Đối với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông: Tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, thuận lợi cho người tham gia giao thông. Thực thi, hướng dẫn, cưỡng chế, thi hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông nghiêm minh, chuẩn mực, lịch sự. Nhanh nhạy, linh hoạt trong giải quyết các tình huống ùn tắc và tai nạn giao thông. Ứng xử văn minh, không sách nhiễu, tiêu cực khi thi hành công vụ.  Hướng dẫn, giúp đỡ người tham gia giao thông, đặc biệt là người tàn tật, người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ.

Đối với người tham gia giao thông: Không vi phạm và tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật, trật tự an toàn giao thông. Chấp hành nghiêm túc hệ thống báo hiệu đường bộ, đi đúng phần đường, làn đường quy định; không sử dụng rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định. Bảo đảm tình trạng sức khỏe về thể chất và tinh thần khi tham gia giao thông.Duy trì phương tiện tham gia giao thông an toàn, sạch đẹp. Có thái độ hợp tác, hành vi ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra tai nạn giao thông. Có trách nhiệm phản ánh và lên án các hành vi tiêu cực; tích cực đề xuất các sáng kiến trong lĩnh vực giao thông. Tận tình giúp đỡ người bị nạn, người già, người khuyết tật, trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn khi tham gia giao thông. Tuyên truyền, vận động người tham gia giao thông tự giác chấp hành pháp luật trật tự, an toàn giao thông.

Đối với cư dân sinh sống ven đường giao thông: Tự giác chấp hành và tích cực tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ. Thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng về tình hình trật tự, an toàn giao thông; phối hợp với các lực lượng chức năng trong quá trình xử lý các sự cố về trật tự, an toàn giao thông. Hỗ trợ các lực lượng chức năng trong công tác sơ cứu, cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông. Phê phán, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Không tham gia các hoạt động cản trở, gây rối làm mất trật tự, an toàn giao thông. Không cổ vũ đua xe trái phép.
Đối với chủ phương tiện tham gia giao thông: Đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải; chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của chủ phương tiện trong việc khắc phục, giải quyết tai nạn giao thông. Chủ động tổ chức, tích cực tham gia phối hợp chặt chẽ với với các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, nâng cao trình độ chuyên môn và phẩm chất của người lái xe. Tự giác thực hiện việc sang tên, đổi chủ khi chuyển nhượng, mua bán phương tiện theo quy định của pháp luật.

 

Ban CTCT&SV
Số lần đọc: 707

Danh sách liên kết