Tìm
English
Thứ sáu, 27/05/2022 - 10:49

Học viện Tài chính và Đại học Kinh tế quốc dân đồng tổ chức Hội thảo quốc gia “Vai trò của Ngành Bảo hiểm đối với sự ổn định xã hội và phát triển nền kinh tế”
Sáng 26/5/2022, tại trụ sở chính trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp tổ chức hội thảo quốc gia với chủ đề “Vai trò của Ngành Bảo hiểm đối với sự ổn định xã hội và phát triển nền kinh tế”. Hội thảo đã thu hút được sự tham gia viết bài của các nhà quản lý và nhiều nhà khoa học trong toàn quốc. Trong số trên 60 bài nhận được, ban biên tập đã lựa chọn được 54 bài viết chất lượng để đăng ký yếu.

Toàn cảnh hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía Cục quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính có sự hiện hiện của các đại biểu: TS Nguyễn Thanh Nga, Viện trưởng Viện phát triển Bảo hiểm Việt Nam - Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính; ThS. Đào Trung Kiên, Phó Viện trưởng Viện phát triển Bảo hiểm Việt Nam.

Phía Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam có sự tham dự của ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp Hội; Bà Trịnh Tuyết Nga, Trưởng Ban BH phi nhân thọ.

Về phía Học viện Tài chính ngoài PGS. TS. Trương Thị Thủy, Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Đoàn Minh Phụng, Trưởng Khoa Ngân hàng – Bảo hiểm; TS. Nghiêm Văn Bảy, Phó Trưởng khoa Ngân hàng – Bảo hiểm còn có sự có mặt của toàn thể giảng viên khoa Ngân hàng – Bảo hiểm.

Đại biểu tham dự hội thảo

Về phía trường Đại học Kinh tế quốc dân có sự hiện diện của PGS.TS. Trần Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng; GS.TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT; TS. Nguyễn Thị Chính, Trưởng Khoa Bảo hiểm, cùng các giảng viên, nhà khoa học thuộc Khoa Bảo hiểm.

Các nhà khoa học tham dự hội thảo

Tham gia Hội thảo còn có các đại biểu là Lãnh đạo, giảng viên  các trường Đại học, Học viện thuộc khối ngành kinh tế, tài chính trong nước như Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, Trường Đại học Lao động - Xã hội, trường Đại học Sài Gòn, trường Đại học Đồng Tháp… Đặc biệt Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo nhiều công ty bảo hiểm lớn như Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC), Tổng công ty Tái bảo hiểm PVI (PVIRe), Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife, Công ty Bảo hiểm Tokio Marine Việt Nam, công ty Cổ phần  Môi giới bảo hiểm Bolttech và công ty Cổ phần Môi giới BH Integer.

Hội thảo được tài trợ bởi hai nhà đồng tài trợ là Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) và Tổng công ty Tái bảo hiểm PVI (PVIRe)

Đại diện Công ty cổ phần Bảo hiểm Nông nghiệp Việt Nam (ABIC) phát biểu

Hội thảo diễn ra với đồng chủ trì: PGS.TS. Trần Huy Nhượng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân và PGS.TS. Trương Thị Thủy - Phó Giám đốc Học viện Tài chính.

Phát biểu tại hội thảo PGS.TS. Trần Huy Nhượng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhiệt nhiệt liệt chào mừng các đại biểu đã đến tham dự Hội thảo và đánh giá cao những đóng góp của đại biểu với những tham luận có chất lượng, giá trị cao, cũng như ý nghĩa của Hội thảo. Đồng thời, PGS. trân trọng tri ân các nhà tài trợ đã tài trợ cho hội thảo.

PGS.TS. Trần Huy Nhượng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân phát biểu khai mạc hội thảo

PGS. TS. Trương Thị Thủy – Phó giám đốc Học viện Tài chính nhấn mạnh vai trò kinh tế xã hội quan trọng của Bảo hiểm, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và phục hồi hậu dịch bệnh. Qua hơn hai năm đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, nền kinh tế toàn cầu đã chịu nhiều tác động tiêu cực. Đặc biệt, vấn đề an sinh xã hội (ASXH) đã có những diễn biến vô cùng phức tạp và ít nhiều đã ảnh hưởng đến sự ổn định về mặt xã hội ở hầu hết các quốc gia. Nhìn vào thực trạng này sẽ thấy rõ hơn vai trò của ngành Bảo hiểm và sự cần thiết phải phát triển tất cả các loại hình bảo hiểm nhằm góp phần ổn định xã hội và phát triển nền kinh tế. Bên cạnh đó, PGS cũng nhấn mạnh 9 nội dung mà hội thảo cần làm rõ: Một là, làm rõ hơn nữa và có những minh chứng cụ thể, khách quan về sự cần thiết và vai trò của từng loại hình bảo hiểm. Hai là, vai trò của BHTM với việc đảm bảo ASXH cho người già trong điều kiện già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng như hiện nay. Ba là, vai trò của bảo hiểm đối với mỗi gia đình Việt Nam trong điều kiện kinh tế - xã hội có những biến động lớn do thiên tai, dịch bệnh và già hóa dân số. Bốn là, cơ hội và thách thức đối với ngành Bảo hiểm ở Việt Nam sau đại dịch COVID-19. Năm là, BHTM có được coi là trụ cột đảm bảo ASXH quốc gia? Sáu là, kinh nghiệm quốc tế về phát triển các lĩnh vực bảo hiểm. Bảy là, những nội dung nào trong chính sách, pháp luật về bảo hiểm ở Việt Nam cần bổ sung, hoàn thiện? Tám là, những vấn đề đặt ra trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm ở Việt Nam. Chín là, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam cần phải làm gì để thể hiện và khẳng định vai trò to lớn của loại hình BHTM trong phát triển kinh tế và đảm bảo ASXH quốc gia?

 

PGS.TS. Trương Thị Thủy – Phó giám đốc Học viện Tài chính phát biểu

Tại Hội thảo, đã có 5 tham luận đã được trình bày, nhận được nhiều ý kiến phản biện, bổ sung của các nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực bảo hiểm.

Mở đầu phần tham luận với chủ đề “Thị trường bảo hiểm Việt Nam: Sự phát triển, cơ hội và thách thức, ThS. Đào Trung Kiên, Phó Viện trưởng Viện phát triển Bảo hiểm Việt Nam - Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính nhấn mạnh, cùng với thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm là một trong ba trụ cột quan trọng của thị trường tài chính. Thị trường bảo hiểm có vai trò ổn định sản xuất, đời sống, huy động nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mỗi giai đoạn 10 năm, Thủ tướng Chính phủ đều ban hành Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm, theo đó, các cơ chế, chính sách sẽ thống nhất về định hướng để thị trường bảo hiểm phát huy tối đa vai trò đối với nền kinh tế từng thời kỳ. Trong quá trình thực thi chiến lược phát triển, thị trường bảo hiểm đã từng bước được dẫn dắt bằng những điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

 

ThS. Đào Trung Kiên, Phó Viện trưởng Viện phát triển Bảo hiểm Việt Nam - Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính trình bày tham luận

TS. Nguyễn Thị Thu Hà, phó trưởng bộ môn Bảo hiểm – Học viện Tài chính đã trình bày tham luận “Bảo hiểm với sự phát triển kinh tế - xã hội”. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Trong các biện pháp xử lý rủi ro, bảo hiểm  là một phương thức khắc phục hậu quả rủi ro hiệu nhất. Sự ra đời và phát triển của bảo hiểm luôn gắn liền với sự phát triển kinh tế xã hội. Sự phát triển kinh tế xã hội tạo tiền đề để bảo hiểm tăng cơ hội trong hoạt động khai thác và không ngừng hoàn thiện để đáp ứng các nhu cầu bảo hiểm của xã hôi. Đồng thời sự phát triển của bảo hiểm có tác động  đến  sự ổn định và phát triển kinh tế- xã hội trên một số phương diện như góp phần đảm bảo sự an toàn, ổn định về tài chính – yếu tố  đến sự ổn định cuộc sống con người, sự tồn tại và phát triển bền vững của tổ chức, doanh nghiệp, quốc gia của cá nhân, tổ chức tham gia bảo hiểm, của một quốc gia; đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế với vai trò là một trung gian tài chính…Để  phát huy tổi đa sự ảnh hưởng đó của hoạt động kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam, cần nhận diện những hạn chế và giải pháp khắc phục.

TS. Nguyễn Thị Thu Hà, phó trưởng bộ môn Bảo hiểm – Học viện Tài chính trình bày tham luận

Trong tham luận của mình với chủ đề “Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam”, TS. Nguyễn Thị Hải Đường - Trưởng Bộ môn Kinh tế Bảo hiểm, Khoa Bảo hiểm, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã tập trung phân tích tình hình phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam trong năm 2021, đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến sự phát triển của thị trường bảo hiểm. Trên cơ sở số liệu thứ cấp có sẵn, tác giả đã tính toán và phân tích ba chỉ tiêu lành mạnh tài chính trong Bộ chỉ số FSIs đối với khu vực bảo hiểm, đánh giá nguy cơ mất an toàn về tài chính và các yếu tố rủi ro tiềm ẩn của thị trường; đồng thời đưa ra khuyến nghị chính sách cũng sẽ được đề xuất theo hướng tăng khả năng thích ứng và lạnh mạnh năng lực tài chính của thị trường bảo hiểm Việt Nam.

TS. Nguyễn Thị Hải Đường - Trưởng Bộ môn Kinh tế Bảo hiểm, Khoa Bảo hiểm, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân

TS. Nguyễn Quang Phi - Chủ tịch Công ty Bảo hiểm Tokio Marine Việt Nam trình bày tham luận “Những xu hướng vận động đang làm thay đổi môi trường kinh doanh - Một vài gợi ý cho các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam”, tập trung vào một số xu hướng lớn đang hiện hữu và đang tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống đương đại của con người, đặc biệt là vấn đề kinh tế, tài chính; trên cơ sở đó bổ sung cho các nhà hoạch định chính sách, các doanh nhân có cái nhìn sâu hơn về những xu hướng đang tác động và làm thay đổi mạnh mẽ môi trường kinh doanh toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng

 

TS. Nguyễn Quang Phi - Chủ tịch Công ty Bảo hiểm Tokio Marine Việt Nam trình bày tham luận

Bà Hoàng Tú Anh - Trưởng ban Kinh doanh, Tổng công ty CP Tái bảo hiểm PVI kết thúc phần tham luận với bài trình bày mang chủ đề “Một số đề xuất cho thị trường Tái bảo hiểm Việt Nam”. Theo tác giả, đà tăng trưởng khá khả quan của nền kinh tế cộng với sự linh hoạt của các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc đánh giá rủi ro đã thúc đẩy thị trường tái bảo hiểm Việt Nam thời gian gần đây trở nên sôi động. Tuy vậy, có một thực tế là thị phần của các nhà tái bảo hiểm nội địa vẫn luôn lép vế so với các công ty tái bảo hiểm nước ngoài, cho dù có sự cải thiện. Đo đó, tác giả đưa ra các phân tích sơ bộ về thị trường tái bảo hiểm Việt Nam, nêu lên những thực trạng tồn tại, qua đó kiến nghị một số giải pháp với các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp bảo hiểm/tái bảo hiểm trong nước

 

Bà Hoàng Tú Anh - Trưởng ban Kinh doanh, Tổng công ty CP Tái bảo hiểm PVI trình bày tham luận

Ở phiên thảo luận, Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học về các lĩnh vực như: BH sức khỏe (Bà Nguyễn Thị Thanh Vân-Phó Giám đốc Ban BH y tế-BH Bảo Việt), bảo hiểm nông nghiệp (Ông Đỗ Minh Hoàng-Phó Tổng GĐ Công ty cổ phần BH Ngân hàng Nông nghiệp), môi giới bảo hiểm (Bà Nguyễn Thị Xuân Tổng GĐ công ty Môi giới BH Integer)… Tất cả các ý kiến ở phiên thảo luận này đều hướng đến việc phát triển bền vững, lành mạnh thị trường BH Việt Nam và nâng cao vai trò của Bảo hiểm đối với sự ổn định của xã hội và sự phát triển của nền kinh tế. Các luận điểm được đưa ra thảo luận sôi nổi, đóng góp vào thành công chung của Hội thảo. Hội thảo kết thúc vào lúc 11:30 sau 3h30p làm việc hiệu quả.
Một số hình ảnh trong Hội thảo:

Khoa Ngân hàng - Bảo hiểm
Số lần đọc: 5369

Danh sách liên kết