Tìm
English
Thứ hai, 18/07/2022 - 11:36

Cùng tìm hiểu Luật Lực lượng dự bị động viên 2019
(HVTC) - Luật Lực lượng dự bị động viên được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26/11/2019. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 (thay thế Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên năm 1996).

Sinh viên Học viện Tài chính tham gia học Giáo dục quốc phòng và an ninh

1. Phạm vi điều chỉnh của Luật Lực lượng dự bị động viên 2019

Điều 1, Luật Lực lượng dự bị động viên xác định: các vấn đề Luật điều chỉnh quy định về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; so với Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên năm 1996, đây là điều luật mới được bổ sung, bảo đảm kỹ thuật xây dựng văn bản theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Nội dung quy định tại Điều này xác định đối tượng mà các quy định của Luật tác động là cơ quan, tổ chức, cá nhân; nội dung các Điều luật đã liệt kê cụ thể các đối tượng áp dụng.

2. Nguyên tắc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên

 Giờ giải lao trong đợt học Giáo dục quốc phòng và an ninh của sinh viên Học viện Tài chính

Được quy định tại Điều 3 của Luật, một số nguyên tắc quan trọng, như: tuân thủ Hiến pháp và Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ và sự chỉ huy, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức,… và được quản lý chặt chẽ. Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh; phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, v.v.

3. Quyền và nghĩa vụ về tài sản của tổ chức, công dân. 

Điều 5, Luật quy định quyền và nghĩa vụ của chủ phương tiện kỹ thuật dự bị, người vận hành, điều khiển phương tiện kỹ thuật dự bị. Điều 6, quy định bồi thường thiệt hại do việc huy động, điều động phương tiện kỹ thuật dự bị gây ra; phù hợp với quyền về tài sản của Hiến pháp năm 2013; việc quy định bồi thường thiệt hại là cần thiết, đồng thời viện dẫn mức bồi thường, việc chi trả tiền bồi thường thiệt hại cho chủ phương tiện thực hiện như đối với người có tài sản trưng dụng theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản là phù hợp, rõ ràng, minh bạch và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

4. Các hành vi bị nghiêm cấm

Điều 7, quy định 05 hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên, đó là: (1). Trốn tránh thực hiện trách nhiệm của quân nhân dự bị, nghĩa vụ của chủ phương tiện kỹ thuật dự bị được huy động, điều động. (2). Chống đối, cản trở việc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên. (3). Huy động, điều động lực lượng dự bị động viên không có trong kế hoạch được phê duyệt. (4). Lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. (5). Phân biệt đối xử về giới trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.

5. Kế hoạch xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên

Mục 1, Chương II của Luật này (từ Điều 8 đến Điều 11), quy định cụ thể thẩm quyền lập kế hoạch, nội dung kế hoạch, thẩm định, phê duyệt và rà soát, điều chỉnh lập mới kế hoạch, nhằm đảm bảo thống nhất hệ thống kế hoạch xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên các cấp từ Trung ương đến địa phương, cũng như trong Quân đội được giao bảm đảm tính kế hoạch trong xây dựng lực lượng dự bị động viên từ thời bình để sẵn sàng bổ sung lực lượng thường trực của Quân đội khi có tình huống xảy ra kịp thời, hiệu quả.

6. Xây dựng lực lượng dự bị động viên

Quy định tại Mục II, Chương II (từ Điều 12 đến Điều 23) về đăng ký, quản lý quân nhân dự bị; đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị; thẩm quyền giao chỉ tiêu xây dựng lực lượng dự bị động viên; tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên; tiêu chuẩn về sức khỏe, chuyên nghiệp quân sự, vùng, địa bàn, nguyên tắc, thứ tự sắp xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên; về độ tuổi quân nhân dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình; về thẩm quyền sắp xếp quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị vào đơn vị dự bị động viên; về huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị, đơn vị dự bị động viên và chế độ sinh hoạt của quân nhân dự bị, v.v. Trong đó, có một số quy định đáng chú ý, như sau:

Điều 12, quy định về đăng ký, quản lý quân nhân dự bị, Luật giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đăng ký quân nhân dự bị; việc đăng ký quân nhân dự bị giao Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã. Việc quản lý quân nhân dự bị, giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức nhằm thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh phiền hà cho công dân và gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, tổ chức trong quản lý công dân.

Điều 13, quy định đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị, giao cho cơ quan chức năng nhà nước thực hiện trên cơ sở cung cấp thông tin của cơ quan đăng ký quyền sở hữu, cơ quan quản lý phương tiện và Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức báo cáo, cung cấp thông tin về phương tiện kỹ thuật dự bị không thuộc diện đăng ký quyền sở hữu phương tiện kỹ thuật dự bị. Quy định  trên không ảnh hưởng quyền tài sản của công dân, tổ chức, tránh phiền hà đến chủ phương tiện có phương tiện kỹ thuật dự bị thuộc diện đăng ký, quản lý, không ảnh hưởng đến hoạt động, kinh doanh của phương tiện.

Điều 15, quy định về tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên, như sau: (1). Quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị đã xếp trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân được tổ chức thành các đơn vị dự bị động viên. (2). Đơn vị dự bị động viên phải duy trì đủ quân số quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị, có số lượng dự phòng từ 10% đến 15% và dự trữ vũ khí, trang bị kỹ thuật theo phân cấp.

Điều 17, quy định về độ tuổi quân nhân dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên, như sau: Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 35 tuổi được sắp xếp vào đơn vị chiến đấu. Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 45 tuổi; Nữ quân nhân dự bị không quá 40 tuổi được sắp xếp vào đơn vị bảo đảm chiến đấu. Khi có chiến tranh, việc gọi quân nhân dự bị vào thực hiện nhiệm vụ tại ngũ được thực hiện theo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng và Luật Nghĩa vụ quân sự. Luật quy định độ tuổi của quân nhân dự bị trong thời bình như trên đã được đánh giá kỹ tác động, sắp xếp vào đơn vị chiến đấu, sắp xếp vào đơn vị bảo đảm chiến đấu bảo đảm nguồn để huy động vào lực lượng dự bị động viên.

Điều 22, Luật quy định, Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ tiêu huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị, đơn vị dự bị động viên hằng năm cho Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ giao chỉ tiêu huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu cho cơ quan, đơn vị thuộc quyền. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao chỉ tiêu huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giao chỉ tiêu cụ thể cho Ủy ban nhân dân cấp xã. Việc gọi quân nhân dự bị huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Luật Nghĩa vụ quân sự.

Quân nhân dự bị được hoãn tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu trong trường hợp: trùng với thời gian thi tuyển công chức, viên chức; thi nâng bậc thợ, nâng ngạch công chức, viên chức; thi kết thúc học kỳ, thi kết thúc khóa học được cơ quan, tổ chức nơi quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc xác nhận. Bị ốm đau hoặc hoàn cảnh gia đình, bản thân khó khăn đột xuất không thể tham gia, được Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi quân nhân dự bị cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc xác nhận.

Điều 23, quy định về chế độ sinh hoạt của quân nhân dự bị, Luật giao cho cấp huyện, cấp xã tổ chức sinh hoạt là cấp trực tiếp đăng ký, quản lý quân nhân dự bị, thực hiện nguyên tắc Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan quân sự chủ trì phối hợp với các ban, ngành làm tham mưu.

7. Huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên

Mục III, Chương II (từ Điều 24 đến Điều 28), quy định về các trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên; huy động lực lượng dự bị động viên khi thực hiện lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ; huy động lực lượng dự bị động viên khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ; thông báo quyết định, lệnh huy động lực lượng dự bị động viên và quy định về tập trung, vận chuyển, giao nhận lực lượng dự bị động viên. Trong đó, Điều 24, quy định các trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên, như sau: (1). Khi thực hiện lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ. (2). Khi thi hành lệnh thiết quân luật. (3). Khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp. (4). Để phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm. Việc quy định như trên thống nhất với Luật Quốc phòng trong sử dụng lực lượng vũ trang có hiệu quả cao nhất khi có tình huống để phòng, chống, khắc phục hậu quả, ổn định tình hình.

8. Chế độ, chính sách bảo đảm cho xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên

Từ Điều 29 đến Điều 32, quy định chế độ phụ cấp đối với quân nhân dự bị được xếp vào đơn vị dự bị động viên, quân nhân dự bị được bổ nhiệm chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên; chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và huy động khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ; chế độ trợ cấp đối với gia đình quân nhân dự bị; chế độ, chính sách đối với người vận hành, điều khiển phương tiện kỹ thuật dự bị trong thời gian huy động. Giao Chính phủ quy định chi tiết chế độ, chính sách nhằm bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của từng thời kỳ, từng giai đoạn để xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Việc Luật quy định như trên được rà soát chặt chẽ, đầy đủ đối tượng, trách nhiệm, quyền lợi, thể hiện quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với đối tượng được thụ hưởng, thống nhất quy định của pháp luật.

9. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên

Điều 40, quy định cơ quan, tổ chức nơi quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc có trách nhiệm phối hợp với địa phương bố trí thời gian cho quân nhân dự bị tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ; tiếp nhận, bố trí công việc cho quân nhân dự bị khi kết thúc huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện xong nhiệm vụ.

Việc quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nhằm bảo đảm quyền lợi của quân nhân dự bị khi thực hiện các nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện để quân nhân dự bị yên tâm tư tưởng phục vụ trong ngạch dự bị.

10. Một số nội dung mới quy định trong Luật Lực lượng dự bị động viên

Một là, Điều 6, bổ sung quy định bảo đảm quyền về tài sản của tổ chức, công dân đối với phương tiện kỹ thuật dự bị phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về quyền tài sản và thống nhất quy định pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản, cụ thể là chủ phương tiện kỹ thuật dự bị được bồi thường thiệt hại trong các trường hợp.

Hai là, Điều 22, bổ sung quy định về cơ sở huấn luyện cấp tỉnh đối với các địa phương nhằm khắc phục, nâng cao chất lượng quân nhân dự bị, phù hợp thực tế.

Ba là, Điều 24, bổ sung quy định các trường hợp được huy động lực lượng dự bị động viên, như: khi thi hành lệnh thiết quân luật; khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; để phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm.

Bốn là, tại các Điều 29, 30, 31 và 32, bổ sung quy định về chế độ, chính sách, như: quân nhân dự bị được hưởng phụ cấp khi đã xếp vào đơn vị dự bị động viên; đối với người vận hành, điều khiển phương tiện kỹ thuật dự bị trong thời gian được huy động.

Năm là, bổ sung trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.

Triển khai thực hiện Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019, Chính phủ và Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục ban hành văn bản chi tiết thi hành Luật để tổ chức thực hiện. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng, trình Chính phủ các văn bản chi tiết thi hành các điều, khoản của Luật, quy định tại khoản 4, Điều 8; khoản 4, Điều 12; khoản 4, Điều 13; khoản 3, Điều 21; khoản 7, Điều 22; khoản 3, Điều 23; khoản 4, Điều 26; khoản 4, Điều 27; khoản 3, Điều 28; khoản 3, Điều 29; khoản 6, Điều 30 và Điều 31.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan của Bộ Quốc phòng đang tiến hành soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch để trình Chính phủ văn bản chi tiết 05 nghị định, ban hành 02 thông tư của Bộ Quốc phòng, đúng thẩm quyền, quy định, bảo đảm đồng bộ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 khi Luật có hiệu lực thi hành.

Ban CTCT&SV
Số lần đọc: 5132

Danh sách liên kết