Tìm
English
Thứ sáu, 29/07/2022 - 12:6

"Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người" & "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người" 30/7
(HVTC)- Tối 29/7, tại Nhà Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức Lễ phát động hưởng ứng "Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người" và "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người" với chủ đề "Sử dụng và lạm dụng không gian mạng" nhằm lan tỏa thông điệp của chương trình; khẳng định cam kết của Chính phủ, nhân dân Việt Nam quyết tâm ngăn chặn nạn mua bán người.

 Mua bán người được LHQ xác định là 1 trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào Chương trình phòng, chống tội phạm. Loại tội phạm này ở nước ta phần lớn đều do các đường dây có sự kết cấu chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và ngoài nước thực hiện. Tệ hơn, chính người trong gia đình cũng tham gia những đường dây phạm tội này để bán người thân ra nước ngoài. Các nguyên nhân chính khiến gia tăng tình trạng mua bán người là do siêu lợi nhuận; mất cân bằng về giới; khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm; xuất nhập cảnh chưa kiểm soát hiệu quả; mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin của người dân; công tác truyền thông, đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người chưa đủ mạnh... Để ngăn chặn, phòng chống loại tội phạm này và hạn chế những hệ luỵ mua bán người, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” – Trùng với ngày này được Liên Hợp Quốc chọn từ năm 2013, với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập với cộng đồng.

Theo báo cáo về tình trạng mua bán người toàn cầu của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc năm 2018, cứ 10 nạn nhân được phát hiện thì có 7 nạn nhân là nữ, trong đó 5 phụ nữ, 2 trẻ em gái. Số nạn nhân mua bán người tăng lên hàng năm: từ dưới 20.000 người năm 2003 đến khoảng 49.000 người năm 2018, số nạn nhân nữ chiếm khoảng 65%(trong đó 19% trẻ em gái). Có nhiều hình thức bị mua bán: 50% bị bóc lột tình dục, 38% lao động cưỡng bức và một số trở thành nạn nhân của các hoạt động phi pháp khác.

Ở Việt Nam, theo số liệu của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước đã phát hiện, điều tra 33 vụ, 75 đối tượng phạm tội mua bán người; trong đó, kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát đề nghị truy tố 17 vụ, đang điều tra 15 vụ…. Đáng chú ý, không chỉ có trẻ em, cả người lớn cũng bị lừa bán từ các mối quan hệ trên mạng xã hội. Nạn nhân đã bị mua bán bằng những thủ đoạn tinh vi, dẫn đến bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, kết hôn… ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe của nạn nhân và gia đình, đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em.

Chủ đề của "Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người" năm 2022 là "Sử dụng và lạm dụng không gian mạng" nhằm tiếp tục hành động, triển khai hiệu quả các mặt công tác phòng, chống mua bán người với 5 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, truyền thông về phòng, chống mua bán người với các hình thức đa dạng, phong phú.

Theo thống kê, đầu năm 2022, Việt Nam có gần 77 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 78,1% dân số, tăng 5 triệu người so với năm 2021; 97,6% người dùng internet ở Việt Nam đang sử dụng mạng xã hội Facebook và tỷ lệ phụ nữ dùng facebook là 50,9%. Đây vừa là cơ hội cho phụ nữ tiếp cận thị trường, nâng cao kiến thức, kỹ năng, nhưng cũng là nguy cơ trở thành nạn nhân của nhiều loại hình tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ, để phòng ngừa, đấu tranh với những loại tội phạm này, quan trọng nhất mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân để tránh tạo môi trường thuận lợi để bọn tội phạm hoạt động.

Luôn cảnh giác với những lời hứa hẹn tìm việc, rủ hợp tác làm ăn, tìm việc làm có thu nhập cao cả trong nước và nước ngoài.

Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết.

- Nếu có kế hoạch đi xa, hãy tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người bạn đi cùng mình như thế nào. Đừng quên tham khảo ý kiến mọi người và thông báo cho gia đình trước khi đi xa.

Thường xuyên cập nhật tin tức, kiến thức để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân khỏi bị mua, bán.

- Luôn chuẩn bị cho bản thân địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân,... để liên hệ giúp đỡ khi cần thiết.

- Đồng thời, tích cực tuyên truyền cho những người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm buôn bán người.

Việc ra nước ngoài làm việc luôn là một quyết định lớn. Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” (TMSV) thông qua trang thông tin "Nghĩ trước bước sau” cung cấp cho bạn thông tin để tìm hiểu thật kỹ càng trước khi đưa ra quyết định. Xem  các tập phim của dự án “Nghĩ trước bước sau” nằm trong chiến dịch “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” để cập nhật kiến thức, theo dõi tin tức chính thống về lao động và việc làm ở nước ngoài cho người Việt Nam. 

Facebook Nghĩ trước bước sau: https://www.facebook.com/nghitruocbuocsau

Xem phim Nghĩ trước bước sau: https://www.shorturl.at/bJOVW

Tổng đài quốc gia 111 về BVTE và MBN: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte

Tài khoản Zalo chính thức của tổng đài 111 : https://zalo.me/1249273939821550616

Ban CTCT&SV
Số lần đọc: 3873

Danh sách liên kết