Tìm
English
Thứ năm, 10/11/2022 - 10:37

Hội nghị gặp mặt nghiên cứu sinh đang sinh hoạt chuyên môn tại bộ môn Tài chính Doanh nghiệp và bộ môn Định giá tài sản
Ngày 30 tháng 10 năm 2022, tại HT A1 – Học viện Tài chính, Bộ môn Tài chính Doanh nghiệp (TCDN) phối hợp cùng Bộ môn Định giá tài sản (ĐGTS) tổ chức Hội nghị gặp mặt nghiên cứu sinh (NCS) đang sinh hoạt chuyên môn tại hai Bộ môn. Đây là hoạt động thường niên nhằm tăng cường vai trò của các Bộ môn chuyên ngành trong hoạt động đào tạo Tiến sĩ, gắn kết giữa NCS với người hướng dẫn khoa học. Đây cũng là dịp để các NCS đang sinh hoạt tại hai Bộ môn lắng nghe những chia sẻ quý báu của các thế hệ NCS đi trước, bày tỏ những khó khăn gặp phải trong quá trình hoàn thành luận án tiến sĩ, mở rộng mạng lưới kết nối về học thuật và thực tiễn.

Tham dự buổi Hội nghị có đại diện Ban giám đốc Học viện: PGS.TS.NGƯT Trương Thị Thuỷ - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc HVTC, Trưởng ban điều hành CLC; TS.GVCC Nguyễn Đào Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường, HVTC; PGS, TS. Nguyễn Trọng Thản - Trưởng khoa sau đại học; cán bộ hướng dẫn khoa học và NCS đang sinh hoạt chuyên môn tại hai bộ môn cùng các giảng viên BM TCDN & ĐGTS. PGS, TS. Đoàn Hương Quỳnh – Trưởng BM TCDN & TS. Nguyễn Hồ Phi Hà – Trưởng BM ĐGTS chủ trì hội nghị.

PGS, TS. Đoàn Hương Quỳnh - Trưởng BM TCDN & TS. Nguyễn Hồ Phi Hà - Trưởng BM ĐGTS điều hành Hội nghị gặp mặt NCS tại hai bộ môn 

Mở đầu Hội nghị, TS. Phạm Thị Vân Anh – Phó trưởng BM TCDN thay mặt cho Bộ môn TCDN & Bộ môn ĐGTS giới thiệu về truyền thống và đội ngũ nhà khoa học của hai bộ môn.

Về Bộ môn TCDN, với bề dày truyền thống gần 60 năm, BM liên tục phát triển và có những đóng góp đáng kể vào hoạt động đào tạo cũng như NCKH của Học viện. Tính đến nay, BM có 20 giảng viên cơ hữu và 5 giảng viên kiêm môn, kiêm chức. Trong đó có 06 PGS, 22 TS, 03 Ths và có 02 giáo viên đang làm NCS. Đội ngũ giảng viên của BM đều được đào tạo bài bản, có nền tảng lý thuyết vững chắc cùng kiến thức thực tế phong phú, luôn chủ động và sáng tạo trong giảng dạy và NCKH để bắt nhịp với xu thế hội nhập quốc tế.

Về Bộ môn Định giá tài sản ra đời năm 2003 và đến năm 2006 thì chính thức chuyển về Khoa TCDN. Với chặng đường gần 20 năm, Bộ môn đã phát triển bộ môn chuyên ngành Thẩm định giá và Kinh doanh BĐS và ngày càng trưởng thành và lớn mạnh. Hiện nay, BM ĐGTS có 06 giảng viên cơ hữu và 03 giảng viên kiêm chức, thỉnh giảng. 100% giảng viên có trình độ từ Ths trở lên. Đội ngũ giảng viên của BM luôn nhiệt tình, năng nổ, tham gia tích cực vào các hoạt động đào tạo và NCKH của Khoa và Học viện.

 TS. Phạm Thị Vân Anh – Phó trưởng BM TCDN giới thiệu về truyền thống và đội ngũ khoa học của BM TCDN & ĐGTS. 

Tiếp theo chương trình, PGS, TS. Đoàn Hương Quỳnh – Trưởng BM TCDN trình bày đến hội nghị báo cáo về tình hình NCS và công tác quản lý NCS của hai bộ môn.

Đối với BM TCDN: Tính đến thời điểm hiện nay, Bộ môn đang quản lý tổng 23 NCS. Riêng năm 2020-2021, BM tiếp nhận thêm 13 NCS. Một số đặc điểm nổi bật về NCS và quản lý NCS tại BM TCDN như sau: (i) số NCS là giảng viên các trường đại học chiếm tỷ lệ cao (52,18%); (ii) Các NCS có mức độ liên hệ thường xuyên với Bộ môn trong sinh hoạt chuyên môn cao (20/23 NCS chiếm 87%); (iii) cán bộ hướng dẫn KH là giảng viên các trường đại học chiếm 93,48%; số còn lại là cán bộ làm thực tế tại cơ quan, đơn vị; (iv) Bộ môn luôn chủ động và sát sao trong quản lý NCS nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng của luận án ở các cấp.

Đối với BM ĐGTS: Hiện tại BM ĐGTS quản lý 03 NCS, trong đó 02 NCS đã bảo vệ xong cấp bộ môn & 01 NCS mới có quyết định sinh hoạt tại bộ môn từ T3/2022. Các NCS thường xuyên liên hệ với BM trong quá trình thực hiện LA. BM có 05/06 cán bộ hướng dẫn là cán bộ, giảng viên trong học viện chiếm 83,33% và 01 người ngoài học viện.

Trong báo cáo này, PGS, TS. Đoàn Hương Quỳnh cũng chỉ ra hai vấn đề còn tồn tại trong hoạt động nghiên cứu của NCS, gồm việc đảm bảo tiến độ nghiên cứu theo quy định của Học viện và điều kiện để được bảo vệ luận án (bài báo, chứng chỉ ngoại ngữ). Đây cũng là những vấn đề được trao đổi sôi nổi tại phiên thảo luận của Hội nghị.

PGS, TS. Đoàn Hương Quỳnh – Trưởng BM TCDN báo cáo tình hình NCS và công tác quản lý NCS của 2 bộ môn

Phiên thảo luận của Hội nghị diễn ra tích cực trong gần ba tiếng với các nội dung sau: (i) chia sẻ của GVHD, (ii) chia sẻ của đại diện Ban giám đốc và khoa Sau đại học, (iii) chia sẻ của các NCS đang sinh hoạt tại hai BM.

Hội nghị đã được lắng nghe những chia sẻ đầy tâm huyết của TS. Bạch Đức Hiển, PGS, TS. Nguyễn Đăng Nam, PGS, TS. Bùi Văn Vần, TS. Nguyễn Minh Hoàng, TS. Nguyễn Đức Độ với tư cách là giáo viên hướng dẫn. Đây là những người thầy có kinh nghiệm dày dặn trong hướng dẫn NCS, đã đào tạo, bồi dưỡng nhiều TS trong và ngoài Học viện. Mở đầu, TS. Bạch Đức Hiển đã khẳng định tầm quan trọng trong việc chọn đề tài. NCS chọn đúng đề tài nghiên cứu là đã thành công 60%. Đề tài đúng là đề tài còn khoảng trống nghiên cứu, có cơ sở lý thuyết và thực tiễn. Tiếp đến TS. Bạch Đức Hiển nhấn mạnh khâu lập đề cương chi tiết và hoàn thiện, bổ sung đề cương trong quá trình nghiên cứu để phù hợp với bối cảnh nghiên cứu thực tế.

 TS. Bạch Đức Hiển chia sẻ với Hội nghị về việc lựa chọn đúng vấn đề nghiên cứu

và lập, hoàn thiện đề cương chi tiết 

PGS. TS. Nguyễn Đăng Nam cũng nhấn mạnh và bổ sung, chỉ ra cách thức để lựa chọn một vấn đề nghiên cứu khả thi. Đề tài nghiên cứu không được quá rộng, cũng không được quá hẹp và phải vừa sức với năng lực và quỹ thời gian của NCS. Bên cạnh đó, lựa chọn phương pháp nghiên cứu sao cho phù hợp là một thách thức không nhỏ đối với các NCS. Tuỳ mục tiêu và nội dung nghiên cứu để lựa chọn phương pháp truyền thống, phương pháp định lượng hay phương pháp điều tra xã hội học… cho phù hợp. Bên cạnh đó, PGS, TS. Nguyễn Đăng Nam cũng nhấn mạnh thái độ nghiên cứu thật, học thật, làm thật của NCS bởi con đường đạt được tấm bằng Tiến sĩ không hề bằng phẳng và dễ dàng. NCS cần chịu khó học hỏi và kiên định, làm việc có kế hoạch, tranh thủ sự giúp đỡ của các thầy cô hướng dẫn.

PGS, TS. Nguyễn Đăng Nam chia sẻ với Hội nghị về việc lựa chọn phương pháp

nghiên cứu phù hợp và tinh thần, thái độ NCS trong làm khoa học 

Phát biểu tại hội nghị, PGS, TS. Bùi Văn Vần trao đổi 4 vấn đề mà NCS gặp phải và cần lưu ý. Một là, NCS cần phải quyết tâm, bởi làm NCS là không hề đơn giản, quá trình nghiên cứu phải trải qua các bước như công khai trên mạng, qua được phản biện kín, phản biện độc lập…; việc tìm hiểu số liệu gặp nhiều khó khăn v.v.. Hai là, NCS phải có kế hoạch nghiên cứu cụ thể. Điều này thể hiện rõ các đầu mục công việc NCS phải hoàn thành trong thời gian nghiên cứu. NCS cần chủ động viết các bài báo nghiên cứu để đủ điều kiện được bảo vệ luận án cấp Bộ môn. Ngoài ra cũng cần phải hệ thống hóa kiến thức liên quan vấn đề nghiên cứu, do đó đòi hỏi nghiên cứu sinh cần tìm đọc các tài liệu từ đó tìm ra những cái mới; Ba là, NCS cần tranh thủ sự hướng dẫn tối đa thầy cô hướng dẫn để có hướng nghiên cứu đúng. Cùng một vấn đề nhưng ở những góc độ nghiên cứu khác nhau sẽ có hướng giải quyết khác nhau, do đó NCS cần cân nhắc, lựa chọn và là người quyết định cuối cùng đề ra hướng giải quyết vấn đề; Bốn là, NCS cần phải sinh hoạt chuyên môn đầy đủ do Bộ môn chuyên ngành tổ chức.

PGS, TS. Bùi Văn Vần nhấn mạnh vai trò của BM chuyên ngành và vấn đề liêm chính học thuật. Trong các buổi bảo vệ cấp bộ môn, NCS nhận được những ý kiến đóng góp về chuyên môn sâu sắc, định hướng nghiên cứu để hoàn thiện nâng cao chất lượng luận án. Các NCS khác cũng nên tham dự để học hỏi và rút kinh nghiệm cho luận án của mình.

 

 

PGS, TS. Bùi Văn Vần - Nguyên trưởng khoa TCDN chia sẻ với Hội nghị về vai trò của bộ môn chuyên ngành trong đào tạo tiến sĩ

TS. Nguyễn Minh Hoàng tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của BM chuyên ngành trong việc chuẩn hoá tên đề tài, duyệt tên đề tài luận án và tên các chuyên đề chuyên sâu nhằm đảm bảo tiến độ nghiên cứu và chất lượng của luận án và TS cũng nhấn mạnh vai trò của NCS trong việc thực hiện luận án.

TS. Nguyễn Minh Hoàng chia sẻ với Hội nghị về tầm quan trọng buổi bảo vệ cấp Bộ môn 

Trao đổi tại Hội nghị, TS. Nguyễn Đức Độ cũng rất đồng tình việc khẳng định vai trò của Bộ môn chuyên ngành, vai trò của thầy cô hướng dẫn đối với NCS, đồng thời thầy cũng khẳng định sự nỗ lực của bản thân NCS là rất quan trọng. Các đề tài cần giải quyết vấn đề gồm hai khía cạnh là: Hệ thống hóa lý luận chung và về thực tiễn là những đóng góp mới của luận án. Nghiên cứu sinh cũng phải lưu ý thêm phương pháp nghiên cứu như sử dụng kinh tế lượng, điều tra… để nâng cao khả năng thành công của luận án.

TS. Nguyễn Đức Độ chia sẻ với Hội nghị về lựa chọn đề tài nghiên cứu

PGS, TS. Vũ Văn Ninh có bài chia sẻ về xu hướng nghiên cứu cũng như đề xuất giải pháp phù hợp trong việc lựa chọn phương pháp nghiên cứu phù hợp bối cảnh hiện nay. Các NCS có thể sử dụng phương pháp kết hợp giữa định tính và định lượng. Sử dụng định lượng như công cụ minh hoạ và thêm cơ sở thực nghiệm cho các nhận định và kết luận. Điều này cũng thuận lợi cho NCS khi xét điều kiện liêm chính học thuật.

 PGS, TS. Vũ Văn Ninh chia sẻ với Hội nghị về xu hướng nghiên cứu và lựa chọn phương pháp nghiên cứu

Trên góc độ quản lý, hội nghị được nghe những ý kiến chia sẻ của PGS, TS. Nguyễn Trọng Thản- Trưởng khoa sau đại học, TS.GVCC Nguyễn Đào Tùng- chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS.NGƯT Trương Thị Thuỷ - Phó Bí thư Đảng ủy; Phó Giám đốc HVTC. Các chia sẻ tập trung chỉ ra những thuận lợi, khó khăn và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho NCS trong quá trình làm luận án. PGS, TS. Nguyễn Trọng Thản cho rằng lực lượng khoa học của hai Bộ môn hùng hậu. Đây là thuận lợi lớn cho các NCS sinh hoạt chuyên môn tại 2 Bộ môn. Bên cạnh đó, NCS cần khai thác sử dụng triệt để cuốn cẩm nang về Thông tư/văn bản hướng dẫn quy định quy chế đào tạo NCS để tránh sai sót về thủ tục, điều kiện trong quá trình làm NCS.

PGS, TS. Nguyễn Trọng Thản chia sẻ với Hội nghị về cơ sở pháp lý và điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo NCS

Trao đổi tại hội nghị, TS. Nguyễn Đào Tùng- Chủ tịch Hội đồng Trường cũng khẳng định và nhấn mạnh lực lượng và chất lượng đội ngũ các nhà khoa học của khoa TCDN, đặc biệt là 2 Bộ môn. Hiện tại về số lượng PGS, TS khoa TCDN đã đảm bảo được mục tiêu chiến lược tới năm 2030. Do đó, NCS sinh hoạt tại Khoa TCDN cần tận dụng tối đa sự giúp đỡ của đội ngũ các nhà khoa học & GVHD rất hùng hậu, cần quản lý tốt lộ trình làm NCS. Học viện luôn tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, về chuyên môn cho NCS trong quá trình nghiên cứu và học tập. Thầy cũng lưu ý vấn đề viết bài báo nghiên cứu khoa học trong các hội thảo quốc tế thì  email của tác giả công bố cần có đuôi miền .@hvtc.edu.vn để góp phần nâng hạng ranking cho trường đào tạo.

TS. Nguyễn Đào Tùng nhấn mạnh chất lượng đội ngũ nhà khoa học của khoa và NCS cần quản lý lộ trình nghiên cứu làm TS

PGS.TS.NGƯT Trương Thị Thuỷ - Phó Bí thư Đảng ủy; Phó Giám đốc HVTC có những ý kiến chia sẻ quý báu về góc độ nghiên cứu, kết cấu luận án, phương pháp nghiên cứu. Mỗi vấn đề nghiên cứu khi có góc độ nghiên cứu khác nhau sẽ khác nhau góp phần gợi mở cho NCS trong việc lựa chọn và xử lý vấn đề nghiên cứu. Cô đặc biệt lưu ý NCS khi lấy số liệu và việc công bố thông tin có thể gây định hướng dư luận thì phải thận trọng ra sao, phải tuân thủ theo nguyên tắc công bố thông tin, được công bố đến đâu đối với các thông tin: công khai, thông tin mật hay sử dụng các biên bản, kết luận thanh tra đã được công khai thông tin v.v… Các giải pháp đưa ra cũng cần có định hướng là trước mắt và lâu dài. Cô cũng chia sẻ kinh nghiệm việc tham gia thêm các khóa học cần thiết để hiểu sâu thêm vấn đề NCS đang nghiên cứu, góp phần hiểu thêm thực trạng hay cách lấy số liệu cho thích hợp. Cuối cùng, cô nhắc nhở NCS cứ vững tâm, vững lòng nghiên cứu. Các em cứ mạnh dạn triển khai viết, sau đó sẽ được các thầy cô tận tình hướng dẫn, gọt giũa, chỉnh sửa để bài nghiên cứu được hoàn thiện hơn, còn nếu không làm hay nản chí thì không thể hoàn thành được luận án.

 PGS.TS.NGƯT Trương Thị Thuỷ - Phó Giám đốc HVTC chia sẻ với Hội nghị về phương pháp nghiên cứu và góc độ nghiên cứu

Tiếp theo, Hội nghị đã lắng nghe những chia sẻ rất chân thành từ các cựu NCS đã đạt học vị TS cũng như các NCS hiện đang sinh hoạt tại hai bộ môn. TS. Nguyễn Thị Thuỳ Dung – cựu NCS của BM TCDN xúc động nhớ lại những tháng ngày là NCS. Một trong những điểm khó khăn nhất là bắt đầu và không biết bắt đầu từ đâu. TS. Nguyễn Thị Thuỳ Dung đã dành những lời tri ân sâu sắc nhất đến những thầy cô trong Học viện Tài chính, chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp vì những nỗ lực không ngừng nghỉ trong sự nghiệp đào tạo và NCKH. Theo đó, TS. Nguyễn Thị Thuỳ Dung cũng nhấn mạnh NCS cần chủ động và cầu thị trong quá trình nghiên cứu. Trước tiên là cứ phải mạnh dạn bắt đầu và làm vướng đến đâu thì tìm sự giúp đỡ đến đó.

NCS. Phạm Mai Hương - sinh hoạt chuyện môn tại bộ môn Định giá tài sản cũng chia sẻ bày tỏ những khó khăn trong quá trình làm NCS. Khó khăn đầu tiên là từ khâu chọn tên đề tài nghiên cứu. Đôi khi NCS chỉ chọn đề tài tâm huyết mà ít để ý đến tính hợp lý và tính khả thi của đề tài. Bên cạnh đó, khoảng cách địa lý, sắp xếp công việc cơ quan hay gia đình cũng là những rào cản không nhỏ ảnh hưởng đến tiến độ làm NCS.

NCS. Phạm Mai Hương - sinh hoạt chuyên môn tại BM ĐGTS phát biểu tại Hội nghị

Đại diện cho NCS khóa mới (tuyển sinh năm 2021 đợt 2) NCS. Nguyễn Tiến Trường chia sẻ: Lần đầu tiên tham dự buổi gặp mặt NCS, cảm nhận sự quan tâm sâu sắc của các thày cô lãnh đạo Học viện, Khoa, Bộ môn đến quá trình đào tạo NCS của HVTC. Qua buổi gặp mặt lần này, NCS được nghe các thầy cô hướng dẫn trao đổi kinh nghiệm về việc nghiên cứu chọn đề tài; xác định phạm vi nghiên cứu, cách sắp xếp thời gian; kỹ năng thu thập tài liệu, các quy định, chính sách hiện nay liên quan đào tạo NCS là những kiến thức bổ ích. NCS bày tỏ nguyện vọng được tham gia nhiều hơn các buổi sinh hoạt chuyên môn để nâng cao kiến thức, góp phần hoàn thành luận án.

NCS. Nguyễn Tiến Trường cũng đồng tình quan điểm khi đề cập đến những khó khăn của NCS và bày tỏ quan điểm mong muốn được giáo viên hướng dẫn cùng với các thầy cô trong bộ môn chuyên ngành giúp đỡ nhiều hơn cả về chuyên môn lẫn động viên tinh thần để NCS có thể hoàn thành luận án đúng tiến độ và chất lượng.

TS. Nguyễn Thị Thuỳ Dung - cựu NCS của BM TCDN, chia sẻ về khó khăn trong quá trình hoàn thành luận án TS

NCS. Tiến Trường – Cục phó cục Thuế Hà Nội - NCS sinh hoạt chuyên môn tại BM TCDN, chia sẻ với Hội nghị

Kết thúc Phiên thảo luận, thay mặt cho hai bộ môn TCDN và ĐGTS, PGS, TS. Đoàn Hương Quỳnh đã tổng kết lại các ý kiến chia sẻ và đưa ra những phương hướng, nhiệm vụ của hai Bộ môn trong quản lý NCS và đào tạo TS trong thời gian tới. Về phía hai bộ môn, sẽ tiếp tục duy trì vai trò kết nối, hỗ trợ tích cực cho NCS trong chuẩn hoá tên đề tài, lựa chọn chuyên đề chuyên sâu, lựa chọn phương pháp nghiên cứu, và củng cố nền tảng lý thuyết, hướng dẫn cách đánh giá thực trạng vấn đề nghiên cứu để từ đó đề xuất các giải pháp hữu hiệu …Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Khoa Sau đại học trong việc triển khai quy chế đào tạo trình độ Tiến sĩ, giám sát, kiểm tra việc thực hiện luận án của NCS một cách chặt chẽ. Về phía NCS, ngoài việc nắm bắt đầy đủ các quy định về đào tạo trình độ TS, cần tăng cường tính chủ động trong nghiên cứu, tích cực kết nối với BM chuyên ngành về chuyên môn học thuật, sắp xếp thời gian để đảm bảo tiến độ thực hiện luận án.

       PGS,TS. Đoàn Hương Quỳnh – Trưởng Bộ môn TCDN điều hành hội nghị

TS. Nguyễn Hồ Phi Hà – Trưởng Bộ môn ĐGTS điều hành hội nghị

Hội nghị kết thúc trong không khí đầm ấm tươi vui. Những bó hoa tươi thắm, những lời tri ân chân thành xúc động, những cái bắt tay nồng ấm các NCS gửi đến các thầy cô của hai bộ môn, hứa hẹn những quả ngọt thành công trong năm mới. Con đường nghiên cứu khoa học chưa bao giờ là bằng phẳng. Học vị Tiến sĩ là thành quả dành tặng những người đủ kiên nhẫn, ý chí, và năng lực để bước đi không ngừng nghỉ trên con đường đó. BM Tài chính doanh nghiệp và BM Định giá tài sản, với bề dày đào tạo và đội ngũ khoa học có trình độ, tâm huyết, luôn sát cánh cùng các NCS trên hành trình này.

Toàn thể lãnh đạo Khoa TCDN cùng cán bộ hướng dẫn khoa học và NCS của 2 BM TCDN & ĐGTS tại Hội nghị gặp mặt NCS 2022

Bộ môn TCDN & ĐGTS
Số lần đọc: 9386

Danh sách liên kết