Tìm
English
Thứ tư, 07/12/2022 - 10:11

Chi bộ Khoa Tài chính quốc tế với chuyến đi về nguồn nhiều ý nghĩa
Ngày 2/12/2022, Chi bộ và Công đoàn Khoa Tài chính quốc tế đã tổ chức chuyến đi về nguồn tại tỉnh Cao Bằng.

Đoàn đã tham quan các danh thắng, di tích lịch sử nổi tiếng của Cao Bằng như thác Bản Giốc, chùa Phật Tích, động Ngườm Ngao, suối Lê Nin, hang Pác Bó. Tham gia chuyến đi về nguồn có PGS. TS. Vũ Duy Vĩnh - Bí thư chi bộ, phụ trách Khoa Tài chính quốc tế, PGS. TS. Nguyễn Tiến Thuận - nguyên trưởng khoa Tài chính quốc tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - nguyên trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế và các quần chúng của khoa Tài chính quốc tế.

Thác Bản Giốc là thác nước đẹp nhất Đông Nam Á, thác  mang một vẻ đẹp đầy hùng vĩ. Nằm ngay giữa biên giới Việt - Trung, thác Bản Giốc có độ cao 60m, rộng 300m và ba tầng đá vôi sừng sững. Bắt đầu từ thượng nguồn, những ngọn thác lớn nhỏ sẽ chảy qua những lớp đá tung bọt trắng xoá, len lỏi trong lòng rừng cây xanh mướt và cuối cùng đổ xuống chân thác từng đợt chảy xiết.

Đoàn chụp ảnh tại thác Bản Giốc

Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc tọa lạc tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Đây là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng trên mảnh đất biên cương phía bắc của Tổ quốc. Khánh thành vào ngày 15/12/2014, Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc được xây dựng khang trang trên diện tích 3ha, tựa vào núi Phia Nhằm, cách thác Bản Giốc khoảng 500m, có hướng chính nhìn ra toàn cảnh thác Bản Giốc. Ở vị trí chùa tọa lạc có thể nhìn ngắm những cánh đồng lúa, dòng nước trắng xóa của thác Bản Giốc hùng vĩ giữa núi non mây trời trùng điệp.Ngôi chùa được thiết kế theo lối kiến trúc thuần Việt với kết cấu gỗ lim, vật liệu gạch ngói cổ truyền, mái đao truyền thống, hệ thống câu đối bằng tiếng Việt. Chùa được xây dựng với đầy đủ các hạng mục: Tam quan, khuôn viên Tượng Quan Âm Bồ Tát, Tòa Tam Bảo, Nhà thờ Tổ, đền Mẫu thờ Việt Nam Triệu Tổ Hùng Vương, Đức Thánh Trần, vườn địa đàng, vườn tượng La Hán, đền thờ anh hùng Nùng Trí Cao - một nhân vật, biểu tượng văn hóa thế kỷ 11 tại Cao Bằng, người có tài thao lược quân sự và ngoại giao, có công lớn trong việc gìn giữ bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc Việt Nam. Điểm nhấn của ngôi chùa là lầu chuông Đại hồng chung Thiên Bảo bằng đồng nặng 1,5 tấn.

Đoàn chụp ảnh tại Đền thờ Bác Hồ tại khu di tích Pác Bó

Động Ngườm Ngao - nơi được coi như kiệt tác thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Cao Bằng. Ẩn mình trong ngọn núi hùng vĩ tại bản Gun, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng, động Ngườm Ngao cách Thác Bản Giốc chừng 3km. Hang động này có lịch sử hình thành cách đây khoảng 300 triệu năm. Bởi sự phát hiện và đưa vào khai thác du lịch chưa lâu nên Ngườm Ngao vẫn giữ trọn nét đẹp hoang sơ vốn có. Ngườm Ngao theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa là hang Cọp. Du khách sẽ được người dân địa phương kể nhiều câu chuyện xung quanh tên gọi hang động. Trong đó, người ta tin rằng, xưa kia có nhiều hổ dữ sinh sống ở trong động. Tuy nhiên, một số người lại cho rằng tên gọi xuất phát từ việc đứng ở trong động, nghe tiếng nước chảy hòa vào nhau giống như tiếng hổ gầm nên thường gọi là Hang Hổ.

Đoàn chụp ảnh tại động Ngườm Ngao

Ngày 28/01/1941, Pác Bó đã vinh dự được thay mặt nhân dân cả nước đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước. Đây cũng là nơi đã gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1941-1945. Bác Hồ về nước không chỉ đem nguồn sáng cách mạng đến cho người dân mà còn đem ánh sáng văn hóa đến để “Mở muôn ngàn con mắt/ Đón cờ đỏ sao vàng”.

Đoàn chụp ảnh tại Km0 Đường Hồ Chí Minh

Ngọn núi Đào, Bác đặt tên là núi Các Mác - ghi công ơn của Các Mác - người sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học, xây dựng một xã hội không có người bóc lột người. Xã hội không còn giai cấp. Đây là một ngọn núi có rừng cây xanh tốt với địa thế vừa thông thoáng mà vừa bí mật. Người sống bên trong có thể dễ dàng nhìn ra bên ngoài nhưng người bên ngoài thì không thể nhận biết bên trong. Với vị thế như vậy, núi Các Mác không chỉ có giá trị lịch sử to lớn mà còn là một chốn sơn thủy hữu tình tuyệt đẹp. Núi Các Mác sở hữu những vách đá lớn, những bãi cỏ xanh rờn, những bụi cây dại um tùm cùng với nhiều cây rừng cổ thụ xum xuê leo qua những đoạn đá sỏi.

Học thuyết của Người ngày càng trở nên đúng đắn và hữu ích. Học thuyết của Các Mác cao và vững như núi Thái Sơn. Con suối Giàng - Suối nhà trời, Bác đặt tên là suối Lê-nin để nhớ công ơn của Lê-nin - Người thầy cách mạng vô sản thế giới. Lê-nin là người kế tục sự nghiệp của Các Mác, bổ sung, phát triển, hoàn thiện chủ nghĩa Mác, biến chủ nghĩa xã hội thành hiện thực. Con suối này chảy ra từ núi Mác cũng như học thuyết Lê-nin bắt nguồn từ học thuyết Mác để hợp thành học thuyết Mác - Lê-nin chính là tư tưởng, hướng đi tới của xã hội loài người.

Đoàn chụp ảnh tại Suối Lê-nin, Núi Các - Mác

 Chuyến đi thực tế về nguồn của Chi bộ Khoa Tài chính quốc tế đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp và ấn tượng sâu đậm trong lòng các thành viên tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm, lòng tự hào dân tộc và tinh thần đoàn kết, tạo động lực phấn đấu hăng say trong công tác cho các Đảng viên và cán bộ viên chức của Khoa. Sự thành công của chuyến đi chính là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và nhiệt tình của Đảng ủy Học viện, Chi ủy, Ban Chủ nhiệm, Công đoàn Khoa; cùng sự tham gia tích cực của các Đảng viên và quần chúng ưu tú trong Chi Bộ. Những hoạt động sinh hoạt theo chuyên đề của Chi bộ vô cùng bổ ích, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc ta.

Chi bộ Khoa Tài chính quốc tế
Số lần đọc: 1673

Danh sách liên kết