Tìm
English
Thứ sáu, 28/12/2018 - 13:13

Chuyên gia tài chính thế hệ mới - Một chủ đề thời sự nóng bỏng cuốn hút sinh viên chuyên ngành TCDN
Chiều ngày 20/12/2018, tại Học viện Tài chính đã diễn ra chuỗi các hoạt động “Sinh viên Học viện Tài chính – Sáng tạo & Nắm bắt cơ hội cùng ACCA và các đối tác”. Các hoạt động đã lôi cuốn sự tham gia hào hứng của đông đảo sinh viên Học viện. Tại hội trường A2, Báo cáo viên Phạm Thị Phương, trưởng nhóm khối khách hàng doanh nghiệp lớn khu vực 1- ngân hàng Vietinbank đã chia sẻ chủ đề “Những năng lực cần có của chuyên gia tài chính thế hệ mới” tới các bạn sinh viên chuyên ngành TCDN .

Chuyên gia tài chính hiện nay đang làm việc trong một môi trường đầy biến động và cạnh tranh, đòi hỏi sự thay đổi hầu như hằng ngày để có thể dẫn dắt doanh nghiệp đi đúng hướng. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, thế giới ngày càng phẳng hơn, khoảng cách giữa các nền văn minh trên thới giới ngày một ngắn lại, thông qua những minh hoạ thực tế của quá trình phân tích, ra quyết định trong tư vấn cho các doanh nghiệp lớn nhỏ, bà Phạm Phương đã chỉ ra các kỹ năng cần có với các chuyên gia tài chính trong tương lai, các kỹ năng cần thiết các bạn sinh viên cần chuẩn bị có thể kể đến là: (1) Kiến thức công nghệ thông tin, (2) Kỹ năng giao tiếp, (3) Kiến thức chuyên ngành, (4) Nhận thức về kinh doanh, (4)Quan điểm về kinh tế toàn cầu.

Để bắt đầu cho buổi toạ đàm, Báo váo viên Phạm Phương đã hỏi các bạn sinh viên: “Nghề nghiệp mong muốn của bạn khi bạn tốt nghiệp là gì?”

 Đó là câu hỏi mà bao thế hệ sinh viên luôn thắc mắc, luôn tìm kiếm cho mình một câu trả lời, từ đó định hướng chiến lược phát triển bản thân nhưng cũng là sự hoài nghi của bao bạn sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đặc biệt là đối với sinh viên khối ngành kinh tế hiện nay. Phần trình bày của báo cáo viên được chia thành ba nội dung:

Thứ nhất, bảy phẩm chất tiêu biểu của chuyên gia tài chính cần có trong nền kinh tế hiện đại

Thứ hai, chia sẻ cụ thể các kỹ năng cần thiết ứng với các công việc trong lĩnh vực tài chính - kế toán - kiểm toán.

Thứ ba, khó khăn và thách thức trên con đường lập thân, lập nghiệp của báo cáo viên và các chuyên gia tài chính, bài học rút ra cho các bạn sinh viên.

Báo cáo viên Phạm Thị Phương đang chia sẻ tới các bạn sinh viên

chuyên ngành TCDN

Quan phần trình bày của BCV, các bạn sinh viên đã rút ra cho bản thân cần có 7 phẩm chất quan trọng của chuyên gia tài chính trong thế hệ mới đó là:

- Trí thông minh (IQ): Khả năng tiếp thu và sử dụng kiến ​​thức: suy nghĩ, lý luận và giải quyết vấn đề linh hoạt và sáng tạo.

- Trí tuệ cảm xúc (EQ): Khả năng cảm nhận cảm xúc của chính bạn và của mọi người xung quanh ban, để từ đó đưa ra được các quyết định hợp lý. Qua những ví dụ của BCV, bạn có thể ứng dụng kỹ năng EQ trong mối quan hệ với cổ đông, nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp…Việc thấu hiểu nhu cầu, mong muốn của các đối tác, là điều kiện tiên quyết xây dựng mối quan hệ bền vững trong chiến lược kinh doanh, gia tăng lợi ích cho chủ sở hữu, tạo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Khi bạn am hiểu phương thức hoạt động kinh doanh, dòng tiền của đối tác giúp bạn tối ưu hoá đượclợi ích cho doanh nghiệp. Đồng thời tạo cho doanh nghiệp những lợi thế cạnh tranh trên thương trường. EQ càng ngày càng trở nên quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp.

- Sáng tạo (CQ): Khả năng sử dụng kiến ​​thức hiện có trong một tình huống mới, để tạo kết nối, khám phá kết quả tiềm năng và tạo ra ý tưởng mới. Suy nghĩ về những khả năng mới bằng cách mở rộng suy nghĩ trong những lĩnh vực, vai trò, không gian mới mà con người có thể phát triển. Thế hệ chúng ta là thế hệ Now, sự ổn định trong thế hệ chúng ta không còn nữa. Môi trường biến động ngày một nhanh, yếu tố sáng tạo vô cùng quan trọng. Vòng đời của sản phẩm giờ thường là từ 2 – 5 năm, nếu chúng ta không có sự sáng tạo trong sản phẩm, thì dòng tiền từ sản phẩm của chúng ta sẽ không còn nữa, vậy nên chúng ta phải luôn luôn đề cao đổi mới sáng tạo trong tư duy, trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, từ đó càng cần hơn tính thích ứng trong công tác quản trị tài chính doanh nghiệp - kế toán - kiểm toán.

- Tầm nhìn (VQ): Khả năng dự đoán chính xác các xu hướng trong tương lai bằng cách ngoại suy các xu hướng và sự kiện hiện có và lấp đầy các khoảng trống bằng cách suy nghĩ sáng tạo. “Đôi lúc việc chúng ta thất bại không phải do chúng ta làm sai mà bởi vì chúng ta làm đúng trong một thời gian quá dài, và điều chúng ta làm đúng giờ đây nó không còn đúng nữa”. Như chúng ta biết, môi trường đang thay đổi từng ngày, nếu bạn không tiến lên thì bạn đang đi lùi. Với lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tài chính rất quan trọng trong lộ trình phát triển của doanh nghiệp. Cán bộ tài chính chính là những người phản ảnh bức tranh tương lai của doanh nghiệp bằng những con số cụ thể, bức tranh đó sẽ được đưa tới thuyết phục các nhà đầu tư, ngân hàng, nhà đầu tư... để kêu gọi, thu hút vốn cho doanh nghiệp. Báo cáo cũng khuyên các sinh viên nên nhìn nhận rõ chiến lược tầm nhìn cho bản thân thông qua những câu hỏi rất đơn giản như: một năm nữa mình sẽ như thế nào? ra trường mình có thể làm được những việc gì? để có được bản thân mình trong tương lai, hiện tại mình phải tích luỹ những kỹ năng gì? cụ thể hoá tầm nhìn của mình sẽ giúp các bạn định hướng rõ quyết tâm rèn luyện chuyên môn, kỹ năng cần có ngay khi ngồi trên ghế nhà trường.

- Chỉ số kỹ thuật số (DQ): Nhận thức và ứng dụng các khả năng công nghệ kỹ thuật số hiện có và mới nổi trong các lĩnh vực thực hành, chiến lược và văn hóa. Bài học từ Vinasun, Mailinh Group, Uber, Grab… được BCV nhắc lại giúp sinh viên hình dung rõ hơn yếu tố kỹ thuật số ảnh hưởng đến sự thành công của các doanh nghiệp hiện nay. Những xu hướng mới, mô hình kinh doanh mới xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Hình thức thanh toán qua ví điện tử,  mua bán trực tuyến qua các trang bán hàng trực tuyến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tài chính, kế toán trong hoạt động doanh nghiệp.

- Kinh nghiệm (XQ): Kinh nghiệm không tư nhiên sinh ra, các bạn cần phải tự tạo cho mình áp lực và khoảng trống để tạo ra kinh nghiệm cho bản thân. Đây là yếu tố rất khó cân đo đong đếm. Khi có kinh nghiệm ngày càng nhiều hơn, khả năng và kỹ năng hiểu được nhu cầu mong đợi của khách hàng, để đáp ứng nhu cầu đó và thoả mãn những nhu cầu cho đối tác khách hàng của bạn càng phù hợp với điều kiện hiện có của doanh nghiệp, đối tượng mà các bán sẽ tư vấn.Những doanh nghiệp có bộ máy tài chính, kế toán có sự phát triển lâu dài và bền vững thì tạo ra tâm lý yên tâm và an toàn cho các đối tác cùng cộng tác với các doanh nghiệp này hơn so với các doanh nghiệp có tiềm ẩn sự mất cân đối vốn, không có sự an toàn vốn. Qua đó, cũng cho thấy các bạn sinh viên cần chủ động hơn trong việc tiếp cận kiến thức chuyên môn, gắn liền với các chuẩn mực mang tính quốc tế. Luôn luôn có ý thức rèn luyện, nhìn nhận các vấn đề với nhiều góc độ quan sát và gắn liền với sự biến động của môi trường vi mô, vĩ mô. Điều này sẽ giúp các bạn chuyên gia tài chính kết nối được các quyết định tài chính quan trọng trong doanh nghiệp như quyết định đầu tư, quyết định huy động vốn, quyết định phân phối lợi nhuận trong sự phân tích kỹ lưỡng về năng lực nội sinh của doanh nghiệp trước sự biến động của môi trường kinh doanh.

- Năng lực chuyên môn và đạo đức (TEQ):  Yếu tố tạo nên con người chúng ta. khả năng làm việc với sự độc lập, sự trung thực với quan điểm và thái độ sống sẽ tạo nên thương hiệu cá nhân. Báo cáo viên Phạm Phương qua đó cũng mong muốn các sinh viên từng bước, ngày mỗi ngày hãy xây dựng thương hiệu cho riêng mình dựa trên những điểm mạnh, điểm yếu riêng có của mỗi cá nhân. Hãy luôn mạnh dạn khám phá bản thân, không có kết quả mới từ cách làm cũ: Am hiểu về nền kinh tế vĩ mô và đặc điểm kinh tế kỹ thuật của từng ngành nghề kinh doanh;Am hiểu kiến thức về nhiều lĩnh vực liên quan đến nghiệp vụ tài chính của doanh nghiệp;Chuyên gia tài chính cần xây dựng được những kỹ năng phẩm chất thích ứng với sự thay đổi của khoa học công nghệ hiện đại và mong muốn ngày càng cao cuả thị trường tài chính; Liên tục rèn luyện kỹ năng đọc và phân tích các báo cáo tài chính. Thường xuyên đọc sách và nghiên cứu kiến thức, viết các báo cáo phân tích thường xuyên: Năng lực nghiên cứu và phân tích tài chính sẽ tỷ lệ thuận với kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được. Người muốn làm chuyên gia tài chính nên thường xuyên củng cố năng lực phân tích trên cơ sở sự cộng tác với các tạp chí hoặc chuyên trang tài chính nhằm liên tục viết và kiểm nghiệm các kiến thức phân tích của mình.

Toàn cảnh sinh viên lắng nghe báo cáo viên trình bày

Trong phần hai và phần ba của buổi toạ đàm, báo cáo viên đã thông qua mô hình tổ chức vận hành của Vietinbank để cụ thể hoá những yêu cầu công việc cần có những kỹ năng cụ thể tới các bạn sinh viên. Những kỷ niệm thời sinh viên của báo cáo viên Phạm Phương tại mái trường Học viện Tài chính, những bài học nhận được từ quá trình công tác, lập nghiệp đến với chuyên gia tài chính, phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp lớn tại các Ngân hàng hay con đường khởi nghiệp cũng được báo cáo viên Phạm Phương nhắc lại một cách đầy xúc động và truyền lửa tới thế hệ sinh viên tài chính trên con đường xây dựng thương hiệu cá nhân, khơi dậy mong muốn trở thành những chuyên gia tài chính thế hệ mới. " Cách tốt nhất để tìm ra lẽ sống của bản thân là bạn hãy quên mình đi khi phục vụ người khác. Hãy làm hết mình, nỗ lực, thay đổi thái độ, phương thức hành động. Hành động nỗ lực từ suy nghĩ, động lực từ trái tim".

Với sự chia sẻ đầy tâm huyết của báo cáo viên, các bạn sinh viên đã phần nào hiểu rõ mối quan hệ của các môn học được đào tạo tại Học viện với tính ứng dụng của các công việc tương lai, đồng thời báo cáo viên cũng mong muốn sinh viên chủ động hơn với các khoá học đào tạo theo chuẩn quốc tế để trang bị tốt hơn những kỹ năng nghiệp vụ chủ động với sinh biến động của nền kinh tế hiện đại.

Chủ đề mà báo cáo viên Phạm Phương đã trao gửi những năng lượng tích cực cho sinh viên lớp CQ53/11. 01& 11.02 nói riêng và sinh viên Học viện Tài chính nói chung. Thông qua những hoạt động này, sinh viên được nâng cao tầm nhận thức về vai trò của nghề nghiệp kế toán – kiểm toán – tài chính trong thực tế, hiểu rõ hơn về tương lai nghề nghiệp và từ đó có sự định hướng và chuẩn bị kỹ năng, kiến thức cho nghề nghiệp tương lai; Các em còn được chia sẻ những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, quản lý thời gian, sử dụng công cụ thông tin trong học tập, phát triển nghề nghiệp; Hiểu được những năng lực cần có của một chuyên gia tài chính trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0. Từ đó, chủ động, học tập rèn luyện, tu dưỡng để có được các kỹ năng cần thiết; Giúp sinh viên hiểu được những cơ hội và thách thức đối với nghề nghiệp và cơ hội việc làm để nỗ lực cao hơn trong việc chuẩn bị hành trang nắm bắt thời cơ, khẳng định năng lực của mình.Các bạn sinh viên mong muốn có nhiều hơn nữa những toạ đàm có tính thực tế, gia tăng tính chủ động đối với các bạn sinh viên trong quá trình hoàn thiện năng lực chuyên môn.

 Buổi toạ đàm với chủ đề cũng là một trong những hoạt động thể hiện mối quan hệ hợp tác vững mạnh và lâu dài giữa HVTC, ACCA và các đối tác của các tổ chức nghề nghiệp, các doanh nghiệp có uy tín trên toàn cầu như Deloitte Việt Nam, ACCA, EY, KPMG, PwC, RSM, IBM, AASC… đối với sự phát triển cũng như nhu cầu mong muốn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Học viện Tài chính.

 Một số hình ảnh tại buổi toạ đàm:

PGS,TS. Trương Thị Thuỷ- Phó giám đốc HVTC; PGS,TS.Vũ Văn Ninh- Phó trưởng Khoa TCDN

và ThS. Tạ Đình Hoà- Phó Bí thư ĐTN Học viện chụp ảnh lưu niệm cùng diễn giả Phạm Thị Phương.

PGS,TS. Nghiêm Thị Thà -Phó Trưởng khoa, Trưởng BM Phân tích TCDN

 trao cho diễn giả Phạm Thị Phương thư cảm ơn của HVTC và ACCA

Sinh viên lớp CQ53/11.01 &11.02 chăm chú lắng nghe những chia sẻ của

diễn giả Phạm Thị Phương- Trưởng nhóm khối KH DN KV1-Vietinbank.

Tác giả bài viết: ThS Hồ Quỳnh Anh - Giảng viên Bộ môn TCDN
Số lần đọc: 2546

Danh sách liên kết