Tìm
English
Chủ nhật, 30/12/2018 - 18:31

Sinh viên Học viện Tài chính – Sáng tạo & nắm bắt cơ hội cùng ACCA và các đối tác
Chủ đề: Gian lận và sai sót thường gặp trong lập báo cáo tài chính

   Những ngày cuối tháng 12 của năm 2018 sắp kết thúc nhưng dư âm từ sự thành công của ngày hội chia sẻ kiến thức và kỹ năng tiếp cận thực tế do các đối tác của ACCA mang đến cho sinh viên Học viện Tài chính vẫn còn vang mãi. Một trong những chủ đề thú vị và khá "trendy" là vấn đề về gian lận, sai sót trên báo cáo tài chính. Làm thế nào để nhận biết hành vi gian lận – sai sót, các dấu hiệu, phương pháp phát hiện và trách nhiệm của doanh nghiệp cũng như kiểm toán viên đối với gian lận trên báo cáo tài chính là đề tài mà hàng trăm bạn sinh viên chuyên ngành kiểm toán năm cuối và các sinh viên chất lượng cao tham gia cùng toạ đàm với chuyên gia đến từ công ty kiểm toán RSM Việt Nam. Diễn giả của chủ đề Gian lận và sai sót thường gặp trong lập báo cáo tài chính là anh Phạm Ngọc Quân, CPA, trợ lý giám đốc Công ty kiểm toán RSM Việt nam, chi nhánh Hà nội, đồng thời cũng là cựu sinh viên của Học viện Tài chính.

Từ phải qua trái: Diễn giả Phạm Ngọc Quân, Nguyễn Vân (công ty RSM), TS. Vũ Thuỳ Linh – Phó trưởng BM Kiểm toán, TS Ngô Như Vinh - Giảng viên BM Kiểm toán.

Tập thể sinh viên CQ53.22.03-04 tham dự hội thảo.

   Buổi toạ đàm bắt đầu với màn chào hỏi mà ở đó các bạn sinh viên phải vận dụng một số kỹ năng mềm để tương tác với báo cáo viên. Nào, hãy cùng đặt mình vào vai trò người đứng đầu doanh nghiệp để nghĩ về mục tiêu lợi nhuận, quản trị lợi nhuận và gian lận. Các bạn sinh viên cùng trao đổi về các loại quản trị lợi nhuận như tối thiểu hoá lợi nhuận, lợi nhuận tăng trưởng và tối đa hoá lợi nhuận. Rất nhiều phần quà từ báo cáo viên tặng cho sinh viên vì sự tương tác nhiệt tình của các bạn. Tiếp đến, các bạn được giới thiệu về các thủ thuật quản trị lợi nhuận trong doanh nghiệp và động cơ dẫn đến gian lận như lương, thưởng của ban điều hành; thoả mãn các cam kết vay vốn hoặc nhận tài trợ; thay đổi trong ban lãnh đạo; lợi nhuận quá cao hoặc lỗ quá lớn; động cơ thị trường vốn (phát hành cổ phiếu, mua bán cổ phiếu); mua bán - sát nhập – tách doanh nghiệp. Quá trình thảo luận về các tình huống cụ thể của từng loại động cơ gian lận đã giúp các bạn sinh viên tích luỹ thêm kinh nghiệm đi thực tập tại các khách hàng kiểm toán, đây là cơ sở ban đầu để xét đoán và đánh giá rủi ro trong kiểm toán. Từ các loại động cơ gian lận, báo cáo viên chia sẻ với sinh viên các dấu hiệu gian lận và những khoản mục bộ phận trên báo cáo tài chính thường hay có rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận. Đây có lẽ là phần các bạn sinh viên khá hào hứng bởi các tình huống gắn sát với những bài học đã được thầy cô giảng dạy. Các bạn được thảo luận về gian lận đối với doanh thu, phải thu, chi phí... trên BCTC. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phát hiện ra gian lận trên báo cáo tài chính? Anh Quân giới thiệu tỷ số M-Score là phương pháp phổ biến được áp dụng . Đây là mô hình dự đoán khả năng gian lận báo cáo tài chính thông qua một số chỉ số quan trọng trên báo cáo tài chính như phải thu khách hàng so với doanh thu, tỷ lệ lãi gộp, chất lượng tài sản, tăng trưởng doanh thu bán hàng, tỷ lệ khấu hao, chi phí hoạt động, chỉ số đòn bẩy tài chính, chỉ số biến dồn tích so với tổng tài sản. Để minh hoạ cho tỷ số M-score, anh Quân cùng các bạn sinh viên đi vào ví dụ minh hoạ điển hình về gian lận báo cáo tài chính của Tập đoàn năng lượng Enrol và sự đánh giá rủi ro có sai phạm trọng yếu không chính xác của Hãng kiểm toán Arthur Anderson khi thực hiện hợp đồng kiểm toán tại Enrol đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Hãng kiểm toán và người sử dụng thông tin. Và hậu quả là sự phá sản của hãng kiểm toán đại thụ hàng trăm năm tuổi Arthur Anderson và sự phá sản của đại gia năng lượng Mỹ Enrol.

Phần cuối của chương trình, báo cáo viên chia sẻ thêm với các bạn về một số thủ thuật gian lận báo cáo tài chính phổ biến và ảnh hưởng của nó tới ý kiến nhận xét của kiểm toán viên như: Cookie jar accounting, Big bath in accounting, Sale and lease back/ buy back, Special purpose entity… Buổi trao đổi thêm phần sôi nổi khi các bạn sinh viên được yêu cầu cùng đưa ra những ví dụ về thủ thuật gian lận báo cáo tài chính ở Việt nam và cùng thảo luận cách giải quyết vấn đề trên giác độ là kiểm toán viên. Những chia sẻ hữu ích của báo cáo viên đã giúp các bạn sinh viên có thêm kiến thức thực tiễn để chuẩn bị cho kỳ thực tập tốt nghiệp sắp tới.

Buổi toạ đàm kết thúc tốt đẹp, cô Vũ Thùy Linh – Phó trưởng bộ môn Kiểm toán đã tặng thư cảm ơn và quà cho diễn giả. Các bạn sinh viên cảm ơn Học viện – ACCA và các đối tác đã giúp cho các em có sự trải nghiệm thực tế hữu ích về chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp.

TS Vũ Thuỳ Linh – Phó trưởng bộ môn Kiểm toán
Số lần đọc: 3926

Danh sách liên kết