Tìm
English
Thứ sáu, 15/05/2020 - 15:49

Thông tin về những kết luận mới của luận án tiến sĩ Phùng Thu Hà
Đề tài luận án: “Quản trị danh mục cho vay tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam”.

2. Chuyên ngành: Tài chính - ngân hàng                                     Mã số : 09.34.02.01

3. Họ và tên NCS: Phùng Thu Hà           

4. Họ và tên cán bộ hướng dẫn:  TS. Nghiêm Văn Bảy - TS. Nguyễn Thị Hải Hà

5. Những kết luận mới của luận án

5.1. Về mặt lý luận

Luận nghiên cứu và khẳng định tầm quan trọng chiến lược của quản trị danh mục cho vay đối với ngân hàng thương mại. Nội dung quản trị danh mục cho vay tại ngân hàng thương mại bao gồm bốn bước:  (i) Lập kế hoạch quản trị danh mục cho vay; (ii) Tổ chức thực hiện danh mục cho vay; (iii) Điều hành và giám sát thực hiện danh mục cho vay; (iv) Điều chỉnh danh mục cho vay.

Luận án làm rõ cơ sở lý luận về đánh giá hiệu quả danh mục cho vay theo ngành kinh tế của ngân hàng thương mại bằng mô hình phân tích bao dữ liệu (DEA). Mô hình DEA được đề xuất trong luận án bao gồm: (i) Các biến đầu vào là chi phí hoạt động phân bổ cho khoản vay và số lượng nhân viên tín dụng phân bổ cho khoản vay; (ii) Các biến đầu ra là dư nợ trung bình, điểm xếp hạng tín dụng và thu nhập lãi vay quy về hiện tạị. Việc sử dụng mô hình DEA để đánh giá hiệu quả danh mục cho vay theo ngành kinh tế trong cả năm sẽ giúp ngân hàng thương mại có có sở lập kế hoạch quản trị danh mục cho vay trong năm tiếp theo cho phù hợp, tập trung cho vay những ngành kinh tế tiềm năng và hạn chế cho vay với những ngành nhiều rủi ro hoặc kém phát triển.

 Bên cạnh các nhân tố chủ quan: (i) Chiến lược quản trị của ngân hàng thương mại; (ii) Văn hóa tín dụng và khẩu vị rủi ro của ngân hàng thương mại; (iii) Chất lượng nguồn nhân lực; (iv) Tiềm lực tài chính của ngân hàng thương mại; (v) Trình độ công nghệ thông tin là các nhân tố khách quan: (i) Môi trường kinh doanh trong nước; (ii) Quản lý nhà nước với hoạt động của NHTM; (iii) Trình độ phát triển của thị trường tài chính trong nước; (iv) Khả năng hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng của quốc gia; (v) Sự minh bạch về tài chính của khách hàng vay vốn, đã được Luận án phân tích và làm rõ mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đến  quản trị danh mục cho vay tại ngân hàng thương mại. Dựa vào đó, để đánh giá thực trạng quản trị danh mục cho vay của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

5.2. Về mặt thực tiễn

  • Hệ số Gini và  chỉ số Herfindahl-Hirschman (HHI)  được dùng để đo lường rủi ro danh mục cho vay của Vietcombank trong giai đoạn nghiên cứu. Theo đó, hệ số Gini có giá trị nhỏ hơn 0,3 và HHI thuộc khoảng từ 0,15 đến 0,25 cho thấy mức độ rủi ro tập trung trong danh mục cho vay của Vietcombank ở mức độ trung bình.
  • Để rà soát và phân tích hiện trạng danh mục cho vay của Vietcombank, luận án đã sử dụng ba nhóm chỉ tiêu chính là chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lời, chỉ tiêu về an toàn hoạt động và chỉ tiêu phản ánh khả năng tăng trưởng.
  • Các công cụ dùng để điều chỉnh danh mục cho vay của Vietcombank mới chỉ dừng lại ở việc  thực hiện công cụ mua bán nợ, do thiếu cơ sở pháp lý. Việc chính phủ thiết lập hành lang pháp lý cho hoạt động trao đổi, mua bán các công cụ phái sinh tín dụng, chứng khoán hóa các khoản nợ và bảo lãnh khoản vay là cần thiết hiện nay.
  • Cần xây dựng chiến lược và hệ thống thông tin quản trị danh mục cho vay, công cụ đo lường rủi ro danh mục cho vay chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế. Các công cụ điều chỉnh danh mục cho vay cần được sử dụng linh hoạt, chú trọng phát triển đội ngũ nhân lực cho quản trị danh mục cho vay.

Tải Kết luận mới bản tiếng Anh

Tải Tóm tắt bản tiếng Việt

Tải Tóm tắt bản tiếng Anh

Khoa Sau đại học
Số lần đọc: 728

Danh sách liên kết