Tìm
English
Thứ sáu, 22/05/2020 - 9:41

Đảng bộ Học viện Tài chính - Những mốc son lịch sử (Phần 1)
1/ Ra đời trong công cuộc cải tạo và xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở Miền Bắc (1963-1965)
 >> Đảng bộ Học viện Tài chính - Những mốc son lịch sử (Phần 2)

Năm 1961 công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc đã được thực hiện kế hoạch dài hạn 5 năm lần thứ nhất và công nghiệp hóa là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ để đưa miền Bắc tiến nhanh, mạnh, vững chắc lên CNXH, làm cơ sở cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Do vị trí ngày càng quan trọng của ngành tài chính trong nền kinh tế quốc dân, nên việc đào tạo một đội ngũ cán bộ tài chính kế toán có trình độ đại học và trên đại học được đặt ra như một tất yếu. Tháng 6/1963 Hội đồng Chính phủ đã quyết định tách khoa Mậu - Tài - Ngân ra khỏi trường Đại học Kinh tế (nay là trường Đại học Kinh tế quốc dân) để thành lập các khoa riêng trong đó khoa Tài chính được giao cho trường Tài chính ở Cổ Nhuế (thuộc Bộ Tài chính). Theo đề nghị của Bộ Tài chính, ngày 31/7/1963 Hội đồng Chính phủ ra Quyết định 117/CP thành lập trường cán bộ Tài chính kế toán Trung ương (trực thuộc Bộ tài chính). Địa điểm của trường đặt tại xã Cổ Nhuế huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội. Sự ra đời của trường Cán bộ Tài chính kế toán Trung ương có một vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đào tạo cán bộ có trình độ đại học trong Ngành Tài chính và nền kinh tế quốc dân.

Tháng 11/1964 trường được giao thêm nhiệm vụ đào tạo cán bộ ngân hàng. Vì vậy trường đã đổi tên thành trường Cán bộ Tài chính kế toán Ngân hàng Trung ương.

Đảng bộ trường được thành lập theo quyết định số 228 NQ/ĐU ngày 3/11/1964 của Đảng ủy các cơ quan dân chính Đảng Trung ương. Trước đó tổ chức Đảng chỉ có chi bộ cơ quan và chi bộ sinh viên, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ cơ quan Bộ Tài chính. Sau khi thành lập Đảng bộ đã có 3 chi bộ cơ quan hiệu bộ và 3 liên chi bộ ở các khoa với 27 chi bộ có 308 Đảng viên. Thầy giáo Phạm Thế Phiệt được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy đầu tiên của trường.

Tháng 3/1965 Đại hội Đảng bộ trường Cán bộ Tài chính kế toán Ngân hàng Trung ương lần thứ nhất đã được triệu tập tại Cổ Nhuế - Hà Nội. Đại hội đã kiểm điểm, đánh giá rút ra những thành tích và tồn tại trong những năm đầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ đào tạo, đồng thời đề ra những phương hướng cơ bản cho năm học 1965. Đại hội cũng đã nhất trí bầu ra Ban chấp hành Đảng ủy mới bao gồm 9 đồng chí. Trong đó có 3 đồng chí thường vụ, thầy giáo Phạm Thế Phiệt được bầu làm Bí thư Đảng ủy đầu tiên của trường.

Trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ đã quan tâm hàng đầu đến tổ chức nhân sự, coi đó là điều kiện tiên quyết để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đào tạo của trường. Thực hiện chủ trương trên của Đảng ủy, từ năm 1965 trở đi nhà trường đã tập trung đào tạo bồi dưỡng lực lượng giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, lập trường tư tưởng kiên định. Yêu ngành, yêu nghề để nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó nhà trường chú trọng xây dựng chương trình đào tạo với yêu cầu là đảm bảo được “4 tính” (tính tư tưởng, tính khoa học, tính thực tiễn, tính sư phạm) và 3 nhất: (cơ bản nhất, hiện đại nhất, Việt Nam nhất). Năm học 1964-1965 quy mô đào tạo của trường đã tăng lên đến 808 sinh viên.

II. Sắt son vững bước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965 – 1975)

Trong tình hình cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lệnh sơ tán ra khỏi Thủ đô đã được thực hiện một cách nghiêm túc. Mọi hoạt động của nhà trường đều chuyển theo tinh thần Chỉ thị 38/TTg của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phát triển sự nghiệp giáo dục một cách mạnh mẽ và vững chắc, gắn chặt hơn nữa việc học tập, giảng dạy với thực tiễn, tăng cường công tác phục vụ sản xuất chiến đấu và đời sống. Với phương châm “Nhà trường xã hội chủ nghĩa phải thật sự là một đơn vị chống Mỹ cứu nước, thật sự là một tập thể gương mẫu trong giảng dạy và học tập, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu”.

Những năm học chống Mỹ cứu nước, trường Cán bộ Tài chính kế toán Ngân hàng Trung ương mang một địa chỉ mới: M316P - BC40E và mỗi khóa có một ký hiệu riêng, Khóa 1: B, Khóa 2: C, Khóa 3: D...

Với tinh thần đánh thắng giặc Mỹ trên mặt trận văn hóa, giáo dục, toàn thể cán bộ đảng viên, giáo viên, công nhân viên và sinh viên đã tập trung sức lực, tự tay phá đồi hoang, rừng rậm, vào rừng lấy gỗ, lấy tre nứa, xây dựng nên hàng trăm công trình lớn nhỏ. Hơn 700 ngôi nhà với 84.000m2 sử dụng đã mọc lên làm thay đổi bộ mặt một vùng nông thôn miền núi.

Giảng đường khu sơ tán Lập Thạch – Vĩnh Phú 1966

Chỉ trong một thời gian ngắn, tại địa điểm sơ tán, nhà trường đã có đầy đủ cơ sở, điều kiện phục vụ cho giảng dạy và học tập như: nhà ở, lớp học, hội trường, nhà ăn, thư viện, bệnh xá, tuy không kiên cố, khang trang nhưng thích hợp với điều kiện sơ tán, phòng không an toàn. Nhờ đó đã đưa nhanh mọi hoạt động của nhà trường vào thế ổn định có nề nếp. Có được những điều đó, tất cả là do công sức của tập thể, không thể không nhắc đến sự đóng góp to lớn của sinh viên khóa II dài hạn của trường. Họ là những người xếp bút nghiên lên đường đi sơ tán đầu tiên, là những người đã miệt mài lao động, tắm mình trong mưa lũ, vượt qua bao gian khó, góp nhiều công sức và mồ hôi để dựng xây lên một “cơ ngơi sơ tán”, tinh thần của những năm học chống Mỹ cũng bắt đầu từ đấy. Trong điều kiện sơ tán gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, về tài liệu, sách báo, tạp chí, thông tin khoa học, điều kiện sinh hoạt... nhưng khí thế thi đua dạy tốt và học tốt của thầy và trò từ những căn hầm, từ những mái nhà tranh vách nứa vẫn bừng lên một niềm kiêu hãnh tự tin. Năm học sơ tán đầu tiên của trường được khai giảng sau những tháng ngày lao động vất vả, khẩn trương.

CBGV, SV đào hào chống mỹ- nơi sơ tán Lập Thạch – Vĩnh Phú

Những năm chống Mỹ, số sinh viên có mặt tại trường ngày một đông lên. Lúc đầu chỉ có khóa 2 dài hạn ở các cụm Trường Xuân - Thành Công (xã Lãng Công), chuyên tu 1, 2, dài hạn 1 vẫn học ở Hà Nội. Sau một thời gian ổn định, khóa 1 chuyên tu 2, khóa 3 cũng được chuyển lên ở tại khu Đoàn Kết và Đạo Nội, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc). Số sinh viên có mặt trong năm học 1965-1966 lên tới 1.471 người. Nhà trường phân tán theo từng khu vực, dàn mỏng trên một tuyến dài gần 20 km qua các điểm: Đồng Quế, Yên Sơn, Đoàn Kết, Đạo Nội, Trường Xuân, Thành Công, Đức Thịnh và Yên Thiết, trong đó khu Đoàn Kết (thuộc xã Lãng Công) là trung tâm của trường. Tình hình đó đòi hỏi nhà trường phải chú ý đến việc củng cố xây dựng cơ sở vật chất, dựa vào sự giúp đỡ của nhân dân địa phương để đảm bảo điều kiện ăn ở, sinh hoạt và phòng không an toàn. Những năm học sơ tán, nhiều thế hệ sinh viên không thể nào quên được hình ảnh của những người mẹ, người chị đã ngày đêm vất vả thức khuya dậy sớm, tận tụy lo lắng từng bát cơm, ngụm nước cho mình như lo cho những đứa con, đứa em trong gia đình. Tình nghĩa sâu nặng của họ đã tăng thêm nguồn sức mạnh động viên tuổi trẻ tài chính kế toán vững bước hành quân trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

Sinh viên luyện tập tại thao trường

Tháng 10/1966 Đại hội Đảng bộ trường lần thứ 2 được triệu tập tại Lập Thạch - Vĩnh Phú. Đại hội Đảng đã xác định nhiệm vụ của trường là: “Phải lấy việc nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng làm nhiệm vụ trung tâm, lấy việc giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên làm gốc, coi việc xây dựng Đảng là một nhiệm vụ có tính chất quyết định để thực hiện yêu cầu dạy tốt, học tốt, sức khỏe tốt, đảm bảo đến mức cao nhất mục tiêu Nhà nước đề ra trong nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế tài chính kế toán. Đại hội cũng chỉ rõ phương hướng là: “Phải làm cho toàn thể cán bộ Đảng viên và sinh viên quán triệt nhiệm vụ cách mạng trong cả nước, nhiệm vụ trong mọi tình huống để thiết thực góp phần tăng cường công tác quản lý tài chính”. Thầy giáo Phạm Thế Phiệt tiếp tục được bầu làm Bí thư Đảng ủy.

Tháng 7/1969, Đại hội Đảng bộ lần thứ 3 của trường được khai mạc tại khu sơ tán Lập Thạch – Vĩnh Phú. Đại hội đã xác định phương hướng và nhiệm vụ của nhiệm kỳ 1969-1970 như sau: Trên cơ sở tăng cường công tác chính trị tư tưởng, công tác xây dựng đội ngũ, ra sức lãnh đạo việc cải tiến chương trình nội dung giảng dạy, cải tiến phong cách dạy và học, mở rộng công tác nghiên cứu khoa học, tăng cường công tác tổ chức, đồng thời quan tâm đúng mức đến việc tổ chức đời sống nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo... chuẩn bị điều kiện để không ngừng nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo, bồi dưỡng cho các năm sau. Đại hội đã bầu lại BCH Đảng bộ, Thầy giáo Phạm Thế Phiệt tiếp tục được bầu lại làm Bí thư Đảng ủy.

Vào đầu năm 1970, khi trường đã dần ổn định về mọi mặt thì tháng 3 năm đó lại được lệnh chuyển khỏi Núi Sáng (Lập Thạch - Vĩnh Phú) đến một địa điểm mới. Theo chủ trương chuyển các trường ra khỏi nội thành của Đảng và Nhà nước, nên trường không được trở về địa điểm ban đầu của mình (Cổ Nhuế - Hà Nội). Trước tình hình đó Đảng ủy - Ban Giám hiệu nhà trường đã xác định quyết tâm, vạch ra kế hoạch, biện pháp thực thi, động viên toàn thể cán bộ, giáo viên và sinh viên vượt qua khó khăn thử thách mới. Tháng 4 năm 1970, nhà trường thành lập Ban Lãnh đạo công tác di chuyển do đồng chí Phạm Thế Phiệt (Hiệu phó – Bí thư đảng ủy) làm trưởng ban. Ban di chuyển đã nhanh chóng vạch ra kế hoạch tổng thể và ngày 13/4/1970, bộ phận tiền trạm của trường đã đến Phúc Yên để thực hiện nhiệm vụ mới.

(Khu vực đồi gai năm 1970)

Vượt lên khó khăn gian khổ, với sức lực của chính mình, ngày 20/8/1970 trường đã trở về Phúc Yên với một khối lượng vật chất vượt quá sức tưởng tượng của mỗi người. Địa điểm mới của trường đặt trên đồi Sứ, đồi Gai, đồi Cấm cách trung tâm thị xã Phúc Yên khoảng 1.500m về phía Tây Bắc. Lúc mới chuyển về đa số giáo viên, sinh viên phải tạm thời ở nhà dân, do đó địa bàn của trường phải trải rộng ra các xã lân cận như: Khả Do, Phúc Thắng, Tiền Châu, Đạo Đức, Xuân Phương... theo chiều dài gần 10km và chiều rộng 5km.

Trong năm học 1970-1971, với sự cố gắng lớn của cán bộ giáo viên và sinh viên, toàn trường đã tự làm lấy lớp học. Văn phòng của các khoa, bộ môn, nhà ở của cán bộ, giáo viên và sinh viên bằng tranh tre, nứa, lá từ nơi sơ tán chuyển về trường đã xây dựng được gần 600 gian nhà ở, nhà bếp, hội trường tại 6 khu vực: khu hiệu bộ ở thị xã Phúc Yên, khu tập thể cho khóa Tài vụ ở Đạm Nội, khoa Kế toán ở Xuân Phương và khoa Ngân hàng ở Đạo Đức. Nhưng cho đến hết năm học 1970-1971, vẫn còn 1.000 sinh viên đang phải ở nhà dân, nên có nhiều nề nếp cũ đã bị xáo trộn, ảnh hưởng không ít đến tâm tư suy nghĩ của cán bộ, sinh viên cũng như trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của trường.

Thanh niên xung kích trong chống lũ năm 1971 – Phúc Yên

Giữa lúc thầy trò nhà trường đang ngổn ngang bề bộn những công việc thì mùa hè năm 1971, ở miền Bắc đã xảy ra trận lụt lớn chưa từng có từ hàng trăm năm nay, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Cán bộ, giáo viên và sinh viên của trường được về để khắc phục hậu quả lũ lụt giúp dân. Tập thể nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình và đã được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Uỷ ban Nông nghiệp, Uỷ ban Hành chính các tỉnh tặng nhiều bằng và giấy khen.

Tháng 11 năm 1974, Đại hội Đảng bộ lần thứ tư của trường được tổ chức. Đại hội đã xác định và chỉ rõ nhiệm vụ chính trị cơ bản của trường là: “Đào tạo và bồi dưỡng với quy mô lớn và tốc độ nhanh đội ngũ cán bộ tài chính kế toán có trình độ đại học và trên đại học, có trình độ lý luận, có kiến thức về tổ chức quản lý nghiệp vụ chuyên môn, có sự hiểu biết về kinh tế kỹ thuật, tiến lên đủ sức giải quyết những vấn đề kinh tế tài chính theo nghiệp vụ, chức năng của ngành tài chính, đồng thời tiến hành nghiên cứu khoa học và kết hợp học tập, giảng dạy nghiên cứu khoa học với phục vụ theo yêu cầu tăng cường công tác quản lý kinh tế tài chính nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ của Đảng và Nhà nước”. Đại hội đã bầu thầy giáo Nguyễn Quang Long là Bí thư Đảng ủy.

(Tài liệu tham khảo: Lịch sử 40; 50; 55 năm xây dựng và phát triển Học viện tư liệu phòng truyền thống Học viện)

Ban tuyên giáo Văn thể Công đoàn Học viện
Số lần đọc: 10461

Danh sách liên kết