Tìm
English
Thứ năm, 24/11/2016 - 13:14

Học viện Tài chính tham gia tọa đàm “Thực trạng và chủ trương, chính sách phát triển thị trường khoa học và công nghệ” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức
Sáng ngày 18-11-2016, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Thực trạng và chủ trương, chính sách phát triển thị trường khoa học và công nghệ”. Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Dự khuyết Trung ương, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì buổi tọa đàm. Tọa đàm có sự tham dự của hơn 20 đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học thuộc Học viện Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp KH&CN cùng đại diện các vụ, đơn vị của Ban Kinh tế Trung ương.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Dự khuyết Trung ương, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

phát biểu khai mạc buổi tọa đàm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Dự khuyết Trung ương, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực hoàn thiện thị trường khoa học công nghệ, hoạt động giao dịch cũng đã bắt đầu có chiều hướng tích cực. Tiềm năng, năng lực của chúng ta đã có nền tảng nhất định nên việc trao đổi, buôn bán KH&CN đã có những dấu hiệu tích cực.

Đồng chí Lê Hồng Huyên, Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương phát biểu đề dẫn

Đồng chí cho rằng, trong sự phát triển kinh tế hiện nay thì việc phát triển khoa học công nghệ đã có dấu hiệu tích cực, nhưng vẫn chưa phát triển xứng tầm với sự phát triển của đất nước. Chúng ta phải đặt ra nhiều câu hỏi để trả lời cho việc: phải chăng hệ thống phát luật chưa có sự khích lệ để phát triển thị trường đặc biệt này? Đội ngũ doanh nhân của chúng ta vẫn chưa thật sự tập trung vào nghiên cứu KH&CN? Các tổ chức trung gian cũng chưa phát huy, là chỗ dựa cho các hoạt động này. Đồng chí mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tham dự buổi tọa đàm đưa ra những ý kiến để phát triển thị trường khoa học và công nghệ, lựa chọn các vấn đề cốt lõi để trao đổi, nêu bật được định hướng trong thời gian tới, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

TS. Ngô Thanh Hoàng, Học viện Tài chính phát biểu ý kiến tham luận

Phát biểu ý kiến tham luận, TS. Ngô Thanh Hoàng, Học viện Tài chính cho rằng, có một vấn đề bất cập hiện nay ở Việt Nam là sản phẩm khoa học công nghệ vẫn còn nằm trong ngăn kéo, chưa đi vào cuộc sống, việc đưa sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ vào thị trường thực đang khó khăn, khiến cho thị trường KH&CN nước ta kém sôi động. 

Th.S Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp,

Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tham luận

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học cùng đồng tình với quan điểm: cần các giải pháp đồng bộ về thể chế, pháp luật cũng như điều kiện về tài chính và nền tảng hỗ trợ từ các doanh nghiệp. Trong tham luận của mình, Th.S Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, bất cập hiện nay là thiếu các chương trình hỗ trợ để các nhà khoa học đưa sản phẩm nghiên cứu ra thị trường. Hầu hết các sản phẩm hiện nay là sản phẩm của phòng thí nghiệm chứ chưa ứng dụng thực tiễn được. Vì vậy cần có các chính sách cũng như chương trình để xác lập quyền bảo vệ, hợp chuẩn hợp quy, định giá công nghệ để cấp quyền đưa ra thị trường. Nếu chúng ta không gỡ bất cập này thì không thể phát triển thị trường công nghệ được. Theo ông Nghiệm, hiện tại đang có xung đột lợi ích trong phát triển thị trường KH&CN, cụ thể là giữa các nhà khoa học và tổ chức khoa học, cần phải có cơ chế và mô hình cụ thể để tháo nút thắt này để khai thác được thế mạnh của các tổ chức KH&CN. Một vấn đề khác vị Phó Cục trưởng nêu ra là phải chăng chúng ta để các thị trường khác phát triển bong bóng nên hút hết các nguồn lực xã hội, dẫn đến thị trường KH&CN nhận được sự thiếu quan tâm của các nhà đầu tư. Công tác truyền thông cũng cần được quan tâm để người tiêu dùng không quay lưng lại với sản phẩm công nghệ "made in Vietnam".

ThS. Lê Thị Khánh Vân, nguyên Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia phát biểu tham luận

Thảo luận tại tọa đàm, ThS. Lê Thị Khánh Vân, nguyên Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã hệ thống lại định nghĩa, khái niệm về thị trường KH&CN, các tổ chức trung gian, quy trình chuyển giao công nghệ cũng như hoạt động xúc tiến cung cầu công nghệ. Theo bà Vân, hiện nay, có một vấn đề bất cập là nhiều doanh nghiệp không sử dụng được các hệ thống công nghệ nhập từ nước ngoài về, do đó cần đổi mới công nghệ, tìm các nhà tư vấn để có thể sử dụng KH&CN để xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế. Bà Vân cho rằng, chúng ta cần quan tâm phát triển mô hình hội chợ khoa học công nghệ Techmart để tất cả các bên đều thu được lợi ích. Các doanh nghiệp có thể tiếp cận nhiều công nghệ và chủng loại khác nhau của nhiều nhà cung cấp, các nhà khoa học tìm được thị trường mới cho công nghệ của mình còn các nhà quản lý sẽ hiểu rõ hơn điểm yếu cần khắc phục. Cũng theo bà Lê Thị Khánh Vân, các nhà khoa học khi nghiên cứu sản phẩm cũng cần điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế hơn.

ThS Trần Hồng Lan, Phó cục trưởng Cục ứng dụng và phát triển công nghệ, Bộ KH&CN phát biểu ý kiến

Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã tập trung thảo luận những vấn đề lý luận và thực tiễn tập trung vào các chủ đề: "thực trạng thị trường khoa học và công nghệ ở Việt Nam"; "hoạt động quản lý nhà nước về phát triển thị trường khoa học và công nghệ"; "thực trạng và giải pháp về nguồn cung và nhu cầu công nghệ trên thị trường" … Các ý kiến thảo luận đã nêu ra thực trạng, tồn tại và đưa ra các giải pháp để phát triển loại thị trường đặc thù này. Các đại diện doanh nghiệp cũng trao đổi về tình hình thực tế của nghiên cứu ứng dụng KH&CN trong sản xuất kinh doanh.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Phát biểu kết luận tọa đàm, đồng chí Phó Trưởng Ban Ngô Đông Hải cảm ơn các đại biểu, các chuyên gia, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp đã có những ý kiến phát biểu sâu sắc, thể hiện nhiều khía cạnh của vấn đề phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Đồng chí nhấn mạnh, cần tập trung tạo lập cơ chế kích cầu, hướng đến khâu cầu mạnh hơn, chuyển giao, định giá, đánh giá về các nghiên cứu KH&CN. Đồng chí khẳng định, những ý kiến tại tọa đàm rất bổ ích cho Ban Kinh tế Trung ương đưa vào các sản phẩm tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, để có tiếng nói phù hợp với các bộ, ngành Trung ương. Đồng chí mong rằng trong thời gian tới, không chỉ phát triển KH&CN mà còn giải quyết các mô hình điển hình, từ đó lan tỏa và kích cầu thị trường KH&CN phát triển tốt. 

Trang TTĐT Ban Kinh tế Trung ương
Số lần đọc: 2033

Danh sách liên kết