Tìm
English
Thứ sáu, 04/01/2019 - 20:18

Thế giới tiếp thị online đưa tin: Lạm phát năm 2019 sẽ thấp hơn so với năm 2018
(TGTTO) - TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính đã nhận định như vậy tại Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả năm 2018 và dự báo năm 2019, do Học viện Tài chính tổ chức sáng 3/1 tại Hà Nội.

PGS., TS. Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính - phát biểu khai mạc

hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả năm 2018 và dự báo năm 2019

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, với việc giá dầu giảm mạnh, lạm phát tháng 12/2018 so với cùng kỳ năm trước đã chỉ còn ở mức 2,98%, giảm mạnh so với mức 3,89% trong tháng 10/2018. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc đảm bảo kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2019, bởi mức khởi điểm của lạm phát trong tháng đầu năm 2019 nhiều khả năng cũng sẽ ở mức dưới 3% sau khi Liên bộ Tài chính – Công thương quyết định điều chỉnh giảm giá xăng dầu khoảng 500 đồng/lít.

“Mức lạm phát thấp so với cùng kỳ của tháng đầu năm 2019 sẽ có tác động tích cực đến lạm phát cùng kỳ của tất cả các tháng trong năm cũng như lạm phát trung bình của cả năm 2019. Trên thực tế, việc kiềm chế lạm phát trong năm 2019 không chỉ thuận lợi do giá dầu giảm mà còn do nhiều yếu tố khác” - TS. Nguyễn Đức Độ nói.

Theo TS. Độ, yếu tố đầu tiên giúp kiềm chế lạm phát trong năm tới là giá thịt lợn sau khi đã đạt mức trên 50 nghìn đồng/kg (thuộc hàng cao nhất thế giới) đã chững lại. Yếu tố thứ hai, dự báo tỷ giá trong năm 2019 sẽ thấp hơn so với 2018, bởi kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại và lộ trình tăng lãi suất của FED cũng đang ở giai đoạn cuối, dẫn đến nhu cầu đối với đồng USD sẽ không còn mạnh như trước.

Một yếu tố khác nữa là những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang có chiều hướng dịu bớt. “Có thể thấy, cả 3 yếu tố khiến cho lạm phát những tháng đầu năm 2018 tăng mạnh đều được dự báo giảm hoặc ổn định hơn trong năm 2019. Kịch bản trung bình là lạm phát sẽ tăng khoảng 0,14% tháng (chưa tính điều chỉnh giá điện, giá dịch vụ y tế và giáo dục), tương đương với mức tăng của lạm phát cơ bản trong năm 2018” – TS. Độ phân tích.

Cũng theo TS. Độ, với mức tăng này, lạm phát cùng kỳ tháng 12/2019 sẽ ở mức khoảng 1,7% và lạm phát trung bình sẽ chỉ ở mức trên 2%. Trong kịch bản thấp, giá dầu tiếp tục giảm và tỷ giá VND/USD chỉ tăng 1%, lạm phát cùng kỳ của tháng 12/2019 có thể chỉ ở mức 1% và lạm phát trung bình cả năm 2019 chỉ ở mức 2,5%.

“Với kịch bản cao, giá xăng dầu tăng mạnh trở lại và tỷ giá có mức tăng tương đương với mức tăng của năm 2018, đồng thời Chính phủ vẫn điều chỉnh giá dịch vụ theo lộ trình, lạm phát trung bình cả năm 2019 sẽ vẫn thấp hơn mức 3,54% của năm 2018” – TS. Độ nhận định.

Đánh giá về công tác kiểm soát lạm phát trong năm qua, PGS.TS Ngô Trí Long, Chuyên gia Kinh tế cho rằng, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) năm 2018 so với năm 2017 tăng 1,48%. Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ CPI bình quân năm 2018 dưới 4% đã đạt được trong bối cảnh điều chỉnh được gần hết giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý đặt ra trong năm 2018.

“Năm 2018, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá chủ yếu từ việc tăng giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục” – PGS. Ngô Trí Long phân tích.

Cũng theo đánh giá của PGS. Ngô Trí Long, trong năm 2018, tỷ giá chịu áp lực chủ yếu từ hàng loạt yếu tố bất lợi từ thị trường quốc tế như đồng USD tăng giá trên thị trường quốc tế trước sự kỳ vọng về lộ trình tăng lãi suất của FED. Căng thẳng thương mại toàn cầu diễn biến phức tạp, đồng Yên Nhật mất giá mạnh. Một số đồng tiền của quốc gia mới nổi mất giá mạnh đã tác động mạnh đến tâm lý thị trường. Tuy nhiên đến cuối năm 2018, tỷ giá Việt Nam vẫn duy trì xu hướng ổn định, dao động trong biên độ 3%.

Dự báo và đưa ra những giải pháp kiểm soát lạm phát năm 2019, PGS. Ngô Trí Long cho rằng, còn quá sớm để hân hoan với thành tựu kinh tế năm 2018 là sự tăng trưởng GDP 7,08%. Bởi con số ấy vẫn không thể làm mờ đi nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn hiện hữu. 

“Theo kết quả xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018, chỉ số năng lực cạnh tranh  4.0 của Việt Nam giảm 4 bậc (từ 74 xuống vị trí 77). Đáng chú ý, 7/12 trụ cột giảm điểm. Có thể nói, Việt Nam đang tụt lại đăng sau các nước Asean về năng lực cạnh tranh 4.0” – ông Long thẳng thắn chỉ ra.

Cũng theo PGS. Long, trong năm 2019, giữ lạm phát khoảng 4% cũng là một thách thức không nhỏ, nếu không kịp thời có những giải pháp để vượt qua thì khó khăn sẽ đè nặng lên nền kinh tế trong năm nay. 

Theo đó, PGS. Long cho rằng cần tập trung tăng cường năng lực, chủ động, phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, tài chính, giá cả thế giới, trong nước để chủ động có đối sách phù hợp và kịp thời. Tăng cường công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước, thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý nợ động thuế và triển khai hóa đơn điện tử. 

Ngoài ra, phải triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách Nhà nước dành nguồn lực cho đầu tư phát triển; Tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, kiểm soát các chỉ tiêu nợ công…

Đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động và nâng cao chất lượng đầu tư, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Phát huy vai trò trách nhiệm và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tập trung giải pháp để xử lý các dự án thua lỗ…

Thế giới tiếp thị online
Số lần đọc: 396

Danh sách liên kết