Chuyên mục

Ảnh hoạt động
Ảnh-25-04-2022-15-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Hoisach20220

Thứ ba, 24/09/2019 - 8:45

Liên hiệp thư viện - mô hình phát triển bền vững cho thư viện Việt Nam

1. Đặt vấn đề

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động liên hiệp thư viện (LHTV) trên thế giới, chúng ta không thể phủ nhận việc LHTV mang lại lợi ích to lớn cho cả thư viện và bạn đọc. Tuy nhiên, hoạt động LHTV ở Việt Nam xuất phát điểm khá muộn và vẫn còn rất mờ nhạt. Bài viết tập trung mô tả hiện trạng LHTV ở Việt Nam, phác thảo một số thông tin về các hình thức LHTV ở các nước trên thế giới và một số giải pháp phát triển các mô hình hợp tác, LHTV ở Việt Nam.

2. Giới thiệu liên hiệp thư viện

LHTV là nhóm từ 2 thư viện trở lên phối hợp thực hiện một hoặc một số hoạt động nghề nghiệp thư viện như: phát triển vốn tài liệu, tập huấn nhân lực, mượn liên thư viện, chia sẻ mô tả tài liệu… Tác giả Kopp cho rằng thời gian chính xác xuất hiện thuật ngữ LHTV thì chưa rõ, nhưng các tài liệu học thuật đã chỉ ra khái niệm này không phải là mới. Nó được cho là sự liên hiệp, sự hợp tác hoặc sự phối hợp giữa các thư viện, thường là phục vụ mục đích chia sẻ các nguồn tài nguyên thông tin. LHTV là hình thức bắt đầu phổ biến trong lĩnh vực thư viện từ những năm 60 của thế kỷ XX và hoạt động này đã phát triển mạnh mẽ với nhiều mô hình và hoạt động liên hiệp khác nhau [6]. Về mô hình, có thể là liên hiệp giữa các thư viện học thuật trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố hoặc liên hiệp giữa các thư viện công cộng ở một khu vực địa lý, hay liên hiệp giữa các thư viện phổ thông trung học, thậm chí còn có mô hình phối hợp giữa các thư viện học thuật, thư viện công cộng và thư viện phổ thông trung học. Về hoạt động liên hiệp thì tuỳ theo sự đồng ý liên hiệp giữa các thư viện, có thể bao gồm một hoặc nhiều các hoạt động phổ biến như: chia sẻ biểu ghi thư mục mô tả tài liệu thống nhất, mượn liên thư viện, phát triển bộ sưu tập in ấn, mua quyền dùng chung các cơ sở dữ liệu (CSDL) tạp chí khoa học hoặc sách điện tử, tập huấn kiến thức nghề nghiệp cho người làm thư viện… và chia sẻ các dịch vụ thư viện.

LHTV là để thoả mãn nhu cầu phát triển của các thư viện thành viên và quảng bá nghề nghiệp thư viện. Tham gia liên hiệp, thư viện thành viên có thể khắc phục những hạn chế, vượt qua thách thức và hội nhập với sự phát triển của xã hội. Mục tiêu cuối cùng là để thoả mãn tối đa nhu cầu ngày càng phát triển của bạn đọc. Nếu các thư viện hợp tác bổ sung tài liệu và mượn liên thư viện thì bộ sưu tập tài liệu in ấn của tất cả thư viện thành viên sẽ có quy mô lớn hơn, đa dạng hơn và độc đáo hơn gấp nhiều lần bộ sưu tập của từng thư viện thành viên sở hữu. Một nghiên cứu của Byerly được thực hiện năm 1996 về các thư viện học thuật ở Ohio (Mỹ) đã chứng minh cho điều này: 31 thư viện ở Ohio giữ 5,7 triệu tên tài liệu trong đó trung bình mỗi thư viện chỉ giữ khoảng 23% tên tài liệu trên tổng số 5,7 triệu [8]. Như vậy cho thấy nếu liên hiệp giữa các thư viện lại với nhau thì bạn đọc có thể khai thác tới 5,7 triệu tên tài liệu mà không thể có một thư viện riêng lẻ nào ở Ohio có thể sở hữu hết. Rõ ràng liên hiệp giúp bạn đọc khai thác được nhiều tên tài liệu khác nhau và giúp các thư viện thành viên thích ứng được thách thức của sự phát triển theo cấp số mũ của các nguồn tài liệu hiện nay mà nguồn kinh phí bổ sung của mỗi thư viện thành viên thì hạn hẹp. Một vấn đề khác, ngày nay với sự phát triển của tài liệu dạng điện tử và sự “làm giá” của các nhà cung cấp thì LHTV trong việc mua quyền dùng chung các CSDL tạp chí khoa học hay sách điện tử là giải pháp hữu hiệu để đa dạng nguồn tài liệu và tăng sức mạnh thương lượng của các thư viện với các nhà cung cấp cũng như các nhà xuất bản tài liệu điện tử.

3. Thực trạng liên hiệp thư viện ở Việt Nam

Việc xác định chính xác thời gian phôi thai hoạt động LHTV ở Việt Nam thì chưa có tài liệu nào nghiên cứu. Trong bài viết này, chúng tôi tạm dựa vào cơ sở hình thành Hội Thư viện Việt Nam năm 2006 [1]. LHTV Việt Nam về nguồn tin khoa học và công nghệ do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NASATI) khởi xướng được thành lập năm 2004 [3]. LHTV các trường đại học phía Nam, nay là VILASAL được thành lập năm 2001 [2]. Gần đây, năm 2013 hệ thống 7 thư viện các trường đại học thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQGTPHCM) triển khai dịch vụ mượn liên thư viện tài liệu in ấn và cấp tài khoản cho bạn đọc truy cập tài liệu điện tử [9]. Năm 2010, Trung tâm Học liệu Đại học Cần Thơ (LRC) tổ chức chia sẻ nguồn tài liệu điện tử nội sinh bằng cách cấp tài khoản truy cập cho bạn đọc một số trường cao đẳng và đại học ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Năm 2013, LRC liên kết với Thư viện trường Đại học Alberta - Canada để khai thác tạp chí khoa học do trường này mua quyền truy cập và tập huấn chia sẻ kiến thức chuyên môn cho người làm thư viện giữa 2 bên. Khoảng năm 2007 trở lại đây, 3 thư viện gồm Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), Thư viện ĐHQGTPHCM và LRC tham gia Mạng LHTV thuộc mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUNILO). Nhìn chung, hoạt động LHTV ở Việt Nam còn khá mới mẻ, nhưng các LHTV đã đóng góp những giá trị nghề nghiệp đáng kể về chia sẻ kiến thức nghề nghiệp, chia sẻ các nguồn tài liệu điện tử nội sinh và mua quyền dùng chung các CSDL tạp chí khoa học.

Bên cạnh những kết quả đạt được, LHTV ở Việt Nam cũng còn ở quy mô nhỏ và chưa đa dạng hoạt động liên hiệp. Các Hội nghề nghiệp chủ yếu tổ chức tập huấn và hội thảo. LHTV đã hoạt động hơn 10 năm, sau vài thay đổi bổ sung một hoặc hai CSDL, đến năm 2009 mua quyền dùng chung CSDL Proquest Central, năm 2011 NASATI chia sẻ CSDL Tài liệu khoa học công nghệ Việt Nam và Kết quả nghiên cứu [3], đến năm 2014 mua thêm CSDL Credo. Các thư viện thành viên tham gia Liên hiệp cũng có sự dao động theo hướng giảm về mặt số lượng. Có thể nói, việc LHTV ở Việt Nam còn mang tính “bảo thủ” dẫn đến hoạt động liên hiệp chưa trở thành hình thức phổ quát trong tất cả các loại hình thư viện ở Việt Nam. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này từ một số trở ngại như: Thứ nhất, về công nghệ trong quản trị thư viện chưa có tính đồng bộ; Thứ hai, về nhân lực khi tham gia LHTV cần có nhân viên tham gia tích cực vào các hoạt động liên hiệp mà nhân lực thư viện thì thường trong tình trạng “thừa và thiếu”; Tiếp nữa là quan điểm liên hiệp, các thư viện lớn ngại liên hiệp với các thư viện nhỏ vì phải gánh vác sự hỗ trợ nhiều cho các thư viện nhỏ và xét về mặt lợi ích thì các thư viện lớn thường cho rằng họ không nhận được lợi ích từ các thư viện nhỏ khi tham gia liên hiệp; ngân sách hoạt động của các thư viện quá eo hẹp cũng là một trở ngại, nhiều thư viện, đặc biệt thư viện các trường cao đẳng kinh phí bổ sung hàng năm chỉ trên dưới 30 triệu đồng/ năm, do đó, các hoạt động tham gia liên hiệp cũng chỉ dừng lại ở việc tham gia tập huấn chuyên môn một hoặc hai lần/ năm ở trong nước; Một vấn đề quan trọng là tổ chức quản trị LHTV, các Hội nghề nghiệp thư viện có thành lập Ban Chấp hành điều hành hoạt động của Hội, đại diện là các Giám đốc từ các thư viện thành viên, LHTV chưa thành lập Ban Chấp hành là đại diện từ các thư viện thành viên, chỉ có NASATI làm đại diện thực hiện thương lượng với các nhà cung cấp về mua quyền truy cập các CSDL và các thư viện thành viên đóng phí theo quy mô thư viện. Mô hình này hiện nay rất ít được thực hiện trên thế giới vì có hạn chế là các thư viện thành viên chưa nói lên được nhu cầu thực tế của thư viện mình và chưa trực tiếp tham gia quá trình thương lượng với các nhà cung cấp. Một vấn đề khác, nhu cầu bạn đọc khi truy cập các nguồn tài liệu trực tuyến phần lớn vẫn thích sử dụng tài khoản để truy cập từ xa, tuy nhiên các nhà cung cấp thường chỉ cho phép truy cập theo địa chỉ IP (Internet protocol) của một nhóm máy tính cụ thể. Thực tế, trong LHTV thì các thư viện thành viên tham gia chỉ khai thác Proquest Central và Credo theo địa chỉ IP. Tuy nhiên, bạn đọc đăng ký dịch vụ bạn đọc đặc biệt của NASATI để khai thác các CSDL thì được cấp tài khoản khai thác CSDL ở bất kỳ đâu có kết nối Internet, điều này có sự khác biệt quyền lợi giữa bạn đọc của các thư viện thành viên tham gia LHTV và bạn đọc của NASATI.

4. Một số mô hình liên hiệp thư viện trên thế giới

Trường và viện nghiên cứu ký kết hợp tác với nhau, các thư viện là một bộ phận trong ký kết hợp tác giữa các viện nghiên cứu và trường, ví dụ như Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á thì AUNILO là điển hình một bộ phận liên hiệp hoạt động bắt buộc các thư viện thuộc các trường thành viên phải tham gia.

Cơ quan chính phủ đứng ra tổ chức thành lập mạng LHTV, ví dụ mô hình của Bộ Phát triển nguồn nhân lực của Ấn Độ thành lập mạng liên hiệp INDEST. Bộ này cung cấp nguồn tài chính để đăng ký quyền truy cập 15 CSDL tạp chí khoa học uy tín trên thế giới cho 38 viện nghiên cứu và trường đại học ở Ấn Độ [7].

Các thư viện thành lập mạng liên hiệp, mô hình này rất phổ biến trên thế giới do các thư viện chủ động thành lập trên cơ sở có một số điểm tương đồng về vị trí địa lý hoặc loại hình thư viện, ví dụ, Mạng LHTV các trường đại học thuộc ĐHQG

TPHCM; ThaiLIS là mạng liên hiệp biên mục tài liệu trực tuyến của các thư viện học thuật ở Bangkok [7]; Liên thư viện học thuật Bắc Kinh [5].

Mô hình liên hiệp đa thư viện là liên hiệp giữa nhiều loại hình thư viện trong một LHTV, ví dụ như Mạng LHTV Alberta - Canada gồm thư viện trường học và thư viện thành phố thuộc tỉnh Alberta [4]; LHTV do NASATI khởi xướng thu hút nhiều loại hình thư viện tham gia, gồm có thư viện các trường cao đẳng, đại học, viện nghiên cứu và thư viện công cộng. Hiện tại, dịch vụ của OCLC đang thâm nhập vào thị trường thư viện Việt Nam là một ví dụ điển hình cho các loại hình thư viện ở Việt Nam có thể tham gia vào CSDL thư mục toàn cầu của OCLC vượt ngoài phạm vi quốc gia để thực hiện dịch vụ chia sẻ biểu ghi thư mục, tìm kiếm được nhiều nguồn tài liệu trực tuyến trên thế giới và mượn liên thư viện giữa nhiều loại hình thư viện.

Đa liên hiệp là hình thức LHTV mà một thư viện có thể tham gia nhiều mạng LHTV khác nhau vượt ra ngoài phạm vi loại hình thư viện và địa giới hành chính tỉnh, thành phố mà thư viện đó đang cư trú. Đây là xu hướng phát triển của LHTV hiện nay trên thế giới. Ví dụ, LRC vừa là thành viên của VILASAL, vừa hợp tác với Thư viện Đại học Alberta và vừa là thành viên của AUNILO.

Tổ chức quản trị điều hành mạng LHTV trên thế giới là hoạt động được tổ chức bài bản ở các LHTV trên thế giới. Hầu hết tất cả các mạng liên hiệp đều thành lập Ban Điều hành gồm đại diện là Giám đốc của các thư viện thành viên hoặc nếu mạng liên hiệp với quy mô lớn thì sẽ bầu Ban Điều hành với một số lượng nhất định các thành viên từ Giám đốc đại diện cho các thư viện thành viên. Ban Điều hành có trách nhiệm lập kế hoạch và điều hành các hoạt động liên hiệp, đôi khi có mạng liên hiệp thuê Giám đốc điều hành và nhân viên văn phòng để theo dõi thực hiện các hoạt động của mạng liên hiệp và báo cáo với các Giám đốc thư viện thành viên. Điểm đặc biệt là các thương lượng với nhà cung cấp các nguồn tài liệu đều phải thương lượng chung với Ban Điều hành, vì đó là lợi ích chung của tất cả các thư viện thành viên. 

5. Giải pháp phát triển liên hiệp thư viện ở Việt Nam

LHTV là một trong những giải pháp trọng yếu nhất cho các thư viện Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở thực tiễn LHTV Việt Nam và những kinh nghiệm phát triển LHTV trên thế giới, bài viết đưa ra một số giải pháp như sau:

Quan điểm thành lập LHTV: Các thư viện khi chuẩn bị đàm phán tham gia hoặc thành lập LHTV nên có quan điểm tất cả thư viện thành viên đều có lợi ích cho sự phát triển thư viện trong kỷ nguyên số ngày nay, dù là quy mô thư viện lớn hay nhỏ, đặt mục tiêu cao nhất tham gia liên hiệp là vì thoả mãn nhu cầu của bạn đọc ngày càng phát triển.

Tiếp tục duy trì và phát triển các hoạt động của các hình thức LHTV hiện có, các Hội nghề nghiệp và Liên hiệp tiếp tục phát triển đa dạng các hoạt động để thu hút thêm nhiều thư viện tham gia, thúc đẩy phát triển sự nghiệp thư viện Việt Nam hội nhập với thế giới, ví dụ có thể triển khai: thư mục trực tuyến dùng chung, đăng ký quyền truy cập các CSDL tạp chí khoa học, tổ chức mượn liên thư viện giữa các thư viện thành viên, trao đổi người làm thư viện làm việc ngắn hạn để học tập kinh nghiệm lẫn nhau, chia sẻ truy cập tài liệu nội sinh dạng điện tử.

Phát triển LHTV đa dạng, đó chính là các thư viện cần mạnh dạn chủ động thành lập hoặc tham gia liên hiệp giữa các thư viện trong và ngoài nước, tuỳ theo nhu cầu và mục tiêu phát triển của thư viện mình.

Các Hội nghề nghiệp và các thư viện đầu ngành đóng vai trò quan trọng và chủ động phối hợp tác động đến các cơ quan chính phủ để hỗ trợ tài chính thành lập các mạng liên hiệp mua quyền truy cập tài liệu khoa học trực tuyến và phát triển các hoạt động liên hiệp.

Quản trị mạng LHTV, nên tổ chức Ban Điều hành để các Giám đốc thư viện có tiếng nói chung nhằm tăng sức mạnh thương lượng với các nhà cung cấp cũng như lập kế hoạch, điều hành và đánh giá các hoạt động liên hiệp.

Vấn đề công nghệ quản trị thư viện cần có sự đồng bộ, các thư viện nên có sự chuẩn bị các ứng dụng công nghệ theo hướng chuẩn hoá và tích hợp.

Các thư viện nên chủ động tìm kiếm khai thác các nguồn tài liệu khoa học trực tuyến (ví dụ: DOAR, Open library, VINAREN, VJOL) được đăng ký khai thác miễn phí để giới thiệu đến bạn đọc trong khi chờ đợi có sự “phân bổ” từ các tổ chức và chính quyền các cấp để phát triển các nguồn tài liệu. Nhiều nguồn tài liệu dạng này cũng có hàm lượng khoa học cao, được thẩm định chuyên môn rõ ràng và có chỉ số tác động tạp chí khoa học (impact factor) cao.

Về phía các nhà xuất bản và nhà kinh doanh tài liệu cần cân nhắc về lợi ích để đề xuất những mức giá hợp lý cho các thư viện. Hoạt động kinh doanh của các nhà xuất bản và nhà kinh doanh có thể nói là “trí tuệ của trí tuệ”. Nhà khoa học tạo ra sản phẩm tri thức, vì muốn đăng bài cho mục đích phát triển uy tín học thuật, đôi khi phải trả tiền cho nhà xuất bản. Khi các nhà xuất bản tổ chức lại thông tin để đưa ra thị trường kinh doanh và khi đó nếu nhà khoa học muốn sử dụng thì cũng phải trả tiền. Thư viện tìm nguồn tài liệu phục vụ cho các nhà khoa học nghiên cứu để tạo ra sản phẩm tri thức, những sản phẩm này cũng đến tay nhà xuất bản để kinh doanh ra thị trường. Do đó, nhà xuất bản và nhà kinh doanh cân nhắc lợi nhuận trong giá cả phù hợp cho các thư viện là điều hợp lý.

6. Kết luận

LHTV mang lại nhiều lợi ích to lớn cho thư viện và bạn đọc. Đặc biệt, trong điều kiện ở Việt Nam không gian địa lý không quá rộng lớn, quy mô các thư viện chủ yếu nhỏ và vừa, tài chính hoạt động eo hẹp, nhân lực “thừa và thiếu”, công nghệ quản trị thư viện chưa đồng bộ thì LHTV là giải pháp phát triển bền vững cho các thư viện Việt Nam giảm thiểu những khác biệt, hội nhập thế giới và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc số. Chúng ta thử nghĩ, nếu bạn đọc chỉ cần truy cập vào một cổng tra cứu có thể tìm thấy tất cả nguồn tài liệu in ấn đang có trong các thư viện ở Việt Nam và tất cả các nguồn tài liệu điện tử nội sinh của các cơ quan nghiên cứu thì uy tín ngành Thư viện sẽ lan toả mạnh mẽ trong xã hội và lợi ích lớn nhất chính là từ bạn đọc, phục vụ cho sự phát triển của xã hội.  

ThS. Nguyễn Hoàng Vĩnh Vương

Giám đốc Trung tâm Học liệu, Đại học Cần Thơ

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam.

Số lần đọc: 3406
Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức  |  Ảnh hoạt động  |  Hỏi đáp  |  Gửi yêu cầu  |  Trang TT HVTC
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THƯ VIỆN
© Cơ quan chủ quản: Học viện Tài chính
Địa chỉ: Học viện Tài chính, Phường Đức Thắng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Điện thoại:
E-mail: thuvien@hvtc.edu.vn
Website: http://www.hvtc.edu.vn/thuvien
Phát triển bởi Công ty TNHH Phần mềm Hoàng Hà