Học viện Tài chính
Sức hút của ngành học liên quan đến logistic tại các trường đại học đang tương ứng với tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo báo cáo của ResearchAndMmarket.com, quy mô thị trường logistics toàn cầu ước tính đạt 3.215 tỷ USD vào năm 2021, tăng 17,6% so với năm 2020.
Bắt nhịp với đà tăng trưởng đó, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành đạt 14-16%.
Dựa trên báo cáo logistic Việt Nam quý 3 năm 2022, VIRAC Research - chuyên cung cấp các báo cáo nghiên cứu, phân tích chuyên sâu về các ngành kinh tế cho khách hàng trong nước và nước ngoài dự báo quy mô ngành logistic Việt Nam sẽ đạt khoảng 53 tỷ USD vào năm 2022, tăng 15% so với năm 2021. Quy mô ngành logistic Việt Nam cũng được dự báo sẽ đạt mốc 61 tỷ USD vào năm 2023.
Theo bảng xếp hạng Agility 2022, thị trường logistic Việt Nam được xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Riêng về "cơ hội logistics quốc tế", Việt Nam đứng vị trí thứ 4, do vị thế ngày càng tăng như điểm đến cho các công ty muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistic được Cơ quan Quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC cấp phép).
Cùng với hội nhập sâu rộng và đà phục hồi Covid-19, ngành logistics Việt Nam có nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển, đưa xuất, nhập khẩu trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam đều tăng trưởng trong 4 năm trở lại đây. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 723 tỷ USD. Con số này phá vỡ kỷ lục đã được thiết lập vào năm 2021, 668 tỷ USD.
Với sức tăng trưởng, cùng mục tiêu trở thành "hub logistics" mới của khu vực, Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam dự báo đến năm 2030, ngành logistics nước ta cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực, cũng như có nhu cầu khoảng 200.000 nhân lực logistics chất lượng cao có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, có kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ.
Nhu cầu nhân sự cao nhưng khi được hỏi về mức độ sẵn có của nhân lực logistics trên thị trường lao động, các doanh nghiệp đều cho biết chỉ đạt mức dưới trung bình. Đặc biệt các vị trí quản trị cấp cao và cấp trung đều có mức độ sẵn có trên thị trường khá thấp. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn với công tác tuyển dụng.
Theo Báo cáo Logistics năm 2021, nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc tuyển dụng nhân lực logistics khó khăn đa phần liên quan đến trình độ của người lao động.
Theo đó, nguyên nhân liên quan đến lao động thiếu kiến thức và kỹ năng chuyên môn, lao động thiếu đam mê công việc, lao động hạn chế về trình độ ngoại ngữ là cản trở lớn trong việc tuyển dụng đối với ngành này.
Việc chất lượng lao động của ngành logistics không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp cũng được phản ánh bằng dữ liệu được Báo cáo Logistics 2021 công bố. Theo đó, khi được đề nghị đánh giá chất lượng nhân lực logistics so với yêu cầu của doanh nghiệp câu trả lời của các doanh nghiệp đều cho thấy chất lượng của các loại hình nhân lực logistics trên thực tế đều thấp hơn so với nhu cầu của doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa là chất lượng nhân lực logistics hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của doanh nghiệp.
Khát nhân lực chất lượng cao, vì thế những nhân sự được đào tạo bài bản từ các trường đại học được các doanh nghiệp logistics săn đón với mức lương hấp dẫn.
Theo Tổng cục Thống kê, mức lương khởi điểm của nhân viên logistics tại Việt Nam vào khoảng 350 - 500 USD/tháng; mức lương trung bình của vị trí quản lý Logistics là 3.000 - 4.000 USD/tháng và Giám đốc chuỗi cung ứng là 5.000 - 7.000 USD/tháng (124-173 triệu đồng).
Nguồn: https://cafef.vn/nganh-co-quy-mo-ty-do-doanh-nghiep-san-sang-tra-luong-170-trieu-thang-van-than-thieu-nhan-su-dang-cuc-hut-sv-o-3-ong-lon-kinh-te-thi-9-diem-mon-chua-chac-do-188230606094738718.chn#utm_source=cafef&utm_campaign=cafef&utm_medium=cafef&pgclid=ehW7z42WPUL3N2VE2M1NERQXyKeNkjA14ypgQtzOJB1kF7y4jos5P_YoZDHaylYVHBHOufTjOT8=