Tìm
English
Chủ nhật, 10/11/2019 - 10:48

Học viện Tài chính Hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” năm 2019
(HVTC) – Thực hiện Kế hoạch số 454/KH-UBATGTQG ngày 04/10/2019 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia triển khai, Học viện Tài chính phát động Tuần hưởng ứng“Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tại nạn giao thông” năm 2019 (từ 11-16/11).

Sự ra đời và ý nghĩa của Ngày được cả thế giới hưởng ứng

Ngày Chủ Nhật thứ ba của tháng 11 hàng năm đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận vào ngày 27/10/2005. Khởi xướng cho ngày này là Tổ chức Hoà bình Đường bộ (Road Peace) đưa ra vào năm 1993.

Tại Việt Nam, lần đầu tiên Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia phát động kế hoạch hưởng ứng ngày này vào ngày 19/11/2012. Từ  năm 2013, ngày này được tổ chức thường niên trong phạm vi cả nước.

Đây là ngày để tất cả mọi người trên thế giới cùng tưởng nhớ các nạn nhân của tai nạn giao thông, chia sẻ nỗi đau mất mát, những tổn thất to lớn về tinh thần và kinh tế do tai nạn gia thông gây ra, vinh danh các dịch vụ cứu hộ và hỗ trợ, cùng nhau nhắc nhở nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định của pháp luật về an toàn giao thông, cùng kết nối trong nỗ lực chung để cải thiện an toàn giao thông.

 Những vụ tai nạn thảm khốc

Trong tháng 5/2019, WHO cảnh báo mặc dù đạt được nhiều tiến bộ song số lượng các trường hợp tử vong trên đường tiếp tục gia tăng: 1,35 triệu người tử vong mỗi năm do tai nạn giao thông. Nguy cơ tử vong do giao thông đường bộ ở các nước thu nhập thấp cao gấp 3 lần so với các nước thu nhập cao, với tỷ lệ cao nhất ở châu Phi (26,6 trường hợp tử vong trên 100.000 dân) và thấp nhất ở châu Âu (9,3 trên 100.000 dân).

WHO cũng đánh giá số lượng lớn người chết và bị thương trong các vụ tai nạn giao thông đường bộ là một cái giá phải trả không thể chấp nhận được cho việc di chuyển. "Không có lý do gì để không hành động. Đó là một vấn đề với các giải pháp đã được chứng minh", "Chính phủ và các đối tác cần thể hiện sự lãnh đạo và khẩn trương hành động để cứu lấy các sinh mạng"…– Tiến sĩ Etienne Krug, Giám đốc Cơ quan quản lý các bệnh không truyền nhiễm, khuyết tật, bạo lực và phòng chống thương tích của WHO cho biết.

Những nỗi đau từ TNGT

Nhiều năm nay, bình quân mỗi ngày cả nước xảy ra hơn 40 vụ TNGT, làm chết 34 người và bị thương 30 người. Như vậy, trung bình mỗi năm, số người thiệt mạng về TNGT ở nước ta là trên 12.000 người - tương đương dân số một xã hay một phường, gấp hàng trăm lần số người chết mỗi năm ở VN vì đại dịch HIV/AIDS. TNGT làm cho bao nhiêu gia đình lâm vào cảnh tang thương, ngoài gây ra những cái chết tức thì, TNGT còn để lại những hậu quả âm ỉ, “cái chết” từ từ, đau đớn về thể xác, tinh thần cũng với những chi phí khổng lồ, đưa tới những khó khăn cho cả người thân, gia đình, kinh tế bị kiệt quệ và làm thiệt hại cho ngân sách Nhà nước mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng.

Cùng hành động

Bên cạnh những nguyên nhân do hạ tầng giao thông chưa tương ứng với tốc độ gia tăng dân số; sự bùng phát số lượng lớn của các phương tiện cá nhân; Phương tiện giao thông không đảm bảo điều kiện an toàn; Môi trường giao thông kém; Hệ thống cảnh báo giao thông chưa hiệu quả, mức độ áp dụng công nghệ cao trong điều phối, chỉ dẫn giao thông thấp... còn có những nguyên nhân chủ quan của chính người tham gia giao thông.

Từ lâu việc xây dựng văn hóa giao thông đã được nhiều chuyên gia xem là biện pháp quan trọng nhất nhằm kéo giảm tai nạn giao thông. Văn hóa khi tham gia giao thông là một bộ phận của văn hóa nơi công cộng, là tập hợp các cách thức xử sự, ứng xử, chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông và tuân thủ của các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Thanh niên là người chủ tương lai của đất nước, nước nhà thịnh hay suy, mạnh hay yếu, một phần là do thanh niên”. Sinh viên vốn là lực lượng trẻ, có tri thức, là lực lượng đông đảo có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ trong đó luôn vi phạm các quy định về an toàn giao thông và không ít trong số đó là người trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên TNGT. Đau lòng hơn, họ cũng chính là nạn nhân của các vụ TNGT.

Vì vậy, trong Tuần lễ Hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” năm 2019, Học viện Tài chính kêu gọi: Sinh viên, Học viện, các LHS Lào phải đóng vai trò to lớn trong việc xây dựng, thực hiện “Văn hoá giao thông”, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của luật ATGT:

- Hãy bắt đầu bằng những việc làm cụ thể, bắt đầu từ những thói quen nhỏ như: Đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy; dừng, đỗ đúng phần đường quy định, nghiêm chỉnh chấp hành tín hiệu giao thông; 

- Không dàn hàng, dùng ô che khi điều khiển phương tiện giao thông…. Luôn chấp hành nghiêm túc, tự giác các quy định về ATGT

- Kiên quyết không điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia.

- Tích cực cùng cộng đồng xây dựng tuyến phố, con đường xanh - sạch - đẹp - an toàn; bảo vệ, giữ gìn và xây dựng nhiều công trình giao thông công cộng .

- Hãy là những tuyên truyền viên tích cực về văn hóa giao thông.

- Là lực lượng xung kích, lực lượng chủ chốt tham gia vào công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông, tham gia các hoạt động khác như hội diễn văn hoá văn nghệ; hội thi về an toàn giao thông.

Để giảm thiểu những tổn thất do TNGT, an toàn cho chính mình và mọi người, Học viện Tài chính kêu gọi và nhắc nhở toàn thể CBVC, sinh viên, học viên, LHS Lào tích cực thực hiện nghiêm túc các quy định về ATGT, ứng xử  văn hóa khi tham gia giao thông, chung tay hỗ trợ, giúp đỡ những nạn nhân và gia đình có nạn nhân bị TNGT.

Một số hình ảnh khác:

Nỗi đau và gánh nặng vì TNGT

 

 

Ban CTCT&SV, (Ảnh: Tổng hợp)
Số lần đọc: 46

Danh sách liên kết