Tìm
English
Chủ nhật, 08/09/2024 - 13:18

Hội thảo quốc tế SEBDM7: Kết nối các nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài nước cùng bàn về phát triển kinh tế bền vững
(HVTC) - Ngày 06/09/2024, hội thảo được tổ chức tại trụ sở chính Học viện Tài chính (số 58, Lê Văn Hiến, P.Đức Thắng, Q. Bắc Từ Liêm, HN). Có 113 bài viết được chọn đăng trong kỷ yếu Hội thảo. 05 nhà khoa học nước ngoài, hàng trăm nhà khoa học trong nước, các giảng viên, sinh viên các trường đại học tham dự trực tuyến và trực tiếp. 08 tham luận được trình bày, hơn 50 câu hỏi và các ý kiến phát biểu trao đổi trực tiếp, hàng trăm tương tác qua nền tảng trực tuyến của các nhà khoa học tham dự.

Đại biểu tham dự

Tham dự Hội thảo, về phía đồng chủ trì Hội thảo có PGS. TS Bùi Văn Huyền –Viện trưởng Viện Kinh tế - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Maggie Xiaowen Gao – Đại học Greenwich; NGƯT .PGS.TS Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính; NGƯT.PGS.,TS. Trương Thị Thủy - Phó Bí thư (PT), Phó Giám đốc Học viện Tài chính; PGS.,TS Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chính; TS. Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Tài chính.

Về phía các trường đại học và các tổ chức trong và ngoài nước có TS. Grantley Taylor -  Đại học Kinh doanh Curtin (Úc); TS. Nguyễn Nga - Đại học West Scotland (Vương quốc Anh); GS. Kanitsorn Terdpaopong - Đại học Rangsit, Thái Lan; GS. Shivani Agarwal- Assistant, Đại học Galgotias (Ấn Độ) cùng các nhà khoa học đến từ các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, các tác giả bài báo đăng trong kỷ yếu của hội thảo cùng hàng trăm  nhà khoa học trong nước, các giảng viên và sinh viên các trường đại học tham dự trự tuyến và trực tiếp.

 PGS.,TS.Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu đề dẫn Hội thảo

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.,TS.Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chính đã nêu mục tiêu, ý nghĩa của Hội thảo và nhấn mạnh: Hòa bình, hợp tác, liên kết để phát triển đã và đang là xu thế lớn của thời đại, nhưng đặt ra những khó khăn và thách thức với sự suy giảm của nền kinh tế thế giới, an ninh phi truyền thống và các vấn đề toàn cầu cấp bách ngày càng khó đối phó, khó kiểm soát và có tác động tới toàn cầu. Nó tạo ra cơ hội để phát triển nhưng cũng mang đến không ít khó khăn, đòi hỏi mỗi quốc gia lựa chọn phương thức ứng phó phù hợp trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi.

PGS.,TS.Nguyễn Mạnh Thiều nhấn mạnh: “Hội thảo sẽ tập trung làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa của cả Việt Nam và thế giới đặc biệt này, với mong muốn tiếp tục tạo lập diễn đàn khoa học trao đổi học thuật, chia sẻ tri thức từ các nghiên cứu của các học giả trong nước và quốc tế về chủ đề mà Hội thảo mang lại”.

Hội thảo diễn ra với 2 phiên toàn thể và 2 chủ đề chuyên sâu.

 GS. Grantley Taylor  -   Đại học Kinh doanh Curtin (Úc) trình bày tham luận tại phiên toàn thể thứ nhất

Tại phiên toàn thể, hội thảo có 03 Keynote trình bày. GS. Grantley Taylor  -   Đại học Kinh doanh Curtin (Úc) với tham luận “Lợi nhuận giao dịch nội gián và Hiệu suất phát thải carbon”. Tác giả nêu khái niệm giao dịch nội gián là gì và chỉ ra mối quan hệ giữa lợi nhuận giao dịch nội gián và hiệu suất phát thải carbon. Những rủi ro biến đổi khí hậu xuất phát từ lượng khí thải CO2 sẽ ảnh hưởng đến giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư và việc định giá công ty. Mối quan hệ về hiệu suất phát thải carbon gia tăng cường ở các công ty có mức điện tiêu thụ cao hơn, nhất là sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tăng phát thải khí nhà kính. Mặt khác, tác giả cũng cảnh báo những giao dịch nội gián về phát thải chỉ đem lại lợi nhuận ngắn hạn, trước mắt. Vì vậy,  các doanh nghiệp nói riêng, các nền kinh tế nói chung phải có kế hoạch hành động nhằm giảm lượng khí thải carbon và phát triển bền vững.

TS. Nga (Alice) Nga Nguyen - Đại học West Scotland, Vương quốc Anh trình bày tham luận trực tuyến

TS. Nga (Alice) Nga Nguyen - Đại học West Scotland, Vương quốc Anh với tham luận “Nghịch lý xanh và những giải pháp” đã nêu vai trò của hiệu suất carbon như một lá chắn bảo vệ chống phá sản, do đó làm giảm rủi ro phá sản của doanh nghiệp trong tình hình ô nhiễm môi trường hiện nay.

TS. Maggie Xiaowen Gao – Đại học Greenwich Trình bày tham luận “Một cách tiếp cận thay thế để hỗ trợ tài chính thực hành tuần hoàn của các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ: quan điểm lý thuyết hoạt động.” Đã chỉ ra rằng các doanh nghiệp có thể nghiên cứu huy động vốn từ cộng đồng và nền kinh tế tuần hoàn, cũng như cần nâng cao hoạt động của quỹ tín thác và quỹ tương hỗ để phát triển lĩnh vực tài chính doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tác giả cũng đưa ra những kiến nghị đối với chính phủ để hỗ trợ phát triển kinh tế xanh, hỗ trợ vốn vay, Các chính phủ cung cấp thêm tín dụng hoặc trợ cấp thuế để hỗ trợ áp dụng các thông lệ tuần hoàn; Vai trò của các tổ chức vì lợi nhuận và phi lợi nhuận cũng như các trung gian tài chính trong phát triển kinh tế xanh; Các tổ chức chính phủ và tư nhân tạo ra các khoản vay chi phí thấp thông qua sự hợp tác đầu tư của khu vực công và tư nhân và chiến lược chia sẻ rủi ro.

Đồng chủ tọa phiên thứ nhất chuyên sâu của Hội thảo

Tại phiên thứ nhất chuyên sâu của Hội thảo với Chủ đề “ Tài chính cho cho phát triển bền vững đổi” với sự chủ tọa của TS. Grantley Taylor;  PGS.,TS. Nguyễn Thị Hồng Vân; TS. Nguyễn Trí Tùng.  04 vấn đề chính được trình bày.

TS. Bùi Hà Linh – Học viện Tài chính trình bày tham luận

Nhóm nghiên cứu của TS. Bùi Hà Linh – Học viện Tài chính trình bày tham luận “Tác động của các yếu tố tài chính và phi tài chính đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại niêm yết tại Việt Nam”. Trong phạm vi nghiên cứu, các tác giả đã phân tích dữ liệu từ 26 ngân hàng thương mại niêm yết tại Việt từ năm 2008 đến 2023. Các biến độc lập bao gồm các yếu tố tài chính như tỷ lệ vốn chủ sở hữu, quy mô ngân hàng, rủi ro tín dụng, tính thanh khoản, đa dạng hóa thu nhập và các chỉ số kinh tế vĩ mô như lạm phát, tăng trưởng GDP và tỷ giá hối đoái. Ngoài ra, các yếu tố phi tài chính như quy mô hội đồng quản trị và tần suất họp hội đồng quản trị cũng được xem xét. Sử dụng phương pháp ước lượng hồi quy FGLS trên dữ liệu bảng, nghiên cứu chỉ ra đối với ROA, đa dạng hóa thu nhập, quy mô hội đồng quản trị và tần suất họp hội đồng quản trị ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả tài chính, trong khi tính thanh khoản, lạm phát và tỷ giá hối đoái có tác động tiêu cực. Đối với ROE, quy mô ngân hàng, đa dạng hóa thu nhập và quy mô hội đồng quản trị cho thấy mối quan hệ tích cực, trong khi tỷ lệ vốn chủ sở hữu, rủi ro tín dụng, thanh khoản và tỷ giá hối đoái có mối liên hệ tiêu cực. Lạm phát, tăng trưởng GDP và tần suất họp hội đồng quản trị không có ý nghĩa thống kê đối với ROE. Kết quả nghiên cứu đưa ra các giải pháp đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính của các ngân hàng thương mại niêm yết tại Việt Nam.

Tác giả Nguyễn Tiến Nam trình bày tham luận

Tác giả Nguyễn Tiến Nam với tham luận “Dự báo lãi suất trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường quốc tế bằng mô hình CIR” đã chỉ ra tầm quan trọng của việc dự đoán thời điểm phát hành trái phiếu doanh nghiệp quốc để nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư chính xác. Dự báo chính xác giúp nhà đầu tư ước tính lợi nhuận kỳ vọng và đánh giá rủi ro liên quan đế trái phiếu. Hơn nữa, những dự đoán chính xác còn giúp tổ chức phát hành xác định chiến lược phát hành phù hợp, tối ưu hóa chi phí vốn và thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư. Nghiên cứu đã đưa ra một phương pháp dự đoán phiếu giảm giá bằng mô hình Cox - Ingersoll - Ross (CIR) và mô phỏng Monte Carlo.

Với tham luận “Phân tích các mô hình tài chính xanh thành công trên thế giới và đề xuất mô hình cho Việt Nam” Tác giả Tô Minh Hương đã phân tích các mô hình tài chính xanh thành công ở nhiều quốc gia khác nhau và rút ra bài học cũng như khuyến nghị cho Việt Nam bao gồm các khung chính sách cần thiết, chiến lược tài trợ, sự tham gia của các bên liên quan và các sáng kiến ​​nâng cao nhận thức. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ và đổi mới trong việc thúc đẩy tài chính xanh và nêu bật vai trò quan trọng của các tổ chức tài chính trong việc hỗ trợ phát triển bền vững.

Nhóm nghiên cứu của Phạm Hồng Tuyết trình bày tham luận: “Mối quan hệ giữa tham nhũng, chia sẻ thông tin tín dụng và phát triển tài chính: Bằng chứng toàn cầu” đã sử dụng dữ liệu từ 238 quốc gia trong giai đoạn từ 2013 – 2019, lấy từ chỉ số phát triển Thế giới của Ngân hàng Thế giới, nghiên cứu sử dụng phương pháp Mô men tổng quát hóa Hệ thống (SGMM) để giải quyết các vấn đề nội sinh tiềm ẩn và nắm bắt tính chất năng động của các mối quan hệ này. Nghiên cứu chỉ ra việc chia sẻ thông tin tín dụng được cải thiện sẽ tăng cường đáng kể sự phát triển tài chính bằng cách giảm các khoản nợ xấu và tăng khả năng cung cấp tín dụng cho khu vực tư nhân. Tuy nhiên, hiệu quả này bị giảm thiểu do mức độ tham nhũng cao, làm sai lệch việc phân bổ nguồn lực và làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn tài chính. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc thực hiện các biện pháp chống tham nhũng mạnh mẽ bên cạnh việc tăng cường hệ thống thông tin tín dụng để đảm bảo phát triển tài chính bền vững. Các nhà hoạch định chính sách, tổ chức tài chính và nhà đầu tư phải tập trung vào việc cải thiện tính minh bạch, quản trị và khuôn khổ pháp lý để nhận thức đầy đủ lợi ích của việc chia sẻ thông tin tín dụng trong việc thúc đẩy ổn định và tăng trưởng tài chính.

 Đồng chủ tọa phiên chuyên đề thứ hai

 Trong phiên thứ hai chuyên sâu của Hội thảo với Chủ đề: Phát triển kinh tế, quản trị, kế toán trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự chủ tọa của GS.,TS. Chúc Anh Tú; TS. Ngô Thị Ngọc Anh; PGS.,TS. Phạm Thị  Thanh Hòa, có 4 tham luận được trình bày.

Nhóm nghiên cứu của PGS,.TS. Đỗ Anh Đức với tham luận “Xác định các chiều hướng để đo lường chất lượng hậu cần ngược trong thương mại điện tử bằng phương pháp đánh giá tài liệu có hệ thống” đã chỉ ra vai trò các quy trình hậu cần ngược hiệu quả mang lại những lợi ích trong nâng cao sự hài lòng của khách hàng, giảm chi phí trong thương mại điện tử. Nghiên cứu nhằm mục đích kiểm tra một cách có hệ thống các nghiên cứu hiện có về e-RLSQ, xác định các khía cạnh chính để đo lường và phân tích.

Nhóm nghiên cứu của PGS.,TS. Ngô Thị Thu Hồng với tham luận “Giải pháp hoàn thiện công tác kế toán môi trường tại các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam” chỉ ra vai trò của Kế toán môi trường và mối liên quan với việc hạch toán và báo cáo các giao dịch, sự kiện môi trường có ảnh hưởng đến tình hình tài chính của doanh nghiệp. Nó giúp doanh nghiệp phân tích hoạt động, sản phẩm hoặc dịch vụ của họ tác động đến môi trường như thế nào. Mặt khác, kế toán môi trường hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ với cộng đồng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Nghiên cứu cũng đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện thực hành kế toán môi trường trong các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam.

 Tham luận “Vốn con người và tăng trưởng kinh tế: bằng chứng toàn cầu” của tác giả Phan Huy Tâm đã nghiên cứu tác động trực tiếp của vốn con người đến tăng trưởng kinh tế, xem xét mối quan hệ này được điều tiết như thế nào bởi các yếu tố đầu tư và nhân khẩu học. Nghiên cứu sử dụng phân tích hồi quy để phân tích tác động của các chỉ số kinh tế khác nhau đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Kết luận của nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết của các chính sách tổng hợp nhằm tăng cường giáo dục, cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị để tối đa hóa tăng trưởng kinh tế.

Tham luận của nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn Thị Thanh trình bày “Các yếu tố tác động đến sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam” đã phân tích các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của nền kinh tế số ở Việt Nam, gồm: (1) Vốn con người, (2) Nghiên cứu khoa học và phát triển đổi mới sáng tạo, (3) phát triển kinh tế xanh, (4) Môi trường kinh doanh (5) Tăng trưởng kinh tế. Các tác giả nghiên cứu tác động của các yếu tố đến sự phát triển của nền kinh tế số ở Việt Nam với dữ liệu chuỗi thời gian thứ cấp từ năm 2016 đến năm 2022 và chỉ ra chỉ số phát triển công nghiệp, chi tiêu khoa học công nghệ và đầu tư trực tiếp nước ngoài (trong môi trường kinh doanh) có tác động đến sự phát triển của nền kinh tế số. Đóng góp của nghiên cứu này cung cấp những hiểu biết sâu sắc về quản lý về cách thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số ở Việt Nam.

PGS. Maggie Xiaowen Gao trình bày tham luận

Trong phiên toàn thể thứ 2, PGS. Maggie Xiaowen Gao trình bày tham luận  về vai trò của doanh nghiệp trong giải quyết vấn đề về môi trường với kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Các bài tham luận trình bày tại Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến phản biện và đóng góp xây dựng của các đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến. Hơn 50 câu hỏi và các ý kiến phát biểu trao đổi trực tiếp, hàng trăm tương tác qua nền tảng trực tuyến của các nhà khoa học tham dự đã làm sáng tỏ, sâu sắc hơn những vấn đề và khía cạnh mà các tác giả nghiên cứu.

Các tác giả và đại diện nhóm tác giả được trao giải “The Best Paper”

Tại Hội thảo, Ban Tổ chức đã trao giải “The Best Paper” cho 7 tác giả và nhóm tác giả có bài báo xuất sắc nhất.

Phát biểu Bế mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều -  Phó Giám đốc Học viện Tài chính đã khẳng định: Hội thảo là một diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ tri thức từ các nghiên cứu của các học giả trong nước và quốc tế về vấn đề Tài chính - Kế toán, nhằm đưa ra các nhận định, phân tích đánh giá, nhận diện những các rào cản, cơ hội và thách thức, đề xuất các chính sách, giải pháp… để thúc đẩy phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong giai đoạn tới. BTC đã nhận được rất nhiều bài viết đến từ các nhà khoa học trong và ngoài nước và lựa chọn được 124 bài viết đăng trong kỷ yếu. Các bài viết được nhận định là có chất lượng, có hàm lượng khoa học cao, bao quát nhiều vấn đề nổi bật gắn với vấn đề Tài chính - Kế toán, với các góc nhìn và phương pháp nghiên cứu đa dạng. Các vấn đề đề cập tại hội thảo sẽ được các nhà khoa học tiếp tục được nghiên cứu, phát triển thành các bài nghiên cứu sâu hơn và đưa vào áp dụng trong thực tiễn.

Hội thảo quốc tế SEBDM7 đã khép lại nhưng diễn đàn học thuật này tiếp tục được tiếp nối cho SEBDM8. Những tham luận được trình bày và các bài đăng trong kỷ yếu cùng những ý kiến đóng góp tại hội thảo là những định hướng, gợi mở quan trọng cho các nghiên cứu nâng cao; những hàm ý chính sách đối với các cấp quản lý. Hội thảo tiếp tục khẳng định trách nhiệm của các nhà khoa học, các giảng viên, các nhà quản lý cũng như sinh viên tham dự đối với những vấn đề về phát triển kinh tế xanh, bền vững và cùng giải quyết các vấn đề cốt lõi đang đặt ra trong quá trình toàn cầu hóa, sự tác động của cuộc cách mạng 4.0, tình trạng ô nhiễm môi trường… Hội thảo cũng tiếp tục khẳng định năng lực tổ chức Hội thảo quốc tế của Học viện Tài chính và vai trò, ý nghĩa của Hội thảo quốc tế SEBDM.

STT

TÊN BÀI

TÊN CÁC TÁC GIẢ

ĐƠN VỊ CÔNG TÁC

1

Identify dimensions for measuring reverse logistics quality in e-commerce using systematic literature review method

Đo Anh Đuc;
Pham Minh Trang; Khuat Thi Mai Anh;  Le Thi Van Anh;
Nguyen Dieu Ngoc;                           La Quoc Toan

National Economics University, Viet Nam

2

Solutions to improve environmental accounting practices in manufacturing enterprises in VietNam

Ngo Thi Thu Hong
Le Thi Yen Oanh
Pham Thi Ha
Tran Ngo Trung Hieu
Le Thi Hoang Yen

Academy of Finance

3

Human capital and economic growth: global evidence

Tam Phan Huy

University of Economics and Law

4

The effect of financial and non-financial factors on the performance of listed commercial banks in Vietnam

Bui Thi Ha Linh
Dang Kim Chi
Dam Thanh Tu
Hoang My Linh
Tran Tuan Nghia

Academy of Finance
Academy of Finance
Academy of Policy and Development
Academy of Finance
The Hanoi department of taxation

6

Prediction of coupon rate of corporate bonds issued in the international market by cir model

Nguyen Tien Nam

Vietnam Prosperity Joint Stock Commercial Bank, VPBANK, Financial Markets and Transaction Banking Division

7

Analyzing successful green finance models worldwide and proposing a model for VietNam

Tô Minh Hương

Thuy Loi University

8

The Nexus Between Corruption, Credit Information Sharing and Financial Development: Global Evidence

Tuyet Pham Hong, Huy Tam Phan

University of Economics and Law

Một số hình ảnh khác

PGS.,TS Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chính

tặng hoa cảm ơn TS. Grantley Taylor  -   Đại học Kinh doanh Curtin (Úc)

Đại biểu trình bày tham luận và đặt câu hỏi phản biện, đóng góp ý kiến tại hội thảo

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 

Một số báo chí đưa tin về Hội thảo:

Tạp chí Hải quan

Thời báo Tài chính

Giáo dục thời đại

Tạp chí Thuế

Báo Điện tử Chính phủ

Ban CTCT&SV
Số lần đọc: 748
Các bài đã đăng

Danh sách liên kết