Chuyên mục

Ảnh hoạt động
Ảnh-25-04-2022-15-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Hoisach20220

Thứ năm, 07/05/2020 - 9:5

Vai trò của các thư viện trong xã hội tri thức mở

Mở đầu

Một trong những rào cản lớn nhất của việc chia sẻ, phổ biến tri thức trong thế giới số hiện nay chính là vấn đề bản quyền. Trong thế giới số, môi trường toàn cầu hoá, nhu cầu chia sẻ tri thức và việc xoá bỏ bất bình đẳng thông tin là điều hết sức cần thiết. Vì thế, việc truy cập mở đối với các nguồn tài nguyên thông tin trở thành xu hướng phát triển không thể thiếu nhằm mục đích tạo ra môi trường tự do và bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học.

Xu hướng “truy cập mở” đối với các nguồn học liệu thời gian gần đây được nhắc đến thường xuyên và trở thành một “cuộc cách mạng” về tính mở đối với tài nguyên giáo dục. Đã có nghiên cứu chỉ ra tầm quan trọng, lợi ích của tài nguyên giáo dục mở (open educational resources - OER) đối với quá trình đào tạo và nghiên cứu trong trường đại học. Tuy nhiên, việc phát triển OER cũng đang đứng trước những khó khăn, nhất là vấn đề bản quyền.

Ở Việt Nam, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định về bản quyền, tuy nhiên việc tuân thủ bản quyền trong các lĩnh vực, nhất là trong giáo dục và đào tạo vẫn còn bất cập. Tình trạng vi phạm bản quyền vẫn diễn ra, đặc biệt trong sinh viên. Câu hỏi đặt ra là việc tuân thủ bản quyền của sinh viên đang diễn ra như thế nào? Có những nguyên nhân nào dẫn đến việc vi phạm bản quyền trong sinh viên? Cần có biện pháp gì góp phần nâng cao nhận thức của sinh viên về vấn đề bản quyền? Những câu hỏi này sẽ được giải quyết trên cơ sở nghiên cứu khái quát về OER và việc khảo sát 100 sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

1. Tài nguyên giáo dục mở và vấn đề bản quyền

Trong lĩnh vực xã hội, tính mở được cho là “sự tự do sử dụng, tự do đóng góp và tự do chia sẻ” [8]. Tác giả Walker cho rằng “mở” là tiện lợi, hữu ích, có thể chi trả được, có thể duy trì và sẵn có cho tất cả người học và giáo viên trên thế giới; tác giả Daniel lại cho rằng mở bao gồm bốn yếu tố, đó là: có thể truy cập, tương thích, được công nhận và có thể chi trả được; tác giả Fotte cho rằng mở là sự tự do với việc: tự do sao chép, tự do chỉnh sửa, tự do đóng góp lại, tự do đóng góp lại phiên bản chỉnh sửa [1]. Thuật ngữ “mở” được hiểu một cách chung nhất là nguồn tài nguyên được truy cập, sử dụng một cách không phân biệt bởi tất cả mọi người và có thể được sửa đổi, chia sẻ. Đặc trưng của tính mở là giải quyết các rào cản về mặt kỹ thuật, kinh tế và pháp lý trong việc sử dụng OER [9].

Trong hoạt động giáo dục, tính mở còn là “sự loại bỏ các rào cản có thể loại trừ các cơ hội và sự công nhận để tham gia vào việc học tập trong các cơ sở giáo dục, hay đó là sự phát triển và áp dụng các OER” [8]. Hay nói gọn hơn, triết lý của giáo dục mở là cho - nhận. Sự cho - nhận này dựa trên nguyên tắc là “hợp tác, sẻ chia mang tính cộng đồng” [5]. Triết lý mở ở đây là sự tự do, miễn phí nhưng không có nghĩa là không có điều kiện đi kèm, điều kiện ấy chính là “giấy phép mở” và sự ghi công của tác giả khi sử dụng.

Từ góc độ của triết lý mở, có thể hiểu truy cập mở là việc làm cho tài liệu được truy cập tự do, phổ biến rộng rãi. Truy cập mở làm gia tăng hiệu quả sử dụng tài liệu trong cộng đồng.

Từ góc độ truy cập mở, khái niệm OER cũng được xuất hiện. OER là khái niệm được đưa ra vào năm 2002 thông qua sáng kiến OER đầu tiên trên thế giới của Viện Công nghệ Massachusetts MIT với mong muốn người sử dụng trên toàn thế giới có thể truy cập miễn phí vào toàn bộ nội dung giảng dạy của 50 môn học lên web thông qua Internet. Từ khi xuất hiện đến nay, trên thế giới xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau và hình thành hai xu hướng tiếp cận. Xu hướng thứ nhất tiếp cận OER một cách tổng thể từ nội dung, công cụ thiết lập, phần mềm đến nền tảng công nghệ và xu hướng thứ hai tiếp cận OER chủ yếu thông qua hoạt động phát triển nội dung [3,5].

Nếu căn cứ vào triết lý mở đã được đề cập ở trên, OER được định nghĩa ở mức độ cao hơn. Đó là tập hợp có tổ chức các bài giảng, lịch học, danh mục tài liệu tham khảo, bài tập về nhà, bài thi, bài thí nghiệm… được phép truy cập, sử dụng lại, dịch và sửa đổi chúng một cách tự do cho mục đích giảng dạy, học tập và nghiên cứu thông qua Internet [2].

Khi vận động chiến dịch “Đi với Mở” (#goOpen) bằng tài nguyên giáo dục, Bộ Giáo dục Hoa Kỳ cho rằng “Tài nguyên giáo dục được cấp phép mở là các tư liệu học tập, có thể được sử dụng cho việc dạy, học và đánh giá mà không có chi phí. Chúng có thể được sửa đổi và được phân phối lại mà không vi phạm các luật bản quyền” [8].

Theo UNESCO, OER là “bất cứ tài liệu giáo dục nào nằm trong phạm vi/ miền công cộng hoặc được phát hành theo một giấy phép mở, bất cứ ai cũng có thể sao chép, sử dụng, sửa đổi và chia sẻ một cách hợp pháp các tài liệu này” [10]. Tác giả sẽ sử dụng quan điểm về OER mà UNESCO đưa ra, bởi xét cho cùng thì OER là dạng tài liệu mà cá nhân dùng để tiếp cận phục vụ cho quá trình tự học, tự nghiên cứu, được kiểm soát, sử dụng miễn phí trên cơ sở giấy phép mở, đồng thời thể hiện đúng ý nghĩa quan trọng của OER chính là phá bỏ rào cản về mặt pháp lý thông qua việc xây dựng các giấy phép mở (Creative Commons - CC).

Các giấy phép CC đối với tư liệu lần đầu tiên được xuất bản vào năm 2002, phát triển nhanh và được sử dụng phổ biến. Có 6 giấy phép tiêu chuẩn bao gồm: CC BY (Ghi công), CC BY-SA (Ghi công - Chia sẻ tương tự), CC BY-ND (Ghi công - Không có phái sinh), CC BY-NC (Ghi công - Phi thương mại), CC BY-NC-SA (Ghi công - Phi thương mại - Chia sẻ tương tự), CC BY-NC-ND (Ghi công - Phi thương mại - Không có phái sinh). Giấy phép khác nhau nghĩa là mức độ tự do của từng giấy phép là khác nhau [8].

Giấy phép CC tuân thủ các khung pháp lý về sở hữu trí tuệ và có giá trị pháp lý trên toàn cầu, giúp tác giả tự quyết định việc công bố tác phẩm của mình theo phạm vi mà mình cho phép và người sử dụng biết được mình tiếp cận/ chia sẻ tác phẩm này ở mức độ nào [5]. Vì vậy, việc tạo ra các loại giấy phép mở đã giúp người sử dụng tránh được những vi phạm về vấn đề bản quyền, tạo nên sự tự do trong việc tiếp cận, khai thác và chia sẻ tri thức.

Từ những phân tích nêu trên, có thể khái quát ba đặc điểm quan trọng về OER: (1) OER phục vụ hiệu quả cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và học tập của người dạy và người học; (2) OER là truy cập mở và hoàn toàn miễn phí trên cơ sở tuyên bố bằng hệ thống giấy phép mở; (3) OER tạo ra môi trường sử dụng minh bạch, thông suốt, đảm bảo về mặt luật pháp. Chính điều này giúp OER tránh được việc vi phạm bản quyền hiện nay.

2. Thực trạng việc tuân thủ bản quyền của sinh viên

Ở Việt Nam, bản quyền/ quyền tác giả được quy định chi tiết trong Bộ Luật Dân sự 2005, Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan. Theo đó, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo hoặc sở hữu, bao gồm các quyền: quyền nhân thân, quyền tài sản. Những năm qua, tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực với nhiều hình thức và mức độ khác nhau, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Hành vi xâm phạm quyền tác giả được hiểu là việc sao chép lại các tác phẩm của người khác mà không xin phép, thậm chí trích dẫn/ trích nguồn các công trình khoa học của người khác mà không ghi công tác giả tạo ra [7].

Từ cách hiểu trên, có thể nhận diện các hành vi vi phạm quyền tác giả trong sinh viên như: nhân bản, sử dụng và phân phối các bản sao chép lậu từ tài liệu gốc mà không xin phép, trích dẫn nguồn trong nghiên cứu khoa học, ghi âm/ chụp hình bài giảng của giảng viên trên lớp. Để có cơ sở đánh giá thực trạng việc tuân thủ bản quyền trong sinh viên hiện nay, tác giả đã tiến hành khảo sát 100 sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Về việc nhân bản và sử dụng các bản sao chép lậu từ tài liệu gốc mà không xin phép tác giả

Việc vi phạm bản quyền diễn ra công khai bằng việc sao chép, nhân bản với số lượng lớn từ tài liệu gốc. Chúng ta không phủ nhận những thành tựu mà công nghệ in ấn đem lại. Dịch vụ in ấn ra đời và phát triển kéo theo nhu cầu về sao chép tăng cao. Tuy nhiên, quyền sao chép được coi là “một trong những quyền tài sản cơ bản và quan trọng của mỗi tác giả, chủ sở hữu tác phẩm và quyền này được bảo hộ theo quy định của pháp luật” [7].

alt

Biểu đồ 1. Cách thức mà sinh viên thường sử dụng để có được tài liệu

Khi được hỏi về các cách thức để có được tài liệu, 58% sinh viên lựa chọn sử dụng các bản sao chép lậu từ tài liệu gốc, 25% sinh viên tự đi mua tài liệu tại các nhà sách, 15% sinh viên đến thư viện để đăng ký mượn tài liệu và chỉ có 2% sinh viên còn lại sử dụng các hình thức khác.

Về trích dẫn nguồn trong nghiên cứu khoa học của sinh viên

Trong nghiên cứu khoa học, viết niên luận hoặc khoá luận tốt nghiệp của sinh viên, việc thừa nhận kết quả nghiên cứu từ các tác giả đi trước để làm căn cứ chứng minh cho luận điểm của mình là điều hết sức cần thiết. Vì vậy, trích dẫn theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp là yêu cầu không thể thiếu khi sử dụng ý tưởng, quan điểm, tri thức của người khác trong nghiên cứu của mình. Khảo sát cho thấy sinh viên thường sao chép bài viết của tác giả mà không có trích dẫn nguồn, hoặc trích dẫn các bài viết từ nguồn không xác định trên Internet (46%), đặc biệt còn một bộ phận sinh viên không bao giờ trích dẫn tài liệu khi làm các nghiên cứu (10%).

alt

Biểu đồ 2. Việc trích dẫn nguồn trong nghiên cứu khoa học của sinh viên

 

Về hành vi ghi âm/ chụp hình bài giảng của giảng viên

Chúng ta không phủ nhận những tiến bộ mà khoa học công nghệ đem lại cho cuộc sống con người. Việc áp dụng các phương tiện giảng dạy của giảng viên đã được triển khai hiệu quả, làm cho bài giảng của giảng viên thêm sinh động, giờ học của sinh viên cũng trở nên hấp dẫn. Bài giảng của giảng viên là một phần nội dung trong chương trình của một môn học được trình bày trước sinh viên, được coi là sản phẩm trí tuệ và công sức lao động của giảng viên. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ thì việc vi phạm bản quyền đối với bài giảng của giảng viên thường xuyên xảy ra, 65% sinh viên được hỏi thích chụp ảnh, ghi âm thậm chí quay clip bài giảng của giảng viên hơn là cắm cúi ghi chép từ đầu đến cuối.

Như vậy, vấn đề tuân thủ bản quyền của sinh viên vẫn còn bất cập. Thông qua khảo sát và từ góc độ của cá nhân, tác giả cho rằng có hai nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc vi phạm bản quyền trong sinh viên:

Thứ nhất, nhận thức của sinh viên về vấn đề vi phạm bản quyền chưa thực sự rõ ràng. Đôi khi họ vi phạm bản quyền mà không biết mình vi phạm ở đâu trong khi họ sử dụng tài liệu đó.

Thứ hai, việc tuân thủ bản quyền ở Việt Nam chưa chặt chẽ. Dường như cũng khó để xác định lỗi hoàn toàn chủ yếu thuộc về sinh viên. Sinh viên có thể coi là đối tượng gián tiếp tiếp tay cho hành vi vi phạm bản quyền. Sinh viên cần sách giá rẻ hoặc dùng sách photo cho những môn học có thời lượng ngắn hoặc có nội dung không quá quan trọng với ngành học của mình [6], nên họ tìm đến các cửa hàng photocopy để mua bán, sử dụng. Bản thân các cửa hàng photocopy mở ra để đáp ứng nhu cầu ấy lại không bị quản lý bởi Nhà nước nên sách photo được bày bán tự do và công khai.

Thứ ba, sự đáp ứng của các cơ quan thư viện - thông tin trong trường đại học chưa làm thoả mãn nhu cầu của sinh viên. Khảo sát ý kiến của sinh viên, chúng ta thấy được nguồn học liệu phục vụ cho học tập và nghiên cứu dành cho nhu cầu của họ được các thư viện phục vụ chưa đầy đủ (55%) và sự cập nhật nội dung tài liệu trong thư viện cũng chưa kịp thời (52%). Tại Khoản 2, Điều 25, Nghị định 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 của Chính phủ, thư viện chỉ được quyền sao chép không quá một bản nhằm mục đích nghiên cứu và thư viện không được sao chép, phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng. Với quy định này, việc đáp ứng về tài liệu cho sinh viên của thư viện gặp khó khăn. Chính việc sinh viên thiếu nguồn tài liệu gốc và chưa được cập nhật thường xuyên từ thư viện nên phần lớn sinh viên phải đi tìm tài liệu ở ngoài bằng cách sao chép hoặc tự tìm trên mạng và tải xuống một phần hay toàn bộ tài liệu khi chưa được phép của tác giả.

3. Đề xuất giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên với vấn đề bản quyền

Để góp phần và nâng cao nhận thức của sinh viên đối với vấn đề bản quyền nhằm mục đích thực hiện thành công việc tạo lập, quản lý, truyền bá, phổ biến và chia sẻ OER trong các trường đại học, chúng ta cần có đề xuất “mở” từ nhận thức đến hành động của các cấp lãnh đạo, quản lý đến cán bộ, giảng viên và người học.

Đối với sinh viên, họ cần được đào tạo để hiểu về triết lý mở, phần mềm, được hướng dẫn khai thác OER trong trường đại học. Bản thân sinh viên nên được khuyến khích và chủ động chia sẻ nguồn tài liệu của bản thân và có ý thức trong việc tự tạo OER phục vụ học tập và nghiên cứu.

Đối với các cấp lãnh đạo và quản lý, cần có nhận thức mới về phát triển OER, từ đó xây dựng OER một cách phong phú, chất lượng, tăng khả năng kết nối, chia sẻ, sử dụng/ tái sử dụng. Bên cạnh đó, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phần mềm, nguồn kinh phí thích đáng để số hoá tài liệu, tạo truy cập mở, thực hiện các chính sách đối với OER, từ đó tuyên truyền đến các giảng viên, cán bộ giúp họ có hiểu biết đúng đắn về OER và áp dụng vào thực tiễn của quá trình giảng dạy, nghiên cứu.

Đối với người làm thư viện, cần thường xuyên trau dồi kiến thức, hiểu biết về Luật Bản quyền, Luật Sở hữu trí tuệ, các loại giấy phép truy cập mở để kịp thời đề xuất hướng xử lý trước các hiện tượng vi phạm/ ăn cắp bản quyền đối với nguồn thông tin số nói chung, OER nói riêng.

Điều quan trọng nhất vẫn là việc thúc đẩy tự do chia sẻ trong môi trường học thuật. Như vậy, có thể hình dung mô hình triển khai OER trong thực tế như sau: OER được tạo ra bằng cách giảng viên hay người làm thư viện gắn các giấy phép CC lên tài liệu nội sinh, bài giảng của mình và chia sẻ lên “kho tài nguyên OER” để người học hoặc giảng viên khác tìm kiếm, tiếp tục chia sẻ. Như vậy, mô hình này có lợi ích thiết thực không chỉ với giảng viên/ người làm thư viện mà còn cả sinh viên. Theo đó, vai trò của giảng viên hay người làm thư viện là rất quan trọng vì họ đảm bảo OER được phát triển mạnh mẽ và hiệu quả [4]. Đối với sinh viên, bằng việc gắn giấy phép CC, họ cũng có thể chia sẻ các tiểu luận, khoá luận tốt nghiệp của mình lên kho tài nguyên này để sinh viên khác sử dụng làm tài liệu tham khảo cho bản thân trong học tập, nghiên cứu. Càng nhiều người tạo lập, chia sẻ, OER sẽ thực sự phát huy hiệu quả, giảm thiểu tình trạng vi phạm bản quyền hiện nay. Mô hình này thoả mãn đầy đủ các giải pháp mà tác giả đề xuất ở phía trên.

Kết luận

OER đem lại nhiều cơ hội cho giáo dục đại học Việt Nam, nhưng cũng đứng trước không ít thách thức để phát triển, trong đó có vấn đề bản quyền. Việc thực thi, tuân thủ bản quyền trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo vẫn còn bất cập. Tình trạng vi phạm bản quyền của sinh viên vẫn diễn ra và cần khắc phục bằng các giải pháp “mở” từ nhận thức đến hành động từ các lãnh đạo, quản lý đến cán bộ, giảng viên và sinh viên nhằm tạo ra môi trường bình đẳng, tự do trong tạo lập, chia sẻ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Huy Chương. Các mô hình bền vững của tài nguyên giáo dục mở // Kỷ yếu Hội thảo “Xây dựng nền tảng học liệu mở cho giáo dục đại học Việt Nam: Đề xuất chính sách, tạo lập cộng đồng và phát triển giải pháp công nghệ”. - 2015. - Tr. 34-45.

2. Nguyễn Thị Đông. Học liệu mở trong tiến trình hiện thực hoá xã hội tri thức // Kỷ yếu Hội thảo “Xây dựng nền tảng học liệu mở cho giáo dục đại học Việt Nam: Đề xuất chính sách, tạo lập cộng đồng và phát triển giải pháp công nghệ”. - 2015. - Tr. 210-220.

3. Trương Minh Hoà. Học liệu mở và vai trò của học liệu mở trong đào tạo ngành học Thông tin - Thư viện tại các trường đại học ở Việt Nam // Thông tin và Tư liệu. - 2016. - Tr. 20-32.

4. Đậu Mạnh Hoàn. Vai trò của giáo viên trong sử dụng và sản xuất tài nguyên giáo dục mở // Kỷ yếu Hội thảo “Triển khai tài nguyên giáo dục mở: Bản quyền và Giấy phép mở”. - 2017. - Tr. 37-46.

5. Đỗ Văn Hùng. Tổng quan về học liệu mở và nhận dạng các yếu tố tác động đến việc xây dựng và chia sẻ học liệu mở trong các trường đại học Việt Nam // Kỷ yếu Hội thảo “Xây dựng nền tảng học liệu mở cho giáo dục đại học Việt Nam: Đề xuất chính sách, tạo lập cộng đồng và phát triển giải pháp công nghệ”. - 2015. - Tr. 80-106.

6. Khánh Linh. Vấn đề và bình luận: Bản quyền và túi tiền sinh viên. http://www.hcmulaw.edu.vn/hcmulaw/index.php?option=com_content&view=article&id=13924&catid=762&Itemid=203.

7. Trần Viết Long. Vi phạm quyền tác giả trong các trường Đại học ở Việt Nam. http://www.hcmulaw.edu.vn/hcmulaw/index.php?option=com_content&view=article&id=13920&catid=761.

8. Lê Trung Nghĩa. Tổng quan về tài nguyên giáo dục mở và dự đoán một kịch bản tương lai của giáo dục Việt Nam // Kỷ yếu Hội thảo “Xây dựng nền tảng học liệu mở cho giáo dục đại học Việt Nam: Đề xuất chính sách, tạo lập cộng đồng và phát triển giải pháp công nghệ”. - 2015. - Tr. 107-144.

9. Bueno-de-la-fuente, G., Robertson, R. J., Boon, S., Jisc, C., and August, C. The roles of libraries and information professionals in Open Educational Resources (OER) initiatives Survey Report. - England: Centre for educational technology and interoperability standards, 2012.

10. UNESCO. What are Open Educational Resources (OERs)?.  http://www.unesco.org/new/en/communication-and-inf.

_____________________

 
   

ThS. Nguyễn Chí Trung

Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2018

Số lần đọc: 816
Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức  |  Ảnh hoạt động  |  Hỏi đáp  |  Gửi yêu cầu  |  Trang TT HVTC
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THƯ VIỆN
© Cơ quan chủ quản: Học viện Tài chính
Địa chỉ: Học viện Tài chính, Phường Đức Thắng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Điện thoại:
E-mail: thuvien@hvtc.edu.vn
Website: http://www.hvtc.edu.vn/thuvien
Phát triển bởi Công ty TNHH Phần mềm Hoàng Hà