GIỚI THIỆU VỀ CHUYÊN NGÀNH QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÔNG
HỌC VIỆN TÀI CHÍNH
KHOA TÀI CHÍNH CÔNG
-----------------------
GIỚI THIỆU
VỀ CHUYÊN NGÀNH QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÔNG
1. Khái quát quá trình hình thành và phát triển
Tiền thân của chuyên ngành Quản lý tài chính công ngày nay là chuyên ngành Quản lý ngân sách nhà nước - một trong những chuyên ngành được hình thành ngay từ những ngày đầu thành lập trường Cán bộ Tài chính - Kế toán Trung ương nay là Học viện Tài chính theo Quyết định số 117/CP ngày 31 tháng 7 năm 1963 của Hội đồng Chính phủ. Trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, tên và phạm vi đào tạo của chuyên ngành Quản lý tài chính công đã có những đổi thay phù hợp với nhu cầu của xã hội. Từ chuyên ngành Quản lý ngân sách nhà nước (1963-1993) với hai môn học nghiệp vụ chính là Quản lý thu ngân sách và Quản lý chi ngân sách đến chuyên ngành Quản lý Tài chính nhà nước (1994 - 2003), một chuyên ngành tổng hợp với nhiều môn học nghiệp vụ như Quản lý thu ngân sách; Quản lý chi ngân sách; Cấp phát và cho vay vốn đầu tư xây dựng cơ bản; Quản lý Kho bạc nhà nước; Kế toán ngân sách; Kế toán nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước. Năm 2004 với sự thành lập chuyên ngành Quản lý Thuế, chuyên ngành Quản lý Tài chính Nhà nước cũng được đổi tên thành chuyên ngành Quản lý Tài chính công với hai môn học nghiệp vụ có tính tổng hợp đó là quản lý tài chính công và kế toán công. Trước yêu cầu của hội nhập quốc tế và đòi hỏi của thị trường lao động từ năm 2012, Kế toán công trở thành một chuyên ngành độc lập, chuyên ngành Quản lý Tài chính công tập trung đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu về quản lý tài chính công với các môn học nghiệp vụ chính là: Lý thuyết Quản lý Tài chính công; Quản lý Thu ngân sách; Quản lý Chi ngân sách; Quản lý Tài chính các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công; Quản lý Tài chính xã, phường; Quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng vốn ngân sách nhà nước...
2. Mục tiêu đào tạo của chuyên ngành Quản lý Tài chính công
Trang bị cho sinh viên ở trình độ cử nhân các kiến thức chuyên sâu về lý thuyết và thực tiễn quản lý tài chính công của Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Phát triển tư duy độc lập, sáng tạo và trau dồi phẩm chất chính trị, tư cách, đạo đức cho sinh viên để thực hiện có hiệu quả các nghiệp vụ quản lý tài chính công.
3. Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo chuyên ngành Quản lý Tài chính công
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý Tài chính công có kiến thức, khả năng phân tích chính sách và kỹ năng quản lý tài chính khu vực công ở các cơ quan tài chính phục vụ trực tiếp việc thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của các cấp chính quyền nhà nước, các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công, các cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; cụ thể:
- Có kiến thức lý luận và thực tiễn về quản lý tài chính khu vực công ở Việt Nam phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.
- Biết và có năng lực tổ chức, thực hiện các nghiệp vụ lập, chấp hành, theo dõi, đánh giá và quyết toán ngân sách nhà nước, ngân sách trung ương, ngân sách của các cấp chính quyền địa phương.
- Biết và có năng lực tổ chức, thực hiện các nghiệp vụ quản lý tài chính, ngân sách tại các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công, các cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội…
- Biết và có năng lực tổ chức, thực hiện các nghiệp vụ quản lý tài chính các quỹ tài chính công ngoài ngân sách của các cấp chính quyền nhà nước.
- Biết và có năng lực tự nghiên cứu, đánh giá các quy định của pháp luật về quản lý tài chính công và đề xuất quan điểm, giải pháp hoàn thiện phù hợp với thực trạng kinh tế - xã hội và yêu cầu đổi mới quản lý tài chính công của đất nước trong điều kiện hội nhập quốc tế.
- Có đạo đức nghề nghiệp, hiểu biết và tôn trọng pháp luật; có khả năng tư duy khoa học và làm việc nhóm, làm việc độc lập; có khả năng sử dụng tiếng Anh để làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế.
- Có khả năng chuyển đổi vị trí việc làm một cách linh hoạt thích ứng với thị trường lao động cạnh tranh.
4. Về nội dung đào tạo chuyên ngành Quản lý Tài chính công
Ngoài những kiến thức giáo dục đại cương theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sinh viên Chuyên ngành Quản lý tài chính công được tiếp cận với hai khối kiến thức: Kiến thức cơ sở ngành và Kiến thức chuyên ngành.
- Về khối kiến thức cơ sở ngành: Sinh viên được trang bị kiến thức của các môn học cơ sở ngành chủ yếu như: Nguyên lý kế toán, Pháp luật kinh tế, Tài chính - tiền tệ, Nguyên lý thống kê, Tin học ứng dụng, Thuế, Tài chính quốc tế, Tài chính doanh nghiệp, Quản trị ngân hàng thương mại, Kinh tế lượng…
- Về khối kiến thức chuyên ngành: Sinh viên được trang bị kiến thức của các môn học chuyên ngành như: Lý thuyết Quản lý tài chính công; Quản lý thu ngân sách; Quản lý chi ngân sách; Quản lý tài chính các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công; Quản lý tài chính xã, phường; Quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng vốn ngân sách nhà nước; Kế toán ngân sách và nghiệp vụ kho bạc; Kế toán hành chính - sự nghiệp; Chuẩn mực kế toán công...
Trong quá trình học tập và nghiên cứu tại Học viện Tài chính, sinh viên được tiếp cận kiến thức chuyên môn thực tế qua các buổi tọa đàm với báo cáo viên đến từ các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước, Sở Tài chính…; tham gia nghiên cứu khoa học, hội thảo khoa học; thực tập các nghiệp vụ quản lý tài chính công tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức và viết luận văn tốt nghiệp dưới sự hướng dẫn của các giảng viên, các nghiên cứu sinh có kinh nghiệm của bộ môn.
5. Về vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường
Sinh viên Chuyên ngành Quản lý Tài chính công có khả năng đảm nhận nhiều vị trí việc làm chuyên môn về quản lý tài chính công: (i) Quản lý tài chính - ngân sách nhà nước ở các cơ quan quản lý tài chính công phục vụ trực tiếp việc thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của các cấp chính quyền nhà nước, các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công, các cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội…; (ii) Giảng viên, nghiên cứu viên về quản lý tài chính công tại các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học; (iii) Chuyên gia tư vấn về quản lý tài chính công cho các cấp chính quyền nhà nước, các bộ, các cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc tế…
6. Về triển vọng và cơ hội nghề nghiệp
Cải cách tài chính công ở Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi nguồn nhân lực có chuyên môn về quản lý tài chính công được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của các cấp chính quyền nhà nươc, các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công, các cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội… Vì vậy, chọn Chuyên ngành Quản lý tài chính công, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp và triển vọng khẳng định thương hiệu bản thân trong tương lai.
Thứ nhất, cơ hội và triển vọng nghề nghiệp đúng chuyên ngành:
- Trở thành công chức, cán bộ lãnh đạo về quản lý tài chính - ngân sách ở các cơ quan quản lý tài chính công thuộc các cấp chính quyền nhà nước như Bộ Tài chính, Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch; Bộ Kế hoạch và đầu tư, Sở Kế hoạch và đầu tư; Kho bạc Nhà nước Việt Nam, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Kho bạc Nhà nước huyện…
- Trở thành công chức, cán bộ lãnh đạo về quản lý tài chính - ngân sách ở các cơ quan nhà nước thuộc các cấp chính quyền nhà nước như Văn phòng Quốc hội; Văn phòng chính phủ; Văn phòng Uỷ ban nhân dân và Hội đồng nhân dân các cấp chính quyền địa phương; các Bộ và các cơ quan nhà nước khác ở trung ương; các Sở và các cơ quan nhà nước khác ở cấp tỉnh; các Phòng và các cơ quan nhà nước khác ở cấp huyện...
- Trở thành công chức, viên chức, cán bộ lãnh đạo về quản lý tài chính - ngân sách ở các cơ quan thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Liên đoàn Lao động Việt Nam; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam…
- Trở thành viên chức, cán bộ lãnh đạo về quản lý tài chính - ngân sách ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề; khoa học và công nghệ; y tế, dân số và gia đình; văn hóa thông tin; phát thanh, truyền hình, thông tấn; thể dục thể thao; bảo vệ môi trường… như Trường học, Bệnh viện, Viện nghiên cứu, Bảo tàng, Thư viện, Nhà xuất bản, Truyền hình Việt Nam và Truyền hình các địa phương…
- Trở thành giảng viên, nghiên cứu viên về quản lý tài chính công tại các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học trên phạm vi cả nước như các Học viện, các Viện nghiên cứu, các Đại học, Trường đại học...
- Trở thành chuyên gia tư vấn về quản lý tài chính công cho các cấp chính quyền nhà nước, các bộ, các cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc tế…
Thứ hai, cơ hội và triển vọng nghề nghiệp gần đúng chuyên ngành:
- Trở thành công chức, viên chức, cán bộ lãnh đạo về kế toán ở các cơ quan quản lý tài chính tài chính công thuộc các cấp chính quyền nhà nước, các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công, các cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội…
- Trở thành công chức, cán bộ lãnh đạo về quản lý thu ngân sách nhà nước ở cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan…
- Trở thành công chức, viên chức, cán bộ lãnh đạo quản lý tài chính dự trữ nhà nước, bảo hiểm xã hội và các quỹ tài chính công khác ngoài ngân sách.