Chuyên mục

Ảnh hoạt động
Ảnh-25-04-2022-15-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Hoisach20220

Văn bản - Tài liệu
Thứ hai, 07/08/2017 - 16:39

Quyết định 10/2007/QĐ-BVHTT phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành ngày 04/05/2007.

BỘ VĂN HOÁ THÔNG TIN

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Số 10/2007/QĐ-BVHTT

Hà Nội, ngày 04 tháng 5 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH THƯ VIỆN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN

Căn cứ Nghị định số: 63/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá - Thông tin;
Căn cứ Nghị định số: 92/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Pháp lệnh Thư viện được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 28/12/2000;
Căn cứ Nghị định 72/2002/NĐ-CP ngày 6 tháng 8 năm 2002 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện;
Căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin xem xét, phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam đến 2010 và định hướng đến năm 2020(Văn bản số: 1652/VPCP-VX ngày 29/3/2007 của Văn phòng Chính phủ;
Theo đề nghị của Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ trưởng Vụ Thư viện,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu như sau:

1 - Quan điểm phát triển:

Quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 phải dựa trên những quan điểm sau:

a - Hoạt động thư viện được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý thống nhất của Nhà nước; chủ động dựa vào nội lực là chính, đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của các loại hình thư viện trong mối liên kết chặt chẽ, thúc đẩy nhau cùng phát triển.

b - Quy hoạch phát triển thư viện phải phù hợp với các quy hoạch phát triển chuyên ngành thuộc lĩnh vực Văn hoá - Thông tin và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đảm bảo phát triển bền vững và lâu dài.

c - Thống nhất quan điểm đầu tư cho thư viện là đầu tư cho giáo dục, cho phát triển nguồn nhân lực Việt Nam.

d - Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động thư viện, phát huy hơn nữa hiệu quả quản lý Nhà nước. Tranh thủ tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước, đồng thời huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội trong việc xây dựng và phát triển ngành thư viện Việt Nam. Phù hợp trong bối cảnh đất nước đang chủ động và khẩn trương hội nhập kinh tế quốc tế.

2 - Định hướng đến năm 2020

a - Đầu tư đúng mức cho thư viện, chú trọng những thư viện có tính khu vực: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hoà, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ hoặc có ảnh hưởng lớn đến vùng lân cận phù hợp với quy hoạch tổng thể của địa phương, vùng, lãnh thổ và quốc gia.

b - ứng dụng khoa học công nghệ cao nhằm tự động hoá, hiện đại hoá trong các khâu hoạt động của thư viện. Phát triển thư viện điện tử và thư viện kỹ thuật số.

c - Sưu tầm, bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hoá trong thư viện theo phương pháp hiện đại dựa vào công nghệ thông tin phát triển ở mức cao. Hình thành 3 trung tâm bảo quản vùng tại Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh. Số hoá 100% tài liệu quý hiếm trong thư viện.

d - Khai thác triệt để và có hiệu quả nguồn lực thông tin trong và ngoài nước.

đ - Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành thư viện có trình độ chuyên môn cao và ngoại ngữ thông thạo, không những làm việc tốt ở trong nước mà còn làm việc tốt ở nước ngoài dưới dạng chuyên gia hoặc hợp tác giao lưu trao đổi thông tin.

e - Đẩy mạnh xã hội hoá theo nguyên tắc xây dựng đi đôi với quản lý tốt để phát triển độc giả. Kết hợp các loại hình thư viện trên địa bàn, thực hiện phương pháp mượn liên thư viện nhằm phục vụ tốt nhu cầu và dùng tin của người đọc. Củng cố và tiếp tục xây dựng xã hội đọc.

3 – Mục tiêu phát triển chủ yếu:

a – Thư viện công cộng:

- Thư viện công cộng phải là nguồn lực giúp nâng cao dân trí và phổ cập giáo dục của cộng đồng, là cơ quan giáo dục thường xuyên dành cho mọi người.

- Thư viện công cộng là thiết chế văn hoá có tính dân chủ cao nhất. Mọi người dân, không phụ thuộc vào lứa tuổi, giới tính, tôn giáo, dân tộc đều có quyền sử dụng thư viện. Phấn đấu nhiều dịch vụ của thư viện bạn đọc không phải trả tiền.

- Tiến tới tổ chức một mạng lưới thư viện công cộng rộng khắp, linh hoạt, phù hợp và hấp dẫn ở khắp mọi vùng, miền trên địa bàn cả nước; củng cố và xây dựng thư viện ở tất cả các quận, huyện, thị xã, đẩy mạnh phát triển thư viện ở cấp xã (cơ sở). Xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội, đặc biệt góp phần xây dựng có hiệu quả thế hệ đọc tương lai.

- Đảm bảo mỗi người dân có 0,7 cuốn sách trong các thư viện công cộng và 20% dân số cả nước sử dụng các dịch vụ của thư viện công cộng.

- Tạo cho người đọc sự tiếp cận tối đa tới các tài liệu, trước hết là vốn tài liệu có trong các thư viện cả nước, cung cấp tri thức và thông tin hữu ích cho người sử dụng.

- Hiện đại hoá, tin học hoá trong các thư viện công cộng, đặc biệt là Thư viện Quốc gia, trước mắt sẽ ưu tiên tập trung hiện đại hoá các thư viện trung tâm tỉnh, thành phố và tin học hoá bước đầu cho các thư viện cấp huyện.

- Phấn đấu đến năm 2010, toàn bộ thư viện các tỉnh, thành phố được nối mạng với Thư viện Quốc gia Việt Nam, Internet, số hoá 20% tài liệu quý hiếm, 40% thư viện cấp huyện ứng dụng công nghệ thông tin.

b - Thư viện chuyên ngành, đa ngành.

b.1 - Thư viện của Viện, Trung tâm nghiên cứu khoa học.

- Từng bước rút ngắn khoảng cách về thông tin giữa nước ta với các nước trên thế giới trong lĩnh vực thông tin khoa học xã hội.

- Đẩy nhanh tiến độ ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin trong các khâu hoạt động của cơ quan thông tin - thư viện khoa học xã hội và nhân văn. Phấn đấu đến năm 2010 số hoá 30% tài liệu quí hiếm, quan trọng và bổ sung 30% tài liệu điện tử trong vốn tài liệu của thư viện.

- Chú trọng sưu tầm, bảo quản và phát huy các giá trị di sản văn hoá thuộc lĩnh vực khoa học và nhân văn.

- Xây dựng, củng cố và hiện đại hoá hệ thống thông tin - thư viện khoa học xã hội trong toàn quốc ngang tầm khu vực vào năm 2010.

- Đáp ứng kịp thời, đầy đủ và có hệ thống các thông tin khoa học xã hội và nhân văn, cung cấp thông tin làm cơ sở cho những quyết định đúng đắn về chiến lược nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội; bảo đảm thông tin cho nghiên cứu và triển khai; tham gia góp phần nâng cao trình độ tiếp nhận, khai thác, sử dụng thông tin trong xã hội, thúc đẩy quá trình thông tin hoá xã hội, nâng cao dân trí; củng cố và phát triển thông tin khoa học xã hội, từng bước xây dựng và khai thác có hiệu quả nguồn lực thông tin, mở rộng các loại hình ấn phẩm thông tin và các dịch vụ thông tin, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dùng tin.

b.2 - Thư viện của trường và các cơ sở giáo dục khác.

* Thư viện trường phổ thông.

- Xây dựng và phát triển thư viện trường học, tủ sách gắn với quy mô phát triển giáo dục ở từng trường, từng cấp học, từng địa phương và từng khu vực (kể cả công lập, bán công, dân lập và tư thục).

- Thư viện trường học phải thực sự trở thành nguồn lực trung tâm của trường học.

- Thư viện trường học phải đảm bảo thông tin tài liệu cho chương trình học tập, giúp mở rộng kiến thức mọi mặt của các em, hình thành ở các em tính độc lập trong việc đọc, việc học; biết cách thu nhận, phân tích thông tin để hình thành kiến thức mới. Học ở lớp sẽ được củng cố bằng việc đọc (học) ở thư viện trường học.

- Từng bước đổi mới kho sách, căn cứ vào bản quy định các loại sách thiết yếu trang bị cho thư viện do Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành, trong đó ưu tiên sách bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên và các sách tham khảo do Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản và phát hành theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Củng cố tủ sách giáo khoa để đáp ứng yêu cầu thuê, mượn của giáo viên và học sinh.

- Từng bước hiện đại hoá, tin học hoá thư viện trường học; trước hết tin học hoá thư viện ở thư viện các trường phổ thông trung học; giáo dục kiến thức tin học cho các em.

- Đảm bảo đội ngũ cán bộ thư viện tin học đủ về số lượng biên chế đã quy định (phấn đấu mỗi thư viện trường học có 1 cán bộ chuyên trách), có trình độ chuyên môn, nắm vững nghiệp vụ thư viện, biết ứng dụng sáng tạo và hoạt động thư viện trong trường học; thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ thư viện trường học.

* Thư viện các trường trung cấp, cao đẳng, đại học.

- Hết sức coi trọng vị trí của thư viện trường đại học trong công tác đào tạo nhân lực và trong công tác nghiên cứu khoa học. Khẳng định vị trí của thư viện đại học tương ứng như một đơn vị trong cơ cấu tổ chức của nhà trường (tương đương như một khoa, một ban của trường đại học).

- Nâng cấp thư viện các trường đại học: xây dựng mới, tu bổ lại trụ sở thư viện, tạo cho các thư viện hiện đại về cơ sở vật chất và trang thiết bị; phong phú về tài liệu.

- Tăng cường công tác bổ sung tài liệu ngoại văn. Có sự phối kết hợp trong công tác bổ sung loại tài liệu giữa các trường đại học với nhau, cũng như đối với các thư viện khoa học lớn khác trong nước, tránh bổ sung trùng lặp, tiết kiệm ngoại tệ cho nhà nước. Thực hiện việc chia sẻ nguồn lực thông tin bằng các hình thức trao đổi tài liệu, cho mượn liên thư viện, phối hợp bổ sung...

- Đảm bảo trao đổi, hợp tác thường xuyên giữa thư viện các trường đại học trong nước với thư viện các trường đại học nước ngoài.

- Bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại cán bộ thư viện đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt về công nghệ thông tin, kiến thức về marketing, các dịch vụ thông tin - thư viện và ngoại ngữ.

- Phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, lấy đó làm đòn bảy quan trọng nhất trong quá trình hiện đại hoá thư viện.

- Xây dựng các chuẩn nghiệp vụ cho các khâu xử lý kỹ thuật (cấu trúc dữ liệu, bảng phân loại, từ điển từ khoá...) để đảm bảo tính thống nhất và hợp lý trong việc tổ chức kho tài liệu, tạo điều kiện dễ dàng cho việc tra cứu và trao đổi thông tin thư mục lẫn nhau và với bên ngoài.

- Dựa trên các chuẩn kỹ thuật nghiệp vụ thư viện sử dụng hệ thống máy tính đã có, tiến hành quá trình tự động hoá thư viện, nâng cao chất lượng các dịch vụ truyền thống. Xây dựng một cơ sở dữ liệu tích hợp phục vụ cho mọi hoạt động của thư viện, dựa trên các hệ quản trị cơ sở dữ liệu hiện đại, tiêu chuẩn, dễ phối hợp với các công nghệ khác và dễ mở rộng, nâng cấp.

- Sử dụng các thành tựu mới nhất của ngành công nghệ thông tin, nhất là các công nghệ INTERNET, nâng cao chất lượng của vốn tài liệu và phát triển các dịch vụ thông tin - thư viện hiện đại, phục vụ cho nhiều đối tượng bạn đọc với các phương tiện thông tin khác nhau.

- Xây dựng một hệ thống thư viện đại học mạnh, phát triển theo hướng hiện đại thư viện điện tử, thư viện số. Có khả năng đáp ứng các nhu cầu thông tin của người sử dụng một cách dễ dàng, nhanh chóng.

- Số hoá các giáo trình của các môn học cơ bản bậc đại học và trên đại học của nước ta để cung cấp trên mạng.

b.3 - Thư viện lực lượng vũ trang:

* Thư viện quân đội:

Hệ thống thư viện trong quân đội phải được đầu tư, nâng cấp, cải tạo và hiện đại hoá, trước hết là Thư viện Trung ương Quân đội, các thư viện thuộc các Quân khu, Quân đoàn, Quân binh chủng trở thành thư viện điện tử, nối mạng Intranet và Internet, số hoá 1/3 tài liệu quân sự của nước ta nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh, quốc phòng của đất nước và nâng cao trình độ về mọi mặt của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội. Đảm bảo định mức tiêu chuẩn về sách, báo, tạp chí cho hệ thống thư viện quân đội các cấp theo quyết định số: 3425/2001/QĐ-BQP ngày 20/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc "Ban hành quy định về tiêu chuẩn đời sống văn hoá, tinh thần trong quân đội".

- Tổ chức lại hệ thống thư viện quân đội bao gồm 2 phân hệ chính: thư viện các đơn vị và thư viện các học viện, nhà trường (thống nhất về mặt tổ chức, biên chế, qui mô...).

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện trong quân đội.

- Xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo kinh phí hoạt động, kinh phí bổ sung sách, báo cho các thư viện trong toàn quân.

- Đào tạo, nâng cao chất lượng của đội ngũ nhân viên thư viện trong hệ thống, đảm bảo đáp ứng yêu cầu hoạt động.

- Xác lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả với các hệ thống thư viện khác; góp phần tổ chức phục vụ tốt cư dân trên địa bàn.

* Hệ thống thư viện ngành Công an.

Do những đặc điểm riêng về an ninh nên không đề cập trong quy hoạch này. Các định hướng và mục tiêu phát triển theo định hướng và mục tiêu chung của ngành thư viện và đặc thù riêng của ngành công an.

b.4 - Thư viện của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp.

Ngoài những định hướng phát triển và mục tiêu chung của ngành thư viện, hệ thống thư viện này còn phụ thuộc vào định hướng và nhu cầu phát triển riêng của cơ quan chủ quản. Cơ sở vật chất kỹ thuật từng bước theo hướng hiện đại hoá trên cơ sở của những tiến bộ khoa học công nghệ nhằm đạt được những mục tiêu đề ra.

4 – Một số giải pháp chủ yếu để thực hiện Quy hoạch:

a - Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động thư viện.

- Củng cố và kiện toàn tổ chức sự nghiệp thư viện Việt Nam theo tinh thần của Pháp lệnh Thư viện, Nghị định số 72/2002/NĐ-CP ngày 6/8/2002 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện và các văn bản hướng dẫn kèm theo.

- Củng cố tổ chức Hội Thư viện Việt Nam, thành lập các chi hội trực thuộc.

- Phối hợp hoạt động liên ngành, giữa các loại hình thư viện trong công tác bổ sung tài liệu, tạo lập và cùng nhau sử dụng các sản phẩm và dịch vụ thư viện - thông tin; luân chuyển tài liệu; biên soạn và ban hành các chuẩn nghiệp vụ thống nhất trong toàn quốc.

- Xây dựng Luật Thư viện đồng thời sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế quản lý và các chính sách đồng bộ, thống nhất liên quan đến hoạt động thư viện

+ Chính sách tài chính trong hoạt động thư viện

+ Chính sách sử dụng đất đai để xây dựng thư viện

+ Chính sách ưu đãi đối với nhân viên thư viện và người sử dụng thư viện, kể cả những bạn đọc đặc biệt (khiếm thị, tàn tật,..)

+ Chính sách khen thưởng đối với những người có công phát triển sự nghiệp thư viện.

b – Huy động nguồn vốn đầu tư phát triển sự nghiệp thư viện.

Để đạt tới các mục tiêu của quy hoạch cần phải huy động nguồn vốn từ nguồn Nhà nước, cộng đồng, quốc tế. Trong đó nguồn lực Nhà nước mang tính chủ đạo. Nguồn huy động cộng đồng là rất quan trọng (nhất là ở mạng lưới đọc sách ở cơ sở từ xã, phường đến thôn, làng, cụm dân cư...). Nguồn lực quốc tế mang tính phối hợp và xây dựng mô hình thí điểm đồng thời kích thích nguồn lực từ phía Chính phủ và cộng đồng thực hiện từng bước xã hội hoá hoạt động thư viện, khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia đóng góp, hỗ trợ hoạt động thư viện.

c - Đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

+ Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với từng loại cán bộ: cán bộ lãnh đạo quản lý, chuyên gia đầu ngành, đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu, công chức nghiệp vụ...

+ Tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật cho giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Mở rộng các các cơ hội tiếp cận với công nghệ thông tin, không ngừng hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu tham khảo, các biên pháp hỗ trợ sinh viên trong học tập. Tăng cường kinh phí cho việc biên soạn giáo trình, sách giáo khoa và nghiên cứu khoa học.

+ Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo cán bộ thư viện bậc đại học, cao đẳng chuyên nghiệp theo tinh thần các nguyên tắc đào tạo cán bộ thư viện của IFLA đề ra năm 2000.

+ Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo lại cán bộ trong ngành thư viện. Hàng năm tổ chức các đoàn đi nghiên cứu theo các chuyên đề ở các nước hoặc tham gia các cuộc hội thảo quốc tế về lĩnh vực thư viện. Mở các khoá học trong nước với sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài.

+ Tạo điều kiện để cán bộ giảng dạy được nâng cao trình độ chuyên môn thông qua các chuyến đi thăm quan thực tế, học tập ở nước ngoài.

+ Có chế độ, chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài và lao động có trình độ chuyên môn cao công tác lâu dài, phục vụ sự nghiệp phát triển thư viện.

d – Phối hợp hoạt động liên ngành.

Đẩy mạnh hình thức liên kết, phối hợp hoạt động giữa các thư viện, các trung tâm thông tin trong cả nước; đặc biệt là hoạt động của các Liên hiệp thư viện khu vực và Liên hiệp thư viện các trường đại học.

đ - ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển tự động hoá, hiện đại hoá trong thư viện.

 Phát triển tự động hoá, hiện đại hoá hạ tầng cơ sở là một bức thiết trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam để hội nhập quốc tế. Trong lĩnh vực thư viện chúng ta cần hướng vào những việc cụ thể sau:

+ Tin học hoá và tự động hoá các quá trình thông tin-thư viện cơ bản theo hướng số hoá và liên kết mạng trong và ngoài nước.

+ Hiện đại hoá các điểm truy cập và giao diện nhằm phổ cập việc truy cập các nguồn tin từ mọi nơi, mọi lúc.

+ Phát triển thư viện điện tử, hiện đại hoá thư viện với các máy móc, thiết bị và phương tiện hiện đại; chuẩn hoá nghiệp vụ và áp dụng rộng rãi các chuẩn quốc gia và quốc tế, nhằm đạt trình độ công nghệ ngày càng cao và chất lượng hoạt động tốt, phù hợp với các chuẩn hữu quan của quốc tế.

e - Đẩy mạnh xã hội hoá sự nghiệp thư viện.

 - Nâng cao nhận thức của xã hội, của chính quyền các cấp, của các cơ quan về vai trò của thư viện trong thời kỳ mới. Vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng sự nghiệp thư viện, tạo điều kiện cho nhân dân và các tổ chức xã hội được tham gia một cách chủ động, bình đẳng vào các hoạt động thư viện.

- Xã hội hoá công tác đào tạo cán bộ Thư viện- Thông tin

- Thành lập thư viện tư nhân nhằm phục vụ cộng đồng, phát triển rộng rãi các hình thức thông tin theo đúng đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

- Đa dạng hoá các nguồn đầu tư cho phát triển, khai thác các nguồn nhân lực và vật lực trong xã hội; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn vốn trong nhân dân đóng góp xây dựng, phát triển sự nghiệp thư viện.

- Thu hút các tổ chức xã hội tham gia vào hoạt động thư viện. Cùng với các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia tích cực vào việc luân chuyển sách báo, giới thiệu sách báo xuống cơ sở, đưa sách đến những vùng xa xôi hẻo lánh... góp phần nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân.

f - Tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế.

Cần tăng cường sự hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực sau:

- Đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho cán bộ thư viện, và cán bộ giảng dạy thư viện.

- Cung cấp trang thiết bị, hỗ trợ ngân sách tiến hành một số công trình nghiên cứu cấp Nhà nước, các dự án bảo quản, tu sửa tài liệu, thư tịch cổ quí hiếm.

- áp dụng và chuyển giao công nghệ, các chuẩn nghiệp vụ.

- Trao đổi, biếu tặng, hỗ trợ tài liệu nghiên cứu khoa học, tai liệu về nghiệp vụ thư viện, tài liệu ở nước ngoài viết về Việt Nam. Đáng chú ý là các tài liệu viết về Việt Nam, của người Việt Nam xuất bản ở nước ngoài.

- Tăng cường tổ chức và tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm, học thuật.

- Chủ động mở rộng quan hệ với các tổ chức, cá nhân để tìm kiếm các hình thức hợp tác thích hợp với các đối tác nước ngoài.

- Củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ với các tổ chức quốc tế về thư viện như: IFLA, CONSAL và các tổ chức quốc tế khác có khả năng tài trợ cho ngành thư viện như: Quỹ SIDA của Thuỵ Điển, Quỹ FORD của Mỹ...

g – Tổng nhu cầu vốn thực hiện và cơ chế huy động các nguồn vốn.

* – Nguồn vốn thực hiện quy hoạch

+ Ngân sách Trung ương

+ Ngân sách địa phương

+ Ngân sách huy động khác

* – Cơ chế huy động nguồn vốn

+ Nguồn nhà nước cấp

+ Nguồn của địa phương

+ Nguồn huy động hoặc vay trong nước, ngoài nước.

+ Nguồn thu sự nghiệp được để lại theo chế độ hiện hành.

h - Danh mục các Dự án ưu tiên đầu tư phát triển sự nghiệp thư viện

(phụ lục kèm theo).

Điều 2: Tổ chức thực hiện

Căn cứ vào Quy hoạch phát triển ngành Thư viện đã được duyệt là một tài liệu”Khung” với những mục tiêu, định hướng phát triển, các cơ chế, chính sách và các giải pháp tổ chức thực hiện; làm cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm, hàng năm các dự án đầu tư phát triển thư viện trên địa bàn của tỉnh, thành phố theo quy định.

- Bộ Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện quy hoạch này, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ vào điều kiện kinh tế - văn hoá - xã hội chỉ đạo các Sở Văn hoá - Thông tin xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển ngành Thư viện đến 2010 và định hướng đến 2020 của địa phương và có nội dung phù hợp với đề án Quy hoạch đã được phê duyệt của Bộ Văn hoá - Thông tin.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng trên công báo.

Điều 4: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ trưởng Vụ Thư viện; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ và Giám đốc các Sở Văn hoá - Thông tin các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Thường vụ Bộ Chính trị (để b/c);
- Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch nước;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng (để b/c);
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Các HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Công báo;
- Vụ, Cục chức năng, các đơn vị trực thuộc Bộ;
- Các Sở Văn hoá - Thông tin;
- Lưu VP, TV, KHTC

BỘ TRƯỞNG




Lê Doãn Hợp

Số lần đọc: 556
Các bài đã đăng
Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức  |  Ảnh hoạt động  |  Hỏi đáp  |  Gửi yêu cầu  |  Trang TT HVTC
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THƯ VIỆN
© Cơ quan chủ quản: Học viện Tài chính
Địa chỉ: Học viện Tài chính, Phường Đức Thắng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Điện thoại:
E-mail: thuvien@hvtc.edu.vn
Website: http://www.hvtc.edu.vn/thuvien
Phát triển bởi Công ty TNHH Phần mềm Hoàng Hà