Thông báo

Hoạt động qua ảnh
Ảnh-28-11-2021-16-img0 Ảnh-28-11-2021-16-img1 Ảnh-28-11-2021-16-img2 Ảnh-28-11-2021-16-img3 Ảnh-28-11-2021-16-img4 Ảnh-28-11-2021-16-img5 Ảnh-28-11-2021-16-img6 Ảnh-28-11-2021-16-img7 Ảnh-28-11-2021-16-img8 Ảnh-28-11-2021-16-img9

Thứ sáu, 21/12/2018 - 10:57

Hội thảo NCKH giáo viên Khoa Kinh tế: "Nền kinh tế số: Cơ hội, thách thức và sức hấp thụ của Việt Nam"

Nền kinh tế số đang trở thành một xu hướng toàn cầu, nhưng để bắt kịp nhịp với thời đại, Việt Nam cần chuẩn bị nội lực đủ mạnh và vững để nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức...

Sáng ngày 20/12/2018, tại phòng hội thảo A1, khoa Kinh tế đã trang trọng tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Nền kinh tế số: Cơ hội, thách thức và sức hấp thụ của Việt Nam”.

Đến dự hội thảo có các khách mời đến từ Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam: PGS., TS. Lưu Ngọc Trịnh - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới; TS. Nguyễn Bình Giang – Phó viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới; TS. Nguyễn Hồng Thu, ThS. Hoàng Hồng Minh – Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới; TS. Kiều Thị Nga – Phó viện Trưởng Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông; PGS., TS. Trần Thị Lan Hương – Tổng biên tập Tạp chí Châu Phi và Trung Đông; NCS. Trần Anh Đức – Học viện Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Nguyễn Tuấn Minh – Phó tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Châu Mỹ; và ThS Nguyễn Thùy Dương - Viện nghiên cứu Châu Mỹ.

Và khách mời từ các Ban, Khoa trong Học viện: TS. Nguyễn Thị Thúy Nga - Phó trưởng ban Quản lý Khoa học; TS. Hoàng Thị Phương Lan – Phó trưởng Bộ môn Kinh tế quốc tế - Khoa Tài chính quốc tế.

Về phía khoa Kinh tế có sự tham dự của PGS., TS. Nguyễn Văn Dần - Trưởng khoa Kinh tế; PGS., TS. Đinh Văn Hải – Phó trưởng khoa Kinh tế; TS. Phạm Quỳnh Mai – Phó trưởng khoa Kinh tế; cùng toàn thể giảng viên của khoa Kinh tế và các em sinh viên trong khoa quan tâm đến chủ đề hội thảo đến tham dự.

Mở đầu, TS. Phạm Quỳnh Mai thay mặt đoàn chủ tọa phát biểu khai mạc hội thảo. TS. Phạm Quỳnh Mai nêu lên vai trò ngày càng lớn của công nghệ số đối với phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời,  nó cũng mang đến những thách thức không nhỏ về bảo mật thông tin, khung khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng số, chất lượng nguồn nhân lực, cải cách thể chế... Vì vậy, khoa Kinh tế tổ chức hội thảo mong muốn đóng góp những kiến thức khoa học cả về lý luận và thực tiễn về vấn đề có tính thời sự này.

TS. Phạm Quỳnh Mai thay mặt đoàn chủ tọa khai mạc hội thảo

Ngay sau đó, hội thảo đã được nghe tham luận của PGS., TS. Đinh Văn Hải có tiêu đề: “Phát triển kinh tế số ở Việt Nam – Yêu cầu cấp thiết của thời đại”. Bài tham luận đã mang đến cho hội thảo những hình dung cụ thể về thực tế nền kinh tế số ở Việt Nam hiện nay. Việt Nam đã có mức độ phủ sóng 4G cao, đến 71,26%, xếp thứ 54 thế giới, trên cơ sở kỹ thuật số nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào thương mại điện tử; công nghệ số đã được ứng dụng vào giao thông, giáo dục, y tế... Bên cạnh những thành công, PGS., TS. Đinh Văn Hải cũng chỉ ra những tồn tại như quy mô doanh nghiệp nhỏ, thiếu năng lực cho phát triển kinh tế số; chưa có nhận thức về sự cần thiết của kinh tế số, sự thiếu hụt nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng...

PGS., TS. Đinh Văn Hải trình bày tham luận “Phát triển kinh tế số ở Việt Nam – Yêu cầu cấp thiết của thời đại”

Kế đến, TS. Hoàng Thị Phương Lan trình bày tham luận thứ 2: “Khả năng tham gia chuỗi giá trị may mặc toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế số”. Việt Nam hiện nay tham gia chủ yếu vào khâu sản xuất, khâu thứ 3 trong 5 khâu: R&D, đầu vào, sản xuất, phân phối và bán lẻ, vì lý do chúng ta có lợi thế về nhân công giá rẻ trong khi đây là khâu thâm dụng lao động cao nhất. Tuy nhiên, đây là khâu trũng nhất trong biểu đồ giá trị gia tăng tạo ra, trong khi đó lại tạo ra mức độ ô nhiễm cao nhất cùng với hoạt động vận chuyển. Từ đó, TS. Lan đã đánh giá những thiếu hụt của Việt Nam và đưa ra 4 đề xuất cụ thể: nâng cao trình độ cho người lao động; duy trì và nâng cấp vai trò nhà sản xuất, xuất khẩu lớn; tiếp cận và thiết lập mối quan hệ chiến lược với các khách hàng quốc tế và hình thành và phát triển cụm liên kết may mặc trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.

TS. Hoàng Thị Phương Lan trình bày tham luận “Khả năng tham gia chuỗi giá trị may mặc toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế số”

Cùng quan tâm đến đề tài TS. Lan vừa trình bày, ThS. Đỗ Thị Ngọc Thanh – giảng viên Bộ môn Luật Kinh tế, Khoa Kinh tế bày tỏ sự đồng thuận với thực trạng mà TS. Lan vừa nêu ra. Đồng thời, nhằm làm rõ hơn một số vấn đề, Ths. Thanh đã đặt ra một số câu hỏi: Khả năng tham gia của Việt Nam trong các khâu khác trong chuỗi giá trị như thế nào? Làm thế nào để xanh hóa chuỗi may mặc trên cơ sở tiếp cận từ nền kinh tế số? và đã nhận được phản hồi thỏa đáng từ phía tác giả.

Bài tham luận thứ 3 của hội thảo là “Phát triển nền nông nghiệp số ở Việt Nam” của TS. Trần Phương Anh – Phó trưởng Bộ môn Kinh tế đầu tư tài chính. TS. Phương Anh đưa ra khái niệm của nông nghiệp số, thực trạng ứng dụng công nghệ vào trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, và từ đó khẳng định, nông nghiệp Việt Nam mới chỉ đâu đó giữa giai đoạn nông nghiệp 2.0 và 3.0, chứ chưa thực sự bước vào giai đoạn 4.0. Với hiệu quả không thể phủ nhận khi ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp, TS. Phương Anh đề xuất cần có một chiến lược phát triển rõ ràng, đồng thời có sự phát triển đồng bộ của thương mại điện tử, sự cải thiện trong chất lượng nhân lực cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng, sự đồng bộ trong chính sách phát triển của Nhà nước.

TS. Trần Phương Anh trình bày tham luận“Phát triển nền nông nghiệp số ở Việt Nam”

Tham gia đóng góp ý kiến cho hội thảo, PGS., TS. Lê Thị Thanh – giảng viên Bộ môn Luật Kinh tế nêu ra vấn đề về tạo cơ sở pháp lý cho nền kinh tế số phát triển. PGS., TS. Lê Thị Thanh khẳng định rằng Việt nam đã có một số văn bản luật có giá trị pháp lý cao, điển hình là Nghị định 52 về thương mại điện tử. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều những bất cập về tính pháp lý và cần có những văn bản pháp lý phù hợp cho sự phát triển nền kinh tế số của Việt Nam....

PGS., TS. Lê Thị Thanh đóng góp ý kiến về tạo cơ sở pháp lý cho nền kinh tế số phát triển

Đưa ra những nhận định sâu sắc và bao quát về nền kinh tế số trên thế giới và tại Việt Nam, PGS., TS. Lưu Ngọc Trịnh trong ý kiến đóng góp cho nội dung hội thảo khẳng định: đầu tiên và trước hết, cần nâng cao trình độ dân trí, hiểu biết của người dân về cách mạng công nghiệp, không để tình trạng giới nghiên cứu rầm rộ trong khi người dân ngơ ngác. Thứ hai, cách mạng công nghiệp đòi hỏi tính sáng tạo lớn, vì vậy cần tạo điều kiện cho sáng tạo trên cơ sở kỹ thuật số. Thứ ba, cần xác định lĩnh vực ưu tiên phát triển. Thứ tư, xác định đúng vai trò và vị trí của kinh tế tư nhân, động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế. Cuối cùng, cần đầu tư cho nguồn nhân lực để người lao động có tính chuyên nghiệp và khả năng thích ứng cao với sự thay đổi không ngừng của kỹ thuật số.

PGS., TS. Lưu Ngọc Trịnh đóng góp ý kiến cho hội thảo

TS. Nguyễn Bình Giang mang đến góc nhìn thú vị về cách tiếp cận của các quốc gia phát triển với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Thực tế, ở các nước này, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng mới chỉ manh nha, nhưng nhờ nền học thuật phát triển và tư duy duy lý, nên họ có sự chuẩn bị trước khá kỹ trên phương diện cơ sở hạ tầng, tính bảo mật và nguồn nhân lực để đón nhận và hấp thụ tốt xu hướng mới này.

TS. Nguyễn Bình Giang – thành viên đoàn chủ tọa.

Hội thảo tiếp tục nghe bài tham luận của ThS. Hoàng Hồng Minh: “Phản ứng chính sách của Đức trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Nước Đức là nơi khái niệm “Industrie 4.0” được khởi xướng, và chiến lược hiện thực hóa “Industrie 4.0” của nước Đức cũng là vô cùng độc đáo và khác biệt. Tác giả đã khẳng định “không một quốc gia nào khác trên thế giới ngoại trừ Đức hội tụ đủ những điều kiện cần thiết để thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Vì vậy, những kinh nghiệm của nước Đức được trình bày trong bài là những bài học rất giá trị để Việt Nam có thể học hỏi, đúc rút kinh nghiệm và áp dụng cho mình.

ThS. Hoàng Hồng Minh trình bày tham luận

“Phản ứng chính sách của Đức trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”

PGS., TS. Nguyễn Thị Lan Hương, với hiểu biết bao quát từ quá trình lâu dài nghiên cứu kinh tế Trung Đông và Châu Phi đã nêu ra thực trạng đa phần các quốc gia bị động trong đón nhận nền kinh tế số, và với sự bị động đó thì dường như cơ hội rất ít, trong khi thách thức rất nhiều. Đừng để nền kinh tế Việt Nam mãi là “nền kinh tế 1 USD” trong chuỗi giá trị 100 USD toàn cầu, TS. Lan Hương khuyến nghị.

PGS., TS. Trần Thị Lan Hương đóng góp ý kiến cho hội thảo

Tổng kết hội thảo, PGS., TS. Nguyễn Văn Dần cảm ơn 31 bài viết có nội dung sâu sắc xoay quanh chủ đề nền kinh tế số đã gửi đến hội thảo, 7 bài tham luận và ý kiến đóng góp trực tiếp tại hội thảo, đã cho chúng ta thấy khái quát về nền kinh tế số cả trên ba phương diện: cơ sở lý thuyết, thực trạng phát triển và tính pháp lý cho sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam. Giúp chúng ta tìm ra cơ hội, chỉ ra được các thách thức và đưa ra được các giải pháp nhằm nâng cao sức hấp thụ của Việt Nam đối với nền kinh tế số.

Một số hình ảnh của hội thảo:

Số lần đọc: 18
Tin phản hồi
Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức  |  Đề cương bài giảng  |  Thư viện ảnh  |  Hỏi đáp  |  Liên hệ
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA KINH TẾ
© Cơ quan chủ quản: Học viện Tài chính
Chịu trách nhiệm chính: Ths. Ngô Vút Bổng - Phó Giám đốc (PT) Trung tâm Thông tin
Địa chỉ: Học viện Tài chính, đường Lê Văn Hiến, Phường Đức Thắng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Điện thoại: (04)37.525.550
E-mail: Khoakinhte@hvtc.edu.vn | Website: http://www.hvtc.edu.vn/khoakinhte
Phát triển bởi Công ty TNHH Phần mềm Hoàng Hà