Chuyên mục

Ảnh hoạt động
Ảnh-25-04-2022-15-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Hoisach20220

Thứ hai, 04/12/2017 - 9:53

Một số chiến lược nâng cao kỹ năng nói cho sinh viên không chuyên tiếng Anh

(ĐHVH HN) - Nói là một trong những kỹ năng quan trọng nhất cần được chú trọng và nâng cao vì nó là phương tiện giao tiếp hiệu quả. Tuy nhiên, kỹ năng này cũng được xem là một trong những khía cạnh khó nhất của quá trình học ngôn ngữ. Nhiều sinh viên cảm thấy khó khăn khi muốn diễn đạt hoàn chỉnh những suy nghĩ của mình bằng tiếng Anh,  thậm chí họ còn cảm thấy sợ khi phải giao tiếp bằng tiếng Anh mặc dù họ học ngôn ngữ nàyliên tục trong nhiều năm liền. Vì thế, làm thế nào để nâng cao khả năng nói cho sinh viên giúp họ có thể giao tiếp thành thạo là mục tiêu quan trọng trong chương trình giảng dạy ngoại ngữ hiện nay. Trong bài viết này, tác giả sẽ đưa ra các đặc điểm của kỹ năng nói, một vài khó khăn sinh viên gặp phải khi học nói, các yếu tố tác động đến kỹ năng nói và một số chiến lược học ngoại ngữ giúp cải thiện kỹ năng nói cho sinh viên.
  1. Các đặc điểm của kỹ năng nói
Theo Mazouzi (2013), các hoạt động dành cho người học nên được thiết kế dựa trên hai tiêu chí cần đạt được vớivai trò quan trọng như nhauđó là khả năng nói lưu loát và độ chính xác của lời nói. Bởi vì, đây là hai yếu tố quan trọng của việc giảng dạy ngoại ngữ theo đường hướng giao tiếp. Các hoạt động thực hành trên lớp có thể giúp cho sinh viên phát triển năng lực giao tiếp của mình.Vì thế, họ cần phải hiểu được sự hoạt động thích hợp của hệ thống ngôn ngữ.
Đặc điểm thứ nhất của hoạt động nói là tính lưu loát và đây là mục tiêu chính mà giáo viên muốn sinh viên của mình đạt được khi giảng dạy kỹ năng nói cho họ.Thornbury (2005) cho rằng khả năng nói lưu loát là khả năng trình bày vấn đề một cách dễ hiểu để không làm gián đoạn quá trình giao tiếp đang diễn ra khiến người nghe cảm thấy chán và không muốn tiếp tục nghe. Hedge (2000) thì diễn tảnói lưu loát là khả năng trả lời một cách chặt chẽ, mạch lạc thông qua việc kết hợp các từ và các cụm từ với nhau, phát âm các âm rõ ràng và  cósử dụng trọng âm và ngữ điệu khi nói.
Tính chính xác là đặc điểm quan trọng thứ hai của hoạt động nói.Nếu người học muốn nói lưu loát thì họ cần phảichú trọng đến cả tính chính xác của cấu trúc ngữ pháp, từ vựng, cũng như cách phát âm trong khi nói.Do đó, giáo viên nên tập trung vào cả yếu tố chính xác và lưu loát của lời nói trong quá trình giảng dạy kỹ năng nói cho sinh viên.  Theo Thornbury (2005) việc sử dụng đúng các cấu trúc ngữ pháp trong khi nóiđòi hỏi người học phải để ý đến độ dài, tính phức tạp của các phát ngôn và cấu trúc hoàn chỉnh của các mệnh đề.Để đạt được độ chính xác về mặt từ vựng, người học phải lựa chọn các từ ngữ phù hợp với ngữ cảnh.Cùng một từ, hay một cụm từ được sử dụngtrong những ngữ cảnh khác nhau thì sẽmang nghĩa khác nhau.Vì thế, người học nên biết cách sử dụng từ ngữ và thành ngữ một cách chính xác để tránh gây hiểu lầm cho người nghe.
Thornbury (2005) khẳngđịnh phát âm cũng là yếu tố mà người học cần quan tâm đến trong khi nói.Để có thể nói tiếng Anh một cách chính xác, người học nên nắm rõ các quy tắc về âm vịcũng như cách phát âm của các từ khác nhau trong tiếng Anh.Ngoài ra, cầnphải hiểu rõ các đặc điểm siêu đoạn tính như trọng âm, ngữ điệu, nhịp điệu.Những đặc điểm này giúp người học nói tiếng Anh dễ dàng và hiệu quả.
  1. Một số vấn đề gặp phải trong khi học kỹ năng nói
Có một số vấn đề làm cản trở khả năng giao tiếp của sinh viên mà giáo viên tình cờ nhận thấy khi giúp họ luyện nói trên lớp, đó là: sự tự ti, thiếu kiến thức mang tính thời sự, không tích cực tham gia và sử dụng tiếng mẹ đẻ trong khi giao tiếp.
Vấn đề đầu tiên gây khó khăn cho sinh viên trong khi học kỹ năng nóiđó là sự tự ti. Người họcđôi khi cảm thấy mặc cảm và không đủ tự tin khi muốn trình bày một vấn đề gì đótrên lớp họcvì họ lo sợ bị mắc lỗi và sợ bị phê bình. Ngoài ra, họ cảm thấy xấu hổ khi các ánh mắt của các bạn cùng lớp đang đổ dồn về phía họ. Littlewood (2007) cũng cho rằng học ngôn ngữ trên lớp có thể gây ra sự tự ti và lo sợ cho người học.
Vấn đề thứ hai đó là sinh viên phàn nàn rằng họ không thể ghi nhớ bất cứ điều gì để trình bày và cũng không có động cơ để bày tỏý kiến của mình. Nguyên nhân có thể do giáo viên lựa chọn chủ đề nói không phù hợp với sinh viên vì thế họ không có đủ thông tin để nói nói về chủ đề này. Baker và Westrup (2003) ủng hộ ý kiến trên và cho rằng thật rất khó khăn đối với sinh viên khi họ phải kể về những thứ  giáo viên yêu cầu trong khi họ hầu như chẳng có ý tưởng hay kiến thức hiểu biết gì về những điều sẽ nói, về việc nên lựa chọn từ vựng gì để diễn đạt hay nói thế nào cho đúng ngữ pháp.
Thứ ba, tỉ lệ sinh viên tham gia vào hoạt động nói rất thấp. Ở lớp học đông sinh viên, mỗi sinh viên thường có rất ít thời gian để tham gia hoạt động giao tiếp vì mỗi lúc chỉ có một người nói cònnhững sinh viên khác phải lắng nghe.Thực tế, có những sinh viên thì tham gia rất tích cực vào hoạt động nóivà có thểchi phối cả lớptrong khi một số khác lạinói rất ít thậm chí không nói gì bao giờ.
Vấn đề khó khăn nữa đó là sinh viên sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ trong giờ thực hành nói tiếng Anh vì điều này giúp họ trình bày dễ dàng hơn và có nhiều ý hơn để nói. Theo Harner (1991), có một số nguyên nhân khiến sinh viên dùng tiếng mẹ đẻ trong lớp học  tiếng Anh. Thứ nhất, khi giáo viên yêu cầu họ nói chuyện về một chủ đề mà họ không đủ kiến thức hay sự hiểu biết để trình bày thì họ sẽ cố gắng dùng tiếng mẹ đẻ thay vì diễn đạt bằng tiếng Anh. Thứ hai, việc trình bày bằng tiếng mẹ đẻ thì có vẻ tự nhiên hơn. Nếu giáo viên không nhắc nhở họ nói chuyện bằng tiếng Anh, họ sẽ tự động dùng ngôn ngữ  nguồn để giải thích mọi thứ liên quan cho các bạn khác cùng lớp lắng nghe. Một lý do nữa nếu giáo viên cũng thường xuyên dùng ngôn ngữ nguồn trên lớp thì sinh viên sẽ quen và cảm thấy thật tự nhiên và thoải mái khi nói tiếng mẹ đẻ trong giờ nói tiếng Anh.
  1. Các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng nói
  1. Các yếu tố tri nhận
Levelt(1989) cho rằng quá trình nói bao gồm sự ý niệm hóa, cách trình bày và cách phát âm.Như vậy, trong quá trình giao tiếp, người nói trước hết phải lựa chọn thông tin có ý nghĩa để trình bày. Tiếp theo, phải suy nghĩ về việc sửdụng từ ngữ thế nào cho phù hợp và cấu trúc ngữ pháp saocho chính xác. Sau đó, người học sử dụng các cơ quan cấu âm để trình bày.Cả ba quá trình này xảy ra đồng thời nên người học có thể mắc lỗi trong khi nói, đặc biệt là khi tương tác trực tiếp. Bởi thế, quá trình nói có thể nảy sinh một số vấn đề như sự do dự, nói nhầm chủ đề, nói không  đúng ngữ pháp, vốn từ hạn chế. Tuy nhiên, người học lại không thể chú ýđến tất cả mọi yếu tố cùng một lúc.Nếu quá chú trọng nói sao cho thật chính xác thì sẽ làm cản trở đến độ lưu loát trong lời nói.Ngược lại, nếu quá tập trung tới độ lưu loát thì sẽ dẫn đến việc nói thiếu chính xác về mặt từ vựng, ngữ pháp hay phát âm.
  1. Yếu tố ngôn ngữ
Các yếu tố về ngôn ngữbao gồm các đặc điểm như phát âm, ngữ pháp và từ vựng... Phát âm đóng vai trò quan trọng trong việc khiến người nghe dễ hiểu ý người nói. Phát âm sai bất cứ âm đơn lẻ nào hay sử dụng sai trọng âm và ngữ điệu sẽ gây ra sự hiểu lầm ý của người nói. Ngoài ra, sử dụng đúng ngữ pháp cũng quan trọng khi nói tiếng Anh vì nếu người nói sử dụng sai từ hay dạng từcũng khiến cho người nghe hiểu sai ý của người nói.Từ vựng giống như các viên gạch để xây nên tòa nhà.Nếu vốn từ tiếp nhận của người học hạn chế thì họ khó có thể sử dụng chúng trong giao tiếp vàkhông thể diễn đạt những suy nghĩ của mình một cách hoàn chỉnh.Vì vậy, người học ngoại ngữ cần tích lũy số lượng lớn vốn từ vựng và ghi nhớ chúng trong thời gian dài.Carter (2001) khẳng định để có thể nói lưu loát, người nghe phải có vốn từ vựng phong phú .
  1. Các yếu tố tâm lý
Các yếu tố tâm lý như sự lo lắng, rụt rè, thiếu tự tin hay động lực...cũng gây  ảnh hưởng đến thành công hay thất bại trong giao tiếp. Tâm lý lo sợ hay rụt rè trong khi nói sẽ cản trở khả năng giao tiếp lưu loát. Nếu như người nói quá lo lắng họ sẽ không thểnói được điều gì vì lúc ấy họ hầu như không nghĩ ra bất cứ từ ngữ hay cụm từ nào thích hợpdẫn đến sự thất bại trong giao tiếp. Vì thế, để trở thành người giao tiếp thành thạo thì người học phải học cách kiểm soát được cảm xúc của mình.Trạng thái cảm xúc tiêu cực thì sẽ dẫn đến giao tiếp thất bại, ngược lại với cảm xúc tích cực người nói có thể thành công trong giao tiếp.
  1. Năng lực ngữ pháp
Năng lực ngữ pháp bao gồmkiến thức về hệ thống các quy tắc ngữ pháp, cú pháp, từ vựng và ngữ âm.Năng lực này giúp người học có thể nắm vững cấu trúc và diễn đạt lưu loát.
  1. Năng lực diễn ngôn
Năng lực diễn ngôn giúp giải quyết các vấn đề về liên kết và mạch lạc trong các loại văn bản khác nhau. Năng lực này là khả năng nắm vững phương thức kết hợp ý nghĩa và hình thức ngữ pháp nhằm tạo ra các văn bản viết hay nói có nghĩa thông qua việc sử dụng các phương thức kết nối để liên kết các hình thức phát ngôn (như đại từ, từ nối, các cấu trúc tương đương) và các quy tắc kết nối ngữ nghĩa.
  1. Năng lực ngôn ngữ-xã hội
Năng lực ngôn ngữ-xã hội là việc sử dụng hợp lí vềngữ nghĩa (như thái độ, hành động lời nói…) và hình thức ngôn ngữ (như từ vựng,  biểu đạt phi ngôn từ, ngữ điệu). Hay nói cách khác,năng  lực này  giúp tạo ra các phát ngôn thích hợp để người nghe có thể hiểu được trong các ngữ cảnh khác nhau, với các mục đích giao tiếp và quy tắc giao tiếp khác nhau.
  1. Năng lực chiến lược
Đây là khả năng sử dụng các chiến lược giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ nhằm khắc phục giao tiếp do hạn chế trong các năng lực giao tiếp khác hoặc do hạn chế trong các điều kiện giao tiếp như không nhớ hình thức ngữ pháp hoặc không nhớ ý. Hơn nữa, các chiến lược giao tiếp còn làm tăng hiệu quả giao tiếp (như cố ý kéo dài phát ngôn nhằm tạo hiệu ứng tu từ).
  1. Các chiến lược nâng cao kỹ năng nói cho sinh viên
  1. Sử dụng cáccách trả lời đơn giản và ngắn gọn nhất
Đối với những sinh viên chưa tự tin trong giao tiếp thì họ thường lắng nghe một cách yên lặng và không nói gì trong khi các sinh viên khác đang nói. Để có thể khích lệ họ tham gia  thực sự vào hoạt động giao tiếp, giáo viên có thể hướng dẫn họ sử dụng cách trả lời đơn giản nhất và ngắn gọn hết mức có thể trong các tình huống giao tiếp khác nhau.  Cách trả lời này đặc biệt phù hợp với  người  mới bắt đầu học tiếng Anh. Các phát ngôn được sử dụng thường là các cụm từ thông dụng, dễ hiểu ( nhưMm/mhm/ hm; Uh-huh; Okay; Alright; No; Yes…)để chỉ sự hiểu biết, hay đồng ý, nghi ngờ, hoăc làm gián đoạn người nói để làm chủ tình huống giao tiếp.
Ví dụ:
 Jason: Well, it just means I don't like you coming in, and trying to get away with something.
 Mike: Yeah that's it. I guess that means I can't go. Right.
Việc đáp lại một cách ngắn gọn bằng ‘Yeah’ cho thấy Mike chắc chắn việc Jason không thích anh ấy ra ngoài vào lúc này.‘Yeah’ được sử dụng trong tình huống này thể hiện sự nhất trí của người nói.
Như vậy, nếu người học tích lũy được nhiều cách đáp lại ngắn gọn và đơn giản như trên thì họ có thể tập trung vào những gì mà người khác đang nói với họ mà không phải vừa nghe vừa phải nghĩ cách phản hồi.
  1. Tìm hiểu kỹ các bài hội thoại mẫu
Một số tình huống giao tiếp thường được hướng dẫn qua các bài hội thoại mẫu. Chẳng hạn: cách chào hỏi, xin lỗi, khen ngợi, đưa ra lời mời và các chức năng khác bị ảnh hưởng bởi các chuẩn mực văn hóa và xã hôi thường kèm theo các bài hội thoại mẫu.Và các cuộc trao đổivới mục đích giao dịch cũng thế. Các cuộc trao đổi nàygồm các hoạt động như thu thập thông  tin và trao đổi mua bán. Trong các bài hội thoại như thế này, việc đổi vai người nói thành người nghe và ngược  lại có thể được dự đoán trước.
Giáo viên có thể giúp sinh viên phát triển kỹ năng nói của họ thông qua việclàm cho họ để ý tới các bài hội thoại mẫu liên quan đến các tình huống giao tiếp khác nhau. Vì thế,  khi gặp các tình huống tương tự họ có thể đoán được nội dung họ sẽ nghe và cách họ sẽ đáp lại như thế nào. Thông qua việc tổ chức các hoạt động tương tác trên lớp, giáo viên có thể tạo cơ hội cho sinh viên được thực hành sử dụng ngôn ngữ mà họ tích lũy từ các các bài hội thoại mẫu hay thay đổi ngôn ngữ nàytùy thuộc theo từng ngữ cảnh.
  1. Sử dụng ngôn ngữ để nói về ngôn ngữ
Người học ngôn ngữ thường trở nên bối rối hoặc mất tự tin đến nỗi không thể thốt ra lời nào nếu như họ không hiểu được ý người nóivà khi họ phát hiện ra bạn họ cũng không hiểu đượcnhững điều họ đang nói.Vì thế, để giúp sinh viên có thể khắc phục đượctính dè dặt, giáo viên nên động viên để họ hiểu đượcrằng việc hiểu nhầm và nhu cầu cần làm sáng tỏ bất cứ vấn đề gì có thể xảy ra tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình giao tiếp và xảy ra với các đối tượng giao tiếp ở mọi trình độ. Ngoài ra, giáo viên cũng cần cung cấp cho sinh viên các chiến lược và các cụm từ để họ sử dụng vào việc làm sáng tỏ ý của người nói và để đánh giá mức độ lĩnh hội kiến thức của mình.
Bằng cách khích lệ sinh viên sử dụng các cụm từ làm sáng tỏ khi có sự hiểu lầm xảy ra trong quá trình giao tiếp, đồng thời có sự phản hồi tích cực của giáo viên đối với hoạt động của sinh viên, giáo viên có thể tạo ra môi trường giao tiếp thực sự trong phạm vi lớp học để sinh viên thực hành. 
Khi sinh viên hiểu rõ và sử dụng thành thạo nhiều chiến lược làm sáng tỏ, họ sẽ trở nên tự tin để có thể làm chủ các tình huống giao tiếp khác nhau diễn ra bên ngoài lớp học.
Kết luận
Nói là một trong những mục tiêu quan trọng nhấtcủa quá trình dạy và học ngoại ngữ tiếng Anh bởi vì người học luôn quan tâm đến khả năng sử dụng ngôn ngữ hiệu quả và lưu loát. Tuy nhiên, trong quá trình học kỹ năng nói, họ gặp phải một số khó khăn gây cản trở khả năng nói lưu loát và chính xác của mình. Chính vì thế, trong bài viết này tác giả đã giới thiệu về những khó khăn sinh viên gặp phải khi học kỹ năng nói và các yếu tố tác động đến kỹ năng này, đồng thời  đưa ra một số chiến lược học nói hữu hiệu nhằm giúp sinh viên có thể nâng cao kỹ năng nói cho mình để trở thành những người thành thạo trong giao tiếp.
Tài liệu tham khảo
  1. Bryson, B. (2003). Mother tongue. Texas: Harper collins.
  2. Hedge, T. (2000). Teaching and Learning in the Language Classroom. Oxford: Oxford University Press.
  3. Leong, L, M., &Ahmadi, S, M. (2017). An Analysis of Factors Influencing Learners’ English Speaking Skill. https://ijreeonline.com/article-1-38-en.pdf
  4. Littlewood, W. (2007). Communicative Language Teaching. Cambridge: Cambridge University Press.
  5. Mejilla, F, C., Calero, L, B.,&Salgado, K, A. (2014). The methodological strategies in the learning-process of the English language during the second semester of 2014. http://repositorio.unan.edu.ni/1077/1/667.pdf
  6. Nguyễn Quang, (2016),Từ năng lực ngôn ngữ đến năng lực liên văn hóa .Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Nghiên cứu Nước ngoài, Tập 32, Số 3 (2016) 1-9
  7. Nguyễn Thanh Vân, (2012), Năng lực giao tiếp và vấn đề giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành trong thời hội nhập.Ngôn ngữ & Đời sống. Số 3 (197).
  8. Thornbury, S. (2005). How to Teach Speaking. Harmer, J. (Ed). London: Longman.
 
Bài: Mai Lan Anh
Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Quốc tế
Nguồn: http://huc.edu.vn/mot-so-chien-luoc-nang-cao-ky-nang-noi-cho-sinh-vien-khong-chuyen-tieng-anh-5023-vi.htm
Số lần đọc: 5158
Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức  |  Ảnh hoạt động  |  Hỏi đáp  |  Gửi yêu cầu  |  Trang TT HVTC
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THƯ VIỆN
© Cơ quan chủ quản: Học viện Tài chính
Địa chỉ: Học viện Tài chính, Phường Đức Thắng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Điện thoại:
E-mail: thuvien@hvtc.edu.vn
Website: http://www.hvtc.edu.vn/thuvien
Phát triển bởi Công ty TNHH Phần mềm Hoàng Hà