Chuyên mục

Ảnh hoạt động
Ảnh-25-04-2022-15-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Hoisach20220

Thứ hai, 10/01/2022 - 14:1

Mô hình và khung kiến thức số

1. Giới thiệu

Kiến thức số (digital literacy) là một trong những năng lực mà mỗi cá nhân cần có trong môi trường số. Đây được xem là môi trường giao tiếp tích hợp trong đó các thiết bị kỹ thuật số như điện thoại, máy tính cá nhân và máy tính bảng, là công cụ giao tiếp và quản lý nội dung cũng như các hoạt động liên quan đến chúng. Kiến thức số được định nghĩa là “việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông một cách tự tin, có cân nhắc kỹ lưỡng và sáng tạo để đạt được các mục đích liên quan đến công việc, học tập, giải trí, hoà nhập và/ hoặc tham gia vào xã hội” [1]. Hiện nay, nhiều khung lý thuyết/ mô hình kiến thức số đã được xây dựng, dựa trên mục đích sử dụng, các yếu tố kỹ thuật hoặc xã hội hay kết hợp các yếu tố. Mỗi khung lý thuyết/ mô hình được xây dựng dựa trên các quan điểm khác nhau về kiến thức số cũng như tuỳ thuộc vào đối tượng áp dụng.

2. Các khung lý thuyết/ mô hình kiến thức số

2.1. Khung năng lực số châu Âu

Vào năm 2013, Hội đồng châu Âu (European Commission) đã công bố Khung năng lực số châu Âu cho người dân (European Digital Competence Framework for Citizens - DigComp) [1]. DigComp là kết quả của một dự án về năng lực số được thực hiện từ năm 2011 đến 2012, được khởi xướng bởi Bộ phận Xã hội thông tin thuộc Viện Nghiên cứu Công nghệ tương lai. DigComp đã được phát triển bởi một đội ngũ các chuyên gia và được chứng thực ở cấp độ châu Âu [2]. Khung năng lực hướng đến cung cấp sự hiểu biết cũng như định hướng phát triển năng lực số cho các công dân tại châu Âu, cung cấp các phạm vi năng lực thuộc năng lực số mà một công dân cần phải có bao gồm: thông tin, giao tiếp, tạo lập nội dung, an toàn và giải quyết vấn đề. Từng phạm vi được chia nhỏ thành các năng lực cụ thể, với tổng số 21 năng lực. Các năng lực sau đó được phân ra 3 mức độ: nền tảng, trung cấp và nâng cao. Khung năng lực số cung cấp các ví dụ minh hoạ cho 3 thành phần: kiến thức, kỹ năng và thái độ; đồng thời cũng chỉ ra khả năng áp dụng các năng lực này cho 2 mục đích cụ thể là học tập và làm việc. 5 phạm vi và các năng lực được thể hiện như sau:

- Phạm vi 1 - Thông tin (Information): để xác định, định vị, truy xuất, lưu trữ, tổ chức và phân tích thông tin số, đánh giá mức độ phù hợp và mục đích của thông tin.

Phạm vi thông tin gồm 3 năng lực: Duyệt, tìm kiếm và lọc thông tin; Đánh giá thông tin; Lưu trữ và truy xuất thông tin.

- Phạm vi 2 - Giao tiếp (Communication): mỗi cá nhân có thể giao tiếp trong môi trường số, chia sẻ các nguồn lực thông tin thông qua các công cụ trực tuyến, liên kết với người khác, cộng tác thông qua các công cụ kỹ thuật số, tương tác và tham gia vào các cộng đồng, mạng lưới, nhận thức sự giao thoa văn hoá.

Phạm vi giao tiếp gồm 6 năng lực: Tương tác thông qua các công nghệ; Chia sẻ thông tin và nội dung; Tham gia với tư cách công dân trực tuyến; Cộng tác thông qua các kênh kỹ thuật số; Tuân thủ các nghi thức mạng; Quản lý nhận diện kỹ thuật số.

- Phạm vi 3 - Tạo lập nội dung (Content cre­ation): tạo lập và chỉnh sửa nội dung mới (từ xử lý văn bản đến hình ảnh và video); tích hợp và tinh chỉnh lại kiến thức và nội dung trước đó; tạo ra những cách diễn đạt, sản phẩm truyền thông và lập trình có tính sáng tạo; giải quyết, áp dụng các quyền và giấy phép sở hữu trí tuệ trong môi trường số.

Phạm vi sáng tạo nội dung gồm 4 năng lực: Phát triển nội dung; Tích hợp và tinh chỉnh lại các nội dung và kiến thức đã có; Hiểu cách áp dụng bản quyền và giấy phép cho thông tin, nội dung; Lập trình.

- Phạm vi 4 - An toàn (Safety): bảo vệ cá nhân người sử dụng, bảo vệ dữ liệu, bảo vệ danh tính số, các biện pháp bảo mật, sử dụng an toàn và bền vững.

Phạm vi an toàn gồm 4 năng lực: Bảo vệ thiết bị; Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Bảo vệ sức khoẻ; Bảo vệ môi trường.

- Phạm vi 5 - Giải quyết vấn đề (Problem solv­ing): xác định nhu cầu và tài nguyên số, đưa ra quyết định sáng suốt về việc lựa chọn các công cụ kỹ thuật số phù hợp với mục đích hoặc nhu cầu, giải quyết vấn đề khái niệm thông qua các phương tiện kỹ thuật số, sử dụng công nghệ một cách sáng tạo, giải quyết các vấn đề kỹ thuật, điều chỉnh các năng lực của chính mình và người khác.

Phạm vi giải quyết vấn đề gồm 4 năng lực: Giải quyết các vấn đề về kỹ thuật; Xác định nhu cầu và phản hồi công nghệ; Đổi mới và sáng tạo trong việc sử dụng công nghệ; Nhận diện những lỗ hổng trong năng lực số.

DigComp được trình bày khoa học, đi từ năng lực cơ bản đến nâng cao. Theo Kluzer (2015) [3] trong các phạm vi của Khung năng lực số, phạm vi 1, 2 và 3 bao gồm các năng lực có thể được thay đổi theo các hoạt động và mục đích cụ thể; trong khi phạm vi 4 và 5 có thể áp dụng cho bất kỳ hoạt động nào được thực hiện thông qua các phương tiện kỹ thuật số.

DigComp được thiết kế không chỉ tập trung vào môi trường giáo dục đại học mà còn được sử dụng trong bối cảnh công việc, giáo dục, đào tạo và học tập suốt đời. DigComp dành cho mọi đối tượng với 3 mức năng lực từ cơ bản đến nâng cao nên dễ áp dụng và có thể làm cơ sở cho việc đánh giá mức độ thành thạo về kiến thức số của một cá nhân. Việc mô tả chi tiết từng năng lực con người cùng với ví dụ về kiến thức, kỹ năng và thái độ nhận được trong mỗi năng lực, giúp người sử dụng hiểu được mục đích của từng năng lực cũng như cách vận dụng chúng trong công việc và học tập. Ngoài ra, DigComp không chỉ dừng lại ở những năng lực về tìm kiếm, đánh giá, sử dụng thông tin, hay thiên về kỹ thuật số, mà còn nhấn mạnh đến các kiến thức về môi trường, sức khoẻ, vấn đề an toàn trong môi trường kỹ thuật số, sử dụng hay tạo ra thông tin trong môi trường số một cách thông minh và hợp pháp.

Tuy nhiên, Khung năng lực số này được xây dựng cho người dân châu Âu nói chung, không giới hạn sử dụng cho từng nhóm đối tượng cụ thể. Vì vậy, để áp dụng Khung năng lực này trong việc đào tạo kiến thức số, cần chọn lọc, điều chỉnh để phù hợp với từng nhóm đối tượng cũng như những bối cảnh khác nhau.

2.2. Mô hình 7 thành tố của kiến thức số

Được giới thiệu vào năm 2014, mô hình 7 thành tố (Hình 1) của Uỷ ban Hệ thống thông tin liên kết (Joint Information Systems Committee - JISC) có nhiều sự tương đồng với Khung năng lực số châu Âu. Mô hình này cũng chỉ ra kiến thức số là sự kết hợp của nhiều kiến thức khác nhau, nhấn mạnh đến kiến thức để học tập trong môi trường số, kiến thức thông tin và kiến thức công nghệ thông tin. Tuy nhiên, mô hình chỉ trình bày một cách khái quát các kiến thức cần phải có, chưa phân tích chi tiết, cũng như các kỹ năng cần có của mỗi kiến thức. Đặc biệt, mô hình chưa đề cập đến các vấn đề về an toàn và bản quyền trong môi trường kỹ thuật số.

2019 06 05 01Hình 1: Mô hình 7 thành tố của kiến thức số [4]

Theo JISC (2014) [4], kiến thức số bao gồm 7 yếu tố:

- Kiến thức truyền thông: đọc để hiểu sâu sắc và tạo ra một cách sáng tạo những trao đổi chuyên môn và học thuật thông qua các phương tiện truyền thông;

- Kiến thức thông tin: tìm kiếm, diễn giải, đánh giá, quản lý và chia sẻ thông tin;

- Học thuật số: tham gia vào các thực tiễn nghiên cứu, nghề nghiệp và học thuật mới nổi phụ thuộc vào các hệ thống kỹ thuật số;

- Kỹ năng học tập: học tập và tìm hiểu một cách hiệu quả trong môi trường công nghệ, cả chính thức và không chính thức; tiếp nhận, thích nghi và sử dụng các thiết bị, ứng dụng và dịch vụ kỹ thuật số;

- Kiến thức công nghệ thông tin và truyền thông (ICT): tiếp nhận, thích nghi và sử dụng các thiết bị, ứng dụng và dịch vụ kỹ thuật số;

- Quản lý nhận dạng cá nhân và công việc: quản lý được hình ảnh, uy tín và thương hiệu của cá nhân trên môi trường trực tuyến;

- Giao tiếp và hợp tác: tham gia vào các mạng lưới số để học tập và nghiên cứu.

Mô hình này chịu nhiều ảnh hưởng của các khái niệm liên quan đến kiến thức thông tin và kiến thức truyền thông. Tuy nhiên nó vẫn gắn kết được với yếu tố công nghệ thông qua các khái niệm như ICT, giao tiếp và hợp tác. Mô hình được phát triển cho môi trường giáo dục đại học, chủ yếu dựa trên các dự án về kiến thức số trong giáo dục đại học tại Vương quốc Anh. Vì vậy mô hình thể hiện sự giao thoa giữa kỹ năng số và thực tiễn học thuật hướng đến đặt kiến thức ICT giữa các kiến thức khác cũng quan trọng không kém.

2.3. Khung kiến thức số của British Columbia

Tương tự như Khung năng lực số của châu Âu, Khung kiến thức số của British Columbia được giới thiệu vào năm 2015, thiết kế theo cấu trúc phân tầng với 6 nội dung lớn và các kiến thức con. Khung kiến thức số của British Columbia là một phần trong chương trình giáo dục sửa đổi của quốc gia này. Nó cung cấp cái nhìn tổng quan về những kiến thức học sinh cần đạt được tại những giai đoạn khác nhau trước khi bước vào môi trường giáo dục đại học để được xem là người có kiến thức số. 6 nội dung trong Khung kiến thức số từ British Columbia [5] gồm:

- Nghiên cứu và kiến thức thông tin: học sinh áp dụng các công cụ kỹ thuật số để thu thập, đánh giá và sử dụng thông tin. Học sinh có kiến thức thông tin, kiến thức quản lý và xử lý thông tin.

- Tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và ra quyết định: học sinh sử dụng các kỹ năng tư duy phản biện để lập kế hoạch và thực hiện nghiên cứu, quản lý dự án, giải quyết vấn đề và đưa ra các quyết định sáng suốt bằng cách sử dụng các công cụ và tài nguyên kỹ thuật số phù hợp. Nội dung này đòi hỏi học sinh cần có kỹ năng chuyên biệt và nâng cao cho hoạt động học tập.

- Sáng tạo và cải tiến: học sinh thể hiện tư duy sáng tạo, xây dựng kiến thức và phát triển các sản phẩm và quy trình cải tiến bằng cách sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Nội dung này đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng chuyên biệt và nâng cao để diễn đạt ý tưởng một cách sáng tạo.

- Công dân số: học sinh hiểu các vấn đề về con người, văn hoá, xã hội liên quan đến công nghệ và thực hành hành vi pháp lý và đạo đức. Nội dung này gồm có 10 kiến thức về: An toàn mạng Internet; Quyền riêng tư và bảo mật; Mối quan hệ và giao tiếp; Nhận diện và đối phó với hành vi đe doạ trực tuyến; Nhận thức và hành động phù hợp với các vấn đề liên quan đến dấu chân kỹ thuật số và danh tiếng của bản thân; Tự nhận thức về bản thân và bản sắc; Công nhận các sản phẩm sáng tạo và tôn trọng bản quyền; Các khía cạnh pháp lý và đạo đức; Thái độ cân bằng hướng tới công nghệ; Hiểu và nhận thức về vai trò của ICT trong xã hội.

- Giao tiếp và hợp tác: học sinh sử dụng phương tiện và môi trường kỹ thuật số để giao tiếp và làm việc cộng tác, kể cả ở khoảng cách xa, để hỗ trợ việc học cá nhân và đóng góp cho việc học của người khác. Nội dung này đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng về hợp tác và giao tiếp gián tiếp bằng công nghệ hiệu quả.

- Khái niệm và hoạt động công nghệ: học sinh cần thể hiện sự hiểu biết đúng đắn về các khái niệm, hệ thống, hoạt động công nghệ và phát triển kỹ năng tư duy tính toán. Nội dung này đòi hỏi học sinh cần có kiến thức chung và kỹ năng thiết yếu; Tích hợp các công nghệ trong cuộc sống hàng ngày; Ra quyết định sáng suốt; Sử dụng các công nghệ số một cách tự tin và sáng tạo để tăng hiệu suất và hiệu quả cá nhân; Tìm hiểu về công nghệ kỹ thuật số một cách chủ động và thường xuyên.

Khung kiến thức số của British Columbia được phát triển dựa trên Tiêu chuẩn Công nghệ giáo dục Quốc gia dành cho học sinh (NETS•S), được phát triển bởi Hiệp hội Công nghệ Giáo dục Quốc tế (ISTE) [6]. Khung giới hạn rõ đối tượng áp dụng là học sinh nên các kiến thức được đưa ra phù hợp với các hoạt động học tập và nghiên cứu của nhóm đối tượng này.

2.4. Mô hình kiến thức số của Hiệp hội Truyền thông mới

Để phát triển một mô hình kiến thức số cho các trường đại học tại Hoa Kỳ, Hiệp hội Truyền thông mới (New Media Consortium - NMC) [7] đã thực hiện một cuộc khảo sát về khái niệm và các kỹ năng cần có của kiến thức số. Kết quả khảo sát này đã cho thấy sự phong phú và đa dạng của thuật ngữ kiến thức số, đó là sự kết hợp giữa hiểu biết và thực tế về công nghệ kỹ thuật số. Kiến thức số bao gồm các kỹ năng, kỹ thuật và khía cạnh văn hoá xã hội. Tuỳ vào từng lĩnh vực cụ thể, kiến thức số sẽ được hiểu theo cách khác nhau và bao gồm các kỹ năng khác nhau.

Chính vì sự đa dạng và phức tạp của kết quả nghiên cứu trên, NMC không thể xác định một mô hình duy nhất của kiến thức số. Thay vào đó, NMC đã đề xuất 3 mô hình kiến thức số khác nhau. Mỗi mô hình có các tiêu chuẩn, kỹ năng riêng, các chương trình giảng dạy tiềm năng và ý nghĩa đối với các nhà giáo dục.

2019 06 05 02

Hình 2: Ba mô hình kiến thức số của Hiệp hội Truyền thông mới [7]

Mô hình phổ cập (Universal Literacy)

Kiến thức phổ cập này áp dụng cho người học ở mọi lứa tuổi. Kiến thức kỹ thuật số phổ cập dựa trên kiến thức thông tin, giúp cho cá nhân cách tìm kiếm, đánh giá và sử dụng thông tin trong môi trường mạng. Kiến thức số phổ cập cũng tuân theo một số kiến thức về truyền thông và thông tin trong đó xác định người có kiến thức số đã quen với việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số cơ bản như phần mềm hiệu suất làm việc của văn phòng, thủ thuật hình ảnh, ứng dụng và nội dung trên nền tảng điện toán đám mây. Hơn nữa, vì các hành vi sáng tạo và tìm kiếm thông tin mang tính xã hội, kiến thức số phổ cập dạy cho mỗi cá nhân các kỹ năng hợp tác cùng với tư duy phản biện cơ bản.

Mô hình kiến thức sáng tạo (Creative Literacy)

Đây là mô hình bổ sung cho mô hình phổ cập, nhấn mạnh đến yếu tố “sản xuất” bên cạnh yếu tố “tiêu dùng” trong môi trường công nghệ kỹ thuật số. Mô hình bao gồm tất cả các khía cạnh của kiến thức phổ cập và thêm vào nhiều kỹ năng công nghệ để cho ra nội dung phong phú hơn, bao gồm chỉnh sửa video, tạo và chỉnh sửa âm thanh, hoạt hình, hiểu về phần cứng và lập trình.

Mô hình kiến thức sáng tạo cũng nhấn mạnh đến kỹ năng xã hội, liên quan đến quyền công dân kỹ thuật số và kiến thức về vấn đề bản quyền, điều cần thiết để sáng tạo hoặc sử dụng lại các tài nguyên kỹ thuật số. Nhìn chung, mô hình kiến thức sáng tạo không chỉ là một kỹ năng duy nhất, mà nó tập hợp nhiều kỹ năng khác nhau, bao gồm các kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng xã hội.

Mô hình kiến thức xuyên ngành (Literacy Across Disciplines)

Đây là mô hình mà kiến thức số không phải được truyền đạt qua một lớp học duy nhất, mà tổ chức như một chương trình giảng dạy được phổ biến trong các lớp khác nhau theo cách phù hợp nhất đối với từng lớp học. Các lớp học về khoa học máy tính và các phương tiện kỹ thuật số có thể được hướng dẫn về các phần mềm văn phòng, về lập trình hoặc chỉnh sửa video. Các khoá học cho các ngành khoa học xã hội có thể dạy về hành động liên cá nhân trực tuyến, về vấn đề đạo đức và chính trị của tương tác xã hội. Các lớp tâm lý và kinh doanh có thể tập trung vào việc tương tác giữa con người với máy tính. Các bài tập cụ thể và các hình thức sư phạm sẽ được xác định hoặc tạo ra để phù hợp với các nhu cầu riêng của từng đối tượng người học. Mô hình này cũng có thể được thiết kế hỗ trợ kiến thức số phổ cập cho toàn trường nếu được cấu trúc để phù hợp với tất cả các sinh viên học tập tại một tổ chức cụ thể [7].

Có thể thấy, 3 mô hình kiến thức số của NMC giống các mô hình đã phân tích như Khung năng lực số châu Âu, Mô hình 7 thành tố của kiến thức số, hay Khung kiến thức số của British Columbia ở chỗ tập trung vào các kỹ năng của kiến thức số, nhưng không chỉ có kỹ năng kỹ thuật mà còn nhấn mạnh đến kỹ năng xã hội. Mô hình của NMC không gộp chung tất cả các yếu tố liên quan vào cùng một chương trình, mà chia thành 3 mô hình với 3 mức độ khác nhau, từ mô hình phổ cập dành cho mọi đối tượng đến mô hình nâng cao dành cho các đối tượng cụ thể nên có thể áp dụng mô hình cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Đặc biệt, mô hình kiến thức xuyên ngành còn cung cấp các ví dụ minh hoạ về việc phát triển kiến thức số cho sinh viên từng chuyên ngành, lĩnh vực khác nhau, điều này sẽ giúp việc phát triển kiến thức số của sinh viên đạt hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, mô hình này chỉ nêu khái quát về các kỹ năng, chưa nói lên mục đích của từng kỹ năng, cũng như các kỹ năng cụ thể mà mỗi cá nhân tích luỹ được qua từng mô hình.

2.5. Mô hình 8C’s của Belshaw

Khác với 4 mô hình đã phân tích ở trên, Belshaw (2014) [8] đưa ra mô hình kiến thức số với 8 yếu tố cần thiết. Để phát triển kiến thức số, mỗi cá nhân cần phát triển kỹ năng, thái độ và kiến thức trong 8 lĩnh vực bao gồm: văn hoá, nhận thức, kiến thiết, giao tiếp, tự tin, sáng tạo, phân tích và công dân.

- Văn hoá: yếu tố này được đưa lên đầu tiên vì yếu tố văn hoá bị ràng buộc bởi sự hiểu biết về bối cảnh. Khi các thiết bị công nghệ ngày càng trở nên rẻ và dễ sử dụng hơn, việc quyết định sử dụng công nghệ nào sẽ ít bị chi phối bởi công nghệ và khả năng chi trả, mà bị chi phối nhiều hơn bởi các yếu tố văn hoá và xã hội. Kiến thức số không chỉ là về trình độ kỹ thuật mà còn về các vấn đề chuẩn mực và thói quen của tư duy xung quanh các công nghệ mà mỗi cá nhân sử dụng cho một mục đích cụ thể. Yếu tố văn hoá của kiến thức số có được thông qua trải nghiệm các môi trường kỹ thuật số. Việc hiểu về các nền văn hoá và bối cảnh kỹ thuật số khác nhau có thể mang đến cho mọi người những cái nhìn khác nhau.

- Nhận thức: là sự hiểu biết của mỗi người về các công cụ kỹ thuật số, về thế giới số. Để phát triển nhận thức trong thế giới kỹ thuật số, mỗi cá nhân cần liên tục sử dụng các thiết bị, phần mềm và giao diện của các phương tiện kỹ thuật số.

- Kiến thiết: sử dụng các công cụ kỹ thuật số để xây dựng những cái mới, có thể là thông tin, nội dung, phần mềm, hay các công cụ kỹ thuật mới. Việc xây dựng không nhất thiết phải thực hiện từ đầu, tạo ra cái hoàn toàn mới mà có thể được xây dựng dựa trên những cái người khác đã xây dựng. Để phát triển được yếu tố này, cần xác định xây dựng như thế nào và cho mục đích gì, có thể bằng cách tái sử dụng hoặc phối hợp các nội dung đã có sẵn.

- Giao tiếp: là yếu tố quan trọng trong kiến thức số, có liên quan chặt chẽ với yếu tố xã hội, yếu tố kiến thiết và các yếu tố còn lại. Một người có kiến thức số cần biết sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để giao tiếp một cách hiệu quả, hiểu và áp dụng các chuẩn mực giao tiếp trong môi trường kỹ thuật số. Giao tiếp trong môi trường kỹ thuật số sẽ giúp các cá nhân trao đổi thông tin, liên kết với nhau từ đó sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong việc học tập, công việc và giao tiếp xã hội.

- Tự tin: một người muốn sử dụng công cụ kỹ thuật số một cách hiệu quả, họ cần tự tin vào kiến thức và khả năng của mình về các công nghệ kỹ thuật số. Phát triển yếu tố tự tin của kiến thức số liên quan đến việc giải quyết các vấn đề và quản lý việc học của một người trong môi trường kỹ thuật số, đồng thời kết nối với những người khác để hình thành một cộng đồng học tập trong môi trường số sẽ giúp xây dựng sự tự tin.

- Sáng tạo: là việc tạo ra một cái mới có giá trị, phụ thuộc vào bối cảnh cụ thể. Yếu tố sáng tạo trong kiến thức số là việc sử dụng các công nghệ và kỹ thuật số để tạo ra hoặc đạt được những điều mà trước đây không thể, hoặc ít nhất là ngoài tầm của hầu hết mọi người. Theo Belshaw (2014) phát triển yếu tố sáng tạo này của kiến thức số trong trường học cần 2 yếu tố: Các hoạt động học tập hiện tại nên được thiết kế lại bằng cách sử dụng các công nghệ kỹ thuật số; Khả năng sáng tạo của mọi người đòi hỏi phải có mức độ tự do và thay đổi trong sự linh hoạt và năng động giữa người dạy và người học.

- Phân tích: để trở thành một người hiểu biết về kiến thức số, phân tích là một yếu tố thiết yếu cần có. Khi sử dụng các công nghệ kỹ thuật số và tham gia vào cộng đồng trực tuyến, mỗi cá nhân cần phân tích để hiểu rõ sự khác nhau giữa thế giới ảo và thế giới thực. Phân tích cách người ta mã hoá văn bản, hình ảnh hoặc video hay cách tạo ra các siêu liên kết. Khi tham gia vào cộng đồng trực tuyến, cần hiểu rõ ai là khán giả? Những văn bản hay ứng dụng đó dành cho những đối tượng nào? Hoặc điều gì sẽ ảnh hưởng đến bản thân và những hành động của bản thân mình ảnh hưởng đến người khác như thế nào.

- Công dân: các thực tiễn phát triển kiến thức thúc đẩy sự phát triển của một xã hội dân sự trong đó các cá nhân có thể kết nối với nhau thông qua các công nghệ số, từ đó mang lại sự dân chủ trong xã hội. Các kết nối này có thể mang đến những ảnh hưởng tích cực cũng như tiêu cực.

Mô hình của Belshaw mang lại một cách nhìn nhận mới mẻ và khác biệt về kiến thức số, mô hình này không đi theo khuôn khổ của các mô hình hiện có, không đi vào phân tích các kỹ năng của kiến thức số, cũng như các năng lực mà một người hiểu biết về kiến thức số cần phải có. Mô hình đưa ra 8 yếu tố của kiến thức số như 8 mục đích một người có kiến thức số cần thực hiện. 8 yếu tố này phụ thuộc vào bối cảnh cá nhân, xã hội và văn hoá mà chúng phát triển. Do đó, các ngành khác nhau có thể nhấn mạnh nhiều hơn hoặc ít hơn vào các yếu tố nhất định [9]. Để thực hiện được 8 yếu tố này, cần phải có các kỹ năng và kiến thức nhất định. Mô hình chỉ mang tính chất khái quát, không đưa ra những kỹ năng cụ thể, cách thức áp dụng và không giới hạn đối tượng áp dụng.

Kết luận

Nhìn chung, mỗi mô hình/ khung kiến thức số đều có những đặc điểm riêng, cách phân tích và thể hiện khác nhau, nhưng các mô hình đều giống nhau ở chỗ đã vượt ra khỏi phạm vi các kỹ năng công nghệ, hướng đến các kỹ năng nhận thức và kỹ năng xã hội của kiến thức số. Các mô hình này đều hướng đến các kiến thức bậc cao dựa trên việc tìm kiếm thông tin, truyền đạt thông tin, tạo lập nội dung, an toàn và học tập trong môi trường kỹ thuật số. Các mô hình kiến thức số được phát triển và cập nhật thường xuyên để phù hợp với sự phát triển liên tục của công nghệ kỹ thuật số và các phương tiện truyền thông xã hội. Các mô hình có khuynh hướng chuyển sang các hệ thống phân cấp, theo cấp độ kiến thức từ cơ bản đến nâng cao để phù hợp với từng đối tượng cụ thể.

Trong các mô hình này, chỉ có mô hình 8C’s không nêu rõ đối tượng áp dụng, nhưng hầu hết các kỹ năng trong mô hình đều hướng tới mục đích học tập và nghiên cứu. 4 mô hình còn lại đều hướng tới những đối tượng áp dụng cụ thể, khung kiến thức số từ British Columbia, mô hình 7 thành tố của JISC và 3 mô hình kiến thức số của NMC được xây dựng dành riêng cho học sinh, sinh viên, nên những kỹ năng trong 3 khung/ mô hình kiến thức số này đều bám sát vào các nhu cầu, đặc điểm nhằm phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu của nhóm đối tượng này. Khung năng lực số châu Âu lại dành cho tất cả người dân ở châu Âu, vì vậy khung được thiết kế với nhiều kỹ năng có thể áp dụng cả trong hoạt động học tập, công việc và cuộc sống hàng ngày. Các mô hình này là cơ sở để các trường đại học ở Việt Nam phát triển chương trình đào tạo kiến thức số cho sinh viên. Tuy nhiên, do kiến thức số chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như nhu cầu, trình độ phát triển công nghệ kỹ thuật số, đặc điểm ngành nghề, văn hoá, thói quen sử dụng công nghệ, nên khi áp dụng các khung kiến thức số ở Việt Nam, các trường đại học có thể lựa chọn mô hình kiến thức số với những kỹ năng phù hợp với đặc điểm và mục đích của trường, cũng như áp dụng một cách linh hoạt các mô hình kiến thức số, ưu tiên những kỹ năng quan trọng và phù hợp theo đặc thù của từng trường để việc phát triển kiến thức số cho sinh viên đạt hiệu quả cao hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ferrari, Anusca. A Framework for Developing and Understanding Digital Competence in Europe. - Luxembourg: European Union, 2013.

2. Kluzer, Stefano, Priego and Laia Pujol. DigComp into Action - Get inspired, make it happen. - Luxembourg: European Union, 2018.

3. Kluzer, Stefano. Guidelines on the adoption of DigComp. All-digital.orghttps://all-digital. org/guidelines-adoption-digcomp/. Truy cập ngày 15/7/2019.

4. JISC. Developing digital literacies. Jisc.ac.uk., 2014https://www.jisc.ac.uk/guides/developing-dig­ital-literacies. Truy cập ngày 25/7/2019.

5. British Columbia's Ministry of Education. BC’s Digita Literacy Framework // Information Technology Policy’s Digital Literacy Task Force, 2013. - P. 1-11.

6. The university of British Columbia. The BC Digital Literacy Framework. https://scarfedigital­sandbox.teach.educ.ubc.ca/the-bc-digital-literacy-framework/. Truy cập ngày 16/7/2019.

7. Alexander, B., Adams Becker, S. and Cummins, M. Digital Literacy: An NMC Horizon Project Strategic Brief. - Austin, Texas: The New Media Consortium, 2016. - Vol. 3.3.

8. Belshaw, D. The Essential Elements of Digital Literacies. Self-published, 2014http://www .frysklab.nl/wp-content/uploads/2016/10 /The-Essential-Elements-of-Digital-Literacies -v1.0.pdf. Truy cập ngày 15/7/2019.

9. Jpodcaster. Making sense of the 8 Elements of Digital Literacyhttps://digilitpride.wordpress. com/2012/10/01/making-sense-of-the-8-elements-of-digital-literacy/. Truy cập ngày 20/7/2019.

_________________________

Vũ Thị Dung, Ngô Thị Huyền

Trường Đại học KHXHNV, Đại học Quốc gia Tp. HCM

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam.

Số lần đọc: 756
Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức  |  Ảnh hoạt động  |  Hỏi đáp  |  Gửi yêu cầu  |  Trang TT HVTC
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THƯ VIỆN
© Cơ quan chủ quản: Học viện Tài chính
Địa chỉ: Học viện Tài chính, Phường Đức Thắng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Điện thoại:
E-mail: thuvien@hvtc.edu.vn
Website: http://www.hvtc.edu.vn/thuvien
Phát triển bởi Công ty TNHH Phần mềm Hoàng Hà