Chuyên mục

Ảnh hoạt động
Ảnh-25-04-2022-15-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Hoisach20220

Thứ sáu, 30/09/2022 - 9:22

Mô hình liên thông nguồn học liệu giữa thư viện nhánh và thư viện trung tâm tại các trường đại học

Đặt vấn đề Mô hình liên thông nguồn học liệu giữa thư viện nhánh và thư viện trung tâm tại các trường đại học[1]

Ngày nay, hoạt động giáo dục đại học luôn gắn liền với hoạt động chuyển giao tri thức và nghiên cứu khoa học. Trong đó, khả năng cung cấp nguồn học liệu đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập và nghiên cứu của giảng viên (GV) và người học (sau đây gọi chung là người dùng tin - NDT) trong trường đại học là yếu tố đóng vai trò quyết định chất lượng của hoạt động này [5, 6]. Vì vậy, thư viện đại học (TVĐH) trên thế giới nói chung và TVĐH ở Việt Nam nói riêng được xem là một bộ phận quan trọng góp phần thiết thực vào quá trình nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu của các trường đại học và trở thành một trong những tiêu chí đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục [1]. Tuy nhiên, trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, việc vừa đáp ứng nhu cầu tin ngày càng đa dạng và đòi hỏi ở mức cao hơn về tài liệu phục vụ chuyên ngành đào tạo và nghiên cứu của NDT, vừa phải đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng, trong khi ngân sách bổ sung còn hạn chế đã và đang trở thành thách thức lớn cho các TVĐH. Chính vì vậy, việc liên thông nguồn học liệu giữa thư viện trung tâm và thư viện nhánh của trường đại học được đánh giá là một trong những giải pháp tất yếu nhằm tối ưu hoá khả năng phục vụ thông tin của TVĐH và khai thác hiệu quả nguồn lực sẵn có tại các thư viện nhánh (hay còn gọi là thư viện khoa/ bộ môn) thuộc trường đại học.

1. Khái niệm thư viện nhánh

Khái niệm về thư viện nhánh hoặc thư viện riêng biệt, tách biệt với toà nhà thư viện chính được phát triển ở Đức vào cuối thế kỷ XIX và có ảnh hưởng lớn đến sự thành lập của các thư viện nhánh tại các trường đại học ở Mỹ. Các GV người Đức sử dụng phương pháp giảng dạy, trong đó sinh viên (SV) được yêu cầu thực hiện quá trình điều tra các ý tưởng dựa trên việc kết hợp các phương pháp học tập như: phương pháp thí nghiệm, phương pháp lịch sử, phương pháp so sánh, vì thế đòi hỏi nhu cầu tiếp cận nhanh chóng với nhiều nguồn tài liệu chuyên ngành và sách tham khảo. Các GV đóng góp sách, thường là các bộ sưu tập cá nhân để hình thành các thư viện học thuật cho SV của họ. Trong quá trình giảng dạy, các GV nhận thấy việc sử dụng các bộ sưu tập sách của riêng mình mang tính cập nhật hơn là dựa vào hệ thống mục lục thư viện truyền thống; đồng thời sách do các GV cung cấp cũng tiếp cận dễ dàng hơn vì được lưu giữ trong các văn phòng của GV. Bên cạnh sự tác động từ cách thức tổ chức của thư viện học thuật tại Đức và tại Mỹ, do nhu cầu phải bổ sung số lượng lớn tài liệu để phục vụ đào tạo sau đại học và sự hạn chế về không gian của các thư viện chính của các trường đại học tại Mỹ, nên việc hình thành các thư viện bộ phận hay thư viện nhánh tại các khoa/ bộ môn trở thành một lựa chọn khả thi vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX [12, 13].

Theo Seal (1986) và Zdravkovska (2011), vào những năm 50 của thế kỷ XX, thuật ngữ “thư viện bộ phận” và “thư viện nhánh học thuật” được sử dụng thay thế lẫn nhau khi muốn đề cập đến thư viện học thuật tại các đơn vị chuyên môn - một khoa thuộc trường đại học [12, 14].

Từ điển thuật ngữ về Khoa học Thông tin - Thư viện của Hiệp hội thư viện trường đại học tại Hoa Kỳ cung cấp định nghĩa về “thư viện bộ phận” như sau: “Trong một hệ thống thư viện học thuật, một thư viện riêng hỗ trợ nhu cầu thông tin của một bộ phận học thuật cụ thể. Có thể là một thư viện nhánh bên ngoài thư viện trung tâm, hoặc nằm trong thư viện trung tâm” [11].

Theo Từ điển trực tuyến Khoa học Thông tin - Thư viện của Reitz (2002), thư viện nhánh là nơi cung cấp dịch vụ hỗ trợ thuộc hệ thống thư viện, có trụ sở tách biệt với thư viện trung tâm. Thư viện trung tâm là cơ quan quản lý cao nhất về chính sách, ngân sách, thời gian làm việc, nhân viên và bộ sưu tập tài liệu của thư viện nhánh (một thư viện nhánh có ít nhất một bộ sưu tập tài liệu) [10].

Hướng dẫn của ACRL (Association of College and Research Libraries) dành cho thư viện nhánh tại các trường đại học và cao đẳng, được viết vào năm 1990 đã khẳng định rằng: "Các chương trình của thư viện nhánh phải đáp ứng các yêu cầu của khách hàng chính cũng như các nhu cầu liên ngành khác trong cộng đồng học thuật". Người ta cũng chỉ ra rằng "Thư viện nhánh thường có mối quan hệ đặc biệt với một hoặc nhiều ngành trong trường đại học. Đồng thời, một thư viện nhánh phải được tích hợp vào hệ thống thư viện trung tâm và phục vụ toàn bộ cộng đồng đại học" [7].

Bên cạnh đó, Leon Shkolnik (1991) đã nêu ra 3 loại thư viện nhánh gồm thư viện chuyên môn, thư viện đại học và thư viện khoa [13]. Cách phân chia loại hình thư viện nhánh của Shkolnik đã có sự thay đổi theo thời gian, các thư viện khoa được sáp nhập lại với nhau để có thể phục vụ được hơn một ngành học thuộc trường đại học.

Trên thực tế tại các TVĐH thế giới cũng như ở Việt Nam, thư viện nhánh còn là những tủ sách học thuật được đặt tại các khoa/ bộ môn hay trung tâm trực thuộc trường đại học nhằm phục vụ nhu cầu chủ yếu cho GV trong nhà trường. Dựa vào những cơ sở lý thuyết và thực tiễn nêu trên, có thể khái quát thư viện nhánh là một thư viện riêng biệt với tư cách là tủ sách học thuật/ trung tâm tư liệu/ thư viện của một khoa/ bộ môn/ trung tâm và thường được đặt tại văn phòng khoa/ bộ môn/ trung tâm hoặc nằm trong thư viện chính, nhằm hỗ trợ nhu cầu thông tin của một bộ phận học thuật cụ thể thuộc hệ thống thư viện học thuật của một trường đại học.

Về mô hình tổ chức, các thư viện nhánh phải được tích hợp vào hệ thống thư viện trung tâm và phục vụ toàn bộ cộng đồng đại học. Về quản lý, thư viện trung tâm là cơ quan quản lý cao nhất về chính sách, ngân sách, thời gian làm việc, đội ngũ nhân viên và bộ sưu tập tài liệu của thư viện nhánh. Về nhân sự phục vụ, người làm thư viện của thư viện nhánh làm việc trực tiếp với GV, SV của khoa và họ thường là những chuyên gia về chương trình đào tạo của một hoặc nhiều ngành trong trường đại học.

2. Vai trò của việc liên thông nguồn học liệu giữa thư viện trung tâm và thư viện nhánh tại thư viện đại học ở Việt Nam

Trong xã hội thông tin sẽ không thể tồn tại những thư viện độc lập, đơn lẻ, vì nhiều lý do như: Hệ thống mục lục tra cứu cho các bộ sưu tập tài liệu giấy bị phân tán và không hỗ trợ sự vận hành liên kết một cách thống nhất, dẫn đến nguồn thông tin về tài liệu thư viện không chất lượng, gây khó khăn cho NDT trong việc tiếp cận, đặc biệt NDT là các cán bộ quản lý và nhà nghiên cứu. Vì vậy, NDT cần một hình thức truy cập mới, tích hợp, thống nhất và dễ dàng sử dụng. Do đó, hình thức liên thông, chia sẻ nguồn tài liệu là xu hướng được quan tâm, chú trọng trong các TVĐH tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Tuy nhiên, hiện nay không có thư viện nào ở Việt Nam có đủ điều kiện thu thập đầy đủ nguồn tài liệu khổng lồ và đáp ứng được tất cả nhu cầu tin của NDT. Vì thế, các thư viện phải phối hợp với nhau để tạo thành một dòng chảy thông tin thống nhất, từ đó tổ chức, chia sẻ tài nguyên thông tin, hợp tác trong công tác bổ sung tài liệu, chia sẻ mục lục liên hợp, sử dụng các dịch vụ dùng chung nhằm tạo điều kiện cho NDT truy cập thông tin một cách thuận tiện và nhanh chóng [4].

Hiện nay, hầu hết các khoa/ bộ môn trong trường đại học ở Việt Nam đều có thư viện/ tủ sách/ trung tâm tư liệu riêng. Đây là điều tất yếu trong quá trình hình thành và phát triển tại các trường đại học. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, trong kỷ nguyên toàn cầu hoá mạnh mẽ hiện nay, mỗi thư viện đơn lẻ sẽ không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin cho NDT. Mặt khác, việc liên thông nguồn học liệu giữa các thư viện trung tâm và thư viện nhánh là một trong những tiêu chí quan trọng trong công tác đánh giá chất lượng giáo dục đào tạo của các trường đại học. Mục đích của việc liên thông nguồn học liệu này nhằm giúp các trường đại học sử dụng hiệu quả nguồn học liệu, tiết kiệm kinh phí bổ sung tài liệu, cải tiến chất lượng dịch vụ cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho NDT trong trường có thể khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên, dịch vụ ở các thư viện nhánh và ngược lại. Từ đó phục vụ mục tiêu đào tạo và nghiên cứu khoa học trong nhà trường. Chính vì vậy, vấn đề liên thông, liên kết giữa thư viện trung tâm và các thư viện nhánh trong một trường đại học là xu thế phát triển tất yếu, là giải pháp tối ưu cho sự phát triển của hệ thống thông tin - thư viện tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay.

3. Một số mô hình liên thông nguồn học liệu phổ biến

3.1. Mô hình liên thông nguồn học liệu

Để việc liên thông nguồn học liệu đạt được kết quả tốt, việc xây dựng mô hình phù hợp để thúc đẩy hiệu quả công việc là vô cùng cần thiết. Trong các nghiên cứu của mình, các tác giả Anglada (1999), Islam và Mezbah-ul-Islam (2005), Ghosh (2011), Francis (2012), Savenije (2002) và Ahmad Bakeri Abu Bakar (2009) [6] đã đề xuất một số mô hình liên thông và cho thấy các mô hình này đang cung cấp tài nguyên thông tin giữa các thư viện nhánh, thư viện thành viên và thư viện trung tâm, cũng như đưa ra các khuyến nghị, đề xuất hướng liên kết mới trong tương lai tại các thư viện nói chung và tại một số TVĐH ở các nước đang phát triển nói riêng. Bên cạnh đó, ở trong nước, các tác giả Đỗ Tiến Vượng (2013) và Đỗ Văn Hùng (2017) đã chỉ ra và làm rõ 2 loại mô hình có thể áp dụng trong thực tế thư viện đại học ở Việt Nam hiện nay, cụ thể là “mô hình liên thông tập trung” và “mô hình liên thông phân tán” [5, 2] như sau:

Mô hình liên thông phân tán:

Ở mô hình liên thông phân tán, mỗi thư viện đóng vai trò là một mắt xích trong chuỗi các nhà cung cấp dịch vụ cho NDT. Bên cạnh đó, mỗi thư viện cũng là một đơn vị cung cấp thông tin độc lập và sẽ tiến hành phục vụ liên thư viện khi có yêu cầu từ phía thư viện trong hệ thống hoặc từ phía NDT. Điểm quan trọng ở đây là không có cơ sở dữ liệu dùng chung hay cổng khai thác thông tin chung, thay vào đó các thư viện cung cấp các tài nguyên và dịch vụ của mình thông qua trang web riêng của từng thư viện. Các thư viện thoả thuận hợp tác hỗ trợ phục vụ NDT trong hệ thống khi có yêu cầu.

Đặc điểm của mô hình này có tính hợp tác và tính chịu trách nhiệm không cao. Các thư viện có thể ký bản thoả thuận hợp tác, tuy nhiên việc triển khai liên thông nguồn học liệu sẽ phụ thuộc vào mỗi thư viện. Các thư viện sẽ xây dựng cách thức phục vụ liên thư viện cũng như chính sách phục vụ NDT ngoài thư viện tuỳ thuộc vào năng lực và chính sách riêng của mình.

Ưu điểm: chi phí về đầu tư trang thiết bị và nhân sự để vận hành là không lớn, có thể sử dụng hạ tầng công nghệ sẵn có tại mỗi thư viện và bổ sung nâng cấp thêm; Công việc quản lý được phân đều cho các thư viện. Ngoài ra, các thư viện thành viên có thể tự quyết định phương thức phục vụ, hoặc quyết định tiếp tục hay không tiếp tục quá trình liên kết. Do vậy khi có sự cố tại một thư viện hay một thư viện nào đó rút khỏi hệ thống thì các thư viện khác vẫn tiếp tục hoạt động.

Nhược điểm: mô hình này tiềm tàng một sự tan rã nếu như các thư viện không có sự cam kết mạnh mẽ và NDT có thể gặp khó khăn khi muốn sử dụng thư viện [5, 2].

Mô hình liên thông tập trung:

Mô hình liên thông tập trung (hay còn gọi là mô hình khai thác tập trung) được xem là mô hình hướng tới NDT. Điểm quan trọng của mô hình phối hợp này là tạo lập một cổng tra cứu chung cho cộng đồng NDT của các thư viện tham gia hợp tác.

Đặc điểm của mô hình này là có tính hợp tác rất cao. Các thư viện tham gia mô hình hợp tác với vai trò dẫn dắt của thư viện trung tâm sẽ đảm nhận hầu hết các nhiệm vụ: mô tả thông tin tài liệu, thông tin NDT, cùng xây dựng một bộ máy tìm kiếm với cổng tra cứu tập trung và cung cấp các dịch vụ thư viện (có tính liên thông trong hệ thống) thông qua một cổng thông tin duy nhất. Cổng thông tin này được quản lý bởi thư viện trung tâm.

Ưu điểm: mô hình này giúp các thư viện nhánh tránh được những khó khăn trong quá trình quản lý dữ liệu bởi vì thông tin và dữ liệu sẽ có tính duy nhất, không trùng lặp và dị bản; hoạt động của hệ thống xuyên suốt và ít trở ngại; việc duy trì và bảo trì hệ thống được dễ dàng; chính sách phục vụ của các thư viện thống nhất, NDT chỉ cần kết nối với cổng thông tin chung là có thể truy cập được thông tin họ cần, dẫn đến việc truy cập thông tin một cách nhanh chóng và chính xác.

Nhược điểm: do có thể phải xây dựng cả một hệ thống mới để đáp ứng nhu cầu của các thư viện nhánh nên về mặt chi phí sẽ rất tốn kém. Thêm nữa, nếu như có xảy ra sự cố tại thư viện trung tâm, cả hệ thống quản lý chung sẽ bị ảnh hưởng [2, 5].

3.2. Mô hình quản lý việc liên thông nguồn học liệu tại các thư viện đại học

Để đảm bảo mô hình liên thông hoạt động một cách thuận lợi, cần có những mô hình quản lý việc liên thông đó. Thông thường, để thuận tiện cho hoạt động, một số mô hình liên thông nguồn học liệu áp dụng cho những hệ thống thư viện khác nhau, trong những điều kiện thực tế không giống nhau, sẽ phát huy được những ưu điểm và khắc phục được những nhược điểm của từng đơn vị tham gia liên kết. Trong đó, có một số mô hình liên thông áp dụng hình thức quản lý theo từng đơn vị. Bên cạnh đó, tác giả McLaren (2001) [9] đã đề xuất mô hình quản lý theo nhóm công việc thay cho quản lý theo các đơn vị truyền thống tại hệ thống thư viện trường Đại học Kentucky, Hoa Kỳ.

Mô hình quản lý theo đơn vị:

Mô hình quản lý theo đơn vị là loại mô hình quản lý phân tán. Các đơn vị vẫn giữ nguyên cách thức hoạt động, quy trình xử lý nghiệp vụ, phục vụ của mình và nhận sự chỉ đạo duy nhất từ Trưởng đơn vị.

Ưu điểm: không mất nhiều thời gian để thích ứng với quy trình làm việc mới (nếu quy trình làm việc của các đơn vị là khác nhau).

Nhược điểm: không có sự thống nhất về chính sách, dễ xảy ra việc trùng lặp khi bổ sung tài liệu. Mặc khác, dẫn đến một số khó khăn cho NDT khi tìm kiếm và sử dụng tài nguyên tại các đơn vị khác nhau.

Mô hình quản lý theo nhóm công việc:

Mô hình quản lý theo nhóm công việc là một loại mô hình quản lý tập trung. Các đơn vị sẽ thống nhất dùng chung một quy trình nghiệp vụ, phục vụ; nhận sự chỉ đạo thống nhất từ lãnh đạo nhà trường/ Ban Giám đốc của thư viện trung tâm.

Ưu điểm: có sự chỉ đạo thống nhất về mặt nghiệp vụ và xây dựng chính sách hỗ trợ, đặc biệt các thư viện nhánh sẽ được hỗ trợ về mặt nghiệp vụ và đào tạo chuyên môn. Ngoài ra việc quản lý tập trung sẽ tránh sự trùng lắp trong việc xây dựng đề án bổ sung tài liệu mới.

Nhược điểm: các thư viện nhánh sẽ chịu sự lãnh đạo “kép” (từ Ban Chủ nhiệm Khoa và Ban Giám đốc thư viện trung tâm) trong khi nhận thức, đánh giá vai trò thư viện của lãnh đạo các đơn vị sẽ khác nhau. Vì vậy, các thư viện nhánh sẽ chịu hai tầng quản lý. Ngoài ra, sự chênh lệch về số lượng nhân viên giữa các thư viện gây nên tình trạng quá tải cho các nhân viên khi tham gia hoạt động chung. Chính vì vậy các TVĐH cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng ưu, nhược điểm của từng mô hình trước khi triển khai áp dụng việc liên thông, kết nối nguồn học liệu phù hợp với điều kiện cụ thể của các trường đại học.

4. Cơ hội thúc đẩy hoạt động liên thông nguồn học liệu tại các thư viện đại học ở Việt Nam

Nhu cầu của NDT thúc đẩy hoạt động hợp tác, liên thông bên trong và bên ngoài trường đại học

Nhu cầu của NDT là nguồn gốc tạo nên hoạt động thư viện. Đặc biệt, trong môi trường giáo dục đại học, NDT có nhu cầu tìm tài liệu, sử dụng thông tin phục vụ cho việc học tập, giảng dạy và nghiên cứu rất cao. Chính vì thế, hoạt động hợp tác, liên thông giữa các thư viện nhánh và thư viện trung tâm của Nhà trường cần được đẩy mạnh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu của NDT và tăng cường mức độ toàn diện trong nội dung các tài liệu được tiếp cận.

Hoạt động liên thông thư viện ngày càng được chú trọng

Nhà nước ngày càng quan tâm đến việc đầu tư cho phát triển thư viện. Theo Điểm d Khoản 4 Điều 1 Quyết định số 10/2007/QĐ-BVHTTDL ngày 04/05/2007 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã nêu rõ, cần “Đẩy mạnh hình thức liên kết, phối hợp hoạt động giữa các thư viện, các trung tâm thông tin trong cả nước; đặc biệt là hoạt động của các Liên hiệp thư viện khu vực và Liên hiệp thư viện các trường đại học” [3].

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước về thư viện đã được kiện toàn. Các thư viện hoạt động theo phương châm “thống nhất, chuẩn hoá, chia sẻ và hội nhập”. Đặc biệt, trong Dự thảo Luật Thư viện Việt Nam, vấn đề chia sẻ, hợp tác được nhắc đến như là chức năng, nhiệm vụ của thư viện chuyên ngành, đã tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động của các cơ quan thông tin và các thư viện trung tâm nói chung, hợp tác giữa thư viện nhánh và thư viện trung tâm của trường đại học nói riêng.

Xu hướng liên thông giữa các thư viện đại học Việt Nam

Hiện nay hợp tác, liên thông thư viện là một trong những khuynh hướng nổi bật của các thư viện trên thế giới vì những lợi ích mà hoạt động này mang lại. Thư viện Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Tuy trên thực tế, sự hợp tác, liên thông nguồn học liệu giữa các thư viện tại Việt Nam chủ yếu còn dựa trên những mối quan hệ sẵn có và riêng rẽ, chưa mang tính hệ thống, nhưng xu hướng này đang ngày càng phát triển và có những sự thay đổi tích cực.

Kết luận

Trong điều kiện thực tế tại các trường đại học công lập đa ngành ở Việt Nam, tình trạng thư viện khoa không có sự hợp tác chặt chẽ với thư viện trung tâm của trường dẫn đến việc giảm hiệu quả đối với việc tiếp cận thông tin của người học và người dạy.

“Thư viện nhánh” không chỉ phục vụ cho một bộ phận học thuật cụ thể, mà được tích hợp vào hệ thống thư viện trung tâm của trường đại học để phục vụ cho cộng đồng đại học nói chung. Đối với hệ thống quản lý trường đại học tại Việt Nam, đơn vị học thuật cụ thể thuộc trường đại học là một khoa trực thuộc trường, do đó thuật ngữ “thư viện nhánh” khi đặt trong bối cảnh Việt Nam được hiểu là thư viện của khoa trực thuộc trường đại học.

Từ kinh nghiệm của các trường đại học thế giới, mô hình liên kết thư viện dựa trên việc liên thông nguồn học liệu bằng cách sử dụng phần mềm kết nối và cổng tìm kiếm tập trung được đánh giá bước đầu là khả thi và có thể nâng cao hiệu quả phục vụ của hệ thống các thư viện trong trường đại học công lập Việt Nam. Một điều lưu ý trong quá trình liên thông nguồn học liệu bằng cách sử dụng phần mềm kết nối, các trường đại học công lập cần xem xét những yếu tố về con người, cấu trúc tổ chức và quản lý có thể ảnh hưởng đến kết quả của việc liên thông nguồn học liệu nói riêng và việc liên kết giữa thư viện khoa và thư viện trung tâm của nhà trường nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học (Ban hành kèm theo Thông tư 12/2017/TT-BGDÐT ngày 19/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

2. Đỗ Văn Hùng. Hợp tác chia sẻ tài nguyên thông tin giữa các thư viện đại học trong kỷ nguyên số // Sách chuyên khảo Xây dựng và phát triển thư viện số Việt Nam, quá khứ - hiện tại - tương lai. - H.: Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017.

3. Quyết định số 10/2007/QĐ-BVHTTDL ngày 04/05/2007 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

4. Võ Thị Hải Vân, Trần Thị HiềnLiên kết các thư viện đại học trong triển khai hoạt động dịch vụ Thư viện số // Sách chuyên khảo Xây dựng và phát triển thư viện số Việt Nam, quá khứ - hiện tại - tương lai. - H.: Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007.

5. Đỗ Tiến VượngNghiên cứu mô hình liên kết chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các thư viện đại học khối Kỹ thuật ở Việt Nam // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2013. - Số 1. -Tr. 36-40, 26.

6. Anglada, L.M. Working together, learning together: The Consortium of Academic Libraries of Catalonia // Information Technology and Libraries. - 1999. - No. 18(3). - P. 139-144.

7. Libweb list of academic libraries in the United Stateshttp://www.lib-web.org/. Truy cập ngày 20/7/2019.

8. MacColl, JLibrary roles in university research assessment // The Journal of European Research Libraries. - 2010. - No. 20 (2).

9. McLaren, M. Team structure: establishment and evolution within technical services at the University of Kentucky Libraries // Library Collections, Acquisitions, and Technical services. - 2001. - No. 25 (4).

10. Reitz, J.M. ODLIS: Online Dictionary of Library and Information Sciencehttp://vlado.fmf.uni-lj.si/pub /networks/data/dic/odlis/odlis.pdf. Truy cập ngày 30/7/2019.

11. Rodwell, J. and Fairbairn, L. Dangerous liaisons? Defining the faculty liaison librarian serv­ice model, its effectiveness and sustainability // Library Management. - 2018. - No. 29(1). - P. 116-124.

12. Seal, R.AAcademic Branch Libraries // Advances in Librarianship. - 1986. - No. 14(1). - P. 175-209.

13. Thull, J. and Hansen, M.A. Academic library liaison programs in US libraries: methods and benefits // New Library World. - 2009. - No. 110. - P. 529-540.

14. Zdravkovska, N. Academic Branch Libraries in Changing Times. Chandos Publishing, 2011.


[1] Nghiên cứu được tài trợ bởi trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. HCM trong khuôn khổ Đề tài mã số T2019-14.

_______________________________________________________________________

Bùi Thu Hằng, Lê Vũ Ngọc Duyên, Trần Huệ Vân, Trần Bảo Ngọc, Vũ Nguyên Anh

Trường Đại học KHXHNV, Đại học Quốc gia Tp. HCM

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam

Số lần đọc: 1
Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức  |  Ảnh hoạt động  |  Hỏi đáp  |  Gửi yêu cầu  |  Trang TT HVTC
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THƯ VIỆN
© Cơ quan chủ quản: Học viện Tài chính
Địa chỉ: Học viện Tài chính, Phường Đức Thắng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Điện thoại:
E-mail: thuvien@hvtc.edu.vn
Website: http://www.hvtc.edu.vn/thuvien
Phát triển bởi Công ty TNHH Phần mềm Hoàng Hà