Tìm
Chủ nhật, 09/04/2017 - 9:43

TẠO 'KẺ THÙ' ĐỂ CHINH PHỤC MỤC TIÊU
“Bọn chúng không muốn bạn có động lực. Bọn chúng không muốn bạn có cảm hứng”, anh nói trước máy quay. “Bọn chúng không muốn bạn chiến thắng,” anh cảnh báo. Trên talkshow Ellen DeGeneres, Khaled thúc giục người dẫn chương trình, “Ellen, làm ơn hãy tránh xa bọn chúng!”

DJ Khaled, nhân vật meme trên Internet, nổi tiếng với việc cảnh báo 10 triệu người theo dõi trên mạng xã hội của anh về một nhóm người xấu xa mà anh gọi là “bọn chúng”.

“Bọn chúng không muốn bạn có động lực. Bọn chúng không muốn bạn có cảm hứng”, anh nói trước máy quay. “Bọn chúng không muốn bạn chiến thắng,” anh cảnh báo. Trên talkshow Ellen DeGeneres, Khaled thúc giục người dẫn chương trình, “Ellen, làm ơn hãy tránh xa bọn chúng!”

“Bọn chúng” mà Khaled đề cập đến rõ ràng là một nhóm người xấu. Nhưng họ là ai? Khaled đưa ra gợi ý khi anh nói với DeGeneres, “Bọn chúng là những người không tin tưởng bạn… Bọn chúng là những người bảo rằng bạn sẽ chẳng bao giờ làm nên chương trình Ellen.”

Mặc dù tuyên bố của Khaled có vẻ lạ lùng, nhưng thật ra anh đang tận dụng một mẹo tâm lý vô cùng hiệu quả: gán lỗi. Việc tưởng tượng một kẻ xấu đang âm mưu chống lại ta, gán lỗi có thể là cách hiệu quả để ta thúc đẩy bản thân và thay đổi hành vi của mình. Tất nhiên là lịch sử đã cho thấy những chuyện tồi tệ có thể xảy ra khi mọi người hành động dựa trên những thuyết âm mưu vô căn cứ. Nhưng đôi khi ta có thể lấy độc trị độc.

Khaled không phải là người đầu tiên áp dụng chiến lược này, Trong cuốn The War of Art, Steven Pressfield sử dụng một thực thể mà ông gọi là “Kẻ chống đối” để chỉ yếu tố chống lại kết quả sáng tạo. “Hầu hết chúng ta đều có 2 cuộc đời,” Pressfield viết. “Cuộc đời ta đang sống, và cuộc đời chưa được sống bên trong ta. Chắn giữa 2 cuộc đời này là Kẻ chống đối.” Xuyên suốt cuốn sách, Pressfield nhắc nhở độc giả, “Kẻ chống đối luôn chống lại bạn.”

 

Tác giả kiêm nhà thiết kế game Jane McGonigal miêu tả một âm mưu tương tự của những kẻ xấu trong cuốn SuperBetter của mình. McGonigal đổ lỗi cho những kẻ xấu như “Bà Núi Lửa” và “Chú rồng tội nghiệp” khi nổi nóng với con hoặc cảm thấy thương thân. Khaled, Pressfield và McGonigal biết rằng “bọn chúng”, “Kẻ chống đối” và “những kẻ xấu” không thật sự tồn tại. Đối với Khaled, đó là lời nói đùa vốn làm bùng lên các meme. Nếu Khaled chỉ vào một nhóm người có thật muốn hủy hoại anh thì hành động gán lỗi của anh sẽ không còn vui nữa – mà nó có thể trở thành ác ý.

1. Những Nguyên Nhân Đúng Đắn

Để gán lỗi hiệu quả, quan trọng là bạn không nên đổ lỗi cho một việc hoặc một người cụ thể; nếu làm vậy, ta sẽ lẩn trốn trách nhiệm thay đổi hành động của chính mình.

Thay vào đó, ta nên tìm ra những nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành vi xấu của ta, vốn đòi hỏi việc đặt ra những câu hỏi khó – nhất là vì trực giác của ta thường xuyên sai lầm. Có thể nguyên nhân ta ăn nhiều quà vặt hoặc liên tục xem video trên YouTube không phải vì niềm vui nó mang lại mà vì những vấn đề sâu xa hơn. Có lẽ lý do thật sự đằng sau việc ta cứ dùng điện thoại giữa bữa tối không phải là vì ta nghiện điện thoại, mà là nghiện công việc.

Khi ta đã xác định được các hành vi tự hại mình, thử thách tiếp theo là tạo ra thay đổi, vốn có thể khó nếu ta nghĩ việc đang xảy ra là ngoài tầm kiểm soát. Những lúc này, thật dễ để cảm thấy bất lực và muốn bỏ cuộc. Đây là lúc gán lỗi có thể đem lại hiệu quả. Bằng cách hướng sự giận dữ và lo lắng vào những đối tượng vô hình, những thế lực chống lại ta dường như trở nên hữu hình hơn, vì vậy ta cảm thấy mình có nhiều sức mạnh chống lại bọn chúng hơn.

2. Bạn Sẽ Bất Lực Nếu Bạn Nghĩ Mình Bất Lực

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy một mối liên kết mạnh mẽ giữa cách ta nhìn nhận khả năng hành động của mình và việc ta thực hiện nó. Lấy ví dụ, để xác định mọi người có khả năng kiềm chế đến mức nào khi thèm thuốc lá, ma túy hoặc rượu, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một khảo sát tiêu chuẩn gọi là Bảng Câu hỏi Niềm Tin Về Cơn Nghiện (Craving Beliefs Questionnaire – CBQ). Đánh giá này được thay đổi theo lựa chọn chất gây nghiện của người tham gia và hiện ra những câu như “Một khi cơn nghiện bắt đầu… tôi không thể kiểm soát hành vi của mình” và cơn nghiện “lấn át ý chí của tôi”. Cách người tham gia đánh giá những câu nói này cho nhà nghiên cứu biết họ cảm thấy bất lực hay kiên cường thế nào khi đứng trước cám dỗ. Số điểm thấp hơn tiết lộ rằng người tham gia tin họ có nhiều kiểm soát hơn, trong khi số điểm cao hơn tương quan với những người tin rằng chất gây nghiện điều khiển họ.

Một nghiên cứu về người sử dụng chất gây nghiện methamphetamine đăng trên Tạp chí Điều trị Việc Lạm dụng Chất gây nghiện năm 2010 kết luận rằng người có điểm CBQ thấp có xu hướng không uống rượu và người tham gia có điểm số giảm dần theo thời gian – tức là họ cảm thấy kiên cường hơn qua thời gian – có khả năng cai nghiện tốt hơn. Một nghiên cứu về người nghiện thuốc lá được công bố năm 2014 cho thấy kết quả tương tự: Người có khả năng tái nghiện là người tin họ không thể cưỡng lại cơn nghiện.

Mặc dù lập luận này không có gì đáng ngạc nhiên – nếu ta tin rằng mình bất lực, ta thậm chí sẽ không cố gắng tránh thất bại – sức ảnh hưởng của nó rất lớn. Một nghiên cứu năm 2015 đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Rượu và Ma túy phát hiện ra rằng những cá nhân tin họ bất lực trong việc cưỡng lại cơn nghiện có dễ bị tái nghiện hơn. Thật ra, niềm tin mình bất lực xác định khả năng một người sẽ tái nghiện sau khi điều trị cũng nhiều như bản thân mức độ phụ thuộc.

3. Chấp Nhận Kẻ Thù

Ngoài việc cảm thấy mạnh mẽ hơn, gán lỗi có thể tận dụng bản năng của ta để chống lại các mối đe dọa đến sự tự do và quyền tự chủ, hiện tượng các nhà tâm lý học gọi là “điện kháng”. Lấy ví dụ, khi sếp quản lý bạn quá chặt và giao việc cho bạn với một thái độ kẻ cả, bạn có thể cảm thấy khó chịu và quyết định làm điều ngược lại: bạn quyết định “chống đối sếp”. Gán lỗi sử dụng sức mạnh của điện kháng để hướng về những kết quả tích cực. Nếu cảm thấy ai đó hoặc điều gì đó đang chống lại mình, ta sẽ làm việc chăm chỉ hơn nhằm chứng minh rằng họ sai.

Phương pháp khơi gợi “điện kháng” đã được áp dụng thành công trong các nỗ lực sức khỏe công cộng, chẳng hạn như chiến dịch Sự Thật chống lại việc hút thuốc, vốn cố gắng thu hút những học sinh nổi loạn (người cảm thấy điện kháng đối với tất cả mọi người). Thay vì đưa ra những hậu quả xa vời như khí phễ thũng và bệnh phổi đen, chiến dịch Sự Thật tạo dựng hình ảnh ngành công nghiệp thuốc lá như nhóm người có mưu đồ xấu xa. Trong một quảng cáo, các nhà họa động cố gắng chuyển thùng có nhãn “máy phát hiện nói dối” đến trụ sở của một công ty thuốc lá và nhanh chóng ra về. Trong một quảng cáo khác, các nhân vật hoạt hình ngắt ngang những người hút thuốc tại một bữa tiệc bằng cách la lớn “Đó là một cái bẫy!”

Ta có thể áp dụng các phương pháp tương tự để sử dụng cẩn thận phương pháp gán lỗi nhằm tăng động lực. Nếu tưởng tượng có một thế lực đang chống lại mình, ta sẽ dễ cảm thấy thôi thúc muốn chống lại các cám dỗ và làm việc chăm chỉ hơn để đạt đến mục tiêu của mình.

Tất nhiên, đó thật ra chỉ là ta đang chống lại bản thân mình. Nhưng khi ta không muốn thừa nhận điều đó thì việc tạo ra một kẻ thù rõ ràng để chống lại có thể giúp ta khơi gợi quyết tâm cần thiết để thành công, dù thực tế là “bọn chúng” hiện diện ngay trong mỗi người chúng ta.

Sau đây là các ý chính của bài: Nếu được sử dụng đúng đắn, gán lỗi có thể là một công cụ hiệu quả trong việc chống lại cám dỗ và theo đuổi các mục tiêu khó. Nó cũng có thể nguy hiểm và phản tác dụng nếu không được sử dụng đúng cách.

Đổ lỗi là một dạng cơ chế tự vệ tâm lý vốn giải thoát ta khỏi các cảm xúc khó chịu khi điều tồi tệ xảy ra ngoài tầm kiểm soát của ta, hoặc khi ta không muốn chấp nhận rằng mình phải chịu trách nhiệm cho chính vấn đề của mình.

Ta chẳng thể làm gì nếu điều không hay xảy ra xuất phát từ các tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát của ta. Nhưng ta thường mạnh mẽ hơn ta nghĩ trong các tình huống liên quan đến hành vi của mình. Các nghiên cứu phát hiện ra rằng người ta dễ bỏ cuộc hơn khi tin rằng cám dỗ sẽ kiểm soát họ.

Miễn là ta hướng hành vi của mình vào giải quyết cốt lõi vấn đề, việc tạo ra một kẻ thù tưởng tượng – cho rằng chính kẻ này gây ra vấn đề – có thể giúp ta cảm thấy mạnh mẽ hơn và cưỡng lại cám dỗ hoặc chinh phục được mục tiêu của mình.

(*) Meme: Một biểu tượng văn hóa hoặc một ý tưởng được lan truyền rộng rãi và nhanh chóng trên Internet.

Theo: Nir Eyal, ubrand.cool

Trích dẫn: Trang Bối

 

 




 

Số lần đọc: 1897
Hoạt động qua ảnh
Ảnh-02-04-2017-03-img0 Ảnh-02-04-2017-03-img1 Ảnh-02-04-2017-03-img2 Ảnh-02-04-2017-03-img3 Ảnh-02-04-2017-03-img4 Ảnh-02-04-2017-03-img5 Ảnh-02-04-2017-03-img6 Ảnh-02-04-2017-03-img7 Ảnh-02-04-2017-03-img8 Ảnh-02-04-2017-03-img9 Ảnh-02-04-2017-03-img10 Ảnh-02-04-2017-03-img11 Ảnh-02-04-2017-03-img12 Ảnh-02-04-2017-03-img13 Ảnh-02-04-2017-03-img14 Ảnh-02-04-2017-03-img15 Ảnh-02-04-2017-03-img16 Ảnh-02-04-2017-03-img17 Ảnh-02-04-2017-03-img18 Ảnh-02-04-2017-03-img19